22/09/2008 07:45 GMT+7

Từ vụ Vedan "giết" sông Thị Vải: Lời cảnh báo cho nhiều DN

KHIẾT HƯNG thực hiện
KHIẾT HƯNG thực hiện

TT(Hà Nội) - Làm gì để không còn những vụ “bức tử” môi trường như Vedan, Tuổi Trẻ trao đổi với PGS.TS Nguyễn Thế Chinh, trưởng khoa kinh tế, quản lý môi trường và đô thị (ĐH Kinh tế quốc dân), phó chủ tịch Hội Kinh tế môi trường.

* Làm sống lại sông Thị Vải: mất ít nhất 10 năm!

rYghDczO.jpgPhóng to
PGS.TS Nguyễn Thế Chinh - phó chủ tịch Hội Kinh tế môi trường - Ảnh: K.H

* Thưa ông, những trường hợp cố ý vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường như Vedan hiện nay không phải cá biệt?

- Vedan chỉ là một trường hợp bị phát hiện. Thực tế có rất nhiều doanh nghiệp đang vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Nếu Bộ Tài nguyên - môi trường kiểm tra thì sẽ ra hàng loạt. Vụ việc Vedan vì thế sẽ là lời cảnh báo cho các doanh nghiệp còn lại. Tôi được biết có rất nhiều doanh nghiệp xây dựng hệ thống nước thải ngầm dưới lòng đất đi thẳng ra sông chứ không hề qua xử lý. Có điều vào kiểm tra trong các doanh nghiệp rất khó khăn.

- Từng làm việc với Đồng Nai, TP.HCM, chúng tôi thấy cơ quan quản lý môi trường yếu cả về năng lực quản lý và nhận thức vấn đề. Tôi cho rằng không phải tại cơ chế. Nhiều doanh nghiệp có hệ thống xử lý đầy đủ nhưng gần như chỉ để đối phó. Cơ quan môi trường đến thì họ xả nước qua hệ thống đó, khi không đến họ thải thẳng ra môi trường nên phải có người có nghiệp vụ để xác định, chứng minh được, tức là phải bắt tận tay, day tận trán họ mới không cãi được.

* Các cơ quan quản lý cho rằng khi xây dựng nhà máy, các doanh nghiệp đều có báo cáo đánh giá tác động môi trường nhưng sau đó không thực hiện đúng cam kết?

- Vấn đề là nếu thực hiện thì chi phí của họ tăng lên, lợi nhuận bị ảnh hưởng, thậm chí không có lợi nhuận. Đó là do khi bắt đầu một dự án thì bài toán kinh tế gần như thiếu nhưng các nhà thẩm định dự án vẫn cho qua.

Bản chất của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận. Nhưng bên cạnh đó mình phải tìm cho họ gạch nối giữa lợi nhuận với trách nhiệm xã hội. Thường những doanh nghiệp kinh doanh tương đối tốt và người quản trị doanh nghiệp được đào tạo đến nơi đến chốn thì trong kinh doanh họ đã chú trọng đến trách nhiệm xã hội. Một doanh nghiệp quan tâm đến bảo vệ môi trường là một doanh nghiệp khôn vì họ quảng bá được hình ảnh thân thiện với môi trường.

Trên thế giới người ta đưa ra bộ ISO 14000, doanh nghiệp nào đạt được tiêu chuẩn này tức là quy trình sản xuất của họ đã thân thiện với môi trường, sản phẩm của họ được người tiêu dùng tin cậy. Qua tìm hiểu tôi thấy ở VN những doanh nghiệp nào đạt tiêu chuẩn ISO 14000 đều là những doanh nghiệp chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường.

* Trong bối cảnh doanh nghiệp vì lợi nhuận, cơ quan quản lý nhà nước năng lực yếu kém, liệu có hay không sự thỏa hiệp để một số doanh nghiệp ngang nhiên vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường?

- Cơ quan quản lý đến, doanh nghiệp đối xử tốt, ra về có phong bì, có quà... thì không loại trừ có chuyện thỏa hiệp. Chúng ta phải có cơ chế thanh tra, giám sát đối với cả cơ quan quản lý. Bây giờ ô nhiễm môi trường sờ sờ ra đấy, người dân còn nhìn thấy mà cơ quan quản lý bảo không thấy là vô lý. Như thế làm sao người ta không nghi ngờ có sự thỏa hiệp được? Chức trách của anh mà anh bảo không biết ô nhiễm là không thể chấp nhận. Vụ việc lớn mà còn thế thì hàng loạt cơ sở nhỏ khác đang gây ô nhiễm làm sao anh biết được?!

* Ông có cho rằng cách các cơ quan quản lý xử lý với tình trạng ô nhiễm môi trường hiện nay chỉ là đối phó khi hậu quả đã xảy ra để bảo vệ trách nhiệm của mình, chứ chưa thật sự chủ động bảo vệ quyền lợi, sức khỏe của người dân?

- Không chỉ riêng trong lĩnh vực môi trường mà nhiều vấn đề khác đều có tình trạng như vậy, tức là xảy ra chuyện rồi mới làm. Để xảy ra hậu quả mới giải quyết đương nhiên sẽ động đến nhiều vấn đề và tốn kém.

Từ trước đến nay chúng ta làm theo kiểu từ trên xuống nhưng rõ ràng bây giờ phải chuyển sang cách làm từ dưới lên. Trước khi làm một nhà máy phải có quy hoạch và trong quy hoạch đó có ý kiến của người dân, không thể áp đặt.

* Theo ông, làm thế nào để không còn những vụ “bức tử” môi trường như trường hợp của Vedan?

- Các cơ quan quản lý môi trường phải thật sự vào cuộc, thực hiện những quy định mà Nhà nước đã ban hành. Phải có chiến lược cho các doanh nghiệp nhận thức đúng về trách nhiệm bảo vệ môi trường. Khi doanh nghiệp vi phạm phải xử lý cương quyết, thậm chí truy tố họ mới sợ. Tất cả thông tin về các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường phải được công bố cho người dân biết để họ bày tỏ thái độ đối với sản phẩm của những doanh nghiệp đó.

Bên cạnh đó, khi thẩm định báo cáo đánh giá tác động của một dự án phải tính bài toán kinh tế để xem doanh nghiệp thực hiện dự án đó có đủ năng lực, đủ chi phí để xử lý các yếu tố tác động đến môi trường không. Nếu họ đủ chi phí mới thông qua, bằng không phải loại bỏ.

PGS.TS Nguyễn Văn Phước (viện trưởng Viện Môi trường và tài nguyên, ĐH Quốc gia TP.HCM):

Làm sống lại sông Thị Vải: mất ít nhất 10 năm!

vCRDSaNn.jpgPhóng to
PGS.TS Nguyễn Văn Phước
Cố tình trốn tránh không xử lý chất thải như trường hợp của Vedan VN, theo tôi, không phải là cá biệt. Nhiều doanh nghiệp cũng có những hình thức trốn tránh khác nhau: lén lút xả thải chưa qua xử lý tương tự như Vedan VN, tìm lý do kéo dài thời gian không xây dựng hệ thống xử lý môi trường hoặc đầu tư hệ thống xử lý nhưng chỉ vận hành đối phó với các cơ quan chức năng lúc thanh tra, kiểm tra...

Chi phí để bảo vệ môi trường đương nhiên tốn kém. Nhưng loại chi phí này cho phép tính vào giá thành sản phẩm. Nếu doanh nghiệp trốn tránh xử lý chất thải, nghĩa là có sự gian lận. Sự trốn tránh, gian lận này còn có thể xem xét dưới góc độ cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp với nhau.

Nếu một doanh nghiệp trốn được khoản chi phí bảo vệ môi trường thì giá thành sản phẩm của họ sẽ thấp hơn doanh nghiệp đầu tư tốt cho bảo vệ môi trường. Như trường hợp Vedan VN chẳng hạn, nếu xả chất thải không qua xử lý ra môi trường thì đương nhiên sẽ giảm được chi phí xử lý, mà theo tôi, chi phí đó không phải là nhỏ. Theo tính toán được công bố của cơ quan chức năng, công ty này “trốn” hơn 90 tỉ đồng phí bảo vệ môi trường từ năm 2004 đến nay, là một khoản chi phí khá lớn đối với doanh nghiệp.

Với sông Thị Vải, Đại học Quốc gia TP.HCM có đề tài trọng điểm về nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật sinh thái để cải tạo dòng sông này bắt đầu vào năm 2009, tất nhiên là tốn kém và mất nhiều thời gian. Tuy nhiên, giải pháp đầu tiên là các nhà máy có xả nước thải vào sông Thị Vải phải xử lý đạt tiêu chuẩn, còn phần ô nhiễm tích lũy ở dòng sông sẽ được ứng dụng kỹ thuật sinh thái để xử lý. Nhưng nếu các nhà máy trên lưu vực cứ tiếp tục xả ô nhiễm mãi, không kiểm soát được thì vô phương cứu...

Theo tôi, thời gian tối thiểu mất khoảng mười năm mới có thể khôi phục dần dần sự sống cho sông Thị Vải. Nhưng với điều kiện như tôi đã nói, là các nguồn thải phải được kiểm soát đạt yêu cầu.

Tuy nhiên, một giải pháp đơn lẻ sẽ không mang lại hiệu quả như mong muốn mà phải là một “gói” các giải pháp. Đó là thực thi nghiêm các quy định hiện hành, trong đó có biện pháp tạm ngưng hoạt động khi xét thấy có những vi phạm nghiêm trọng về bảo vệ môi trường. Nhanh chóng gắn thiết bị giám sát môi trường tự động tại các cửa xả nước thải, khí thải đối với những nơi có nguồn xả thải lớn, có nguy cơ ô nhiễm cao. Loại phương tiện này mới có thể ghi lại 24/24 giờ các thông tin về khối lượng, chất lượng nước thải, khí thải sau xử lý trước khi thải ra môi trường.

Đặc biệt là kiểm soát hiệu quả hệ thống xử lý môi trường có vận hành liên tục hay không. Hình thành hệ thống các quy định kiểm toán về môi trường. Công cụ này có thể giúp “vạch mặt chỉ tên” những trường hợp gian dối, khai báo không đúng thực tế những vấn đề liên quan đến bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, với các hành vi xâm hại môi trường, cần phải đẩy mạnh thực thi các chế tài mang tính cộng đồng, không nằm trong hệ thống các chế tài theo quy định của pháp luật. Người tiêu dùng chỉ nên lựa chọn những sản phẩm mà trong quá trình sản xuất không gây ô nhiễm môi trường. Cộng đồng xã hội cần đề cao những hành động cương quyết của người tiêu dùng là không lựa chọn các sản phẩm mà trong quá trình sản xuất để lại những hậu quả về môi trường. Xã hội cần xem những hành động như vậy là thể hiện trách nhiệm bảo vệ môi trường cho chính mình, cho cộng đồng...

Quốc Thanh ghi

KHIẾT HƯNG thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên