13/01/2009 17:28 GMT+7

Tuổi Trẻ Cười những ngày đầu

TTC
TTC

TTC - ( 1981 - 2001 : Biên tập viên, Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Chủ Nhật và Tuổi Trẻ Cười).

5KmzjDQa.jpgPhóng to
TTC - ( 1981 - 2001 : Biên tập viên, Thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, Tuổi Trẻ Chủ Nhật Tuổi Trẻ Cười). <?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

Vạn sự bắt đầu... run

Tuần báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật ra đời được ít lâu thì Thủ tướng Võ Văn Kiệt lúc ấy gợi ý Ban biên tập báo Tuổi Trẻ nên ra thêm tờ báo trào phúng châm biếm để chống những tiêu cực trong xã hội. Tuy rất hào hứng với ý kiến này, Ban biên tập vẫn thấy “run” vì chưa ai có chút kinh nghiệm nào về loại báo như thế.

Bởi sau 1975, đây là lần đầu làng báo cả nước “dám” có một tờ báo châm biếm trào phúng. Cười kiểu “vung xích chó” của tờ “Muỗi Sài Gòn” trước 1975 chăng? Cười kiểu tờ “Brù... ùm” trong kháng chiến chống Pháp ở chiến khu Tây Nam bộ chăng? Cả hai đều không thể, không còn hợp thời hợp cảnh nữa rồi! Vậy, cười kiểu nào đây?

Lại còn chuyện: Ai sẽ chọc cười bằng cây cọ và cây viết? Thiệt tình mà nói, lai rai cũng có một số “tay”, nhưng tụ tập lại để gây cười cho ra trò, như một tập thể chuyên nghiệp... cười, thì kể vẫn còn “cập rập” đây! Thủ tướng Võ Văn Kiệt gợi ý thêm: Đi tìm những nhà báo lão thành từng làm báo châm biếm, đả kích thực dân Pháp ở khu 9, Nam bộ hồi kháng chiến (báo Brùùm), may có ông Nguyễn Văn Trấn (Bảy Trấn) đang nghỉ hưu ở nhà hưu dưỡng tỉnh Long An.

Khoảng 1 tuần sau khi anh em tòa soạn đến thăm và thỉnh ý, chú Bảy Trấn xách một giỏ quần áo đến thẳng tòa báo (số 12 Duy Tân - bây giờ là Phạm Ngọc Thạch), nhận lời làm cố vấn. Báo Tuổi Trẻ lúc ấy còn nghèo, nên ngoài việc chu cấp mỗi tháng một khoản tiền tạm đủ ăn uống, đành sắp xếp để chú ngủ nghỉ trong một góc phòng tư liệu thư viện. Sáng nào chú Bảy cũng dậy sớm, dọn dẹp chỗ nằm để trả chỗ cho cơ quan làm việc.

Thừa thắng xông lên...

obgvJsdH.jpgPhóng to

Số báo Tuổi Trẻ Cười đầu tiên (tháng 1-1984): Sau khi hoàn tất khâu biên tập bài vở, sắp xếp các trang mục, thì còn lại chuyên mục “Câu lạc bộ” bao gồm những mẩu chuyện khôi hài, châm biếm ngắn do Lê Văn Nghĩa phụ trách, vốn đã có trên Tuổi Trẻ thường kỳ (ra ngày thứ ba, thứ năm, thứ bảy). Bây giờ chuyển qua TTC thì cần thêm những “mặt hàng” mới (như mục “Cái gì đây?”, “Rao vặt”...) và tân trang “bảng hiệu”.

Lê Văn Nghĩa làm trang và đặt tên trang là “Tiệm Tạp hóa ông Hai Cũ” (vì Lê Văn Nghĩa ái mộ nhân vật ông Hai Cũ của Nguyễn Trương Thiên Lý đang ăn khách trên tờ Tuổi Trẻ). Nhưng Ban biên tập thấy không ổn, vì lấy tên nhân vật tiểu thuyết đặt cho chuyên mục, nên đề nghị sửa. Tôi gợi ý đặt tên “tiệm” theo cách gọi bình dân trong Nam, như: Tiệm tạp hóa Hai Mập, Ba Sún, Bảy Phệ... Ban biên tập của TTC (lúc ấy chỉ có tổng biên tập Vũ Kim Hạnh, chú Bảy Trấn cố vấn, và tôi phụ trách tòa soạn) thảo luận. Sau cùng, bác Bảy Trấn đặt tên là Hai Cù Nèo. Chống tiêu cực bằng báo Cười cũng như dùng cù nèo dọn sạch cỏ hoang.

TTC số đầu tiên ra mắt ngày 1-1- 1984 nhận được ngay cảm tình của bạn đọc. Nhiều bạn đọc đến tòa soạn tìm “Anh Hai Cù Nèo” để góp ý, góp bài, tranh biếm... cung cấp đề tài, phản ánh những tiêu cực, và (đặc biệt là độc giả các tỉnh phía Bắc) nhờ giải thích hai chữ... “Cù Nèo”.

Thôi thế là thôi... run! Mừng húm!

Để rồi ra tiếp số 2 (tháng 2- 1984), bày binh bố trận đàng hoàng với các chuyên trang, chuyên mục: Tiệm tạp hóa Hai Cù Nèo (rất đắt hàng), Cười từ trong nhà ra phố chợ, Nụ cười kháng chiến, Vác chiếu ra tòa, Dọn vườn chữ nghĩa, Hai Cù Nèo tâm sự, gỡ rối tơ lòng.... thòng, Thi kể chuyện cười, Góc biếm họa, Cái gì đây?...

Số phát hành liên tục tăng nhanh như “lạm phát phi mã” (số tháng 9-1985: 313.500 tờ, số 12-1986: 377.000 tờ - kỷ lục này 25 năm sau vẫn chưa bị phá!). Buổi đầu có mặt trong làng báo, vì xã hội lúc ấy còn dị ứng với chuyện bị cười chê, thậm chí chỉ là cười đùa trên báo, TTC cũng nhiều phen bị rầy rà, nhất là với các cơ quan công quyền. Song được bạn đọc ủng hộ chí tình chí lý, tờ báo đã có một chỗ dựa vững chắc để tiếp tục đi tới. Chỉ sau chưa đầy mươi số báo, TTC đã mở đợt tấn công lớn vào những tiêu cực trong hệ thống quan liêu bao cấp qua cuộc thi “Cười quan bao” với số lượng bài viết và tranh biếm tham dự tràn ngập.

Lần lượt các “quả đấm” thi nhau xuất hiện: Cười bọn gian thương đầu cơ, Cười những kẻ ăn bám, Cười bợm nhậu, Cười chuyện lãng phí, Cười nhân ngày 8-3, Ngày nhà giáo VN. Mạnh và ấn tượng nhất là “Cười quan liêu, bao cấp” (quan bao) kéo dài 1 năm rưỡi (từ số tháng 7-1984 đến tháng 12- 1985) với hàng chục ngàn thư, thơ, tranh, bài... châm biếm, đả kích do độc giả gởi tham gia.

Chuyên trang, chuyên mục lũ lượt ra đời thêm: Hai Địa kể chuyện ngoại thành, Cười tật mình, Những gương mặt đen, Bệnh “mackeno”, chộp ảnh, Nụ cười dân gian, Lai rai đỡ buồn, Câu lạc bộ họa sĩ biếm...

Những cây viết, cây cọ

Rất nhiều cây viết châm biếm tham gia viết đều đặn cho TTC rất sớm, một phần vì cảm tình riêng với chú Bảy Trấn, như AST (Trần Bạch Đằng), Brùm (Rum Bảo Việt, Sáu Chiến), Thái Bạch, BS Trần Nam Hưng, Trần Hữu Nghiệp...

Còn những cây viết mới, trẻ... tìm đâu ra? Ngoài Lê Văn Nghĩa, “vốn tự có” của Tuổi Trẻ. Kim Hạnh và tôi chia nhau đi “chiêu dụ” nhiều đồng nghiệp vốn chưa quen cười cợt. Không bao lâu sau, trên TTC xuất hiện “xôm tụ” nhiều cây bút châm biếm sắc sảo, thâm trầm như Hoàng Thiếu Phủ, Vũ Đức Sao Biển (Đồ Bì), Nguyễn Nhật Ánh (Đề Lĩnh), Phạm Khánh Toàn (Tiểu Liên Thanh), Đỗ Hữu Ứng (Loa Giấy), Hoàng Thoại Châu (Thợ Tiện), Cung Văn, Xích Điểu, Thái Bạch (Cử Tạ), Thái Hà, Hoàng Ngọc Tuấn...

Câu lạc bộ họa sĩ biếm rôm rả với: Nguyễn Tài, Ớt (Huỳnh Bá Thành), Nop, Nhốp, Đức, Nhím, Điêu Quốc Việt, B.Bu (Đỗ Trung Quân), Duy Mỹ, Dad, Đậu Khắc Bình...

Ngày nay, một số các “cây cười” nói trên đã ra người thiên cổ. Kẻ viết bài này (và chắc có rất nhiều độc giả trước đây) xin tri ân, tưởng nhớ các vị ấy với (lần đầu tiên) nụ cười... buồn. Xin các vị nhớ cho “trong cõi thiên thu” các vị vẫn “in hình bóng nụ cười” cho đời (theo ý một ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn).

Một chút xíu nữa về “anh Hai Cù Nèo”

Trong lịch sử báo châm biếm, trào phúng, hiếm thấy một “nhân vật” sống lâu mà vẫn cứ trẻ như Hai Cù Nèo. “Anh” này là chủ “Tiệm tạp hóa Hai C u N e o ” , mở cửa từ số 1-1984 đến nay (và chắc còn lâu về sau) vẫn còn cửa mở, vẫn cứ đắt hàng! Thuở ban sơ, có hai “anh” Hai Cù Nèo: Kẻ viết bài này và ông Bảy Trấn, chuyên rao hàng, mời mọc, đọc thư bạn đọc, tâm tình với bạn đọc... Nhưng cái giọng của chú Bảy thì hóm hỉnh, sâu sắc, uyên bác như nét mặt, vóc dáng của chú vậy (năm ấy chú đã trên 70 tuổi rồi).

Và rồi Hai Cù Nèo “hóa thân” lúc nào không ai nhớ nổi. Giống như Tề Thiên Đại Thánh. Ngày càng có nhiều người viết “bị” hay được (tòa soạn ký tên giùm) thành ra Hai Cù Nèo. Một bút danh ban đầu đã hóa phép thành bút danh tập thể. Và bút danh này cũng lại trở thành một biệt danh để chỉ những thư ký tòa soạn, thường trực của tòa soạn TTC (đến nay là “trào” thứ tư). Hai Cù Nèo còn là “biểu tượng” đồng hóa với TTC nữa chứ: “Báo của Hai Cù Nèo” - rất nhiều người nói thế.

Ngày nay, không ai dám cả gan vỗ ngực tự xưng là “Hai Cù Nèo” chính hiệu; nhưng nếu có ai gan cùng mình thì “cười trừ” cũng đặng.

Bởi, như từ lúc sinh ra, TTC của Hai Cù Nèo đã cười một nụ cười “trong sáng, lạc quan và dũng cảm”. Và bao lâu mà trong xã hội mình còn những cái xấu, cái ác, cái tật, cái vô văn hóa, cái bê bối, lạc hậu... thì “ảnh” vẫn cứ tiếp tục cười dài dài như thế.

Hai Cù Nèo không phải là tôi (Võ Văn Điểm, phụ trách tòa soạn TTC đầu tiên), là chú Bảy Nguyễn Văn Trấn, là Nguyễn Đông Thức, là Nam Đồng (phụ trách tòa soạn kế tiếp) hay là Lê Văn Nghĩa (phụ trách hiện nay) mà chính là chúng ta - tất cả những người viết, người vẽ tranh biếm cho TTC, tất cả những người đọc yêu mến TTC.

TTC

eOTasyPI.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 371 (ra ngày 1-1-2009) hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

Chúc bạn đọc có thật nhiều thời gian thư giãn thoải mái!

TTC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên