20/02/2015 18:07 GMT+7

​Tuổi Trẻ có mặt ở Hoàng Sa

TTXuân - Trong 75 ngày Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, Tuổi Trẻ đã cử 10 phóng viên ra Hoàng Sa tường trình vụ việc.

Lá cờ được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: Quang Định
Lá cờ được trưng bày tại Bảo tàng TP.HCM - Ảnh: Quang Định

Những thông tin mới nhất về tình hình thực địa, về sự bền gan vững chí của những người cảnh sát biển Việt Nam đã được các phóng viên Tuổi Trẻ gửi về đất liền nhanh chóng, gây xúc động trong lòng bạn đọc.

Lần đầu tiên, các phóng viên tác nghiệp tại vùng biển Hoàng Sa. Nhiều cảm xúc, nhiều kỷ niệm khó quên. Sau 75 ngày đáng nhớ, họ vẫn còn nhiều câu chuyện muốn kể.

Vật báu từ Hoàng Sa

Đó là từ mà nhiều bạn đọc Tuổi Trẻ dành gọi lá cờ Tổ quốc đã sờn rách, bạc màu vì sóng gió Hoàng Sa, được những kiểm ngư viên trên con tàu HP 926 gửi tặng bạn đọc Tuổi Trẻ ngay trong những ngày biển Đông dậy sóng.

Tối 14-6-2014, trong chương trình giao lưu nghệ thuật “Linh thiêng Tổ quốc Việt Nam” ở sân Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM diễn ra một buổi chào cờ rất đặc biệt: 4.000 sinh viên TP.HCM cùng nhiều cán bộ cách mạng lão thành đã cất lên tiếng quốc ca, nhưng không có lá cờ nào được kéo lên mà mọi người hướng mắt về một lá cờ sờn rách, được đặt trong khung kính, được nâng lên trên tay của các tiêu binh… Đó chính là lá cờ trên con tàu HP 926 vừa được đưa về từ Hoàng Sa. Cảm xúc từ lá cờ, từ lời quốc ca cứ thế truyền xuống khán giả. 

Lá cờ chứng nhân

Lặng lẽ ở một góc dưới khán đài, khi lời quốc ca vừa dứt, bà Tư Liêm (Trương Mỹ Lệ) và những lãnh đạo Thành đoàn TP.HCM một thời, những người từng xuống đường và đấu tranh cho non sông liền một dải lặng lẽ lấy khăn chấm nước mắt. Bà Tư Liêm nói nhìn lá cờ và 4.000 sinh viên trong buổi chào cờ đặc biệt, với lá cờ đặc biệt, bà tin rằng nhiệt huyết với non sông của lớp lớp học sinh, sinh viên Sài Gòn năm nào, của đất nước hôm qua vẫn còn được truyền lại, trọn vẹn.

Hình ảnh ấy ở TP.HCM chỉ là một lát cắt trong hành trình ôm trọn Tổ quốc từ Hải Phòng, từ Quảng Bình, từ Hoàng Sa… mà lá cờ sờn vải, bạc màu trên con tàu HP 926 đã làm chứng nhân cho những cảm xúc trào dâng về chủ quyền đất nước.

Lát cắt ấy có lúc là giờ phút xúc động khi một buổi lễ, một nghi thức bất ngờ không có trong dự kiến của chuyến hải trình vào buổi chiều 15-5-2014, giữa biển trời Hoàng Sa lộng gió, thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy và chính trị viên Đinh Kim Thảo kéo lá cờ Tổ quốc trên nóc tàu xuống để trao gửi về đất liền. 

Lát cắt ấy cũng có khi chỉ là một khoảnh khắc ngắn nhưng đầy cảm xúc khi cứ sau mỗi trận vòi rồng, mỗi đợt đâm va của tàu Trung Quốc, các kiểm ngư viên lại lên nóc cabin cột chặt lại lá cờ, kéo lên vị trí cao nhất, tiếp tục hành trình giữ chủ quyền.

Và lát cắt ấy còn như một sứ mệnh, một lời hứa, còn là lời hứa với đất liền, với Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Khi đúng vào ngày 7-5-2014, kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, ngày truyền thống của Hải quân Việt Nam, tàu HP 926 trên hành trình từ Hải Phòng ra Hoàng Sa nhận nhiệm vụ đã đi ngang qua vùng biển vũng Chùa - đảo Yến (Quảng Bình) nơi có mộ phần đại tướng. Để trong giờ phút con tàu quay mũi, rúc hồi còi dài chào đại tướng ngày hôm ấy, lá cờ đã được kéo lên, đón lấy những cơn gió hùng thiêng từ vũng Chùa để thẳng tiến ra Hoàng Sa.

Các bạn trẻ với lá cờ mang về từ Hoàng Sa tại chương trình “Linh thiêng Tổ quốc Việt Nam” - Ảnh: Tự Trung
Các bạn trẻ với lá cờ mang về từ Hoàng Sa tại chương trình “Linh thiêng Tổ quốc Việt Nam” - Ảnh: Tự Trung

Chạm một phần Hoàng Sa

10 ngày trên biển Hoàng Sa, câu chuyện về lá cờ trên nóc tàu HP 926 chưa bao giờ nằm trong lịch trình tác nghiệp dự kiến của chúng tôi. Nhưng lúc trở về đất liền, nhiều trang trong cuốn sổ ghi chép đã kín chữ về lá cờ. Và đến lúc này, khi lá cờ đã nằm yên trong một góc trang trọng nhất ở phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ, những câu chuyện tràn đầy cảm xúc về chủ quyền đất nước từ lá cờ đã sờn rách, bạc màu ấy vẫn còn được viết tiếp.

Trưa một ngày cuối tháng 9, bà Huỳnh Thị Út Mười - 60 tuổi, một cựu chiến binh ở Bạc Liêu - tất tả đón xe buýt nối chuyến từ bến xe Miền Tây đến tòa soạn Tuổi Trẻ. Đi một hành trình dài hơn 300km từ mờ sáng, bà nói chỉ để tận tay chạm được lá cờ vải đã sờn, màu đã bạc, từng đẫm sóng gió Hoàng Sa. “Giá nào tui cũng phải lên đây sờ tận tay vào lá cờ này, coi như là chạm được một phần của Hoàng Sa” - bà Mười xúc động. Rưng rưng rời tay khỏi lá cờ, trước lúc về, bà Mười nhờ Tuổi Trẻ gửi cho những kiểm ngư viên trên tàu HP 926 5 triệu đồng, giọng bà xúc động: “Đây là tiền hưu của tui nghen, nhà báo nói mấy chú kiểm ngư không nhận là tụi giận…”. 

Cho đến những ngày cuối cùng trên biển Hoàng Sa, chúng tôi cũng không nghĩ mình sắp được mang về đất liền một kỷ vật mang rất nhiều chứng tích và ký ức của Hoàng Sa những ngày nóng bỏng. Nhưng rồi đêm 14-5, đêm cuối cùng ở Hoàng Sa, câu chuyện về lá cờ ấy đã bắt đầu khi thay mặt thủy thủ đoàn của tàu kiểm ngư HP 926, thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy bất ngờ mời phóng viên Tuổi Trẻ lên cabin và chia sẻ rằng: “Anh em kiểm ngư trên tàu muốn nhờ phóng viên Tuổi Trẻ chuyển lá cờ Tổ quốc về cho bạn đọc ở đất liền”. Đêm ấy, trong giờ phút thư thả hiếm hoi nơi đầu sóng, thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy kể rằng mấy ngày qua anh và các thủy thủ trên tàu không có báo Tuổi Trẻ để đọc, nhưng qua Đài Tiếng nói Việt Nam, các anh biết chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” đang được bạn đọc Tuổi Trẻ hưởng ứng mãnh liệt. Tấm lòng ấy từ đất liền đã tiếp thêm động lực cho các kiểm ngư viên vững lòng hơn. Thuyền trưởng Nguyễn Cao Duy còn nhắc lại những ngày biển Đông dậy sóng hơn ba năm trước khi tàu Trung Quốc ngang nhiên cắt cáp tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam và cũng đang làm nhiệm vụ trên biển, qua sóng radio, các kiểm ngư viên cũng từng được nghe về câu chuyện “Góp đá xây Trường Sa” mà bạn đọc Tuổi Trẻ chung tay. 

Câu chuyện từ đất liền, từ những bạn đọc của Tuổi Trẻ, cùng thời khắc gian lao ấy của đất nước đã tiếp thêm lòng quả cảm cho những người đang giữ chủ quyền trên đầu sóng. Còn chúng tôi, những người may mắn được trao gửi, mang cờ về đất liền, hiểu rằng mình đang mang một báu vật từ Hoàng Sa, từ sự kết nối của lòng yêu nước. 

Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương - Ảnh: Nguyễn Khánh
Thiếu tướng Nguyễn Văn Tương - Ảnh: Nguyễn Khánh

Thiếu tướng NGUYỄN VĂN TƯƠNG - chính ủy Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam

Thông tin nhanh nhất từ Hoàng Sa

“Trong số những tin bài của phóng viên các báo, đài gửi về từ Hoàng Sa, tôi đặc biệt chú ý đến những tin bài của phóng viên Tuổi Trẻ. Tuổi Trẻ luôn có những câu chuyện, cách tiếp cận rất sâu sát, thú vị. Chất lượng tin bài luôn cho thấy sự vượt trội. Thông tin luôn gửi về nhanh nhất. Và đây cũng là tờ báo có phóng viên bám trụ liên tục, dài ngày nhất tại thực địa. Tôi rất trân trọng ý thức trách nhiệm và lòng yêu nghề, tinh thần dũng cảm, dám dấn thân của phóng viên Tuổi Trẻ. Đặc biệt, sự xuất hiện của phóng viên nữ My Lăng với thời gian dài 37 ngày đêm trên biển là nguồn động viên tinh thần lớn đối với cán bộ, chiến sĩ tàu cảnh sát biển”.

ANH CHI ghi

VIỄN SỰ

Nỗi niềm từ biển khơi

Dù những cơn sóng dữ giữa Hoàng Sa ngày biển động làm chúng tôi vật vã, nhưng ai cũng gắng gượng dậy lúc hoàng hôn. Mặt trời trên biển đỏ rực ở cuối chân trời tây chìm dần vào chân sóng. Quanh chúng tôi, những con tàu Trung Quốc to lớn vẫn hung hãn gầm gừ tìm cách bủa vây, đâm húc. Chúng tôi vẫn đứng đó dõi mắt về quê nhà với những nỗi niềm đau đáu từ biển khơi.

Hai lần đến Hoàng Sa, hai lần tôi đều dõi mắt về quê nhà trong những buổi hoàng hôn như vậy. Có điều lần trước tôi đến Hoàng Sa để cứu người, kéo con tàu và 9 ngư dân trên tàu của “sói biển” Mai Phụng Lưu về đảo Lý Sơn. Lúc ấy khá thanh bình dù niềm tiếc nuối vẫn thôi thúc không nguôi khi nghĩ về Hoàng Sa. Lần này tôi đến Hoàng Sa trong một tâm tư khác. Không ai nói với nhau điều gì, nhưng trong sâu thẳm ánh mắt các đồng nghiệp của tôi đều nung nấu điều đó. Những ánh mắt can trường, quả quyết và xông thẳng ra trước vòi rồng của tàu Trung Quốc để tác nghiệp cho tôi thấu hiểu tình yêu nước non trong tim họ.

Sau những lần như vậy, thỉnh thoảng chúng tôi có phút bình yên vào những buổi chiều. Những con sóng ầm ào đâu đó dưới chân mình, chúng tôi nghe tiếng vọng quê nhà bến bờ đang chờ đợi. Chúng tôi lại nghĩ về những lớp người đi trước, những tiền nhân với thuyền nan vượt biển làm chủ Hoàng Sa hàng trăm năm trước. Nhớ đến những dòng tộc lẫy lừng biển cả mà tên tuổi của họ chỉ còn khắc trên bia đá ở những ngôi mộ gió khắp cánh đồng tỏi trên đảo Lý Sơn. Và anh linh của 74 người lính Việt Nam cộng hòa ngã xuống vì Hoàng Sa năm 1974 như vọng lại rất gần. 

Biển ở Hoàng Sa rất xanh, nước trong như pha lê vào ngày nắng đẹp. Chúng tôi ước mơ một ngày không xa Hoàng Sa sẽ là nơi tuyệt diệu để mọi người dân Việt có thể ghé thăm, cùng ngư dân của mình chờ đón bình minh nơi trùng khơi của Tổ quốc. Những Phú Lâm, Tri Tôn, Lưỡi Liềm, Duy Mộng… sẽ là nơi trú ngụ, chở che cho ngư dân miền Trung trong mỗi mùa bão biển.  

Chúng tôi lại nhớ về những giọt nước mắt ngậm ngùi nhỏ xuống khi nghĩ về Tổ quốc. Đó là ngày 19-1-2014, chính quyền Đà Nẵng mở cuộc triển lãm đúng 40 năm Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa. Không ai cầm được nước mắt khi chủ tịch UBND huyện đảo Hoàng Sa Đặng Công Ngữ đọc bài diễn văn với lời tự trách mình khiêm tốn rằng trong nhiệm kỳ của ông chưa làm gì được cho Hoàng Sa, mặc dù ông đã làm được rất nhiều. Ngồi bên dưới, chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Đà Nẵng Bùi Văn Tiếng mắt đỏ hoe, liên tục kéo áo lau nước mắt khi bài diễn văn nhắc đến Hoàng Sa ngày 19-1-1974. Nhiều đôi mắt ngấn nước. Không ai nói với nhau lời nào nhưng ai cũng biết buổi khai mạc triển lãm trở thành buổi tri ân trong lòng mỗi người khi nhắc đến Hoàng Sa. 

Chén trà chiều giữa biển khơi đắng chát ở cổ họng. Đồng nghiệp của tôi ngồi cắn đầu ngón tay đến rướm máu, ánh mắt cứ chằm chằm nhìn về giàn khoan như con quái vật đen ngòm hung ác giữa biển. Tôi hỏi một đồng nghiệp rằng vì yêu Tổ quốc hay yêu nghề nghiệp mà bạn đến với Hoàng Sa, bạn tôi dõng dạc: “Cả hai! Nếu có chết vì Hoàng Sa ngày hôm nay, những người cầm bút như chúng mình cũng vui”.

TẤN VŨ 

Trọn vẹn với Tổ quốc

88 ngày đêm ở Hoàng Sa. Chỉ huy con tàu cảnh sát biển 8003 - một trong những tàu có mặt sớm nhất tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 - là sĩ quan mang quân hàm đại úy: thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng (35 tuổi). 

Khác với những chuyến đi trực bảo vệ tàu thăm dò dầu khí Bình Minh 2 và Viking, lần này Nguyễn Văn Hưng nhận nhiệm vụ ra thực địa khi vừa mới được bổ nhiệm làm thuyền trưởng hơn 10 ngày (cuối tháng 4-2014). Hưng kể: Anh em nhận nhiệm vụ là lên đường mà không mảy may suy nghĩ xem chuyện gì sẽ đón chờ con tàu mình phía trước. Tàu 8003 nhận lệnh xuất phát đi Hoàng Sa từ ngày 5-5-2014. Rời Hải Phòng, người thuyền trưởng ấy đã lặng lẽ bỏ lại sau lưng mối ưu tư đau đáu về người cha đang bệnh nặng. Mà khi đó, với Hưng, nhiệm vụ này không biết trước ngày trở về.  

Tất cả tâm trí đều dành cho nhiệm vụ

Rạng sáng 6-5, mới khoảng 2g, tàu 8003 đã có mặt tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981. Tàu chỉ cách giàn khoan 3 hải lý, lọt thỏm giữa một rừng hùng hậu đủ loại tàu của Trung Quốc bảo vệ giàn khoan. 88 ngày đêm ở Hoàng Sa, tàu 8003 thường xuyên bị tàu hải cảnh 3210 đeo bám, theo sát và truy đuổi. Con tàu to và hiện đại nhất nhì của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam tại thực địa này còn là mục tiêu theo dõi, bám sát của hàng chục tàu Trung Quốc khác. Trách nhiệm của người thuyền trưởng không cho phép đại úy Hưng một giây lơ là, nhất là khi màn đêm buông xuống. Không chỉ phối hợp nhịp nhàng với các tàu trong đội hình để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, có thời điểm tàu 8003 còn được giao nhiệm vụ hỗ trợ, dẫn đường 24/24 giờ cho tàu kiểm ngư 630 sau khi tàu này hai lần bị tàu Trung Quốc tấn công. 

Nhiều đêm tối tôi lên cabin - khoang lái chỉ huy. Tàu tắt gần hết đèn, chỉ còn ánh sáng vàng vọt yếu ớt đủ để nhìn một số trang thiết bị trên khu vực chỉ huy, cả kíp trực căng mắt nhìn về phía trước, nơi bóng đêm đen thẳm đang bủa vây. Đại úy Hưng cũng vậy. Vầng trán rộng và đanh của người thuyền trưởng rịn mồ hôi. Anh luôn hỏi sĩ quan ở khu vực màn hình rađa về số lượng tàu Trung Quốc, có tàu nào di chuyển, tốc độ; có tàu nào thay đổi đội hình, ở hướng nào… Hàng trăm tàu Trung Quốc bố trí dày đặc, đèn và ánh sáng nhấp nháy trải dọc, xen lẫn thành một dải như đường sáng kẻ ngang trước mặt. Họ có thể sẵn sàng đâm va tàu Việt Nam bất cứ lúc nào, nhất là vào ban đêm. Sau những ca trực dài căng thẳng trong im lặng đến cô đặc cả không khí ấy, Hưng trở về phòng nằm nghỉ ngơi. Nhưng Hưng vẫn chẳng an tâm. Cứ một chốc, anh lại chạy lên cabin chỉ huy nắm tình hình. 

Có đêm, tàu Trung Quốc lặng lẽ tăng tốc nhỏ và tắt thiết bị AS (thiết bị nhận dạng mục tiêu qua màn hình rađa) để đánh lừa hệ thống rađa và cả mắt thường, nhằm hướng về tàu 8003. Nhưng khi tàu Trung Quốc chưa kịp thực hiện được ý đồ đâm va bất ngờ, ở khoảng cách 3 hải lý, tàu 8003 đã phát hiện và cơ động. Nhiều đêm hai, ba lần tàu 8003 phải tăng tốc di chuyển để hạn chế tối đa sự đâm va gây hư hại từ các tàu Trung Quốc. Những đêm đó, thuyền trưởng Hưng hầu như không ngủ. Anh không rời vị trí trên cabin chỉ huy. Tất cả tâm trí đều dành hết cho nhiệm vụ. 

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng - Ảnh: My Lăng
Thuyền trưởng Nguyễn Văn Hưng - Ảnh: My Lăng

“Bố sẽ luôn tự hào”

Để đảm bảo bí mật và do điều kiện, thuyền trưởng Hưng không thể gọi điện về hỏi thăm tình hình của bố. Và có lúc, tôi tưởng chừng Hưng cũng dường như quên đi rằng trong đất liền cách Hoàng Sa mấy trăm cây số, bố của Hưng đang chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo: ung thư dạ dày. Bị bệnh đã lâu nhưng đến năm 2013, bố anh, ông Nguyễn Phong Lưu, mới biết mình bị ung thư dạ dày. Dù đã chuyển lên Bệnh viện K (Hà Nội) điều trị nhưng bệnh đã ở giai đoạn cuối vì phát hiện quá trễ, bác sĩ điều trị thở dài khi nhìn kết quả, khuyên gia đình đưa về nhà và chuẩn bị tinh thần xấu nhất, chấp nhận sự thật đau lòng là ông Lưu sẽ ra đi trong vài tháng tới.

Giữa Hoàng Sa trong một đêm lồng lộng gió, kể về bố - một cựu chiến binh đoàn tàu không số - người con trai của ông bỗng rưng rưng đôi mắt. Người thuyền trưởng trẻ tuổi vững vàng là thế, bản lĩnh là thế khi đối đầu trước đội hình hàng chục tàu Trung Quốc to sừng sững, bị vây ép, bị đe dọa vẫn chẳng chút nao lòng; vậy mà loang loáng nước mắt khi nhớ đến người cha đang héo mòn sự sống từng ngày nơi quê nhà. Trước khi đi công tác mấy ngày, Hưng đã về thăm bố. Nhiều lần quay lại bờ tiếp thêm nhiên liệu, lương thực thực phẩm, Hưng cũng không có thời gian về thăm bố. Anh chỉ có thể gọi điện thoại. 

Tôi hỏi sao không xin nghỉ phép ở nhà bên cạnh bố, Hưng nói: “Nếu tôi xin, đơn vị sẽ giải quyết cho ở lại. Nhưng đồng đội ai cũng đi hết, mình chỉ huy tàu ở lại sao đành. Chuyện gia đình cũng quan trọng, nhưng giữa lúc Tổ quốc cần mình phải biết đặt cái gì lên đầu”. Hỏi Hưng có lúc nào đó thấy chữ hiếu trong mình chưa trọn vẹn khi bố đang bệnh rất nặng còn anh phải đi làm nhiệm vụ dài ngày, anh khẳng định: “Tôi không có cảm giác đó. Vì những lúc có thời gian, tôi luôn dành sự quan tâm đến bố. Tôi biết rằng nếu ở ngoài này tôi thật sự là một chỉ huy tốt, hoàn thành công việc tốt, góp phần thật sự vào nhiệm vụ chung của đất nước thì bố sẽ quý hơn là việc tôi ở nhà. Tôi luôn tự an ủi và tin rằng khi mình có mặt ở đây, bố tự hào về mình nhiều hơn là lo lắng”. 

Sau 88 ngày đêm thực hiện nhiệm vụ, thuyền trưởng Hưng cũng kịp có mặt trong ngày bố mất. Bố anh đã thanh thản ra đi ở tuổi 70, một ngày cuối tháng 8. Có lẽ ông rất mãn nguyện và tự hào về con trai mình - đã dũng cảm và sống trọn vẹn với đồng đội, Tổ quốc; xứng đáng là con trai của một cựu chiến binh đoàn tàu không số. Chọn ra Hoàng Sa chứ không ở nhà bên cạnh bố, Hưng nói người lính phải đặt nhiệm vụ lên đầu. Nhưng tôi đọc trong sâu thẳm tâm khảm của người thuyền trưởng, anh quyết gạt tình riêng ra đi với tâm thế “Người ra đi đầu không ngoảnh lại…” là vì hai từ “trọn vẹn” với Tổ quốc. Tình yêu nước không phải là điều gì trừu tượng, mông lung. Với anh, đó là quyết định khi phải lựa chọn giữa một bên là chữ hiếu và một bên là trách nhiệm với Tổ quốc. 

MY LĂNG

Chiến sĩ tàu cảnh sát biển 4034 hát quốc ca trong lễ kết nạp đảng viên mới trên tàu ngày 16-7-2014 - Ảnh: Hà Bình
Chiến sĩ tàu cảnh sát biển 4034 hát quốc ca trong lễ kết nạp đảng viên mới trên tàu ngày 16-7-2014 - Ảnh: Hà Bình

Hát quốc ca giữa sóng biển Hoàng Sa

“Nghiêm. Chào cờ, chào. Quốc ca” - thiếu úy Nguyễn Văn Ánh trên tàu cảnh sát biển 4034 làm nhiệm vụ tại vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam  hô dõng dạc. “Đoàn quân Việt Nam đi. Chung lòng cứu quốc…” - giữa biển Hoàng Sa, những chiến sĩ đi làm nhiệm vụ thực thi pháp luật trên biển hát rền vang.

Thật trùng hợp, trong buổi sáng Trung Quốc rút giàn khoan Hải Dương 981 khỏi vùng biển nước ta, quốc ca Việt Nam vang lên trong lễ kết nạp đảng viên mới cho hai chiến sĩ trên tàu. Tiếng hát trầm hùng của những chiến sĩ hòa cùng sóng biển và cả tiếng máy tàu giữa trùng khơi. Tàu vẫn lắc lư. Sóng dập dềnh. Và tiếng hát quốc ca vẫn ngân lên như thế. Thật xúc động. 

Các phóng viên báo đài chúng tôi sau khi chào cờ cũng tranh thủ ghi lại những thời khắc lịch sử ở Hoàng Sa. Đã chào cờ, hát quốc ca nhiều lần trong đời nhưng cất giọng “Đoàn quân Việt Nam đi…”, ngước nhìn cờ đỏ sao vàng bay giữa biển Hoàng Sa của Việt Nam - khẳng định chủ quyền của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió, với chúng tôi là buổi chào cờ đáng nhớ nhất trong đời. 

HÀ BÌNH

Ngày 3-5: Trang web Cục Hải sự Trung Quốc đưa ra cảnh báo hàng hải cho biết từ ngày 2-5 đến 15-8, giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc hoạt động tại phía nam đảo Tri Tôn thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam, nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 130 hải lý.

Ngày 5-5: Tuổi Trẻ đưa thông tin về vụ Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trong vùng biển Việt Nam lên trang 1.

Ngày 6-5: Phó thủ tướng - Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh điện đàm với Ủy viên quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này.

Ngày 7-5: Bộ Ngoại giao Việt Nam tổ chức họp báo quốc tế phản đối việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan, công bố video bằng chứng tàu Trung Quốc tấn công tàu cảnh sát biển và tàu kiểm ngư Việt Nam, làm 6 kiểm ngư viên Việt Nam bị thương.

Ngày 9-5: Ngư dân Lý Sơn tổ chức mittinh phản đối Trung Quốc, các hội đoàn trên cả nước bắt đầu lên tiếng phản đối và yêu cầu Trung Quốc rút giàn khoan.

Ngày 10-5: Ngoại trưởng các nước ASEAN ra tuyên bố 4 điểm về tình hình biển Đông tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 24 tổ chức tại Myanmar. 

Tuổi Trẻ bắt đầu điều phóng viên theo tàu cảnh sát biển ra Hoàng Sa đưa tin từ hiện trường. 

Ngày 11-5: Hàng chục ngàn người dân ở nhiều tỉnh, thành tổ chức mittinh, tuần hành phản đối Trung Quốc. Tuổi Trẻ ra ấn phẩm đặc biệt tặng bạn đọc.

Ngày 13-5: Tàu Trung Quốc đâm gãy lan can tàu cảnh sát biển Việt Nam.

Tuổi Trẻ trao 1,4 tỉ đồng đầu tiên do bạn đọc đóng góp trong chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” cho lực lượng kiểm ngư Việt Nam mua sắm thiết bị.

Ngày 17-5: Hai ngư dân Quảng Ngãi bị hải giám Trung Quốc đánh bị thương khi hành nghề tại Hoàng Sa.

Ngày 20-5: “Hòa bình và an ninh đang bị đe dọa” - Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp Quốc hội.

Ngày 21-5: Trong khuôn khổ chuyến thăm, làm việc tại Philippines và tham dự Diễn đàn kinh tế thế giới về Đông Á, trả lời các câu hỏi của phóng viên quốc tế tại Manila, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam nhất định không chấp nhận đánh đổi chủ quyền thiêng liêng để nhận lấy một thứ hòa bình, hữu nghị viển vông, lệ thuộc nào đó” 

Ngày 26-5: Tàu Trung Quốc đâm chìm tàu cá ĐNa 90152 của ngư dân Huỳnh Thị Như Hoa (Đà Nẵng).

Tuổi Trẻ trao tặng danh hiệu “Bạn đồng hành quanh tôi” và 150 triệu đồng hỗ trợ tập thể tàu kiểm ngư HP 926 khi tàu cập cảng Đà Nẵng.

Ngày 27-5: Cục Lãnh sự - Bộ Ngoại giao Việt Nam triệu đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội trao công hàm phản đối hoạt động gây hấn của tàu Trung Quốc với ngư dân trên biển.

Ngày 28-5: Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc đã gửi thư cho Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đề nghị lưu hành công hàm của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc phản đối Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép.

Ngày 29-5: Đại sứ Việt Nam tại Mỹ Nguyễn Quốc Cường trả lời Đài truyền hình CNN lên án Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng biển Việt Nam. 

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Vinh trả lời phỏng vấn CNN.

Ngày 1-6: Tàu Trung Quốc liên tục tấn công, đâm thủng tàu Việt Nam. 

Ngày 2-6:Trục vớt chiếc tàu cá ĐNa 90152 bị tàu Trung Quốc đâm chìm.

Ngày 6-6: Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi công hàm lần 2 tới Liên Hiệp Quốc phản đối Trung Quốc.

Ngày 23-6: Tàu Trung Quốc đâm vỡ tàu kiểm ngư 951 của Việt Nam.

Ngày 4-7: Trưởng phái đoàn Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc tiếp tục gửi thư lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon lần thứ tư phản đối Trung Quốc.

Ngày 15-7: Giàn khoan bắt đầu ngưng hoạt động ở khu vực biển gần đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Trung Quốc cho biết “đã hoàn tất quá trình khoan thăm dò dầu khí” và di dời về hoạt động ở khu vực Lăng Thủy tại đảo Hải Nam.

 

55 tỉ đồng

Đó là số tiền do các cơ quan, đơn vị cùng bạn đọc trong và ngoài nước đóng góp, hưởng ứng chương trình “Chung sức bảo vệ chủ quyền biển Đông” do báo Tuổi Trẻ phát động từ ngày 10-5-2014.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên