22/07/2009 01:35 GMT+7

Tượng đài giữa lòng dân

MINH THU
MINH THU

TT - Ngay từ sáng sớm ngày đầu tháng 7, hàng ngàn người dân trên đảo Lý Sơn nô nức kéo về cảng neo đậu tàu thuyền ở thôn Đông, xã An Hải (huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi) để chứng kiến từng khối đá cụm tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải từ đất liền vượt biển ra đảo.

m55ELH5s.jpgPhóng to
Nhà điêu khắc Hà Trí Dũng (phải) trò chuyện cùng một người dân ở huyện đảo Lý Sơn dưới chân tượng đài - Ảnh: Minh Thu
Kêu gọi hiến tặng hiện vật liên quan Hải đội Hoàng SaGắn bảng “Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” vào cụm tượng đài Đội Hoàng Sa tại Lý SơnTạc tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc HảiBảo tàng chủ quyền Hoàng Sa - Trường Sa trên đảo Lý Sơn

Suốt những ngày qua, nhà điêu khắc Hà Trí Dũng cần mẫn hướng dẫn nhóm thợ lắp đặt chính xác từng chi tiết, vị trí từng nhân vật tượng đài. Cụm tượng đài lần lượt được đưa lên bệ, dựng lên sừng sững giữa nghìn trùng sóng nước huyện đảo Lý Sơn.

Tổ tiên trở về

Ba nhân vật của tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải cao 4,5m và năm thẻ bài (mỗi thẻ bài cao hơn 2,2m), chất liệu làm bằng đá xanh Thanh Hóa có tổng trọng lượng gần 40 tấn. Cụm tượng đài nằm trong dự án bảo tồn di tích lịch sử Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải với tổng vốn đầu tư khoảng 15,5 tỉ đồng, trong đó riêng cụm tượng đài có vốn đầu tư khoảng 5 tỉ đồng.

Ngày 19-7, Hội đồng nghệ thuật tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp với UBND huyện Lý Sơn tổ chức nghiệm thu và đánh giá cao tính chân thực lịch sử, thẩm mỹ của tượng đài. Tượng đài dự kiến được khánh thành ngày 2-9 tới.

Nhân vật trung tâm của cụm tượng đài là vị cai đội chỉ huy đứng chính diện, tay phải chỉ ra phía trước biển Đông thể hiện sự khẳng định chủ quyền biển và hải đảo của Tổ quốc, tay trái đặt trên tấm thẻ bài có khắc dòng chữ “Vạn lý Hoàng Sa” và “Vạn lý Ba Bình” với dòng lạc khoản ghi “Minh Mạng thứ 17- năm Bính Thân 1836”.

Đứng cạnh vị cai đội là hai dân binh: một dân binh tay trái cầm giáo và một dân binh vác lưới đồng hành cùng vị cai đội giong buồm ra biển Đông thực thi nhiệm vụ cắm mốc chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. Phía sau cụm tượng là dòng chữ do Bộ Công của triều đình dâng lên vua Minh Mạng phê chuẩn khẳng định quần đảo Hoàng Sa là một bộ phận quan trọng không thể tách rời của đất nước, với dòng chữ “Bản quốc hải cương Hoàng Sa xứ tối thị hiểm yếu”.

Tượng đài được thiết kế dựa trên tư liệu chính sử về hải đội Hoàng Sa và lời kể lại của nhân dân ở huyện Lý Sơn. Sở dĩ chọn ba nhân vật “tam nhân đồng hành” giong buồm ra biển Đông là thể hiện sự vững chắc, sức mạnh trước sóng gió.

Để phác thảo mẫu tượng, nhà điêu khắc Hà Trí Dũng phải nhiều lần ra đảo Lý Sơn khảo sát, lấy ý kiến nhân dân, sưu tập tài liệu lịch sử. Từ đó đến khi hoàn thành thiết kế mất hơn tám năm. Ông bộc bạch: “Tham gia thiết kế, lắp đặt nhiều công trình tượng đài trong cả nước nhưng chưa có nơi đâu tôi lại có cảm xúc mạnh như với Lý Sơn lần này. Ngày nào cũng có người dân ghé xem, nhất là các cụ già đến hỏi nhiều về tượng đài như thể người thân, tổ tiên của họ đã trở về”.

Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa

Đi vòng quanh cụm tượng đài, thỉnh thoảng ông Phạm Thoại Truyền - hậu duệ đời thứ năm suất đội trưởng Phạm Hữu Nhật (người từng chỉ huy đội thủy quân ra cắm mốc ở Hoàng Sa) - xúc động ngước nhìn lên tượng đài vị cai đội trưởng. Ông Truyền nói: “Thuở trước ông bà tôi thường kể lại rằng lính Hoàng Sa đi dễ khó về, nhiệm vụ thì nặng nề, công việc giữa biển khơi hiểm họa khó lường, trong khi phương tiện thời đó rất thô sơ. Những người lính Hoàng Sa thời đó thường đối mặt với cái chết. Do vậy để tri ân công đức những người đi làm nhiệm vụ ở Hoàng Sa, nhân gian Lý Sơn có câu truyền: Ân đức dựng xây miền đảo Lý. Nghĩa tình bồi đắp dải Hoàng Sa”. Hằng năm vào tháng 2, tháng 3 âm lịch, hơn 40 tộc họ trên huyện đảo Lý Sơn cùng nhau tổ chức lễ khao lề thế lính Hoàng Sa cũng là để tri ân công đức cao cả ấy.

Đứng dưới chân tượng đài, ông Đặng Lên - người thay mặt tộc họ Đặng ở xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn hiến tặng tờ lệnh quý về Hoàng Sa cho Nhà nước vào tháng 4 - phấn khởi nói: “Tượng đài đã gợi cho con cháu tộc họ tôi càng thêm ghi nhớ ơn sâu công đức tổ tiên đã từng không tiếc máu xương đưa thuyền ra biển Đông đo đạc hải trình, cắm cột mốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ. Nhà nước dựng tượng đài về đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải nơi đây không chỉ là niềm vinh dự cho các tộc họ trên đảo có tổ tiên từng ra Hoàng Sa - Trường Sa làm nhiệm vụ mà còn là niềm tự hào chung cho cả quê hương huyện đảo Lý Sơn”.

Trong tờ lệnh quý về Hoàng Sa đã thể hiện rõ: ông Đặng Văn Siểm (tổ tiên của ông Lên) từng nhiều lần làm tài công lái thuyền đưa đội thủy quân ra cắm mốc khẳng định chủ quyền VN trên quần đảo Hoàng Sa. “Đó là niềm tự hào lớn của tộc họ chúng tôi” - ông Đặng Lên thổ lộ.

Cảm nhận về cụm tượng đài đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, ông Nguyễn Thanh Tùng - phó chủ tịch UBND huyện đảo Lý Sơn - nhấn mạnh: “Tượng đài này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, mang tính biểu tượng tâm linh tri ân những người đã từng hi sinh trên biển Đông bảo vệ chủ quyền biển đảo trên hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa. Hi vọng qua tượng đài này, thế hệ trẻ càng có ý thức trách nhiệm bảo vệ biên giới biển đảo, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa lịch sử biển đảo của quê hương, đất nước”.

MINH THU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên