25/02/2012 15:46 GMT+7

Tư vấn nhóm kinh tế - tài chính - y dược, nông lâm

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC

TTO - Sau phần tư vấn chuyên sâu, các chuyên gia đã tách thành các nhóm để giải đáp kỹ hơn cho các em học sinh. Dưới đây là nội dung tư vấn nhóm kinh tế - tài chính, y dược, nông lâm.

Ls5NT2XL.jpgPhóng to

PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM cung cấp thông tin về kỳ thi tuyển sinh ĐH-CĐ năm 2012 - Ảnh Nguyên Linh

* Em thi ngành du lịch, vừa thi ở Huế vừa thi ở Đà Nẵng được không? Ngành du lịch xét tuyển như thế nào?

- TS Võ Viết Minh Nhật: Khi đăng ký thi vào ĐH Huế, chỉ thi vào ĐH Huế. Nếu như em không trúng truyển, nếu các trường ở Đà Nẵng còn chỉ tiêu thì em có thể xét tuyển nếu như các trường đó còn chỉ tiêu. Khoa du lịch trường ĐH Huế thi khối A, A1, D1,2,3,4. Riêng ngành quản trị du lịch sẽ thi khối C.

* Tính cách có tác động nhiều đến ngành nghề mình chọn hay không, em dự định thi vào ngành y nhưng tính năng động của em nhiều người cho rằng không phù hợp?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Mỗi ngành nghề có tính cách riêng, đặc biệt là ngành y. Nhiều bạn hỏi em sợ máu có học y được hay không. Tuy nhiên ngược lại đặt câu hỏi có thực sự yêu ngành đó hay không. Nếu yêu ngành đó thì sẽ khắc phục được những nhược điểm của mình. Mình yêu thích, say mê thì mới đầu tư cho tốt được.

Vấn đề quan trọng nhất là em phải thích ngành đó, còn những khiếm khuyết khác thì có thể khắc phục được. Ở trường, sẽ đào tạo, rèn luyện cho em dần dần. Nếu yêu thích, say mê cứ mạnh dạn thi vào. Sáu năm ở trường y sẽ rèn luyện cho em để trở thành bác sĩ thực thụ.

* Trường ĐH Kinh tế TP.HCM khi thi vào không có chỉ tiêu cụ thể mà thi vào với số điểm chuẩn chung. Sau ba kỳ sẽ thi để phân ngành hay sao, chỉ tiêu như thế nào, yêu cầu tiếng Anh như thế nào? Trong quá trình sinh viên học, trường có nhiều cơ sở để theo học phải không?

- TS Trần Thế Hoàng: Em nghiên cứu quá kỹ về trường. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM tuyển sinh một điểm chuẩn cho các ngành và chuyên ngành. Chúng tôi căn cứ là thi điểm như nhau, học chương trình như nhau nên các em bằng điểm chuẩn của trường đều có thể vào học. Lý do thứ hai là sau ba học kỳ, các em có thể tham khảo nhiều nguồn thấy rõ thật sự thích gì thì chọn ngành nghề xác đáng hơn lúc mới tốt nghiệp THPT chọn ngành ngay.

Sau ba học kỳ, nhà trường căn cứ vào ba yếu tố về kết quả học tập, nguyện vọng vào ngành có thể khác so với lúc thi đại học, chỉ tiêu đào tạo cho từng ngành và chuyên ngành. Muốn vào tài chính ngân hàng, kinh doanh quốc tế, ngoại thương, kinh tế đối ngoại đòi hỏi ngoại ngữ và kết quả học tập phải cao. Chúng tôi buộc các bạn phải phấn đấu, liên tục học tập đạt kết quả cao nhất trong năng lực của chúng ta.

Bậc ĐH mới bắt đầu, đào tạo những cái cơ bản và chúng ta không chỉ dừng lại ở bậc này. Đào tạo ở đại học không quá chuyên sâu. Bậc này chỉ đào tạo cho các bạn nền tảng để các bạn có thể học, tìm hiểu những ngành khác.

Về tiếng Anh, ngay từ buổi đầu tiên khi các bạn trúng tuyển sẽ được kiểm tra tiếng Anh để bồi dưỡng thêm. Sẽ có tư vấn, giúp đỡ, tổ chức những kỳ thi cho sinh viên để lấy chứng chỉ.

Nhóm thứ hai "cảnh báo tiếng Anh kém" thì phải học bổ sung. Những bạn đạt “rất giỏi” thì không phải học. Các bạn học giỏi tiếng Anh được miễn học và dành thời gian cho những môn học, kiến thức khác. Chuẩn đầu ra của trường về các ngành như kinh doanh quốc tế, ngoại thương...từ 500 TOEIC trở lên.

Về các cơ sở của trường, các em yên tâm. Nếu ở KTX 135 của trường thì các em di chuyển từ 3-4 km. Tất cả các cơ sở của trường đều nằm trong nội thành của TP.HCM. Trong điều kiện đăng ký học tín chỉ, các bạn có thể chọn nơi học cho mình.

* Em thích học ngành quản trị kinh doanh nhưng không đủ sức thi đại học, em phải làm sao?

- Th.S Hứa Minh Tuấn: Nếu học muốn học ngành quản trị kinh doanh, thi đại học không trúng tuyển sẽ học cao đẳng ở đâu. Tôi xin thông tin cho em biết, hàng năm ở khối A,D điểm sàn của Bộ GD-ĐT từ 13-14 điểm chung cho toàn quốc. Điểm chuẩn tùy theo trường quyết định. Tôi khuyên các em học theo sở thích và dựa trên năng lực của mình. Các em phải tìm hiểu xem trường nào đào tạo ngành này điểm phù hợp với năng lực của mình, xem trường nào thi tuyển, xét tuyển, điểm chuẩn hàng năm thường khoảng bao nhiêu để lựa chọn.

* Em là thí sinh tự do, em có nguyện vọng học tại Trường CĐ Y tế Huế. Em nghe nói trường này xét tuyển điểm ĐH xuống, như vậy có đúng không?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Em là thí sinh tự do, em nộp hồ sơ dự thi tại các điểm do Sở GD-ĐT Thừa Thiên - Huế quy định dành riêng cho thí sinh tự do. Phần em hỏi thứ hai, có nhiều trường CĐ nhận kết quả thi từ điểm đại học, và nhiều trường khác tổ chức thi. Em nên theo dõi xem trường em có tổ chức thi hay không. Nếu có tổ chức thi thì thi đợt ba cùng các trường CĐ. Nếu không tổ chức thi, em đăng ký thi vào một trường ĐH nào đó để lấy điểm vào trường này.

* Em hỏi thêm về ngành quản trị khách sạn và du lịch của Trường ĐH Huế như thế nào?

- TS Võ Viết Minh Nhật: Ở khoa du lịch Trường ĐH Huế có chuyên ngành quản trị khách sạn và các khu nghỉ dưỡng. Thông tin thêm cho em, ngành này đã liên kết với các trường ở Pháp đào tạo. Các em sẽ học một số tín chỉ bằng tiếng Pháp và học phí là 2.675 Euro một khóa. Học xong các em có thể lấy học bổng của Cộng đồng Pháp ngữ để đi du học về thạc sĩ ở Pháp. Sau khi ra trường, cơ hội việc làm của các em rất cao.

* Em thích học công nghệ sinh học, đặc biệt là phát triển cây trồng trong phòng thí nghiệm. Thầy có thể nói rõ hơn về ngành này?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Công nghệ sinh học là ngành ứng dụng sinh học vào đời sống sản xuất. Ví dụ công nghệ sinh học phục vụ cho ngành y như thụ tinh trong ống nghiệm, ứng dụng trong môi trường, sản phẩm lên men trong thực phẩm, ứng dụng trong nông nghiệp về tạo ra cây trồng, vật nuôi mới...Ngành này là ngành ứng dụng rất lớn.

Do đó, những sinh viên học ngành này đòi hỏi phải có say mê tìm tòi, khám phá, nghiên cứu. Về địa phương, các em sẽ không có những thiết bị hiện đại để ứng dụng. Các em sẽ làm việc tại các viện nghiên cứu có trang bị những thiết bị này. Thế kỷ 21 là thế kỷ sinh học, nhưng nhiều bạn học ngành này ra không làm việc đúng được ngành nghề nên không có giá trị, cảm thấy như bị thất nghiệp.

* Khi học ở trường, sinh viên có được đi làm thêm để trang trải chi phí học tập hay không?

- Th.S Lâm Tường Thoại: Trường không cấm sinh viên đi làm thêm. Các em có ý định đi làm thêm nên tìm những việc làm để vừa có thể đi học, đi làm. Đi làm thêm làm cho mình năng động, biết thêm được nhiều điều từ cuộc sống bên ngoài để tăng thêm kỹ năng của mình.

* Em xin hỏi thêm về ngành ngoại thương của Trường ĐH Ngoại thương và Trường ĐH Đà Nẵng giống và khác nhau thế nào?

- Th.S Lâm Tường Thoại: Tất cả các trường đều dạy giống nhau về những chuyên ngành chính. Do đó, em đừng nên phân biệt ngành ngoại thương của Trường ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế, ĐH Ngoại thương, ĐH Kinh tế - luật... Các trường đều dạy theo chương trình chung của Bộ GD-ĐT. Học ở ngành này, sau khi ra trường, em có thể làm về logistics, làm việc trong các ngân hàng, các công ty, doanh nghiệp nước ngoài...

* Em muốn thi vào ngành luật thương mại quốc tế nhưng chưa biết ngành này học gì, làm ở đâu? Em nghe nói học luật đòi hỏi phải học thuộc lòng khá nhiều?

- Th.S Lâm Tường Thoại: Khi học luật thương mại quốc tế, em sẽ học tất cả những gì liên quan đến đến ngoại thương. Ngoài ra, em cũng sẽ được trang bị thêm những kiến thức về luật quốc tế như luật thương mại Hoa Kỳ, luật thương mại EU...

Học luật ở các khoa luật, sau khi ra trường, em có thể làm tư vấn luật ở các văn phòng luật sư, em cũng có thể làm tại tòa, làm tư vấn pháp lý để hoạch định các hợp đồng. Sau khi tốt nghiệp khoa luật, nếu em học một chứng chỉ luật sư tại Học viên tư pháp, được một luật sư “đỡ đầu” thì em có cơ hội trở thành luật sư.

Em nói luật học thuộc lòng là sai. Luật đòi hỏi em phải tư duy, phân tích rất cao. Chẳng hạn em coi những bộ phim về luật sư, em thấy có những tình huống bắt buộc người luật sư phải tư duy, phân tích, phán đoán để tìm hiểu vấn đề chứ không phải thuộc lòng như em nói.

* Em chưa rõ lắm về việc nộp phiếu xét tuyển sau khi không trúng tuyển nguyện vọng 1?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Năm nay, Bộ GD-ĐT cho phép các trường tự quyết trong vấn đề nhận phiếu điểm có mộc đỏ và mẫu photo. Do đó, các em cần theo dõi thêm thông tin để biết thêm về quyết định nhận giấy xét tuyển của các em. Các em nên đọc báo, theo dõi thêm thông tin từ các trường để có quyết định. Nếu chẳng may không trúng tuyển, các em nên photo giấy xét tuyển sẵn, trường nào nhận giấy mà các em yêu thích thì nộp vào.

* Em xin hỏi thêm về ngành công nghệ thực phẩm. Ngành này học gì?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành công nghệ thực phẩm là ngành ứng dụng công nghệ để chế biến ra những loại thực phẩm như thịt, cá, trứng, sữa...Sản phẩm nông nghiệp của nước ta rất nhiều nhưng chế biến rất yếu. Mình thường tiêu thụ trái cây tươi, trái cây tươi của nước ta một năm khoảng 1 triệu tấn nhưng chỉ chế biến được khoảng 8%.

Nếu như phát triển chế biến lên đến 20% thì nhu cầu nhân lực rất cao. Ngoài ra, những mặt hàng sữa trên thị trường Việt Nam chủ yếu là nhập từ nước ngoài, những loại như cafe hòa tan cũng là sản phẩm của công nghệ thực phẩm.

Ngành này có nhiều nơi đào tạo cao đẳng. Nếu em không trúng tuyển vào đại học có thể xét tuyển vào hệ cao đẳng của một số trường, chẳng hạn như Trường ĐH Công nghệ thực phẩm TP.HCM.

* Thưa thầy, ngành quản lý thị trường bất động sản học những gì, ra trường làm việc ở đâu?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Ngành quản lý thị trường bất động sản đào tạo những kiến thức về quản lý đất đai, đi sâu vào những kiến thức liên quan đến mua bán, quản lý, điều hành về các dự án, xây dựng nhà ở, đất ở. Tập trung về phát triển bất động sản, dự án nhà văn phòng cho thuê, nhà ở, nhà ở xã hội...Ngành này em thi khối A và D1 ở Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM. Em có thể thi đợt I khối A, đợt II em thi khối D1 cũng được.

Ngành này ra trường làm việc tại các cơ quan, sở tài nguyên môi trường, phòng tài nguyên môi trường, quản lý đô thị, các công ty kinh doanh địa ốc, công ty kinh doanh bất động sản, sàn giao dịch bất động sản...Ngành này là chuyên ngành của ngành quản lý đất đai.

Danh sách tư vấn:

1. PGS.TS Trịnh Văn Sơn - trưởng phòng Đào tạo – công tác sinh viên Trường ĐH Kinh tế Huế2. TS Võ Viết Minh Nhựt – Phó trưởng khoa Khoa Du lịch - ĐH Huế 3. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng – phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM4. TS Trần Thế Hoàng – trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM5. ThS Lâm Tường Thoại – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Kinh tế - luật ĐHQG TP.HCM 6. ThS Hứa Minh Tuấn – trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính – marketing

NHÓM PHÓNG VIÊN GIÁO DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên