* Bạn Vương Huyền Trang - trường Ngô Thì Nhậm và Nguyễn Thị Tuyết Nhung, THPT Tân Tập: Thời gian học buổi tối nên bắt đầu từ mấy giờ là hợp lý nhất và nên ngừng việc ôn tập vào sát kỳ thi đại học như thế nào? Ví dụ dừng việc ôn tập trước 1 ngày, 3 ngày hay 1 tuần? Thời gian học như thế nào sao cho tốt nhất cho sức khỏe và đạt kết quả tốt nhất?
- PGS TS Lê Thị Bạch Mai, Phó Viện trưởng Viện dinh dưỡng quốc gia: Cái này khá khác nhau giữa mỗi người. Ăn xong học không tốt, do bụng vẫn to, tức bụng, thức ăn chưa chuyển hóa, nên tốt nhất ăn xong 40 phút đến một giờ hãy bắt đầu. Học đến mấy giờ, học đến buồn ngủ rồi, nên ngủ một lúc cho não nghỉ 2-3giờ để chuông đánh thức và dậy học lại.
Nên lưu ý ăn đủ dinh dưỡng để có sức học. Các bạn có dấu hiệu thiếu máu, não thiếu dinh dưỡng, học không tốt. Phải cho não “ăn” bằng việc ăn chút gì đó như uống cốc sữa, chiếc bánh nhỏ, hoặc ra ngoài hít thở không khí trong lành. Theo tôi, 11g đêm ngủ, lúc sau quay lại học sẽ minh mẫn. Thời gian ôn thi, ít nhất phải ngủ 5-6 giờ/ngày, trong đó có giấc ngủ trưa, chỉ cần nửa giờ thôi cũng được. Cơ thể có thể điều tiết, sau thời gian ôn thi chúng ta ngủ bù.
Có nên dùng trà, cà phê không? Nếu quen uống rồi, quen uống thấy nhớ rồi thì có thể dùng, nhưng làm sao phải tránh lệ thuộc vào nó. Các bạn nên chủ động với kế hoạch của mình, để tự thu xếp được công việc chủ động. Các chất kích thích giúp bạn vượt qua cơn buồn ngủ một cách dễ dàng, nhưng các bạn phải gắng sức, tỉnh lúc ấy nhưng lúc sau không tỉnh nữa, nếu làm thường xuyên các bạn sẽ mệt, không biết đâu là khả năng của mình.
Cà phê và trà giúp tỉnh nhưng có thể làm tăng nhịp tim, tim sẽ mệt quá, không tốt cho sức khỏe. Nhất là các bạn sắp đi thi. Theo tôi, không nên dùng chất kích thích, chất kích thích không phải là giải pháp cho các bạn ôn thi thành công.
* Bạn Nguyễn Thị Hồng Anh, THPT Liên Hà, Hà Nội: Làm sao để minh mẫn trong mùa thi?
- PGS TS Lê Thị Bạch Mai: Làm sao để cất được kiến thức vào não? Từ thức ăn, phải có rau xanh, quả chín, phải dùng đủ 300-400g rau/ngày. Rau rất rẻ, các bạn có thể chế biến thành các món dễ ăn, như món rau thập cẩm, vừa ngon, vừa giúp nhớ lâu, vừa chống táo bón, táo bón thì không thể học tốt được.
Nếu thấy da xanh, không ửng hồng như các bạn khác, khi đứng lên, ngồi xuống mà thấy hoa mắt là bạn bị thiếu máu, nên uống viên sắt bổ sung, chỉ cần uống 10 ngày đã có hiệu quả tốt rồi, nếu đợi ăn thịt để bổ sung sắt sẽ rất lâu.
Ngoài ra, các bạn có thể uống viên đa vi chất, có 30 vi chất trong đó và nên uống mỗi ngày 1 viên, hiệu quả cũng rất tốt. Khi thấy mệt, các bạn nên nghỉ đừng cố, nếu không có thể gây một sang chấn tinh thần không thể học tốt được.
* Bạn Hải Yến- Trường THPT Liên Hà: Hiện nay cháu đang đang dùng hoạt huyết dưỡng não, có nên phối hợp với thuốc khác không?
- PGS TS Lê Thị Bạch Mai: Các bạn tuổi vẫn trẻ, máu chảy lên não rất nhiều, vấn đề trong máu có gì? Các bạn chưa có vấn đề gì về mạch, nếu cần dùng thì có thể dùng 2-4 viên/ ngày. Nếu các bạn thấy đầu óc bình thường, thì chỉ cần uống viên đa vi chất, viên đạm. Hãy tự tin vào chính mình, trừ các bạn có bệnh đặc biệt. Học đến 2g sáng vẫn quá tỉnh táo, nên chủ động đi ngủ, cứ đếm một cách hư vô để cho não ngủ.
Hãy đưa ra mệnh lệnh với não, tập thói quen 2g đêm là ngủ, để có giấc ngủ đêm khoảng 4g đồng hồ. Não tỉnh nhưng dùng quá sẽ kiệt sức đi. Mình phải nghĩ mình nghỉ, nếu không kiệt sức đi. Nếu không phụ thuộc vào chất kích thích gì. Hãy tìm nguyên nhân không tập trung, khi không tập trung là bạn đang buồn ngủ. Nếu không tập trung có thể do não bị đói.
Một cách khác để tập trung là hãy kéo ý nghĩ về trường học bạn muốn vào, về ước mơ của bạn, tất cả mọi cái đều phải cố, thời cơ đến nhưng không phải dễ nắm, mà phải nhoài người để kéo ước mơ đến. Chẳng ai nằm ngủ khì khì mà mơ đi du học, trong khi sách không đọc. Cứ kéo ý nghĩ về thực tế, các bạn sẽ có quyết tâm.
* Mùa thi, tâm lý căng thẳng, có bạn thích ăn những thực phẩm lạ như có bạn ăn gạo sống, hoặc ăn sữa đặc có đường mà không ăn được thực phẩm khác, như vậy có được không thưa cô?
- PGS-TS Lê Bạch Mai: Cái này cũng không tốt vì nên ăn nhiều thực phẩm cho đa dạng, khi các bạn ăn gạo sống chẳng hạn thì bộ máy tiêu hóa phải làm việc rất lâu mới chuyển hóa được, không tốt cho bộ máy tiêu hóa. Chưa kể ăn gạo sống không đảm bảo về vệ sinh an toàn thực phẩm. Không ai ăn gạo sống cả. Các bạn cũng không nên quá căng thẳng, phải xác định ăn cũng là một thành công của ôn thi, là một thách thức phải vượt qua, nên xác định ăn tốt mới học tốt.
* Chị Nguyễn Thị Bích Thủy, mẹ thí sinh Phạm Huyền, THPT Phương Nam, Định Công, Hà Nội: mùa thi các con mệt mỏi, run, không tập trung, nên dùng thuốc gì?
- PGS-TS Lê Bạch Mai: Muốn các con thi tốt, phải đảm bảo các con có sức khỏe tốt. Các anh chị hãy xem các con có thiếu máu không, có hoa mắt chóng mặt không? Nếu cháu bị thiếu máu thiếu sắt, chị cho cháu uống viên sất bổ sung, chỉ 5 ngày là khác ngay. Nếu con hay mệt, có thể do con buồn ngủ, hoặc mẹ làm cho mọi việc nhà mà con lại dành thời gian đó để nói chuyện điện thoại, chỉ 30 phút nói chuyện điện thoại, con sẽ rất mệt mỏi vì sóng điện thoại cứ áp vào tai. Bố mẹ có thể yêu cầu con giúp việc nhà để chuyển từ lao động trí óc sang chân tay, không phải bắt con lau cả cái nhà, mà lau 1 phòng thôi cũng được. Lúc đó, não được nghỉ ngơi, chân tay vận động cũng đỡ mệt mỏi.
Về dinh dưỡng cho con, nên chia nhỏ bữa ăn, mùa thi có thể ăn các bữa cách nhau 4 giờ. Mỗi bữa ăn chỉ cần ít thôi, chỉ cần một bát cháo nhỏ, một quả chuối hay một cốc sữa nhỏ. Ngoài ra, có thể hỗ trợ thêm bằng cho con uống viên đa vi chất, mỗi ngày uống 1 viên, giá mỗi viên chỉ 3000đ thôi, rất rẻ nhưng rất có hiệu quả trong dẫn truyền xung động thần kinh, giúp não thức lâu hơn, trí nhớ tốt hơn.
Cách học cũng rất quan trọng, theo tôi cách học tốt nhất là vừa học vừa viết, khi tay viết, não phải nghĩ, thông tin đập đi đập lại vào mắt và in hằn vào nếp nhăn ở não, học sẽ hiệu quả hơn.
* Khi ở trước đám đông, em thường bị mất tự tin, chân tay run, bất ổn, làm sao tránh được tâm lý này?
- PGS-TS Lê Bạch Mai: Ở nơi đông người hay run là do không điều tiết được hệ thần kinh thực vật, tránh run lâu dài bằng cách luyện tập, thấy đông người mình đến để quen đi. Còn trước ngày thi, thì tránh tụ tập, nếu không hôm sau thi mà các bạn mất tự tin thì sẽ rất ảnh hưởng đến chất lượng thi cử của bạn.
Một vấn đề nữa liên quan đến tránh căng thẳng, là hôm trước kỳ thi bạn có thể ngủ, nghỉ ngơi cho thoải mái tinh thần. Tình trạng hồi hộp trước kỳ thi cũng có thể do bạn chưa tự tin vào kiến thức của môn thi đó. Nên khi vào kỳ thi, bạn có thể làm câu dễ trước, thể hiện những câu bạn đã biết trước, khi não hưng phấn hơn bạn giải quyết câu khó sau. Trước khi đi thi, bạn đừng uống trà, cà phê không tốt, mà có thể uống 1 viên đa vi chất giúp dẫn truyền xung động thần kinh tốt hơn.
* Ra mồ hôi nhiều, thấy run run tay, phải làm sao?
- PGS-TS Lê Bạch Mai: Lúc ra thi, uống thuốc gì thì không có đâu. Hãy coi chuyện mồ hôi tay là chuyện vặt. Bạn hãy mang mấy tờ giấy ăn đi lau tay, viết nhiều, ra mồ hôi tay thì lấy giấy lau đi. Còn muốn thay đổi hệ thần kinh thực vật, chặn mồ hôi tay thì phải đến cơ sở y tế để được tư vấn kỹ hơn. Run run cũng có thể do bạn đói, hãy ăn cho đủ nhưng đừng ăn thức ăn lạ, lạ khiến bạn dễ bị tiêu chảy. Có thể ăn “tươi” hơn, có thể ăn bát phở nóng, ăn thứ gì đó ngon nhưng đừng ăn món lạ.
* Bạn Bùi Thanh Tùng, THPT Thăng Long: Vào kỳ thi, cháu hay bị tụt huyết áp, run, cháu muốn hỏi cách khắc phục hiện tượng này?
- PGS-TS Lê Bạch Mai: Tôi cho hiện tượng tụt huyết áp mà bạn nói có thể là hiện tượng run trong ngày thi, cách khắc phục là lấy lại bình tĩnh, có thể bằng cách lấy chiếc kẹo trong túi ra ăn, lúc đó sẽ lấy lại bình tĩnh dễ hơn, não được nuôi dưỡng tốt hơn.
* Em thường bị đau bụng khi căng thẳng, sau khi ăn no cũng đau bụng, có phải là đau dạ dày hay không ạ?
- PGS TS Lê Thị Bạch Mai: Đau bụng liên quan đến dạ dày có thể đau khi ăn rất no hoặc đau khi rất đói. Bạn xác định xem mình thuộc kiểu đau nào và có thể đi khám. Trước đây người ta cứ cho là đau dạ dày do căng thẳng thần kinh, nhưng thực ra một tỷ lệ lớn người đau dạ dày do vi khuẩn HP và nên đi khám, được xác định và điều trị.
Ngoài ra, nên có chế độ ăn phù hợp, như không để no quá, đói quá, thức ăn nên mềm lỏng, dễ tiêu. Nên chia nhỏ bữa ăn, không để đói quá. Cũng có thể bị đau do căng thẳng, nên lên kế hoạch học, đừng để căng thẳng quá, đừng có ăn những món có hàm lượng acid cao như dưa chua chẳng hạn, khi đói đừng uống nước cam, ăn sữa chua, hoặc các hoa quả như chuối, dứa…
* Mỗi ngày học bao lâu thì tốt nhất?
- PGS TS Lê Thị Bạch Mai: Giờ não hoạt động tốt nhất là giờ bạn thấy học thoải mái, minh mẫn nhất. Nếu ban ngày bạn đã học nhiều rồi, thì tối bạn giảm đi. Nếu ngày học chưa căng, buổi tối có thể tăng giờ học. Cũng không nên ép não quá, mệt mỏi có thể vươn vai, ra ngoài hít thở, tăng cường cho não một viên đa vi chất cũng rất hiệu quả.
* Bạn Nguyễn Thành Trung, THPT Thường Tín, Hà Nội: Có khi sau một giấc ngủ dài cháu vẫn bị đau đầu. Cháu muốn hỏi nguyên nhân vì sao?
- PGS TS Lê Thị Bạch Mai: Nguyên do của tình trạng này rất có thể do bạn ngủ mơ hoặc suy nghĩ điều gì đó trong giấc ngủ. Nên ngủ thật sự, đừng suy nghĩ về bài học hoặc những điều bạn quan tâm trong giấc ngủ nữa, để hôm sau trở dạy bạn có sức khỏe học bài. Ngoài ra, nên ăn sáng đủ, bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.
* Em muốn hỏi làm sao em có thể tập trung để thi tốt hơn?
- PGS-TS Lê Bạch Mai: Hãy phân chia ra các tình huống, nếu công việc ấy quan trọng và nếu nghỉ việc em không quay lại được thì em có thể tiếp tục làm việc, nhưng hãy đề nghị với những người cùng làm có thể ưu tiên cho em một chút, đừng làm việc vất vả quá vì nếu không còn sức lực thì em không thể học tốt được.
Nếu công việc của em có thể nghỉ, em hãy xin nghỉ một thời gian, vì cuộc đời của chúng ta rất dài nhưng thời gian thi thì ngắn ngủi hơn nhiều. Hãy tập trung để ôn thi cho tốt đã. Tất nhiên ĐH không phải là con đường duy nhất mà có rất nhiều con đường có thể thành đạt, các em hãy biết lượng sức mình, đánh giá khả năng của mình, vì nếu cố quá mà không đạt được, em sẽ thất vọng và điều đó cũng rất phí hoài những gì em đã cố gắng.
* Buổi tối em ngủ 7-8 tiếng nhưng không hiểu sao 1-2 g trưa là lại thấy buồn ngủ, không ngủ sẽ rất mệt mỏi, như vậy là sao ạ?
- BS Hà Việt Hòa, Viện Dinh dưỡng quốc gia: Bộ não của chúng ta cũng như các cơ quan khác cũng rất cần nghỉ ngơi, không cơ quan nào làm việc được triền miên 24/24g. Ở độ tuổi các cháu, nên đảm bảo thời gian và thời điểm ngủ, ít nhất mỗi ngày các cháu cần ngủ đủ 6g, như cháu ngủ đã 7-8g nhưng nếu lúc nào trong đầu lúc nào cũng ong lên những bài học, công thức thì cũng không đảm bảo, mà phải ngủ ngon.
Khi học, làm việc, có thêm 1 giấc ngủ trưa là rất tốt, ít nhất 30 phút, nếu không ngủ được thì nằm thư giãn, nghe nhạc nhẹ để cho não nghỉ. Nếu không ngủ sâu được, các cháu có thể tập thể dục nhẹ nhàng, sẽ dễ ngủ hơn. Tuyệt đối tránh dùng thuốc ngủ, thuốc an thần.
* Cháu muốn hỏi ăn gì để tăng cường trí nhớ và làm thế nào để học không buồn ngủ và khi học tập trung được?
- BS Hà Việt Hòa: Có 3 điểm phải nhớ đến để tăng cường trí nhớ là đảm bảo nhiên liệu cho não, đó là đường (lấy từ gạo, mì, ngũ cốc), đạm (lấy từ thịt động vật, trứng, cá, sữa, đậu đỗ), giúp tạo ra các dẫn truyền thần kinh, điều hòa hoạt động trí tuệ của chúng ta.
Ngoài ra, não hoạt động cần phốt pho, nếu đủ thì dẫn truyền thần kinh, trí nhớ tốt, tâm trạng thoải mái, hưng phấn hơn. Nhiều cháu nghĩ uống trà, cà phê sẽ tỉnh táo hơn, nhưng thực ra sau 2g hưng phấn thì não mệt mỏi, vì khi uống cà phê sẽ ức chế hấp thu B1 và tăng đào thải magie, mà đây là yếu tố cần thiết để hoạt động trí não và thần kinh.
* Cháu được biết ăn sáng rất quan trọng nhưng cháu cứ ăn sáng vào lại rất buồn ngủ, cảm thấy mệt mỏi, học không vào mà chỉ ngáp thôi, nhưng không ăn sáng lại thấy tỉnh táo, vậy cháu phải làm thế nào?
- BS Hà Việt Hòa: Bữa sáng đáp ứng 25% năng lượng trong ngày. Nhưng vì sao buồn ngủ, có thể do ăn no quá, hoặc ăn nhiều chất tinh bột quá cũng gây buồn ngủ. Buổi sáng và buổi trưa ăn nhiều đạm hơn tinh bột. Nếu thiếu đạm thì máu thiếu oxi đưa lên não sẽ buồn ngủ. Vì vậy các cháu không nên ăn no quá.
Ăn một lượng vừa đủ, nếu không quá trình tiêu hóa sẽ quá tải để tiêu hóa hết lượng thức ăn cháu đã ăn vào. Về các bữa trong ngày, ở lứa tuổi các cháu nên ăn 150-200g thịt, cá/ngày, 1 quả trứng, 150 g đậu phụ, 30 g dầu mỡ, tương đương 5-6 thìa cà phê dầu mỡ, 300 g rau và 300 g trái cây…
* Cháu bị chứng mất ngủ theo những khoảng thời gian nào đó trong năm, cháu có thể không ngủ trong 1 tuần liền mà vẫn bình thường, cháu sợ giai đoạn này rơi vào đúng tháng mùa thi, cháu cũng đã tìm nhiều cách chữa nhưng không khỏi, mong bác sĩ tư vấn?
- Bác sĩ Hà Việt Hòa: Mỗi ngày mỗi người cần ngủ 7-8g đồng hồ, theo đồng hồ sinh học là từ 10g đêm đến 5g sáng là tốt nhất. Tuy nhiên tình trạng của em là không ngủ hàng tuần liền chắc chắn là tình trạng bệnh lý, em rất nên đi khám để được xác định bệnh và điều trị.
* Học trong yên tĩnh một mạch hay vừa học vừa xem phim, thưa bác sĩ?
- BS Hà Việt Hòa: Nên nghỉ ngơi sau 45 phút học, có thể nói chuyên vui, cười, nghe bản nhạc thư giãn hay mở nhạc lên và nhảy, có thể chớp mắt liên tục 10-15 lần để đỡ mỏi mắt hơn. Các cháu không nên ngồi học liền tù tì 2-3 giờ vì hiệu quả sẽ không tốt.
* Ăn hoa quả nào thì tốt cho trí nhớ?
- BS Hà Việt Hòa: Hoa quả nào cũng tốt, nhưng tốt hơn cả là những hoa quả có nhiều vitamin C như cam, chanh, bưởi. vitamin C là chất tham gia vào hoạt động của não.
* Cháu bị viêm xoang nên rất hay đau đầu, học không tập trung, nên làm như thế nào thưa bác sĩ?
- BS Hà Việt Hòa: xoang là tình trạng bệnh lý, suốt ngày đau, sổ mũi, nhức đầu sẽ không thể học được, cháu nên đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị dứt điểm.
* Thưa bác làm thế nào để cho đôi mắt khỏe, học tập tốt?
- BS Hà Việt Hòa: Ăn nhiều thực phẩm chứa Omega 3 và 6, vitamin A, có nhiều trong các loại cá nước lạnh, như cá trích, cá hồi, cá thu, cá ba sa, các loại quả có màu vàng đỏ như xoài, bí đỏ, cà rốt, các loại rau xanh thẫm như rau ngót, rau muống, các loại dầu thực vật như dầu vừng. Ngoài ra, các cháu cần xen kẽ học- nghỉ, sau 45 phút học có thể ra ngoài trời vươn vai, hít thở không khí trong lành, các cháu cũng có thể chớp mắt liên tục 10-15 lần cũng giúp mắt đỡ mỏi.
* Mẹ cháu cho cháu uống vitamin B3, B6, B12 và bảo tốt cho trí nhớ. Như vậy có đúng không thưa bác sĩ?
- BS Hà Việt Hòa: Mẹ cháu nói rất đúng, đây đều là các vitamin tốt cho trí nhớ. Tuy nhiên khuyên cháu không nên uống kéo dài, chỉ uống trong vòng 1 tuần- 10 ngày, không nên lệ thuộc vào thuốc. Các cháu nên ăn đủ các nhóm chất gồm đạm, béo, đường bột, vitamin và chất khoáng là đảm bảo lượng vitamin cần thiết, không nhất thiết phải dùng thuốc bổ trợ.
* Nếu sử dụng máy tính để giải trí và hỗ trợ việc học tập thì sử dụng như thế nào là tốt nhất?
- BS Hà Việt Hòa: Nếu nhìn lâu vào máy tính cũng rất mệt mỏi. Máy tính hay tivi, từ trẻ đến già đều không nên ngồi lâu. Ngồi trì trệ năng lượng không được tiêu hao dễ thừa cân, béo phì. Hoạt động thể lực, đi lại ngoài trời tốt hơn nhiều.
* Học thuộc vào thời gian nào là tốt nhất, thưa bác sĩ?
- BS Hà Việt Hòa: Học vào lúc cháu minh mẫn là tốt nhất, não cảm thấy được hưng phấn, không bị ức chế, khi não đã được nghỉ ngơi và cung cấp đủ dinh dưỡng.
* Làm thế nào để học thuộc và nhớ lâu?
Điều đó phụ thuộc vào việc não có được cung cấp chất để hỗ trợ dẫn truyền xung động thần kinh hay không, não có đủ năng lượng từ đường (chất bột đường từ trái cây, ngũ cốc, đậu đỗ…), chất đạm hay không. Như bác đã khuyên các bạn trước đây, cháu nên ăn đủ 4 nhóm thức ăn đạm, đường, béo, vitamin- chất khoáng và bố trí phù hợp giữa học và nghỉ ngơi.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận