05/10/2019 18:09 GMT+7

Từ ỷ lại, trông chờ chuyển sang chủ động xây dựng nông thôn mới

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Tổng kết 10 năm xây dựng phong trào 'Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới', Trung ương Đoàn cho rằng phong trào làm thay đổi nhận thức của thanh niên, số đông thanh niên từ trông chờ, ỷ lại đã chuyển sang chủ động xây dựng nông thôn mới.

Từ ỷ lại, trông chờ chuyển sang chủ động xây dựng nông thôn mới - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Anh Tuấn - bí thư thường trực Trung ương Đoàn, chủ trì ở đầu cầu Hà Nội - trình bày báo cáo tổng kết 10 năm xây dựng phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Chiều nay 5-10, Trung ương Đoàn đã tổ chức hội nghị trực tuyến tổng kết 10 năm phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" tại 63 điểm cầu trên cả nước.

Qua 10 năm phong trào được triển khai rộng khắp, trở thành phong trào sôi động của tuổi trẻ cả nước, thu hút đông đảo thanh niên và nhân dân tham gia.

Từ ỷ lại, chuyển sang chủ động xây dựng

Tại đầu cầu Hà Nội, anh Nguyễn Anh Tuấn, bí thư thường trực Trung ương Đoàn, đánh giá phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới" đã làm thay đổi nhận thức của đa số đoàn viên, thanh niên và nhân dân.

"Từ chỗ số đông còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại đã chuyển sang chủ động, tự tin tham gia tích cực vào xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn thanh niên thay đổi phương thức sản xuất, tăng cường ứng dụng KHCN mới trong sản xuất, kinh doanh", anh Tuấn nói.

Tuy nhiên, thực tiễn phong trào cũng chỉ ra một số hạn chế như công tác chỉ đạo xây dựng nông thôn mới tại các xã chỉ đạo điểm chưa được quan tâm thường xuyên, còn thiếu chủ động, công tác tuyên truyền còn mang tính hình thức.

Giai đoạn 2019 - 2020, hội nghị đưa ra một số giải pháp nâng cao hiệu quả phong trào "Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới", bao gồm: tập trung tuyên truyền các cách làm mới, sáng tạo, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, từ đó tạo tiền đề cho thanh niên vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Cùng với đó, tham gia xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tập trung nguồn lực vào những địa bàn khó khăn; xây dựng các mô hình bảo vệ môi trường nông thôn trên địa bàn xã.

Thời gian tới cũng tập trung hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm số lượng hộ nghèo do thanh niên làm chủ; vận động, hướng dẫn thanh niên nông thôn tham gia xây dựng đời sống văn hóa mới; đi đầu trong công tác đấu tranh phòng chống, ngăn ngừa, đẩy lùi các biểu hiện vi phạm trật tự an toàn xã hội; tổ chức đội trí thức trẻ tình nguyện xây dựng nông thôn mới.

Từ ỷ lại, trông chờ chuyển sang chủ động xây dựng nông thôn mới - Ảnh 2.

Hội nghị tổng kết 10 năm xây dựng phong trào 'Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới' - Ảnh: DƯƠNG TRIỀU

Đi đầu làm giàu chính đáng

10 năm qua, nhiều thanh niên nông thôn, thanh niên dân tộc xung kích đi đầu làm giàu chính đáng trên quê hương.

Tại hội nghị, họ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm về con đường khởi sự khởi nghiệp, tận dụng thế mạnh sẵn có của địa phương. Đơn cử, chị Hoàng Thị Hảo (dân tộc Tày, ở Hà Giang) hiện là chủ nhiệm dự án "Trồng rau hữu cơ gắn với phát triển du lịch có trách nhiệm".

Từ ngày còn là sinh viên đại học, Hảo về quê dẫn khách nước ngoài tham quan cao nguyên đá Đồng Văn. Năm 2017, chị bắt đầu xây dựng mô hình homestay và quán ăn chay ở Hà Giang với số vốn ban đầu là 100 triệu đồng. Những ngày đầu, mô hình của Hảo chỉ phục vụ tối đa 16 khách/ngày lưu trú.

Có lãi, Hảo mở rộng mô hình, đến nay có thể tiếp đón 40 khách/ngày. Doanh thu đạt 70 triệu đồng/tháng, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động với mức lương 5-7 triệu đồng/tháng.

Hảo chia sẻ mô hình không chỉ cung cấp rau sạch mà còn là địa chỉ lưu trú, chia sẻ kinh nghiệm trồng rau, các hoạt động nghỉ dưỡng, trải nghiệm làm nông dân, du lịch sinh thái...

Còn với anh Danh Hoàng, dân tộc Khơme, cũng quyết định về quê Hậu Giang lập nghiệp. Cũng với sự hỗ trợ của tổ chức Đoàn, Hoàng thành công với mô hình sản xuất theo chuỗi khép kín.

"Tôi tận dụng diện tích đất gần 5.000m2 trồng bắp, dùng cây bắp làm thức ăn cho 8 con bò để sinh sản và lấy thịt, tận dụng nguồn phân bò nuôi trùn quế để bán và nuôi lươn đồng, đồng thời dùng trùn quế làm phân hữu cơ trồng rau màu", anh chia sẻ.

Nhờ mô hình khép kín, Hoàng tiết kiệm được chi phí và hạn chế việc sử dụng phân hoá học, cung cấp ra thị trường sản phẩm chất lượng, an toàn.

Anh Hoàng cho rằng chính tổ chức Đoàn là cầu nối giúp hộ gia đình thanh niên nông thôn được tiếp cận với các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong phát triển kinh tế, tiếp thu kiến thức khoa học, kinh nghiệm, đảm bảo đầu ra ổn định. Anh mong muốn cần có thêm chính sách khuyến khích, hỗ trợ, là động lực để thanh niên tự tin làm giàu chính đáng trên quê hương.

Dân hiến đất xây dựng nông thôn mới Dân hiến đất xây dựng nông thôn mới

TTO - Đó là chia sẻ của ông Lê Thanh Liêm, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.HCM về những đóng của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại Hội nghị sơ kết hai năm xây dựng nông thôn mới huyện Hóc Môn, TP. HCM ngày 12-4.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên