07/06/2016 08:00 GMT+7

Tượng đài: cần quy hoạch để tránh lãng phí

THÁI LỘC (thailoc@tuoitre.com.vn)
THÁI LỘC (thailoc@tuoitre.com.vn)

TTO - Ông Vi Kiến Thành - cục trưởng Cục Mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm (Bộ VH-TT&DL) - cho biết quy hoạch tượng đài Hồ Chí Minh đến năm 2030 vừa được Chính phủ thông qua với sáu công trình được xây mới.

Sau 4 năm đưa tượng đài cụ Phan về công viên Phan Bội Châu ven sông Hương (Huế), phương án gắn bức phù điêu của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn đến nay vẫn chưa được Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế thực hiện - Ảnh: GIA HƯNG
Sau 4 năm đưa tượng đài cụ Phan về công viên Phan Bội Châu ven sông Hương (Huế), phương án gắn bức phù điêu của cố điêu khắc gia Lê Thành Nhơn đến nay vẫn chưa được Bảo tàng Lịch sử và cách mạng Thừa Thiên - Huế thực hiện - Ảnh: GIA HƯNG

Sáu địa phương được Chính phủ cho phép xây dựng tượng đài Bác Hồ bao gồm: Sơn La, Hải Phòng, Thái Bình, Quảng Bình, Bình Định và Kiên Giang. Văn bản của Chính phủ cũng đề nghị Bộ VH-TT&DL thực hiện quy hoạch tượng đài Bác Hồ quy mô nhỏ tại những khuôn viên các công trình, trụ sở trên cả nước.

Trước đó, các địa phương đề xuất lên Bộ VH-TT&DL với 58 tượng đài Bác Hồ xây dựng đến năm 2030. Bộ đã “loại” gần hết, chỉ trình Chính phủ bảy hạng mục tại bảy địa phương. Lên đến Chính phủ thì hạng mục tại TP Đà Nẵng tiếp tục bị “loại”.

Ngoài ra, Bộ VH-TT&DL cũng đang thực hiện quy hoạch tượng đài danh nhân - anh hùng dân tộc cấp quốc gia, sắp đến sẽ trình Chính phủ phê duyệt.

Tượng xấu do không thực hiện đúng quy trình thẩm định

Ông Vi Kiến Thành cho biết cả nước hiện có 370 tượng đài nói chung. Nếu “chia cơ học” cho 63 tỉnh thành thì con số bình quân không lớn. Tuy nhiên, ông thừa nhận tượng đài đạt chất lượng nghệ thuật không nhiều; phần lớn chỉ đạt mức trung bình và không ít tượng đài xấu.

Nguyên nhân xấu là do các địa phương và các ngành tự ý xây dựng, bỏ qua quy trình mà Chính phủ đã quy định rõ trong nghị định 113 năm 2013 về hoạt động mỹ thuật.

“Quy trình làm tượng đài theo nghị định 113 quy định rất chặt chẽ, từ cuộc thi/chỉ định sáng tác mẫu phác thảo đến khi duyệt để công trình được làm qua rất nhiều bước và qua con mắt biết bao nhiêu nhà chuyên môn, nên không thể có chuyện không đạt yêu cầu. Tượng xấu là do người ta không thực hiện đúng quy trình!” - ông Thành nhận xét.

Theo ông, việc quy hoạch tượng đài là một chủ trương đúng, rất cần thiết để có cái nhìn tổng thể xem địa phương nào cần tượng gì, tránh trùng lắp, lãng phí.

Quy hoạch tượng đài là để dành quỹ đất, tránh trường hợp khi cần thiết xây dựng phải giải tỏa, đền bù... Do đó bộ khuyến khích các tỉnh, thành phố thực hiện quy hoạch tượng đài.

Ông Thành cho hay nhiều tỉnh thành như Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Vĩnh Phúc... đang thực hiện công việc quy hoạch tượng đài.

“Các địa phương khi xây dựng tượng đài nên nghiêm túc tuân thủ quy định của Chính phủ. Bộ sẽ kiểm soát chất lượng thông qua kiểm soát nhân sự các hội đồng chuyên môn!” - ông Vi Kiến Thành gửi gắm.

Nếu làm tượng đài thì phải tính toán, nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, nên tìm những hình thức khác để vĩnh cửu hóa những gì đáng lưu đáng giữ

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính

Huế thêm 30 tượng đài là nhiều hay ít?

Nằm trong kế hoạch mà Bộ VH-TT&DL đang khuyến khích ấy, ngày 20-5 UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phê duyệt đề cương nhiệm vụ quy hoạch tượng đài, tranh hoành tráng của tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Từ trước đó, vào tháng 2-2016, đề cương quy hoạch nói trên đã được Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế thực hiện và đưa ra lấy ý kiến các ban, ngành liên quan. Kế hoạch đề ra của đề cương quy hoạch đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 đề xuất xây dựng thêm 30 tượng đài và tranh hoành tráng.

Con số nói trên sẽ nâng toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế lên 59 tượng đài (hiện có 29 tượng đài). Đó là chưa kể hơn 130 tượng điêu khắc ở các công viên, khu du lịch và rất nhiều tượng tôn giáo tín ngưỡng.

Ông Vi Kiến Thành đánh giá cao tỉnh Thừa Thiên - Huế khởi động quy hoạch tượng đài và nhận xét đây là một tín hiệu rất tốt trong việc thực hiện kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch phát triển mỹ thuật đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 mà Bộ VH-TT&DL vừa ban hành.

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính không bình luận con số tượng đài ở Huế nhiều hay ít. Ông bắt đầu từ việc đặt tượng đài Phan Bội Châu ở công viên Phan Bội Châu cạnh chân cầu Trường Tiền, cho rằng: “Cho dù nghĩ ngợi mãi mới đặt được tượng cụ Phan ở vị trí này. Tất nhiên vị trí tốt hơn so với sân nhà cụ Phan trước đó, nhưng không chắc tượng không đặt sai vị trí. Tượng đầu người to kỷ lục như thế mà lại đặt ở một góc công viên, rất thiếu không gian!”.

Theo GS Kính, Huế là thành phố di sản, mật độ di tích, di sản cao nhất cả nước. Cái mà Huế cần là sự ghi nhớ và tự thân những di sản đã là “bộ nhớ” của thành phố di sản này rồi. Cho nên Huế không cần thiết phải có nhiều tượng đài như các nơi khác.

“Hãy tìm những phương tiện nào đó phù hợp với văn hóa Huế, với thẩm mỹ của người Việt, chuyển tải tốt hơn bộ nhớ bằng thị giác chứ không bắt buộc phải là tượng đài. Nếu làm tượng đài thì phải tính toán, nghiên cứu hết sức kỹ lưỡng, nên tìm những hình thức khác để mà vĩnh cửu hóa những gì đáng lưu đáng giữ.

Ông cha ta muôn thủa vẫn dùng cái bia biển, vừa khiêm tốn vừa đầy đủ ý nghĩa hơn là những tượng giơ tay giơ chân, mắt trợn trừng. Văn bia và chữ nghĩa tốt, nó chuyển tải nhiều thông tin hơn!” - GS Kính nói.

Trong 30 tượng đài sẽ được xây dựng thêm tại Thừa Thiên - Huế, riêng tại TP Huế có 15 hạng mục, tất cả “bằng chất liệu bền vững, kích thước lớn, có tính biểu tượng cao, đặt cố định nơi công cộng”.

Đáng chú ý trong danh mục là các tượng đài: nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (tại điểm đầu đường Trịnh Công Sơn), công chúa Huyền Trân (tại công viên bãi bồi cồn Dã Viên), chúa Nguyễn Phúc Nguyên (tại công viên bờ sông đường Kim Long), tượng đài nghệ thuật trên đồi Vọng Cảnh, biểu tượng nghệ thuật Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới (gần cầu dẫn hầm Hải Vân), công trình điểm nhấn cửa ngõ phía bắc tỉnh Thừa Thiên - Huế (huyện Phong Điền)...

Làm ồ ạt nhưng chưa đánh giá hiệu quả

Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế (phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) với vốn đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỉ đồng bằng ngân sách nhà nước nay bị bỏ hoang, hoen gỉ (ảnh nhìn từ phía sau) - Ảnh: V.V.TUÂN
Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế (phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) với vốn đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỉ đồng bằng ngân sách nhà nước nay bị bỏ hoang, hoen gỉ (ảnh nhìn từ phía sau) - Ảnh: V.V.TUÂN

GS.TS.KTS Hoàng Đạo Kính nói: “Việc xây dựng tượng đài ở VN khá ồ ạt, quy mô và tốn kém thời gian qua nằm trong tình cảnh chưa được đánh giá hiệu quả. Người VN, theo tôi, cũng chưa quen lắm và cũng chưa có nhiều thành quả với nghệ thuật điêu khắc ngoài trời, tượng đài, trong khi lại quen với những bức tượng trong đền chùa.

Do đó nếu làm tượng đài thì phải vừa làm vừa nghĩ, soi xét cẩn thận chứ không nên ồ ạt. Tượng đài là một công việc hết sức đặc trưng, là hoạt động văn hóa cao cấp chứ không phải quần chúng”.

THÁI LỘC (thailoc@tuoitre.com.vn)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên