Những công trình tượng đài tiền tỉ bị bỏ hoang, xây dựng dở dang, nhếch nhác. Ảnh tư liệu. |
Hàng ngàn bạn đọc trên cả nước đã lên tiếng bất bình trước vụ việc ngân sách nhà nước phải bỏ ra hơn 1.500 tỉ đồng xây dựng tượng đài Đinh Tiên Hoàng nhưng lại bỏ hoang. Nhiều người hỏi: Xây tượng đài hoành tráng làm gì khi trường học, bệnh viện còn thiếu thốn?
Tượng đài: rêu mốc phủ, thủng nhiều mảng
Tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế, (Phường Ninh Khánh, TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình) với vốn đầu tư dự kiến hơn 1.500 tỷ đồng bằng ngân sách nhà nước nay bị bỏ hoang, xuống cấp nghiêm trọng.
Màu đen của rêu mốc phủ kín tượng đài. Phần tay bị ăn mòn, thủng nhiều mảng lớn.
Toàn thân tượng Đinh Tiên Hoàng Đế qua mưa nắng thời gia và không có người gìn giữ, sửa sang, giờ đã được phủ kín bởi một màu đen của rêu mốc.
Đáng sợ hơn, người dân địa phương cho biết, chân tượng đài Đinh Tiên Hoàng lâu nay đã trở thành nơi tụ tập của các con nghiện trong thành phố. Ngay dưới chân tượng đài có rất nhiều bơm kim tiêm đã qua sử dụng, vứt bữa bãi.
Trước đó, TT cũng đăng tải thông tin dự án tượng đài Phan Đình Phùng ở Hà Tĩnh vẫn còn dang dở, vật liệu xây dựng bị vứt bừa bãi, nhếch nhác sau nhiều năm xây dựng.
Nhiều bạn đọc có lẽ còn chưa quên số tiền 1.400 tỉ đồng mà tỉnh Sơn La dự tính chi cho việc xây quảng trường, tượng đài.
Bị bỏ hoang nhiều năm nay, tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế đặt trong quảng trường Đinh Tiên Hoàng Đế ở ngay khu trung tâm hành chính TP Ninh Bình (tỉnh Ninh Bình) hiện xuống cấp nghiêm trọng, xung quanh mọc đầy cỏ dại - Ảnh: V.V.Tuân |
Còn chờ ngân sách để tiếp tục xây dựng
Trả lời Tuổi Trẻ, ông Đinh Văn Thứ, Chủ tịch UBND TP Ninh Bình cho biết chỉ có phần tượng đài là được doanh nghiệp tư nhân cung tiến. Còn các hạng mục xung quanh đều được đầu tư bằng ngân sách nhà nước.
“Hiện nay chúng tôi đang tiến hành giải phóng mặt bằng, di chuyển các hộ dân ở gần đó để tiếp tục thi công nhưng do còn thiếu nhiều vốn nên cũng chưa biết đến thời điểm nào mới có thể hoàn thành dự án này”, ông Thứ nói.
Theo ông Thứ, chỉ ở những chỗ thi công chậm, chưa thi công mới có hiện tượng cỏ mọc.
“Chúng tôi cũng cho kiểm tra, tuần tra tình hình an ninh trật tự ở khu tượng đài, chứ không phải bỏ đấy. Tất nhiên, có những thời điểm tuần tra vào ban đêm không thể bao quát hết được thì mới xuất hiện các bơm kim tiêm ở chân tượng đài. Nhưng dù sao đấy cũng là những việc nhỏ”, ông Thứ cho biết.
Bà Phạm Thị Hoàn, phó giám đốc Sở VH-TT&DL Ninh Bình lý giải rằng tượng đài này chưa khánh thành do doanh nghiệp tư nhân cung tiến cho tỉnh nhưng vẫn chưa đúc đúng mẫu, không theo đúng yêu cầu nên các cơ quan nhà nước chưa nghiệm thu.
“Một số hạng mục của dự án còn làm dang dở, chưa thi công được tiếp do chưa có tiền để làm. Hiện nay, dự án vẫn đang chờ vốn đầu tư, có vốn đến đâu thì làm đến đấy. Vì thế, nên tượng đài Đinh Tiên Hoàng Đế vẫn chưa được hô thần nhập tượng, chưa làm thủ tục gì cả nên nó cũng như là một sản phẩm bằng đồng”- bà Hoàn cho biết.
Phần sân dưới chân tượng đài đang thi công dang dở, cỏ mọc xen lẫn những phần đã được lát đá - Ảnh: V.V.Tuân |
Dưới chân tượng đài Đinh Tiên Hoàng là rất nhiều bơm kim tiêm đã qua sử dụng vứt bừa bãi - Ảnh: V.V.Tuân |
Có thể tưởng nhớ bằng nhiều hình thức khác
GS.TS Đỗ Quang Hưng (Trường ĐH KHXHNV, ĐHQG Hà Nội) cho biết việc xây dựng tượng đài tùy mức độ, tùy thời đại mà các nước trên thế giới đều làm. Tuy nhiên việc xây những hệ thống tượng đài lớn ở nơi công cộng hoặc cơ sở tôn giáo, tâm linh không phải là truyền thống văn hóa của người VN.
Ở những nơi có nền điêu khắc phát triển, có kinh nghiệm xây dựng tượng đài ngoài trời như ở Âu Mỹ, những bức tượng danh nhân, nhân vật lịch sử thường mang giá trị thẩm mỹ cao và hơn thế nữa còn thể hiện truyền thống và đặc trưng văn hóa dân tộc.
Người châu Á thì thường chỉ làm tượng Phật đặt trong các đền, chùa. Còn nhân vật lịch sử thì ta không có nhiều kinh nghiệm hay khả năng nghệ thuật để khắc họa dưới hình thức một bức tượng đặt ngoài trời.
Người VN mình từ xưa đến nay là như thế. Trong lịch sử chưa bao giờ người VN làm những bức tượng to lớn như bây giờ. Nếu có đúc tượng thì cũng chỉ là những bức tượng bán thân to vừa đủ”, GS.TS Đỗ Quang Hưng phân tích.
Theo GS.TS Đỗ Quang Hưng, người châu Á có nhiều hình thức khác để tưởng nhớ đến các anh hùng, nhân vật lịch sử. Việc làm tượng ở VN mới có ở một vài thập kỷ gần đây thôi chứ không phải là có từ xa xưa và hiện nay nó cũng không có nhiều giá trị thẩm mỹ cũng như văn hóa.
“Ví dụ như đền thờ các Vua Hùng cũng có tượng đài đồ sộ gì đâu”, GS.TS Đỗ Quang Hưng dẫn chứng.
Bàn về khía cạnh xã hội học, GS.TS Đỗ Quang Hưng cho rằng người dân nước mình từ xưa đến nay không có thói quen hưởng thụ văn hóa từ các tượng đài đặt nơi công cộng.
Trong não trạng và tâm thức của người Việt thì việc tưởng nhớ anh hùng dân tộc tổ tiên được thể hiện qua nhiều hình thức khác như đi viếng lăng, mộ đền, tổ chức lễ hội,…
“Đó là một trong những lý do lý giải cho việc các bức tượng này dù được đầu tư rất nhiều tiền, con số có thể lên đến hàng nghìn tỉ nhưng vẫn bị bỏ hoang phế”, GS.TS Đỗ Quang Hưng phân tích.
GS.TS Đỗ Quang Hưng cũng nói thêm rằng có thể bản thân tượng đài Đinh Tiên Hoàng này cũng như một số tượng đài bị bỏ hoang phế khác là một thất bại về thẩm mỹ nên nó mới bị bỏ hoang phế như vậy.
“Tỉ lệ thành công của các tượng này ở VN là rất ít, thế nên không nên khuyến khích việc xây tượng đài ở VN. Khi nào đất nước ta hội tụ đủ các điều kiện, có không gian xứng đáng, có nghệ nhân giỏi, việc tuyển chọn nhân vật tốt, có ý nghĩa thì hãy làm.
Còn nếu làm thì khả năng thất bại có thể lên đến 80%. Thất bại ở đây có nghĩa là bỏ rất nhiều tiền nhưng lại không có hiệu quả giáo dục, thẩm mỹ hay văn hóa”, GS.TS Đỗ Quang Hưng nói.
“Ở đây còn có thể tồn tại vấn đề phức tạp hơn là chỉ lãng phí” - GS.TS Đỗ Quang Hưng nói.
Tượng đài hoen rỉ (nhìn từ phía sau) - Ảnh: V.V.Tuân |
Khi nỗi bất bình vẫn là chưa đủ Các bạn đọc chua xót “van vỉ”: “Xin đừng xây tượng đài nữa. Dân đang nghèo khổ lắm. Lấy tiền đó để xây bệnh viện trường học cho dân có phải hơn không? Thật xót xa công sức của dân. Bao giờ cho hết nạn tiêu tiền hoang phí kiểu này?” Nhiều ý kiến cho rằng việc lãng phí như vậy không chỉ đắc tội với dân mà còn với chính nhân vật lịch sử được làm tượng nhưng lại bị bỏ hoang phế ấy. “Đinh Tiên Hoàng xuất thân từ trẻ chăn trâu, để tưởng nhớ ông sao không lấy 1.500 tỉ làm chăm lo cho toàn bộ trẻ em hiện nay đang chăn trâu, bò? Nếu vì mẹ Việt Nam anh hùng thì xây nhà dưỡng lão cho các mẹ, sao nỡ để các mẹ sống trong cơ cực đứng trên nền gạch bong tróc ngắm tượng đài hàng nghìn tỉ?”- một bạn đọc đặt vấn đề. Tại sao chúng ta không quan tâm, đầu tư cải thiện chương trình giáo dục lịch sử trong nhà trường mà lại chi rất nhiều tiền để xây tượng đài hàng ngàn tỉ về các nhân vật lịch sử? “Các tỉnh đua nhau xây dựng tượng đài nghìn tỉ trăm tỉ. Thật là lãng phí. Trong khi đó dân đang còn thiếu biết bao nhiêu bệnh viện trường học; các cầu qua sông, qua suối ở vùng sâu vùng xa lại không được ai quan tâm”, GS.TS Kiều Thu hoạch nói. Nhiều bạn đọc lại trào phúng: “Rất hay, xây tượng đài ngàn tỷ để con nghiện ngắm lúc phê thuốc. Một việc làm “siêu ý nghĩa”, “Sao lại đem một vị Vua ra đồng cho cỏ mọc rồi để con nghiện trông coi vậy?”. |
>> Mời bạn đọc nghe các phát biểu trong bài:
>> GS.TS Đỗ Quang Hưng
>> GS.TS Kiều Thu Hoạch
* Xem Tượng đài hơn 30 tỉ đồng dở dang, nhếch nhác
* Đắk Nông vận động kinh phí xây tượng đài 146 tỉ đồng
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận