18/02/2012 09:25 GMT+7

Tư vấn nhóm ngành Khoa học xã hội - sư phạm - ngoại ngữ - báo chí - quân đội - công an

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC

TTO - Sau phần tư vấn chung, các thí sinh tiếp tục được các chuyên gia tư vấn sâu về các nhóm ngành nghề nhằm giúp các em có được lựa chọn đúng đắn cho nghề nghiệp tương lai. Dưới đây là nội dung tư vấn.

5ZIgFmAX.jpgPhóng to
TS Nguyễn Đức Nghĩa, phó giám đốc ĐHQG TP.HCM cung cấp những thông tin mới nhất về kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 cho các bạn học sinh Tiền Giang - Ảnh : Minh Đức

* Ngành luật quốc tế và luật thương mại khác nhau ra sao? Trường ĐH Luật có nhân hệ số không?

- Th.S Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Đây là hai trong năm lĩnh vực chuyên sâu của ngành luật. Việc phân ra như vậy để định hường chuyên sâu của ngành luật. Khi đăng ký thi tuyển chỉ là ngành luật và khi tốt nghiệp được cấp bằng cử nhân luật. Trường ĐH Luật TP.HCM không nhân hệ số.

* Khoa quản trị luật của Trường ĐH Luật TP.HCM đào tạo những gì, có giống ngành quản trị kinh doanh không? Học ngành này ra trường được cấp 2 bằng phải không?

Th.S Lê Văn Hiển - phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Trước đây là trường đơn ngành, từ năm 2009 trường phát triển đa ngành. Đây là ngành đào tạo song ngành kiến thức về quản trị kinh doanh và kiến thức về luật. Thời gian đào tạo 5 năm. Khi ra trường được cấp bằng cử nhân - quản trị luật chứ không được cấp 2 bằng. Ngành này khác với ngành quản trị kinh doanh. Bạn có thể học lên bậc học cao hơn sau khi tốt nghiệp ngành quản trị luật.

*Thi ngành sư phạm cơ hội việc làm có cao không?

- TS Lê Thị Thanh Mai, Trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM: Nghề giáo luôn là nghề cao quý, đặc biệt ở VN. Hiện nay nghề này có thể không đủ sống nhưng nghề giáo rất cao quý. Các em phải xác định mình có yêu thích nghề giáo hay không. Nếu học ĐH sẽ ra dạy cấp 3, học CĐ dạy cấp 2, học trung cấp ra dạy tiểu học. Trong nghề giáo có nhiều môn để dạy. Các em phải chọn môn học nào phù hợp với mình để học và ra dạy. Ngoài ra các em cần tìm hiểu ở địa phương có còn chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên nữa hay không để quyết định đăng ký dự thi. Tôi có lời khuyên cho các em khi chọn nghề giáo phải xuất phát từ cái tâm của mình.

* Em dự định thi khoa ngữ văn Anh Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM. Học ngành này được học những kiến thức nào, ra trường làm gì?

- TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Hiện nay ở phía Nam có khoảng 40 trường ĐH, CĐ đào tạo ngành này nhưng hiện nay tại Trường ĐHKHXH&NV TP.HCM ngành này là thế mạnh của trường. Ngành này dạy những kiến thức về ngôn ngữ Anh, văn học Anh… Các em học ngành này ra trường có thể làm biên phiên dịch, làm việc các công ty nước ngoài…

* Ngành Nhật Bản học và Hàn Quốc học có nhân hệ số 2 môn nào không? Cơ hội việc làm của hai ngành này như thế nào?

- TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Khi thi vào ngành này môn tiếng Anh không nhân hệ số. Khi bắt đầu học những ngành này các em học được tiếng của quốc gia đó ngay từ năm thứ nhất do các giảng viên bản ngữ dạy. Những sinh viên này nếu học tốt sẽ được đi học ở nước ngoài và ưu tiên tạo việc làm và có nhiều cơ hội rất tốt khác.

* Ngành sư phạm mầm non cơ hội việc làm có cao không?

- TS Võ Phúc Châu - giảng viên khoa sư phạm Trường ĐH Tiền Giang: Năm nay trường xét tuyển CĐ sư phạm mầm non. Nhà trường không tổ chức thi khối M mà chỉ xét tuyển. Chỉ tiêu ngành học này năm nay là 50 chỉ tiêu. Nếu muốn đăng ký vào ngành này của Trường ĐH Tiền Giang các em phải đăng ký thi nhờ vào một trường khác có tổ chức thi khối M.

* Ngành sư phạm có chỉ tiêu tuyển dụng giáo viên của từng trường chưa cho bốn năm sau?

- TS Võ Phúc Châu - giảng viên khoa sư phạm Trường ĐH Tiền Giang: Mỗi năm UBND tỉnh Tiền Giang và Sở GD-ĐT đều công bố chỉ tiêu cần tuyển dụng ngành sư phạm. Bốn năm sau chắc chắn sẽ có một số thầy cô ở các trường sẽ nghỉ hưu, như vậy các em học ngành sư phạm chắc chắn sẽ có cơ hội đi dạy ở các trường trong tỉnh. Học ngành sư phạm thường được phân công công tác.

* Xin cung cấp thông tin tuyển sinh của các trường quân đội, công an. Các trường này tuyển sinh có dễ hay khó?

- TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Sức học khá trở lên thì các em mới nên nghĩ đến các trường khối quân đội, công an. Nhiều năm nay các trường khối quân đội, công an có điểm chuẩn rất cao. Đồng thời, các trường này đều có sơ tuyển về lý lịch và sức khỏe. Các em nên tìm hiểu rõ việc này tại Ban chỉ huy quân sự và công an địa phương để tìm hiểu rõ thông tin này. Học những trường này sinh viên được miễn học phí và ra trường sinh viên sẽ được phân công công tác.

* Em định thi vào khoa tâm lý học, trong quá trình học có yêu cầu những kỹ năng mềm. Cơ hội việc làm của ngành này sau khi tốt nghiệp ra sao, học cao học sẽ có nhiều cơ hội hơn không?

- TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM): Bên cạnh kiến thức chuyên môn, các kỹ năng mềm hết sức quan trọng. Nếu sinh viên nào ra trường có kỹ năng mềm sẽ có rất nhiều lợi thế. Đặc biệt, đối với ngành tâm lý cần rất nhiều kỹ năng mềm.

Bên cạnh đó, học ngành này đòi hỏi sinh viên phải có tính kiên nhẫn, biết chia sẻ… để làm tốt công việc của mình. Đây là ngành học điểm chuẩn tương đối cao. Nếu em thật sự thích thì cứ mạnh dạn đăng ký dự thi. Các bạn có thể làm việc tại các công ty kinh doanh, nhân viên tư vấn, làm việc tại các bệnh viện…

* Ngành luật có đào tạo bậc CĐ hay không?

- Th.S Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM: Ngành luật hiện nay ở VN chưa có trường nào đào tạo ngành luật bậc CĐ.

6UZ9oHwu.jpgPhóng to
Học sinh đặt câu hỏi cho ban tư vấn nhóm ngành KHXH, Luật, Sư phạm tại trường ĐH Tiền Giang - Ảnh: NHƯ HÙNG

* Ngành công tác xã hội học những gì và ra trường làm việc ở đâu?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM: Những người làm công tác xã hội là những người ra làm những công việc của cộng đồng. Đào tạo các bạn ra trường làm việc liên quan đến công tác xã hội. Ngành công tác xã hội đào tạo sinh viên có khả năng cung ứng dịch vụ xã hội cho cá nhân (thuộc mọi lứa tuổi) và gia đình để họ tự khắc phục khó khăn qua tư vấn hoặc giới thiệu đến các cơ sở chuyên môn khác (trong lĩnh vực tâm lý, xã hội, giáo dục, sức khỏe, kinh tế...).

Xây dựng, xúc tác các nhóm tự nguyện nhằm mục đích trị liệu, xã hội hóa hay hành động giải quyết các vấn đề xã hội (giáo dục trẻ em bình thường, trẻ em trong hoàn cảnh khó khăn...). Phát hiện các vấn đề cũng như tiềm năng ở cộng đồng, huy động và liên kết người dân trong cộng đồng để giải quyết các vấn đề này. Tham gia hay điều hành các dự án phát triển (xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, tín dụng tiết kiệm...).

Làm công tác quản lý nhân sự, công tác xã hội ở cơ quan, xí nghiệp. Tự mình hay tham gia nghiên cứu các vấn đề xã hội. Giảng dạy hay trợ lý giảng dạy lý thuyết và hướng dẫn thực hành công tác xã hội tại thực địa cho cán bộ xã hội bậc CĐ, trung sơ cấp.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này có thể làm việc trong các tổ chức chính trị xã hội như Hội Liên hiệp Phụ nữ, Hội Liên hiệp Thanh niên, cơ quan bảo vệ chăm sóc bà mẹ trẻ em, trung tâm tư vấn tình yêu hôn gia đình, các tổ chức từ thiện... hoặc làm việc ở các bộ phận nhân sự, tâm lý lao động. Nếu em có ngoại ngữ tốt sẽ làm việc ở các tổ chức phi chính phủ.

* Các trường trung cấp công an có tổ chức thi không?

- TS Phạm Tấn Hạ, trưởng phòng đào tạo Trường ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM: Các trường trung cấp công an không tổ chức thi mà chỉ xét tuyển. Các em dự thi ĐH nếu không trúng tuyển thì sẽ được xét tuyển xuống các trường trung cấp công an phù hợp. Các em nên chú ý hiện trường công an có các trường an ninh và cảnh sát. Các em thi trường cảnh sát thì được xét tuyển trung cấp cảnh sát, nếu thi trường an ninh sẽ được xét trung cấp an ninh.

Ban tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội – luật – sư phạm – công an – quân đội:

TS Lê Thị Thanh Mai (Trưởng ban công tác sinh viên ĐH Quốc gia TP.HCM)TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM)Th.S Lê Văn Hiển – phó trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCMTS Võ Phúc Châu – giảng viên khoa sư phạm Trường ĐH Tiền Giang

BannerVincom.png

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên