![]() |
Vợ chồng nghệ sĩ khuyết tật - Ảnh: T.M.H. |
Thế mà một buổi chiều tôi bỗng giật mình khi nghe tiếng hát, tiếng đàn cất ra từ một xó quê hút sâu của những đời nông dân lặng lẽ. Tiếng hát da diết, trong ngần tỏa bay theo gió chiều trên nền guitar cũ kỹ, phảng phất mùi cô liêu và đầy hồi ức về những ngày tháng thời thập niên vừa mới lớn lên, thập niên của điều mộc mạc.
Ngồi xếp chân bên mương chiều yên nước, tôi nghe tiếng đàn hát mà bỗng muốn ngả lưng trên những tàu dừa nước, để mùi lá xông lên mũi, tận hưởng dòng âm thanh mộc mạc huê tình. Và chợt mủi lòng khi gốc gác tiếng hát, tiếng đàn khởi sinh từ vợ chồng nông dân nghệ sĩ nghèo nàn và đang hứng chịu nỗi buồn muôn đời ở cơ thể.
Người chồng bị mù sau di chứng bệnh tật từ thời thơ ấu, giờ lê từng bước chân, quơ gậy khắp lối làng lối chợ bán từng tờ vé số. Người đàn ông đã thay tiếng rao bằng tiếng đàn guitar, không phải tiếng rao từ sự phô bày thương cảm những mất mát cơ thể mà tựa một thứ ánh sáng khác thay đôi mắt mù. Từng tờ vé số đóng trên guitar cũ vẫn rong ruổi theo tiếng đàn, mặc mưa nắng đường lầy...
Không đồng lúa vườn tược, người vợ cũng bạc người ở chợ quê với sạp rau ớt ít vốn, nhỏ lời. Cánh tay phải của chị bị xay nát khi làm công nhân ở nhà máy mía hồi mới giải phóng trong ca làm đêm đuối kiệt. Mỗi chiều chợ tan, chị dọn sạp hàng về ngã ba làng, nơi căn nhà tranh rách bươm dựng vắt ngang bờ mương nhỏ cũng là mái nhà của gia đình. Những khi sạp ế, chị ngồi chằm lá dừa nước để có thêm đôi ba ngàn đồng bằng chính cánh tay trái yếu mỏi, may mắn còn lại sau tai nạn và một phần tay còn sót lại bên bờ vai phải. Những mê say kiếm sống, gỡ xếp nỗi buồn mất mát tựa một cánh tay khác, vô hình nhưng tràn đầy sức.
Cuộc đời khổ nhọc nhưng mỗi chiều trở về, hai vợ chồng vẫn ngồi trước nhà hát những bài ca diễm tình thời xa vắng. Tiếng hát của người vợ và tiếng đàn của người chồng gói ghém khớp khít, diệu kỳ như chính đời vợ chồng chắc mẩm qua thách thức. Trong gió quê se lạnh, từng lời ca như đi ra từ đáy lòng, trút những sầu buồn và mang lại nhẹ lòng cho người đàn hát. Chiều quê hương càng yên vắng và ấm lòng người qua lại
Tiếng đàn hát không chỉ cất trong chiều mà còn cất trong tối, những tối trăng sáng và những tối nương nhờ ánh đèn hắt từ trong nhà. Như lệ làng, cách độ gần tuần đêm, sau khi ruộng vườn, tắm táp và cơm chiều, cả xóm nghèo người miếng bánh, người phích trà đến trải chiếu, quây quần bên tiếng đàn của người đàn ông mù. Người vợ sẽ cất tiếng hát đầu tiên, rồi lần lượt tiếng hát của những nông dân khác. Những khúc hát bất hủ của một thời xa xôi, vẫn mượt giọng trong xóm đêm hiu hắt, lạc xa những giá trị hiện đại. Có những người hát bài ruột của mình theo năm tháng, có những bài cùng hát chung, giọng chồng lên nhau những vẫn đầy yên ả. Những tựa bài Hoa tím bằng lăng, Con đường mang tên em, Đi những chân trời mới, Đồi thông hai mộ, Dệt chặng đường xuân và bài hát của vùng đất Dáng đứng Bến Tre... như đã nằm trong ruột những người ở xóm nhỏ. Tiếng hát ấm êm vang ra từ nền sân cũ và bóng trăng mờ như một đoạn phim tái hiện đầy chân thật một góc đời quá khứ, một khác lạ về bối cảnh trong nếp sống hiện đại. Khoảnh khắc giành nhau hát khi tiếng đàn của người đàn ông mù cất lên, những khoảnh khắc lặng im, thổ lộ sau mỗi bài hát là khoảnh khắc tháo dỡ nỗi lòng và hiềm khích buồn bã. Chuyện rối ren làng xóm cũng cùng chung bàn bạc, đỡ đần nhau bên tiếng hát dưới trăng.
Tôi nhìn hai vợ chồng cơ khổ, với những mất mát nhưng họ đã níu giữ được giá trị lớn lao và thiêng liêng của một góc làng quê, giữ cho cả những phận người lành lặn, tựa họ vẫn có đôi mắt rất sáng và cánh tay đầy sức...
Áo Trắng số 7 ra ngày 15/04/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận