25/04/2007 12:48 GMT+7

Tuổi vị thành niên - không thể tự mình vượt qua những "rối nhiễu" đầu đời

NHÓM PV TTO
NHÓM PV TTO

TTO - Khoảng cách thế hệ làm nên những sang chấn tâm lý ở tuổi mới lớn? Xã hội càng hiện đại, người trẻ càng cảm thấy cô đơn và từ đó dễ dẫn đến những hiện tượng rối nhiễu tâm lý?...

E6i0RFmz.jpgPhóng to

Phải chăng, các bạn trẻ đâu thể đơn thân tự vượt qua những biến động ấy!

Đó là những điều mà các khách mời tham gia bàn tròn trực tuyến: Tuổi vị thành niên và những chấn thương tâm lý, do báo Tuổi Trẻ Online tổ chức sáng 25-4-2007 cùng với bạn đọc thảo luận. Những hồi chuông đã gióng, song, không phải ai cũng đã sẵn sàng bắt tay vào thực hiện và ý thức rõ vai trò của mình với sự phát triển của các bạn trẻ đang chập chững vào đời...

* Có cảm giác là trẻ em bây giờ "lớn" nhanh hơn so với các thế hệ trước, việc này tạo nên "khoảng cách thế hệ" rất lớn và cũng cho thấy có một cuộc khủng hoảng trong nhận thức và giáo dục từ phía gia đình. Liệu pháp nào để "giảm chấn" căn bệnh này? (Mạnh Vũ, 37 tuổi, nguyen@ya)

Bàn tròn trực tuyến có sự tham gia của TS tâm lý học Đinh Phương Duy, Chủ tịch Hội tâm lý GD TP.HCM; bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, giảng viên bộ môn Tâm lý trị liệu ĐH Văn Hiến; thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang, giảng viên Trường cán bộ thành phố và thạc sĩ Xã hội học Lê Minh Tiến, giảng viên môn Xã hội học tội phạm của ĐH Mở TP.HCM.

- TS Đinh Phương Duy: Việc phát triển tâm lý sớm ở trẻ hiện nay cũng là điều bình thường, vì có những điều kiện phù hợp như về mặt dinh dưỡng, chăm sóc thể chất... Tuy nhiên, gia đình (GĐ) và xã hội (XH) phải biết hỗ trợ cho các em để có thể thích ứng phù hợp.

Nhưng vì sao mọi người lo lắng về chuyện trẻ em phát triển sớm? Thực tế, chuẩn mực XH cũng như về gia đình vẫn chưa hoàn toàn ổn định trong một thời đại mới. Làm sao để nhanh chóng hoàn thành một định hình mới cho một chuẩn mực XH (trong đó gồm các giá trị gia đình, quan hệ cộng đồng...) để các phụ huynh hoặc dư luận không lo lắng, đó là điều cần thiết.

Lâu nay cha mẹ nói riêng, người lớn nói chung quan tâm đến trẻ theo một nhu cầu "tự phát", mà chưa chuẩn bị tâm thế để đón nhận những phát triển của các em, đôi lúc có cả tính bộc phát.

Sự phát triển nhanh ở tuổi vị thành niên có tính tích cực, vì có thể giỏi hơn, lớn mạnh hơn về thể chất, nhưng cái chính là phải có sự định hướng của gia đình và XH.

Với bản thân tôi thấy, cũng có một số trẻ vị thành niên ngổ ngáo lắm, không biết nghe lời... Vậy tại sao ngày xưa tuổi trẻ cũng muốn khẳng định mình nhưng ngoan ngoãn, không chứng tỏ cái tôi mạnh mẽ quá như hôm nay, trong khi đó tại sao ngày nay chúng lại ngổ ngáo, lại hành xử như vậy? Đây là điều mà tôi nghĩ chúng ta có thể tranh luận thêm.

- ThS. Lê Minh Tiến: Đây không phải là căn bệnh mà là hiện tượng từ xưa tới nay, tuy nhiên hiện nay thế hệ trẻ tiếp nhận nhiều kênh hơn, đón nhận nhiều luồng văn hóa mới, cởi mở hơn nên tạo nên khoảng cách thế hệ nhanh hơn. Đó là hiện tượng bình thường, nên phải có lối giáo dục dân chủ trong gia đình, phải có sự truyền thông giữa cha mẹ và con cái để hiểu nhau hơn để có những định hướng giáo dục tích cực.

- Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Việc giáo dục con không còn dễ như ngày xưa. Về mặt tâm lý đặc trưng bây giờ có nhiều mâu thuẫn: trẻ em lớn về mặt thể xác nhưng về mặt định hướng tâm lý chưa trưởng thành. Trong khi đó, người lớn sẽ làm gì? Nhiều khi chính trong gia đình lại làm cho trẻ không tự tin vào bản thân của chính mình, không biết mình lớn hay là còn bé. Đôi khi gia đình lấy chuẩn mực trẻ con để cư xử, đôi khi lại xem trẻ như một người lớn.

- TS Đinh Phương Duy: Nhưng cũng có những trường hợp phụ huynh giống như tự vệ dẫn đến những biện pháp giáo dục không phù hợp, càng làm cho trẻ trở nên xa cách!

- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Trẻ em, nhất là tuổi vị thành niên, là giai đoạn trẻ có những chuyển biến lớn đòi hỏi phải có những thích nghi đối với bên ngoài. Giai đoạn này trẻ chưa thoát khỏi gia đình để hoàn toàn độc lập nhưng vẫn "đi đi về về", tiếp nhận những thông tin và xu hướng từ thế giới bên ngoài. Tuy nhiên theo tôi, từ trước tới nay luôn có khoảng cách giữa bố mẹ và con cái chứ không phải hiện nay mới có, có điều hiện nay chúng ta có cảm giác trẻ lớn nhanh hơn thế hệ trước.

XH bây giờ không còn "đóng" như ngày xưa, mà hầu như là một thế giới phẳng, thế giới "mở", do đó chúng ta phải liên tục thích nghi.

Chúng ta cũng không nên nhấn mạnh đó là 1 căn bệnh, mà là 1 thực trạng đang diễn biến, không phải là căn bệnh để điều trị và đưa về cái cũ. Theo tôi yếu tố thích nghi quan trọng hơn, trong đó cơ cấu gia đình phải tìm cách thích nghi trong đời sống XH mới.

Đối với vấn đề trẻ hay có thái độ phản ứng vời người lớn, theo tôi có lẽ nên so sánh cấu trúc XH - GĐ ngày xưa và nay. Cấu trúc XH - GĐ ngày xưa khá chặt chẽ, trẻ em bao giờ cũng được người lớn quyết định. Những "người bề trên" được cả XH chấp nhận nên cơ cấu XH đó duy trì cả 1 thời gian dài. Hiện nay trẻ con được chăm lo nhiều hơn. Đối thoại giữa người lớn và trẻ em có nhiều trường hợp trở nên đánh đồng, một trong 2 phía không biết mình đang đứng ở đâu: nên đứng ở "bề trên" hay là 1 người bạn với trẻ.

Có một vấn đề là người lớn đôi lúc lúng túng khi nói chuyện với trẻ em. Chúng ta có thể là một người lớn làm bạn với trẻ hơn là đánh đồng như 1 người bạn ngang hàng với trẻ.

- Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Phụ huynh luôn muốn đưa con vô khuôn mẫu. Nhưng cần phân biệt kỷ luật với kỷ cương. Kỷ cương chính là nằm ở cách hành xử, lối sống của bố mẹ. Trẻ em sẽ dựa trên kỷ cương đó. Gia đình có kỷ cương sẽ tạo ra một bầu không khí tâm lý tốt cho trẻ phát triển, nếu trẻ có vấp chuyện gì: tiếp cận với cái mới hoặc gặp khó khăn trẻ sẽ hướng về chia sẻ với gia đình mà không tìm kiếm những mối quan hệ không phù hợp ở bên ngoài.

* Đời sống công nghiệp có phải là một nguyên nhân tạo nên hội chứng cô đơn của giới trẻ (do không được thụ hưởng thời gian quan tâm từ cha mẹ)? Cách nào để chữa trị căn bệnh này? (Lê Kiệt, 38 tuổi, nguyen@ya)

04LzcIQX.jpgPhóng to
TS Đinh Phương Duy - Ảnh: N.C.T.
- TS Đinh Phương Duy: Cô đơn là một hiện tượng không phải do khách quan không, mà còn do chủ quan nữa. Cô đơn cũng không hẳn là hội chứng mà là một hiện tượng có thật, nhất là nhiều bạn trẻ khi bước vào tuổi dậy thì mà không được nhận sự quan tâm đầy đủ của cha mẹ.

Tuy nhiên, không phải do XH công nghiệp cuốn người ta vào công việc làm người ta cảm giác cô đơn, mà chính là tâmlý muốn chứng tỏ mình sớm, muốn độc lập sớm khiến các bạn trẻ tách khỏi gia đình và sự quan tâm của XH sớm, dẫn đến người lớn không có thông tin để quan tâm và chia sẻ! Vậy là các bạn trẻ cảm thấy cô đơn...

Và không chỉ ở tuổi teen cảm thấy cô đơn, mà còn có cả những người lớn cảm thấy cô đơn trong một XH quá nhiều thiết bị hiện đại, dẫn đến sự giao tiếp trực tiếp giữa con người với con người càng ngày càng thu hẹp đi, mà thay qua cầu nối là công nghệ. Đó cũng là điều làm họ cảm thấy cô đơn...

- Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Đời sống hiện đại phát sinh 1 hình thức, gọi là "gia đình điện tử", các loại truyền thông chỉ thông qua các phương tiện hiện đại, kiểu truyền thông này ít mang cảm xúc như kiểu truyền thống. Bản thân thanh niên cũng nên tự nhìn nhận: kỷ năng giao tiếp cũng kém do quen giao tiếp trên mạng, ít tham gia vào các hoạt động xã hội... nên khi "đụng trận" thì khó thành công. Một số người trẻ quá lệ thuộc vào các phương tiện giải trí hiện đại mà không chú trọng mở rộng các quan hệ xã hội.

Giới trẻ luôn có nhu cầu chia sẻ, bộc bạch về bản thân mình, nhưng lại ít được mối quan tâm từ gia đình. Nhưng gia đình hay những người thân xung quanh lại ít tạo được niềm tin cho chính bản thân người trẻ. Vì vậy, phải nhìn nhận vấn đề từ nhiều phía.

Việc cạnh tranh thì tốt, vấn đề là định hướng cho trẻ trong việc cạnh tranh đó như thế nào. Tác động giáo dục phải thiện chí và toàn diện: nhìn nhận trẻ ở cả mặt tốt, mặt xấu như thế nào...điều này giúp cho trẻ bộc lộ thế mạnh của chính bản thân. Vì vậy, gia đình, nhà trường khi tác động, đánh giá trẻ phải tạo cho trẻ thật sự có sự cạnh tranh tốt để phát triển nhân cách tốt.

65TVuk56.jpgPhóng to
Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến
- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Liên quan đến đời sống trẻ vị thành niên khi bước vào đời cảm thấy khó khăn và cô đơn, tôi cũng đồng ý rằng cô đơn không phải đơn thuần do các yếu tố bên ngoài mà còn do yếu tố bên trong, yếu tố chủ động.

Tôi nghĩ trẻ cô đơn là do trẻ kém thích nghi với môi trường sống bên ngoài, và điều này có thể do GĐ trước đó có những chức năng không phát triển đầy đủ. Để giúp người trẻ vào đời tốt hơn, thoải mái hơn, họ cần có tuổi thơ phát triển lành mạnh, có sự quan tâm đầy đủ của GĐ, bố mẹ. Nói như BS Winnicott thì cha mẹ nên tốt nhưng tốt vừa đủ. Điều này làm cho trẻ có thể tự lực được. Đôi khi những từ chối của bố mẹ có thể khiến trẻ hụt hẫng nhưng đó là sự hụt hẫng cần thiết cho sự phát triển của trẻ.

Một vấn đề nữa là khi lớn lên, người trẻ nên duy trì quan hệ với những người xung quanh, nhất là những người thân thiết. Tôi nghĩ ngay trong thời đại công nghiệp cũng nên duy trì mối giao tiếp giữa người và người, đặc biệt là với người thân trong GĐ và bạn bè. Có những người chỉ có 1 người bạn, 1 người thân nhưng họ vẫn không hề cảm thấy cô đơn, bởi đó là người có ý nghĩa đối với họ. Vì vậy để không cô đơn, người trẻ cần có một ai có đủ ý nghĩa đối với họ.

Chúng ta nên phát triển cái hay của XH công nghiệp và duy trì những cái tốt của XH xưa, điều này giúp giảm gánh nặng về mặt tinh thần. Rất cần tránh việc cá thể hóa cao trong XH công nghiệp. Nên củng cố và duy trì các mối quan hệ. Nên phát triển quan hệ theo lối cạnh tranh và cả hỗ trợ. Ví dụ một HS học kém, chúng ta đừng đánh giá HS ấy kém quá vì như vậy có thể khiến HS ấy có cảm giác "bị đẩy" sang một bên và rất dễ rơi vào cảm giác cô đơn. Cũng không nên so sánh 1 người có khả năng rất tốt với 1 người khả năng kém, mà cần cân đối theo khả năng từng người.

- TS Đinh Phương Duy: Tôi xin tiếp lời BS Nguyễn Minh Tiến về vấn đề XH cạnh tranh có những áp lực lớn, làm cho các bạn trẻ có thể có nhiều bạn, nhưng vẫn cô đơn. Có những bạn không đủ tự tin của mình vào mình, tự đó không khẳng định được giá trị của mình, sẽ dễ dẫn đến tâm lý cô đơn vì không dám kết nối với ai...

bSNaPYER.jpgPhóng to
Th.S Lê Minh Tiến
- Th.S Lê Minh Tiến: Thứ nhất đời sống công nghiệp tăng liên kết cộng đồng ảo lại làm giảm tính liên kết cộng đồng thật. Thứ hai một bộ phận giới trẻ ngày nay cô đơn chủ yếu do khủng hoảng mục tiêu sống, các mục tiêu để phấn đấu giảm đi, sống không có lý tưởng, tạo nên sự cô đơn, đấy chính là cô đơn về mặt tinh thần không phải là cô đơn về mặt thể lý dẫn đến những hành động lệch lạc.

- Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Tôi quan tâm đế 1 vấn đề: người ta thường hay đè nén cảm xúc với nhau, điều này cũng là nguyên nhân dẫn đến cô đơn. Để giảm thiểu tình trạng cô đơn khi ở tuổi vị thành niên, gia đình nên giúp trẻ ngay từ nhỏ có kỹ năng, biết cách chia sẻ cảm xúc với mọi người một cách tự nhiên nhất. Người lớn đừng vội phê phán khi trẻ chia sẻ mọi cảm xúc, mọi suy nghĩ.

- TS Đinh Phương Duy: Nhưng chia sẻ với nhau cũng không phải là điều đơn giản, vì nếu không biết cách thì có thể dẫn đến kết quả ngược chiều. Cha mẹ phải biết giúp con tìm hiểu các giá trị của mình, thay vì gạt bỏ đi những lời tâm sự của trẻ.

az1ouOn3.jpgPhóng to
Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang
* Trẻ em thời nay bị ảnh hưởng tâm lý lớn từ chuyện học hành, chúng thường phải chịu áp lực rất lớn từ phía gia đình, nên việc rối loạn tâm lý là chuyện thường xảy ra. Vậy có cách nào để giải quyết chuyện này, và làm sao để các bậc phụ huynh hiểu được tâm lý con trẻ? (Nguyễn Thế Huy, 20 tuổi, thehuy.tk@gmail.com)

- Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Áp lực gây ra thường do: xã hội cạnh tranh, cái gì cũng phải có chất lượng cao, có đầy đủ kỹ năng trong công việc, cuộc sống.

Một số phụ huynh còn gửi gắm những gì mình chưa làm được cho con mình, kỳ vọng vào con. Do xã hội mới phát triển nên chú trọng vào các hình thức đánh giá nên bố mẹ thường đem con ra để "ghi điểm" cho bản thân mình.

Bệnh thành tích từ áp lực này ra. Gây ra áp lực xã hội cho trẻ. Trong khi đó, khả năng của mỗi trẻ mỗi khác, đối với 1 số trẻ sẽ có áp lực nhiều về tâm lý. Biểu hiện của trẻ: nản, không muốn học, đòi bỏ nhà đi...tự tử...

Để giải quyết: phải hiểu tâm lý con. Mà bố mẹ lại hay chủ quan cho là mình hiểu con mình nhiều nhất, thật ra đó là bố mẹ hiểu với cái nhìn áp đặt. Tốt hơn hết, phải chính bố mẹ có kỹ năng làm bố mẹ, kỹ năng dạy con, có cách thức chăm sóc con tốt hơn, dạy con tốt hơn, điều này sẽ giảm áp lực cho con cái. Xã hội nên có các lớp học dành cho bố mẹ, để trang bị thêm thông tin, kiến thức và những kỹ năng giúp bố mẹ hiểu con hơn.

- Th.S Lê Minh Tiến: Đây là hiện tượng đa số trong xã hội hiện nay, người Việt Nam quan điểm học vấn là cách thoát khỏi tình trạng thấp kém về mặt kinh tế xã hội nên họ thường gây áp lực rất mạnh đối với việc học tập của con cái. Tuy nhiên điều đáng quan tâm thường các bậc cha mẹ đòi hỏi quá khả năng của con cái và điều này dẫn tới những rối loạn về mặt tâm lý. Vì vậy để khắc phục điều này cha mẹ phải thường xuyên có sự trao đổi lắng nghe giữa cha mẹ và con cái để nhận ra đâu là khả năng đâu là giới hạn của con cái, để có các định hướng phù hợp với khả năng cũng như mong đợi của con cái mình.

- TS Đinh Phương Duy: Ngoài những ý mà thầy cô vừa trao đổi, XH cũng có tác động đến suy nghĩ của các bậc cha mẹ về kỳ vọng với các em. Phải chăng XH đang gây ra những kỳ vọng ảo khi đưa ra những định chuẩn về bằng cấp, học vị...?

Bên cạnh đó, ngay cả nội dung giáo dục trong học đường cũng còn những hạn chế. Tuy nhiên, gần đây, việc Bộ Giáo dục phân bổ thời gian nghỉ rải đều hơn là một quyết định hợp lý vì có thể giúp các em giảm tải. Song, cha mẹ nhiều người không đồng tình vì không thể bố trí thời gian phù hợp cho việc đưa đón con cái. Tại sao mình sẽ không ưu tiên sắp xếp cho con trước khi nghĩ đến sự chu toàn cho con.

Ở cương vị cha mẹ, cha mẹ cần hiểu rằng vị trí của cha mẹ đối với sự phát triển của trẻ vị thành niên. Điều này, có thể thực hiện qua các lớp dạy làm cha mẹ hoặc các lớp tiền hôn nhân, qua các tổ chức Hội... Đặc biệt, là vai trò của chuyên ngành tâm lý và Xã hội học, làm sao để những người công tác trong lĩnh vực này phải góp phần nhiều hơn nữa trong việc tham gia xây dựng các chương trình đào tạo như thế...

- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Việc mở các lớp kỹ năng làm bố mẹ, chúng ta hoàn toàn có thể nhưng nên tham khảo chương trình của các nước châu Á gần với VN, đặc biệt tham khảo việc chăm sóc đầu đời cho trẻ của phương Tây; tham khảo kỹ nội dung, phương pháp của họ, thậm chí không cần mở lớp mà lồng ghép vào các hoạt động có sẵn như chương trình chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em (đặc biệt trẻ nhỏ), các lớp về sức khỏe sinh sản, truyền thông qua sách vở, báo chí...

Nhìn chung, các khách mời đều nhất trí: Công tác truyền thông để có những gia đình trẻ hay những bậc phụ huynh tiếp cận các lớp học này cần phải được chung tay từ nhiều phía: như các tổ chức XH, các công ty đơn vị... nhưng phải có sự định hướng, xây dựng ở cấp vĩ mô. Chúng ta (VN) hiện tại đã có những hiện tượng cuồng sát, tự vẫn ở trẻ, nghĩa là việc chấn thương tâm lý đã không còn là vấn đề "nhỏ", do vậy, không còn chần chừ nữa cho một kế hoạch hành động chung mà nhạc trưởng phải là cấp có thẩm quyền.

Mmuiwh32.jpgPhóng to

Toàn cảnh buổi giao lưu - Ảnh: N.C.T.

* Xin cho biết một số rối nhiễu tâm lý thường gặp ở tuổi vị thành niên?

- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Có thể tạm xếp một số rối nhiễu tâm lý ở tuổi vị thành niên theo 3 nhóm:

Nhóm 1: Những rối loạn (tâm lý hoặc tâm thần) của tuổi trưởng thành bắt đầu từ tuổi vị thành niên, trong đó có tâm thần phân liệt.

Nhóm 2: Những rối loạn bắt đầu từ tuổi nhỏ vẫn duy trì cho đến tuổi vị thành niên như những rối loạn về phát triển (chậm phát triển, tự kỷ...)

Nhóm 3: Những rối nhiễu tâm lý có tính đặc thù ở tuổi vị thành niên, đặc thù nhất là những khủng hoảng về tâm lý do tuổi vị thành niên là lứa tuổi đang định hình bản sắc của mình và phải thích nghi với các thay đổi trong đời sống. Khi có những đòi hỏi đặt ra trong đời sống, học tập, phát triển, người vị thành niên rất dễ mất thăng bằng trong hoạt động tâm lý, ví dụ khó kiềm chế cảm xúc, khó sử dụng tốt lý trí một cách hiệu quả, dễ có những xung đột giữa người vị thành niên và người thân trong gia đình (GĐ) và những người khác trong XH.

Một số rối loạn khác cũng có thể gặp ở lứa tuổi vị thành niên như rối loạn về nhân cách, rối loạn về hành vi ứng xử (có những ứng xử không phù hợp), những rối loạn lo âu, trầm cảm...

Thông thường, khi GĐ nhận thấy những bất thừơng ở trẻ vị thành niên, nên có những ứng xử phù hợp. Nếu do những khó khăn nhất thời, những vấn đề mới xảy ra, GĐ hoặc bản thân người vị thành niên có thể tìm đến các chuyên viên tâm lý để được giúp đỡ về mặt tinh thần. Nếu đó là 1 rối loạn nghiêm trọng ảnh hưởng đến chức năng hoạt động, sống, học tập của người vị thành niên hoặc người vị thành niên có những ứng xử vượt qua chuẩn mực, GĐ nên đưa đương sự đến khám ở 1 BS chuyên khoa tâm thần.

* Tôi rất quan tâm và lo lắng khi chứng kiến thực trạng bạo hành với trẻ em diễn ra gần đây và gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Tôi không biết liệu có phải: - Chúng ta đang đối mặt với hiện tượng "khoảng cách về thế hệ-Generation Gap" hay không và phải giải quyết như thế nào? - Liệu các biện pháp được gọi là "Giáo dục tích cực thay thế trừng phạt" có được nghiên cứu và áp dụng trong công tác giáo dục và giảng dạy hay không? (Nguyễn Văn Thuận, 30 tuổi, thuan172002@)

- TS Đinh Phương Duy: Theo tôi vấn đề này xuất phát từ ba phía: Tâm huyết của người lớn đối với sự phát triển không là nhiều lắm, thầy cô chỉ lo cho công việc của mình mà chưa lồng vào tâm huyết, tấm lòng của người thầy; bên cạnh đó, không ít người làm công tác giáo dục thiếu thông tin, không am hiểu luật pháp, hiểu biết xã hội ít...; cũng như cách ứng xử kém, ví dụ như trường hợp một người thầy nắm tóc học sinh làm cho em bị té xuống chấn thương sọ não, có phải chăng nguyên nhân đầu tiên là xuất phát từ tâm lý thiếu kiềm chế khi nóng giận... như người thầy ấy tự nhận?!

- Th.S Lê Minh Tiến: Hiện tượng bạo hành ngoài những nguyên nhân khác còn có nguyên nhân về mặt Xã hội học là hậu quả của suy nghĩ "chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm", tức là ngành sư phạm không phải là sự lựa chọn chủ động của họ do vậy tâm huyết giáo dục con người không có, họ không phải là nhà giáo dục thật sự, dẫn tới những hành động bạo hành trong học đường.

- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Có một sự khác biệt đáng kể giữa bạo hành của thầy cô với trẻ và của người thân trong GĐ với trẻ. Bạo hành của thầy cô nhấn mạnh vào kỹ năng sư phạm, còn bạo hành của người thân trong GĐ trẻ mang mầm mống của sự phát triển: người lớn bạo hành với trẻ thường do họ thiếu các kiểu hành vi ứng xử thích hợp trong những trường hợp nhất định.

Theo các nghiên cứu tâm lý, hầu hết những ông bố bà mẹ bạo hành với trẻ thường từng bị bạo hành khi còn nhỏ, và 50% ông bố bà mẹ này lại ứng xử với con theo cách mà họ đã từng trải qua thời nhỏ. Có những trường hợp cũng được xem là hành vi xâm hại trẻ em như không chăm sóc trẻ đầy đủ.

Muốn giúp cho 1 GĐ thoát khỏi nạn bạo hành, chúng ta cần xác định những người cần được giúp đỡ không những chỉ là nạn nhân của bạo hành mà còn là tác giả của bạo hành.

- TS Đinh Phương Duy: Theo tôi, những gia đình xảy ra tình trạng bạo hành thì thường rơi vào những gia đình có học vấn không cao. Do vậy, tôi nghĩ, XH cần quan tâm đến để hỗ trợ cho những ông bố, bà mẹ ấy có thể nâng cao nhận thức và văn hóa, để những hành vi bạo hành đó không thể tiếp nối, từ cha sang con...

Bên cạnh đó, các môi trường sư phạm giáo dục, đào tạo nên những người thầy cô tương lai cần phải quan tâm hơn nữa, làm sao bồi đắp cho những thầy cô tương lai ấy phải có những lời thề như những người làm công tác y tế với lời thề Hypocrate, chứ không thể chỉ coi đó là một nghề mưu sinh!

- Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Tôi có nhiều bức xúc về chuyện bạo lực của thầy cô với học sinh. Việc ứng xử sư phạm quá kém và thể hiện nhận thực của giáo viên rất hời hợt. Họ không hình dung được hậu quả cho đứa trẻ, nhất là ảnh hưởng về tâm lý có thể trở thành nổi ám ảnh suốt cuộc đời các em. Vấn đề về đào tạo sư phạm nên chú trọng là: nâng cao chất lượng về nhiều mặt: nâng cao chất lượng, rèn luyện phẩm chất cho sinh viên sư phạm. Về mặt quản lý xã có cần có những quy định rõ ràng hơn về mối quan hệ trong môi trường nhạy cảm.

Bên ngành giáo dục cần có những nghiên cứu khoa học thật sự để vận dụng vào việc giảng dạy cho phù hợp với thời đại.

Bạn cũng không nên bi quan toàn bộ giáo dục xã hội như vậy. Thực tế, có 1 bộ phận nào đấy còn chưa có ý thức. Hiện tại, nhiều nhà trường, nhiều giáo viên cũng áp dụng giáo dục tích cực thay cho trừng phạt. Tôi nghĩ rằng qua diễn đàn này sẽ có một sự thay đổi nào đấy từ nhiều phía.

- TS Đinh Phương Duy: Ở đây chúng ta đã hơi nghiêm trọng vấn đề khi dùng hai chữ trừng phạt. Mà thực tế, trách phạt là một trong những biện pháp giáo dục, vì không thể lúc nào cũng ngọt ngào, năn nỉ trẻ học hành, mà cũng cần những biện pháp răn đe. Song, phải trách phạt như thế nào cho đúng!

Hiện tại, do có hình thức "chấm điểm giáo viên" nên không ít thầy cô tỏ ra quá "mềm mỏng", lại gây nên những hậu quả khác.

* Tôi ý thức rất rõ những nỗi đau mà một người phải gánh chịu bởi một nền giáo dục sai lệch mang lại, tôi cũng là một trong số các nạn nhân. Hơn 3 năm qua tôi tìm đọc rất nhiều sách tâm lý, một vài lần đến trung tâm tư vấn. Nhưng tôi thấy mình chưa thể thoát ra được. Xin cho hỏi một người như tôi có thể làm gì để thoát khỏi mặc cảm Oedipe, nhút nhát, suy nhược thần kinh. Tôi nghĩ xã hội mình quá dung túng cho những người tra tấn con người về mặt tinh thần? (Hải, 23 tuổi, dauhai2004@)

- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Mặc cảm Oedipe là mặc cảm gặp ở bé trai 3-6t, là giai đoạn bé trai gắn bó với người mẹ và phát sinh mâu thuẫn, xung đột với bố. Mặc cảm này hiện diện trong vô thức. Nếu 1 đứa bé phát triển tốt, sau giai đoạn này sẽ hóa giải mặc cảm Oedipe và tiến sang giai đoạn xã hội hóa. Trong một số trường hợp, nếu mặc cảm này không được giải tỏa hoàn toàn, đứa trẻ sẽ không đồng nhất hóa với hình ảnh người bố.

Mặc cảm Oedipe chỉ là 1 khái niệm theo phân tâm học. Không phải tất cả các chuyên viên tâm lý nào cũng công nhận điều này là đúng.

Vấn đề bạn nêu ra quá chung chung, thiếu những chi tiết về cuộc sống và khó khăn của bạn, vì vậy chúng tôi đề nghị bạn nên tiếp xúc trực tiếp với các chuyên viên tâm lý để trình bày rõ hơn. Một vấn đề khó khăn tâm lý kéo dài quá lâu năm không thể tư vấn trên báo được, và có nhiều trường hợp phải tiến hành trị liệu lâu dài.

* Là giáo viên, tôi xin hỏi TS Đinh Phương Duy: Các em lớp 8 đã biết yêu, các bậc làm cha mẹ cũng "bó tay", có biện pháp nào hữu hiệu giúp các em định hướng đúng trong việc học tập? (Nguyễn Thông Dĩnh, 38 tuổi, lavang57@)

- TS Đinh Phương Duy: Thời đại hôm nay, lớp 8 biết yêu thì không phải là điều gì quá bất thường, vì cảm xúc giới tính xuất hiện khi ở tuổi dậy thì. Tuy nhiên, có thể các bạn trẻ ngộ nhận mình đã yêu vì những rung động đến từ người bạn khác giới. Tôi nghĩ rằng, không ai có thể cản được tình yêu khi nó đã tới, vấn đề là chúng ta phải có phương pháp như thế nào để tình yêu phát triển đúng hướng và phù hợp với chuẩn mực XH, nhưng cũng cần xác định là lớp 8 đã biết yêu thì hơi sớm và có thể ảnh hưởng không tích cực đến quá trình học tập của các em.

Để giúp các bạn trẻ nhận dạng được mức độ tình cảm của mình thì thầy cô và các bậc cha mẹ không nên quá căng thẳng và quan trọng hóa vấn đề. Một môi trường sinh hoạt lành mạnh, đa dạng với các hoạt động phù hợp đặc điểm, tâm lý lứa tuổi có thể giúp các bạn hướng quan hệ của mình tới việc khẳng định giá trị bản thân thông qua các hình thức thi đua trong học tập và sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, các cảm xúc giới tính có thể sẽ được chuyển hướng khi chúng ta tìm cách để các em "di chuyển" cảm xúc.

Còn thầy cô, nếu biết trong lớp có một đôi bạn nào có tình cảm với nhau thì có thể định hướng tích cực bằng cách công khai mối quan hệ của các em như là một đôi bạn học tập với những chỉ tiêu cụ thể để được khuyến khích và khen thưởng. Mặt khác, việc giáo dục giới tính cho các bạn là một điều cần thiết, cần cung cấp thông tin về giới tính để các em tham khảo, hoặc qua các chuyên đề về tình bạn, tình yêu, giúp các bạn có nhận thức rõ ràng hơn, minh bạch hơn... về tình bạn khác giới và tình yêu đôi lứa.

* Bỏ qua những nguyên nhân chính trị nếu có đằng sau vụ thảm sát học đường do Cho Seung Hui gây ra, xin quý vị cho biết, sự thiếu hụt quan tâm từ gia đình và cộng đồng có thể làm tổn thương một người trẻ có học thức đến thế? (M.T.)

- Th.S Lê Minh Tiến: Đây là một vụ giết người hàng loạt lớn nhất trong lịch sử học đường của Mỹ, ở Mỹ cũng là nước nghiên cứu rất sâu về vấn đề này. Theo các nhà nghiên cứu, kẻ giết người hàng loạt thường có những đặc trưng về mặt tâm lý xã hội như: Bị mắc chứng trầm cảm, bị chứng loạn thần kinh, là những người dễ bị kích động và cuồng loạn, bị lạm dụng thể xác và tinh thần, bị loại trừ, hội nhập xã hội kém và ở trong tình tạng kinh tế -xã hội thấp kém. Trường hợp này gần như mang đầy đủ những đặc trưng vừa nêu: anh ta thường bị trêu chọc ở trường vì nói tiếng Anh kém, luôn luôn có cái nhìn tiêu cực đối với các bạn đồng học có điều kiện kinh tế cao hơn. Do vậy có học thức nhưng anh ta vẫn thực hiện những hành vi man rợ như vậy.

* Có phải cách quản lý tốt nhất của phụ huynh đối với chúng em là phải theo dõi, giám sát... chặt chẽ? Làm sao để chia sẻ với phụ huynh của mình? (Võ Duy Hảo, 19 tuổi, duyhaovo@)

- Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Cách quản lý con em của mỗi gia đình là tùy thuộc vào cả 2 phía: từ phía người lớn, do những thói quen, kinh nghiệm, nhận thức của cá nhân, truyền thông gia đình... có thể phụ huynh cho đó là cách tốt nhất. Thứ hai, tùy thuộc vào bản thân con em của họ mà họ hướng đến cách nào phù hợp nhất.

Vậy, theo dõi giám sát... như bạn nói có thể cũng là cách tốt nhất đối với một ai đó nhưng không có nghĩa là với tất cả mọi người.

Ở lứa tuổi của các bạn, đã có một sự trưởng thành nhất định, những hiểu biết nhất định nên luôn có nhu cầu thể hiện sự trưởng thành, độc lập và thường không thích bị quản lý. Nhưng cũng nên hiểu người lớn trong gia đình chỉ luôn muốn cho con em mình tốt hơn và đều xuất phát từ tình thương yêu.

Trong gia đình không chỉ nên đề cập đến vai trò của người lớn đối với con em mà còn nên nhắc đến vai trò của con em đối với gia đình. Nếu nhận thức đúng được điều này hẳn các bạn sẽ tìm ra cách giao tiếp phù hợp hơn khi muốn trình bày điều gì đó với người lớn. Và nên nhớ, nếu muốn người khác cư xử với mình như thế nào thì ta nên đối xử với họ đúng như vậy.

* Con trai tôi năm nay 13 tuổi đang học lớp 7. Trước đây cháu rất thông minh, hiếu động (đạt giải nhì học sinh giỏi tỉnh năm lớp 5). Từ hè năm lớp 6 đến nay cháu có những biểu hiện tâm lý giống như chứng bệnh tự kỷ (không muốn tiếp xúc ai, kể cả người thân, lầm lì, hay vò đầu, bứt tai...), học lực của cháu sút hẳn. Xin được hỏi cháu bị bệnh gì, chữa trị thế nào, ở đâu? Xin cảm ơn! (Hoàng Việt, 46 tuổi, hnhoangviet@)

- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Tự kỷ là loại rối loạn phát triển ở trẻ em, khởi phát từ trong 3 năm đầu đời. Biểu hiện: trẻ có rối loạn kỹ năng quan hệ XH, giảm khả năng giao tiếp cả bằng ngôn ngữ lẫn phi ngôn ngữ, và có những hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại. Trẻ khó tiếp xúc với người khác, thường chậm biết nói. Một số đông có trí tuệ kém phát triển. Do vậy trẻ khó có thể theo học ở những trường phổ thông, trừ một số trường hợp rất ít trẻ có trí tuệ phát triển bình thường và được sự phát hiện sớm và chăm sóc đúng cách.

Trường hợp con bạn, vẫn phát triển từ nhỏ bình thường, các biểu hiện của con bạn mới xuất hiện thời gian gần đây, do vậy ta phải nghĩ đến 1 nguyên nhân khác, có thể là 1 phản ứng nhất thời khi gặp khó khăn về học tập hoặc sinh hoạt trong gia đình, hoặc cũng có thể là 1 rối loạn phức tạp hơn, cần phải ở các bác sĩ chuyên khoa tâm thần để được chữa trị thích hợp.

* Hiện nay lứa tuổi học sinh rất ít chịu làm theo lời người khác mặc dù vẫn biết lời khuyên đó là đúng. Vậy xin cho biết nguyên nhân và cách chữa trị. (Diệp Thảo, 37 tuổi, dtdiepthao@)

- Th.S Lê Minh Tiến: Một trong những khát khao của lứa tuổi vị thành niên là khao khát được khẳng định sự trưởng thành. Ngày xưa trong xã hội cổ truyền có những nghi lễ, lễ thức để đánh dấu sự trưởng thành của cá nhân như săn bắn được con thú rừng mang về... còn trong xã hội hiện đại nay thanh thiếu niên có nhiều cách, nhiều phương thức để khẳng định sự trưởng thành của mình. Do đó làm ngược lại ý của người lớn thì như là một cách thức để chứng tỏ sự độc lập của mình. Nó có thể là nguyên nhân lớn nhất lý giải vì sao lứa tuổi học sinh không nghe lời phụ huynh.

Làm sao để hạn chế tình trạng này? Không còn cách nào khác, cha mẹ phải tôn trọng con cái, đừng bao giờ xem con cái như là đứa trẻ vì càng xem chúng là trẻ thì chúng càng phản ứng ngược trở lại.

* Quý vị nghĩ như thế nào về vấn đề thần tượng, làm sao để vấn đề này không gây ra những dư chấn về tâm lý cho các em một cách quá khích, như sự cuồng mộ - mà vừa qua báo chí khá chấn động với sự kiện cô gái Dương Lệ Quyên ở Trung Quốc vì thần tượng diễn viên Lưu Đức Hòa đã dẫn đến cái chết của cha cô? (Hồng Hoa)

- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Chuyện này không thể muốn không là không, có là có. Thần tượng đi vào tâm hồn trẻ một cách tự nhiên, hầu như ai cũng từng trải qua giai đoạn có thần tượng. Khi nói nên hay không nên có thần tượng thì chúng ta đã xem thần tượng là cái gì đó không hay. Paven là một thần tượng tốt quá đi chứ!

- TS Đinh Phương Duy: Thần tượng là một nhu cầu, không chỉ ở tuổi teen mà ngay cả ở tuổi trưởng thành. Thần tượng là đích để chúng ta hướng đến, giúp chúng ta hoàn thiện mình. Vấn đề là sự định hướng - nhất là ở tuổi teen.

Có bạn trẻ đã cạo trọc đầu khi thần tượng sụp đổ. Cũng có trường hợp bạn trẻ thần tượng cha mẹ mình, nhưng khi phát hiện cha mẹ mình có điều gì sai trái... Vậy, chúng ta cần phải ứng xử như thế nào với các bạn trẻ trước định hướng thần tượng cho họ.

Chúng ta phải có những biện pháp tạo ra những hình mẫu thần tượng cho các bạn trẻ, không để các bạn trẻ chỉ tập trung vào giới văn hóa nghệ thuật không. Điều này cũng dễ hiểu bởi giới văn nghệ được công chúng quan tâm nhiều qua sự xuất hiện thường xuyên trên truyền thông. Trở lại về việc xây dựng thần tượng thực sự, tôi nghĩ, chúng ta có thể tập trung vào hình ảnh của những vĩ nhân lịch sự và những mẫu hình thành đạt trong XH.

Tuy nhiên, trong việc xây dựng hình ảnh thần tượng, chúng ta cũng phải có liều lượng nhất định, nếu định hướng thái quá thì lại gây hậu quả khác.

Và chúng ta cũng thấy rằng, trong sự việc cô gái Dương Lệ Quyên thì vai trò của gia đình rất lớn, vì cha mẹ không thể quá khuyến khích con cái thần tượng một cách mù quáng.

Nhưng tại sao cha mẹ lại không xây dựng một hình ảnh thần tượng cho chính con cái mình bằng một lối sống gương mẫu, một nhân cách tuyệt vời...

Cũng cần nói thêm về việc định hướng thị hiếu, giúp cho giới trẻ xác định giá trị và hình mẫu mình theo đuổi. Chúng ta - người lớn cũng cần phải chủ động định hướng cho giới trẻ, đừng để họ tự bơi để nhiều khi họ không xác định được đâu là hướng đi...

- Thạc sĩ tâm lý Lê Thị Linh Trang: Có thần tượng hay không có là từ quá trình trưởng thành của cá nhân trong cuộc sống, không ai có thể áp đặt được.

Cùng với việc đáp ứng những nhu cầu của con cái để thể hiện tình yêu thương, bố mẹ còn cần phải định hướng những nhu cầu, hứng thú, đam mê của con cái cho phù hợp với bản thân, với gia đình, và với cả sự phát triển của xã hội.

Gia đình có thể định hướng cho con thông qua việc tổ chức những sinh hoạt trong gia đình, các lĩnh vực vui chơi giải trí mà gia đình hay tham gia; các loại sách báo mà gia đình hay đọc; các lĩnh vực đời sống khoa học văn hóa, nghệ thuật mà gia đình quan tâm.

Việc bố mẹ nhìn nhận đúng đắn về thần tượng của con, không quá cuồng nhiệt 1 cách thiếu cơ sở, cũng không nên dè bỉu, chê bai, đả kích... là cũng góp phần làm cho con có thái độ đúng đắn, tích cực hơn đối với thần tượng. Cũng phải thấy rằng có nhiều thần tượng đã mang lại cho một cá nhân thêm sức mạnh về tinh thần và có sự nỗ lực vươn lên trong cuộc sống.

Vậy, trên hết vẫn là sự định hướng từ đầu của gia đình, cộng với việc quan tâm về nhiều mặt đối với con cái để bố mẹ kịp thời nhận ra những chuyển biến, thay đổi của con mà có sự chăm sóc và tác động cho phù hợp.

- Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến: Sở dĩ có hiện tượng thần tượng rầm rộ là do áp lực của thương mại hóa. Tôi cho rằng bên cạnh những thần tượng đã được thương mại hóa, vẫn có những hình ảnh thần tượng trong đời sống thường ngày như 1 người cha, 1 người bạn hay một ai đó... có cùng 1 cơ chế xây dựng thần tượng như nhau, tức bản thân 1 người nhập tâm những hình ảnh, giá trị của đối tượng đó vào trong người mình (tâm lý học gọi là sự đồng nhất hóa). Và những sự nhập tâm đó vẫn có những tác động tích cực.

Vấn đề cô Dương Lệ Quyên, tôi nghĩ cả ông bố của cô cũng rất bất thường, cả bà mẹ cũng vậy. Báo chí cũng có vai trò trong vụ việc này. Chúng ta cũng lưu ý là vụ việc này có tác động lan truyền, có thể gây tác động đến những người trẻ khác. Vì vậy cần có sự đồng bộ trong thái độ, những thông tin này nên dừng lại ở mức vừa phải. Chúng ta không thể kiềm hãm thông tin nhưng có thể khống chế bớt thông tin.

NHÓM PV TTO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên