09/09/2015 05:12 GMT+7

Tử vong do nặn mụn?

QUỲNH LIÊN
QUỲNH LIÊN

TT - Mấy ngày gần đây, dư luận xôn xao trước thông tin một nam thanh niên 25 tuổi tử vong vì nặn mụn.

Minh họa: LAP

Tuy nhiên, TS Lê Hữu Doanh - phó giám đốc Bệnh viện Da liễu T.Ư - cho biết Bệnh viện Da liễu không có chuyên khoa cấp cứu, do vậy từ trước tới nay không có bệnh nhân nào tại bệnh viện chết ở tình huống trên.

Theo các bản tin trên mạng, người này nhập viện tại Bệnh viện Da liễu T.Ư trong tình trạng lơ mơ, sốt cao, nhịp thở nhanh, huyết áp tụt... được bác sĩ chẩn đoán bị sốc nhiễm trùng.

Trước đó năm ngày, người này có nặn mụn trứng cá trên mặt, sau đó xuất hiện một nốt ở mũi sưng to và đau, mặc dù tự uống kháng sinh nhưng không đỡ. Sau khi vào viện được cấp cứu bằng các biện pháp thở máy, lọc máu nhưng không qua khỏi.

“Trong các loại mụn, nhọt, bệnh nhiễm trùng da nói chung, cần chú ý đến mụn đinh râu là mụn ở quanh vùng mũi, miệng

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp

Nguy cơ nhiễm trùng huyết

TS Lê Hữu Doanh cho biết nguy cơ nhiễm trùng huyết do việc nặn mụn là có, nếu như sức đề kháng của người bệnh kém, dùng tay bẩn nặn mụn, nặn mụn khi còn non...

Theo ông Doanh, mụn, nhọt, chốc... là nhiễm trùng ngoài da, được hình thành do cơ chế tự bảo vệ của cơ thể trước vi khuẩn. Khi có vi khuẩn xâm nhập, cơ thể liền tạo hàng rào bảo vệ, cô lập, bao trùm lấy vi khuẩn tạo thành từng khu, trú để tiêu diệt, những ổ vi khuẩn này chính là mụn, nhọt.

Đối với mụn nhọt còn “non” là khi hàng rào bảo vệ cơ thể chưa hoàn thiện, nếu như dùng tay bẩn nặn, bóp những mụn, nhọt này vô tình làm tổn thương hàng rào bảo vệ do cơ thể tạo ra, khiến vi khuẩn có điều kiện lan ra, xâm nhập sâu hơn vào cơ thể gây nhiễm trùng, sưng tấy da...

Với người có sức đề kháng kém có thể dẫn đến nhiễm trùng máu, tổn thương các cơ quan nội tạng, nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.

Về cơ bản, mụn, nhọt hay chốc là những bệnh nhiễm trùng ngoài da, cư trú ở trên da nhưng cũng có khi nặng, to lên trở thành ổ ápxe phải được điều trị tại chỗ bằng kháng sinh và có thể chích, hút.

Thế nhưng, việc này cần được thực hiện tại các cơ sở y tế, tránh việc tự ý nặn, bóp, chích mụn, nhọt nói chung vì nguy cơ nhiễm khuẩn do dùng tay, dụng cụ mất vệ sinh gây ra.

Lưu ý mụn đinh râu

Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp, phụ trách khoa cấp cứu Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư, cho biết ngày 4-9 khoa tiếp nhận một bệnh nhân nữ, 60 tuổi, ở Phú Xuyên, Hà Nội, trong tình trạng hôn mê sâu, sốt cao, sốc nhiễm trùng, nhiễm độc... Kết quả chụp CT trước đó tại Bệnh viện Việt Đức cho thấy bệnh nhân có nhiều ổ tổn thương cả trong não, gan. Nguyên nhân do bệnh nhân này có bệnh đái tháo đường, bị nhọt ở mông nhưng tự chích.

Mặc dù được cấp cứu tích cực nhưng không đáp ứng điều trị vì tình trạng bệnh quá nặng, người nhà sau đó cũng xin ngừng điều trị, đưa bệnh nhân về. Bác sĩ Cấp cũng cho biết những người bệnh đái tháo đường thường bị suy giảm sức đề kháng, hệ miễn dịch nên nguy cơ nhiễm trùng huyết cao hơn người khỏe mạnh.

Theo bác sĩ Cấp, trong các loại mụn, nhọt, bệnh nhiễm trùng da nói chung, cần chú ý đến mụn đinh râu là mụn ở quanh vùng mũi, miệng. Do cấu trúc hệ mạch máu nối thông với các tĩnh mạch trong sọ nên khi nặn mụn đinh râu dễ có nguy cơ đẩy vi trùng vào hệ tĩnh mạch xoang hang trong sọ não. Đây là bệnh lý nguy hiểm, có nguy cơ tử vong cao.

Ngoài ra, việc nặn mụn đinh râu có thể gây viêm nhiễm các dây thần kinh ở vùng đầu, mặt khiến mặt, miệng bị méo... Do đó, khi có mụn đinh râu cần đến các cơ sở y tế để được xử lý hoặc hướng dẫn xử lý, tránh việc tự ý nặn, bóp, tác động vào mụn.

QUỲNH LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên