29/03/2010 09:16 GMT+7

Tư vấn 20 vấn đề bệnh hen suyễn trẻ em

BaoChau
BaoChau

<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

u9X1DPc7.jpgPhóng to
Th.,s, BS Trần Anh Tuấn - Ảnh:Minh Đức

TTO - Th.s, BS Trần Anh Tuấn - Trưởng Khoa Hô hấp BV Nhi đồng I TP.HCM tiếp tục tư vấn 20 vấn đề về bệnh hen suyễn mà bạn đọc TTO quan tâm.

10 câu tư vấn đầu tiên về bệnh hen suyễn trẻ emMời bạn đọc xem hướng dẫn sử dụng khí dung cắt cơn hen suyễn

1. Xin hỏi triệu chứng nghi ngờ hen suyễn ở trẻ? Cách hạn chế bệnh không do yếu tố duy truyền? (Nguyễn Thanh Loan)

*Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN:

* Cần nghi ngờ là suyễn khi trẻ có bất kỳ dấu hiệu sau :

-Ho tái đi tái lại nhiều lần, nhất là khi chỉ xuất hiện hay trở nặng hơn về ban đêm

-Khò khè , cơn khó thở tái phát

-Khò khè , khó thở xuất hiện hay nặng hơn khi trẻ tiếp xúc với các yếu tố nào đó (còn gọi là yếu tố khởi phát) như thay đổi thời tiết, thức ăn,…Khi này bạn cần cho trẻ đi khám. Thông thường sẽ dễ chẩn đoán khi trẻ đang trong cơn suyễn. Còn khi ngoài cơn, có thể đo hô hấp ký để chẩn đoán khi trẻ từ 6 tuổi trở lên.

*Bệnh hen suyễn do nhiều nguyên nhân khác nhau cùng góp phần làm bệnh hình thành và phát triển. Đó là:

- Cơ địa của chính người bệnh: yếu tố di truyền, cơ địa dị ứng. Ngoài ra còn có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen như béo phì, suy dinh dưỡng, sanh non, trẻ trai.

-Yếu tố môi trường: dị nguyên (chất gây dị ứng) trong nhà (bụi nhà, mạt, lông thú, gián, nấm mốc, …), dị nguyên ngoài nhà (bụi, phấn hoa, nấm mốc, hoá chất, …), nhiễm trùng, khói thuốc lá, ô nhiễm môi trường không khí, …Như vậy để hạn chế nguy cơ hen suyễn, cần tránh xa, loại bỏ các yếu tố nguy cơ trong môi trường kể trên.

2.Trẻ hen suyễn khỏe hơn trong môi trường lạnh?

* Con trai tôi 34 tháng tuổi, đường hô hấp của cháu rất nhạy cảm, khí hậu thay đổi là cháu có hiện tượng khò khè trong từng hơi thở, vẫn ăn và chơi rất ngoan, nhưng khi ngồi bên cạnh tôi có thể nghe rõ từng hơi thở khò khè trong cổ họng .

Tôi đưa cháu đi bác sĩ và được cho toa thuốc, nhưng chỉ mang tính cấp thời, và vẫn tái phát khi có thể , việc tái phát này rất thường xuyên, sau vài ngày khò khè cháu thường có hiện tượng ho nhiều, kèm với chảy mũi liên tục.

Xin cho biết cách chữa trị dứt điểm? Khi tôi đưa cháu đi nước ngoài, với thời tiết âm 12 độ, đường hô hấp cháu rất tốt, không có hiện tượng trên. (Tạ Hồng Quyên )

* Con tôi được 51 tháng, 15.5kg bị ho thường xuyên, mỗi lần tái phát thường BS cho uống Klamentin+Prednison+ Salbutamal nhưng không hết, phải nhập viện tiêm thuốc kháng sinh Cefixime kèm theo phun thuốc khoảng 1 tuần là hết. Xin hỏi BS cách phòng ngừa tái phát cho cháu như thế nào là hiệu quả? (Nguyễn Thanh Văn)

*Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Để phòng ngừa suyễn cần :

- Tránh xa những nguyên nhân khởi phát cơn suyễn: nhiễm trùng đường hô hấp, thay đổi thời tiết, khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú (chó, mèo), gián, một số loại thức ăn, bụi nhà, các chất có mùi nồng, một số loại thuốc (nhất là Aspirin )

- Sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài nếu bệnh suyễn của trẻ không được kiểm soát tốt, trẻ thường xuyên có triệu chứng, nhất là khi trẻ đã từng nhập viện do cơn suyễn nặng.

*Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Khi bạn đưa cháu đi nước ngoài, bé lại khoẻ hơn có khả năng do bé ít bị ảnh hưởng bởi tình trạng ô nhiễm môi trường hơn và có có thể do mạt nhà (một yếu tố gây dị ứng quan trọng) không phát triển được trong môi trường lạnh đến như vậy.

3. Cắt cơn nhanh nhất bằng cách nào?

* Tôi có con 3,5 tuổi bị hen suyễn nhẹ, cho tôi hỏi khi cháu lên cơn hen suyễn thì bước đầu tiên phải làm là gì, thưa BS? (Phạm Văn Nhân)

*Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN:

- Phát hiện sớm khi trẻ bắt đầu có biểu hiện lên cơn:

Một số trẻ có các triệu chứng báo trước như: hắt hơi, nhảy mũi, ngứa mắt mũi, nổi mề đay , …

Khi lên cơn, trẻ có biểu hiện: ho, khò khè, khó thở ở nhiều mức độ khác nhau (thở ra khó khăn, kéo dài, thở nhanh hay co lõm lồng ngực )

- Nếu đã được thầy thuốc hướng dẫn, cần cho trẻ dùng thuốc cắt cơn tác dụng nhanh (dưới dạng hít hay xông). Chẳng hạn, cho trẻ dùng ngay Ventolin xịt (với dụng cụ hỗ trợ đặc biệt gọi là buồng đệm), có thể lặp lại lần thứ 2 sau 20 phút. Cần tránh cho trẻ uống thuốc cắt cơn vì các loại thuốc uống có tác dụng yếu và chậm hơn nhiều. Nếu không có điều kiện dùng thuốc cắt cơn, nên nhanh chóng đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được cắt cơn kịp thời.

- Cần lưu ý cần cho trẻ đi cấp cứu ngay khi trẻ có 1 trong những dấu hiệu sau:

Khi dùng thuốc cắt cơn mà trẻ vẫn không bớt khó thở hay chỉ giảm tạm thời.

Trẻ nói năng khó nhọc: không thể nói thành câu liên tục

Trẻ khó thở nhiều phải ngồi thở, co kéo vùng chung quanh xương sườn và vùng cổ .

Cánh mũi phập phồng

Tím tái (đây là dấu hiệu rất nguy kịch )

4. Khò khè bao nhiêu lần sẽ nghi hen?

* Con gái tôi 17 tháng tuổi. Lúc cháu 1,5 tháng tuổi cháu bị ho, sổ mũi, khò khè, khó thở (thở gấp), tôi đưa bé đến bác sĩ chuyên khoa nhi khám và uống thuốc. Bé khỏi bệnh. Lúc bé được 8 tháng tuổi, bé bị ho, sổ mũi, khò khè, khó thở (thở gấp) tôi đưa bé đi khám và điều trị. Bác sĩ chẩn đoán: bé bị viêm tiểu phế quản dạng hen và được điều trị khỏi.

Lần thứ 3 bé được 16 tháng tuổi, lại bị triệu chứng như trên và tôi đã đưa bé đến Bệnh viện 7 ngày điều trị bé khỏe và khỏi bệnh. Lần này, Bệnh viện chẩn đoán bé bị viêm phổi. Vậy, bác sĩ vui lòng cho tôi biết: Có thể khẳng định con gái tôi đã bị bệnh hen chưa? Nếu mắc bệnh hen rồi thì có thuốc nào đặc trị không? Tôi nghe mọi người mách bảo rằng: Tìm nhau con mèo đen cho uống là bệnh hen sẽ hết có đúng không? (Hung rau)

*Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: - Theo tiêu chuẩn chẩn đoán hen trẻ em đang được áp dụng trên thế giới, khi trẻ dưới 2 tuổi như con bạn đã từng bị khò khè 3 lần như vậy thì đã đủ tiêu chuẩn chẩn đoán nhất là khi trẻ cải thiện tình trạng khò khè, khó thở nhờ thuốc xông khí dung,(đây thường chính là thuốc dùng cắt cơn hen).

-Tuy hen suyễn là một bệnh không thể trị dứt được nhưng có thể kiễm soát tốt được. Cách phòng ngừa bạn tham khảo những câu tôi đã trả lời.

- Hiện chưa có bằng chứng khoa học nào chứng tỏ là phương thuốc bạn đã nêu thật sự có hiệu qủa.

5. Không điều trị đúng mức, bệnh ảnh hưởng thế nào đến đời sống trẻ?

* Con tôi bị ho có đàm, tối ngủ khò khè khó thở, không ngủ được. Khám bệnh BS cho nhập viện chích thuốc kháng sinh, bệnh tạm ổn rồi tái phát sau vài ngày. Xin BS hướng dẫn cách điều trị? Điều trị ở đâu có kết quả tốt nhất? Bệnh để lâu ảnh hưởng thế nào?(Bạn đọc)

* Cháu tôi bị hen suyễn, gia đình cho cháu đi học trễ 1 năm vì nghĩ sức khỏe cháu yếu kém dù tôi đã đấu tranh thế nào cũng không được. Cho tôi hỏi bệnh suyễn có ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng học tập và tham gia hoạt động của cháu?(Bạn đọc)

*Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Biểu hiện ho, khò khè, khó thở có thể gặp ở nhiều bệnh khác nhau (như viêm tiểu phế quản chẳng hạn) chứ không chỉ riêng cho bệnh suyễn. Vì vậy, việc chẩn đoán nguyên nhân chính xác sẽ rất quan trọng và vô cùng cần thiết dù có lẽ khả năng con bạn đã mắc bệnh hen suyễn. Chính vì thế, bạn nên đưa con đến phòng khám chuyên khoa hô hấp nhi để được khám và xác định chẩn đoán.

Riêng đối với hen suyễn, nếu không được điều trị đúng mức có thể có nhiều hậu quả xấu:

- Trẻ thường xuyên lên cơn suyễn và mỗi khi trẻ lên cơn là mỗi khi trẻ có thể đối diện với nguy cơ tử vong.

- Suy hô hấp mạn và suy tim mạn nếu diễn tiến quá nhiều năm mà không được điều trị

- Ảnh hưởng đến phát triển thể chất: suy dinh dưỡng, biến dạng lồng ngực

- Ảnh hưởng đến phát triển tinh thần: tâm lý mặc cảm, học kém do trẻ phải nghĩ học thường xuyên

- Tốn kém thời gian, tiền bạc, ảnh hưởng đến c ông ăn việc làm của cha mẹ.

6. Hạn chế bệnh trong gia đình có người hen suyễn ra sao?

* Tôi có hai con nhỏ, bé trai năm nay được 33 tháng, bé gái được 9 tháng tuổi. Xin hỏi: bà cố của các con tôi bị hen suyễn, vậy khả năng các con tôi có bị di truyền qua mấy thế hệ không? Một số người già truyền miệng rằng ăn thịt con dơi thì sẽ trị được bệnh hen suyễn, xin hỏi thông tin này có chính xác không? (Vũ Thị Hương Giang)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Hen suyễn là bệnh có tính chất gia đình, thậm chí đã được chứng minh là có tính di truyền. Vì vậy, khả năng này là có. Tuy nhiên, không phải tất cả con cháu trong gia đình, dòng họ đều chắc chắn mắc bệnh cả, Thật vậy, ngoài yếu tố cơ địa do di truyền, yếu tố môi trường cũng đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành bệnh hen suyễn.

Vì vậy, nếu gia đình có người mắc bệnh hen suyễn, có một số lời khuyên như sau để có thể giảm thiểu nguy cơ hen suyễn cho trẻ:

- Bà mẹ cần tránh khói thuốc lá kể cả hít thụ động ngay từ khi mang thai. Khám thai định kỳ, tránh sanh non.

- Sau khi sanh: cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn càng lâu càng tốt ( ít nhất phải trong 4 tháng đầu), tránh hít khói thuốc lá thụ động. Tránh cho trẻ tiếp xúc gần gũi với nhũng yếu tố dễ gây dị ứng: chó mèo, khói bụi (khói bếp, khói nhang, khói công nghiệp,…). Dọn dẹp nhà cửa gọn gàng, ngăn nắp, sạch sẽ.Hiện chưa có bằng chứng khoa học về hiệu qủa của phương thức bạn vừa nêu.

7. Có thể tự khỏi bệnh hay không?

*Con em 30 tháng. Bé bị bệnh suyễn nhẹ, cơn trung bình lúc bé 15 tháng. Thời gian đầu mới phát hiện, bé lên cơn 2-3lần/tháng.

Nửa năm trở lại đây, bé lên cơn giảm lần hơn (2tháng/lần). Chứng tỏ bệnh của bé thuyên giảm rất nhiều. Vậy cho em hỏi bệnh của Bé có thể chữa trị dứt được hay không?". Căn bệnh suyễn này có ảnh hưởng đến đường tiêu hóa của bé không? Em có nên đổi lọai sữa bé đang dùng không? (Hồng Vi)

* Tôi có cháu trai , năm nay 5 tuổi. Lúc nhỏ cháu bị hen phế quản dạng suyển nhũ nhi, bệnh của cháu kéo dài đến 4 tuổi thì tần suât giảm lần từ mỗi tháng xuống 1 lần/năm. Tôi muốn hỏi tòa soạn bệnh cháu có tự khỏi không?(Tran Minh Man)

* Con tôi được 17 tháng tuổi nhưng cháu bị viêm phế quản từ 7 tháng tuổi đến nay. Tôi có cho cháu lên bệnh viện khám thì các BS chuẩn đoán cháu bị hen suyễn và có cho thuốc ngừa thì cháu cũng đỡ. Xin hỏi trong gia đình không có ai bị suyễn vậy bệnh suyễn của cháu bao giờ mới khỏi mà không cần dùng đến thuốc ngừa? (Nguyễn Hữu Tài)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Hiện nay y học hiện đại (đông hay tây y) có thể giúp khống chế tốt bệnh hen (thường gọi là kiểm soát hen) nhưng đều chưa thể chữa dứt bệnh này được.

Tuy nhiên, người ta cũng ghi nhận rằng tiên lượng bệnh suyễn ở trẻ em tốt hơn ở người lớn. Thật vậy, khoảng 20-30% trẻ suyễn sẽ không còn triệu chứng khi trẻ quá 3 tuổi và khả năng này sẽ cao hơn nếu trong gia đình không có cơ địa dị ứng (hen suyễn, chàm, viêm mũi dị ứng). Rất mong con bạn sẽ trong trường hợp này!

Tuy nhiên, dù con bạn diễn tiến tốt trước mắt nhưng về lâu dài bạn vẫn nên tiếp tục giúp cháu tránh những yếu tố có hại từ môi trường có thể làm cơn hen lại bộc phát.

Cần lưu ý là bệnh hen suyễn - một loại bệnh dị ứng đường hô hấp - có khả năng và cũng thường kết hợp với các bệnh dị ứng khác mà dị ứng với sữa bò là một biểu hiện không phải hiếm ở trẻ em. Vì vậy, bạn nên cho cháu đi khám chuyên khoa để xác định chính xác điều này.

8. Ho về đêm có phải hen suyễn?

* Con tôi hay ho đêm từ tết âm lịch (2010) đến nay khoảng hơn 4 tuần. Con tôi ho khoảng 23-24g đêm và 4-5g sáng, mỗi lần ho có thể từ 2-5 tiếng. Ban ngày cháu bình thường. Tôi đang cho cháu uống (bổ phế của Nam Hà). Tôi xin hỏi BS đó có phải là triệu chứng hen suyễn không? Cần kiểm tra BS chuyên khoa BV Nhi đồng 1 hay Nhi đồng 2, có khám ngoài giờ hành chính không? (Đỗ Thanh Phong)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Ho về đêm là biểu hiện cần nghi ngờ hen suyễn nhưng không phải là đã chắc chắn bị hen suyễn. Vì vậy để xác định chẩn đoán bạn nhất thiết phải đi khám chuyên khoa hô hấp nhi - tại BV Nhi Đồng 1 hay 2 chẳng hạn. Riêng tại BV Nhi Đồng 1 có lịch khám chuyên khoa hô hấp ngoài giờ vào sáng thứ bảy hàng tuần (phòng E10).

9. Mua loại dụng cụ phòng ngừa nào phù hợp?

*Tôi có cháu bị suyễn từ nhỏ. Hiện tại cháu ăn uống tốt, tuy nhiên họng của cháu lâu lâu có rất nhiều đàm. Tôi muốn mua loại máy phun khí dung tại nhà cho cháu, nhưng không biết mua loại nào. Và sử dụng liều lượng thuốc như thế nào là đúng? Cháu có phải kiêng loại thức ăn nào không?(Hoàng Anh)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: - Phun khí dung là một biện pháp điều trị hen hiệu quả nhưng thường chỉ được khuyên dùng trong cắt cơn hen nặng (phun với Oxygen) hay khi bệnh nhân không thể hợp tác để có thể dùng các dụng cụ hít khác.

- Riêng để phòng ngừa, sử dụng các dụng cụ hít khác (như ống hít định liều, ống hít bột khô) lại là phương pháp được khuyến cáo vì cũng hiệu quả lại gọn nhẹ, có thể mang đi xa được mà không phụ thuộc vào máy móc và nguồn điện. Chưa kể nếu dùng thuốc corticoid hít để phòng ngừa thì sử dụng các dụng cụ hít khác sẽ giúp giảm thiểu tác dụng phụ so với khi phun khí dung.

Câu lạc bộ cha mẹ bệnh nhi hen suyễn của BV Nhi Đồng 1 (tổ chức sinh hoạt vào chiều thứ năm tuần đầu mỗi tháng ) thường xuyên có hướng dẫn sử dụng các loại dụng cụ hít và cả cách sử dụng máy phun khí dung. Xin mời bạn thu xếp tham dự buổi sinh hoạt sắp tới vào ngày 1-4-2010.

-Thường chỉ cần kiêng ăn khi có bằng chứng chắc chắn là trẻ dị ứng với một loại thức ăn cụ thể nào đó. Cần lưu ý là chỉ 5-10% trẻ suyễn thật sự có vấn đề này mà thôi. Dự kiến sáng thứ bảy đầu tháng 5-2010, chúng tôi cũng sẽ tổ chức nói chuyện chuyên đề về hen trong đó có vấn đề dinh dưỡng cho trẻ mắc bệnh hen. Nếu quan tâm xin bạn chờ thông báo trên trang web BV Nhi Đồng 1 (www.nhidong.org.vn) để tham dự. Mong gặp và trao đổi với bạn nhiều thêm.

10. Hen do không lấy hết nhớt đàm?

* Tôi có một đứa con trai nay được 30 tháng tuổi, cháu bị hen lúc cháu gần 12 tháng tuổi, từ đó đến nay cứ gần 6 tháng là cháu phải nhập viện 1 lần, tôi rất lo lắng. vậy bác sỹ cho tôi hỏi: Có phải khi sinh cháu, không lấy hết nhớt trong người cháu ra hay không? nguyên nhân nào dẫn đến bệnh? (tranquochoi)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Hen suyễn là bệnh do yếu tố cơ địa của bệnh nhân (đặc biệt là do di truyền) và có tác động từ môi trường xung quanh chứ hoàn toàn không phải do việc trẻ “không được lấy hết nhớt khi sinh”.

Bạn có thể tham khảo thêm những phần trả lời trên đây của chúng tôi để chăm sóc cháu tốt hơn và bớt lo lắng phần nào.

11. Kháng sinh có điều trị được hen suyễn?

* Bé nhà em được 28 tháng. Cứ khoảng hơn 1 tháng là bé ho, khò khè và đi khám bệnh thì được chẩn bệnh là viêm phế quản co thắt. Uống thuốc thì bớt.

Như vậy, mỗi tháng bé đều phải uống một lượng kháng sinh (mỗi lần uống thuốc đều có kháng sinh) vào cơ thể mà thương cho bé. Xin Bác cho em lời khuyên. (Lê Thị Hồng Ngọc)

* Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Qua trình bày của bạn, nhiều khả năng cháu đã mắc bệnh hen suyễn. Bạn cần cho cháu đi khám chuyên khoa hô hấp nhi để có chẩn đoán chính xác để có điều trị phù hợp vì không một loại kháng sinh nào có thể điều trị được hen suyễn.

12. Sử dụng khí dung thường xuyên có tốt không?

*Tôi có 1 cháu trai 4 tuổi. Gia đình có ông nội có bệnh viêm phổi tắc nghẽn mãn tính, khi trở trời (thay đổi thời tiết) rất hay bị viêm phổi và đi bác sĩ nhi đồng thường cho uống thuốc khoảng hơn 1 tuần thì khỏi (có sử dụng khí dung để thở - bác sĩ nói là giúp để long đàm và làm trong phổi hơn)

Xin hỏi: việc sử dụng khí dung thường xuyên (1 ngày 2 lần trong 1 đến 2 tuần) cho trẻ nhỏ như thế có tác dụng phụ gì không? Cách thức chăm sóc và sử dụng thuốc phù hợp để cháu không bị viêm phổi mạn?(Bạn đọc)

* Xin tư vấn làm thế nào để giảm tần xuất lên cơn hen của trẻ? Nếu trẻ thở khò khè nhưng vẩn sinh hoạt hoạt chơi đùa bình thường (trừ lúc bắt đầu nằm ngủ) thì có nên xông thuốc ventolin? Xông ventolin thường xuyên có làm trẻ bị lờn thuốc? (Nguyễn Đăng)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: - Để giảm tần suất cơn hen và hơn hết là để trẻ có thể phát triển toàn diện như mọi trẻ khác, bạn cần giúp cháu:

- Tránh xa những nguyên nhân khởi phát cơn suyễn: nhiễm trùng đường hô hấp (là yếu tố rất quan trọng ở trẻ em), thay đổi thời tiết, khói thuốc lá, phấn hoa, lông thú (chó, mèo), gián, một số loại thức ăn, bụi nhà,các chất có mùi nồng, một số loại thuốc (nhất là Aspirin )

- Sử dụng thuốc phòng ngừa lâu dài nếu bệnh suyễn của trẻ không được kiểm soát tốt, trẻ thường xuyên có triệu chứng, nhất là khi trẻ đã từng nhập viện do cơn suyễn nặng.

* Nếu bạn dùng khí dung Ventolin thì bạn lưu ý đây là thuốc chỉ dùng cho cắt cơn hen mà không có tác dụng phòng ngừa. Tuy đây là thuốc an toàn, ít tác dụng phụ nhưng nếu bệnh nhân phải dùng nhiều thì điều không tốt thậm chí là nguy hiểm, không phải là do thuốc có tác dụng phụ mà chính là điều này thể hiện rằng bệnh hen đang rất không ổn (không được kiểm soát tốt). Hen suyễn không được kiểm soát tốt chính là yếu tố dự đoán nguy cơ bệnh nhân phải đi cấp cứu, nhập viện thậm chí tử vong do cơn hen nặng.

Nếu bạn dùng thuốc corticoid (như Pulmicort chẳng hạn) để phòng ngừa, thì thời gian điều trị chỉ 1 vài tuần là không đủ. Bên cạnh đó phun khí dung sẽ có thể có nhiều tác dụng phụ hơn so với việc dùng ống hít định liều (nấm miệng, khàn tiếng, thậm chí chậm tăng trưởng nếu dùng liều cao và kéo dài)

Vì vậy, nhất thiết bạn nên đưa cháu đi khám chuyên khoa để được hướng dẫn cách điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

13. Có nên cho trẻ ăn kiêng?

* Con gái tôi được 30 tháng, nặng 12kg. Từ sau khi bé được 24 tháng Bé thường xuyên bị ho, có khi kèm sổ mũi, nôn ói khi ho. Tôi cho Bé khám ở BVNĐ thì được chẩn đoán là hen suyển. Mong bác sĩ cho biết con tôi có thực sự bệnh hen suyễn và tôi có nên kiêng ăn cho bé không?

Ba của bé là thợ kim hoàn, có sử dụng than đá, thạch cao, sáp nguội để đúc khuôn mẫu tại nhà, cho hỏi có ảnh hưởng gì đến bệnh của bé không? (Thanh Nhã)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Qua trình bày của bạn có lẽ thật sự là cháu đã mắc bệnh hen suyễn. Tắc chưng đường, tần dầy lá chỉ là thuốc điều trị triệu chứng ho mà thôi chứ không hề có hiệu quả gì trong điều trị suyễn.

Bạn cần lưu ý là khói than đá và bụi thạch cao cũng là yếu tố kích phát cơn hen phổ biến mà bệnh nhân hen suyễn nên tránh.

Thường chỉ cần kiêng ăn khi có bằng chứng chắc chắn là trẻ dị ứng với một loại thức ăn cụ thể nào đó. Cần lưu ý là chỉ 5-10% trẻ suyễn thật sự có vấn đề này mà thôi và trẻ suyễn vẫn cần được dinh dưỡng đầy đủ như mọi trẻ khác.

*14. Xuống đồng bằng sẽ bớt hen?

* Con tôi thường bị viêm phế quản dạng hen, vậy tôi phải làm thế nào để phòng bệnh cho cháu, nếu chuyển về sống ở đồng bằng cháu có hết bệnh không? (Tống Gia)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Hiện nay, theo khuyến cáo chung của thế giới, thuật ngữ “viêm phế quản dạng hen” không còn nên sử dụng nữa vì dễ gây nhầm lẫn và thậm chí sẽ làm chậm trể việc điều trị hen mà nhiều cháu đang thật sự cần.

Về việc phòng ngừa hen, xin bạn tham khảo các câu trả lời trên của chúng tôi.

Người ta ghi nhận tình trạng ô nhiễm môi trường, đô thị hoá chắc chắn có tác động không nhỏ lên bệnh hen suyễn. Trên thực tế, tỷ lệ hen suyễn ở thành thị cũng thường cao hơn nông thôn (có lẽ là “đồng bằng” - theo ý bạn?!). Tuy vậy, việc áp dụng các biện pháp phòng ngừa mà chúng ta đã nêu có lẽ ít phức tạp hơn việc chuyển nơi ở, nơi làm việc của bạn. Mặt khác ở nông thôn (có lẽ là “đồng bằng” - theo ý bạn?) cũng không phải là không có yếu tố bất lợi từ môi trường có thể ảnh hưởng xấu đến bệnh hen suyễn (cỏ, phấn hoa, bụi bặm chẳng hạn).

15. Thở mạnh đến đâu mới là lên cơn hen suyễn?

* Tôi có 1 bé được 2 tuổi rưỡi . Khi ngủ bé thường phát ra âm thanh rất lớn nếu nằm ngửa. Còn nằm nghiêng hoặc nằm sấp thì chỉ nghe thở nhè nhẹ thôi. Lúc bé khoảng 1,5 tuổi có lần tôi đem bé đi khám vì bé khò khè khi ngủ thì được chẩn đoán bị hen suyễn. Nhưng cũng nhiều BS cho rằng bé chỉ ngáy thôi. Xin giúp tôi nhận biết (Huỳnh Vũ Ngọc Trâm)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: - Triệu chứng bạn đã nêu khi cháu ngủ có lẽ là do hiện tượng nghẽn tắt đường hô hấp trên chẳng hạn: nghẹt mũi (trẻ bị hen rất thường kèm viêm mũi dị ứng), VA, amiđan to (“quá phát”), hay chỉ đơn giản là do khẩu cái mềm, lưỡi gà bị chùng xuống khi trẻ ngủ ở tư thế nằm ngửa.

- Triệu chứng nhận biết trẻ lên cơn:

Một số trẻ có các triệu chứng báo trước như: hắt hơi, nhảy mũi, ngứa mắt mũi, nổi mề đay , …

Khi lên cơn, trẻ có biểu hiện: ho, khò khè, khó thở ở nhiều mức độ khác nhau: thở ra khó khăn, kéo dài, thở nhanh hay co lõm lồng ngực…

16. Liều lượng khí dung phù hợp?

* Cho hỏi khi trẻ khò khè, khó thở gia đình có nên tự cho bé hít khí dung (có máy ở nhà) được không ? Nếu có thì liều lượng bao nhiêu cho 1 lần? Một ngày nên hít bao nhiêu lần? Khi bé giảm dần nên cho bé uống thuốc gì? (Bạn đọc)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: - Khi phát hiện sớm là trẻ có biểu hiện lên cơn, bạn có thể cho cháu xông ngay thuốc cắt cơn tác dụng nhanh, chẳng hạn Ventolin, có thể lặp lại lần thứ 2 sau 20 phút nếu trẻ còn khó thở.

Liều lượng 1 lần phun: Ventolin: 0,15mg x cân nặng của trẻ (tính bằng kg), liều tối thiểu: 1,25-1,5mg/ 1 lần, tối đa: 5mg/1 lần phun. Thường phải pha thêm nước muối sinh lý cho đủ 2,5-3ml khi phun.

- Nếu trẻ vẫn chưa bớt sau 2 lần khí dung này hay khi trẻ có một trong các dấu hiệu nặng bạn cần cho trẻ đi cấp cứu ngay.

Bạn cần lưu ý là dù trẻ đã bớt sau khi được phun khí dung, bạn cũng cần cho trẻ đi khám bệnh ngay vì đây chỉ là điều trị cấp cứu, không phải là điều trị căn bản lâu dài. Đặc biệt là khi trẻ lên cơn, có thể là dấu hiệu bệnh hen đã không được kiểm soát tốt, thậm chí có chiều hướng xấu đi. Các bác sĩ sẽ giúp bạn đánh giá điều này va hướng dẫn bạn cách phòng ngừa tốt hơn, căn cơ, triệt để hơn.

17. Về thuốc Pulmicort?

* Cha tôi và tôi bị hen suyễn, tuy nhiên bây giờ không còn nữa. Con tôi (hiện nay 28 tháng tuổi) BS chẩn đoán cũng bị hen, khò khè. Mỗi khi cháu bị ngoài việc cho toa thuốc uống BS còn cho xông ventolin, đôi khi thêm pulmicort. Hai loại thuốc này sử dụng thường xuyên có tác dụng phụ gì không? (Đỗ Minh Khâm):

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Về Ventolin đã được trả lời qua các câu trên.

Pulmicort là loại thuốc corticoid dạng hít, có hiệu quả trong phòng ngừa là chính tuy gần đây cũng đôi khi được dùng phối hợp với Ventolin trong cắt cơn (nhưng phải dùng với liều cao). Thuốc dùng dạng hít nói chung có ít tác dụng phụ hơn là dùng đường tiêm chích hay đường uống.

Tuy nhiên, khi dùng dưới dạng phun khí dung sẽ có nhiều tác dụng phụ hơn so với việc dùng ống hít định liều (nấm miệng, khàn tiếng, thậm chí chậm tăng trưởng nếu dùng liều cao và kéo dài). Bên cạnh đó, nếu chỉ thỉnh thoảng mới dùng hoặc chỉ điều trị vài ngày, vài tuần thì hoàn toàn là không đủ để kiểm soát (“khống chế”) bệnh hen. Vì vậy, nhất thiết bạn nên đưa cháu đi khám chuyên khoa để được hướng dẫn cách điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.

18. Khi nào được dừng thuốc uống phòng ngừa?

*Bé nhà em hiện được 21 tháng tuổi. Lúc 16 tháng tuổi, bé nhập viện Nhi Đồng 1 và được chẩn đoán viêm tiểu phế quản. Về nhà được 2 tháng sau, bé thở khò khè, trở lại khám bệnh và được chẩn đoán hen suyễn. Bác sĩ cho ngừa ngày xịt 2 lần, mỗi lần 1 nhát thuốc Flixotide. Bé đã ngừa đến bình thứ 2. Xin hỏi bác sĩ sẽ ngừa đến khi nào có thể dừng thuốc?(Nguyễn Thị Khánh Linh)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Khi đã được chỉ định dùng thuốc ngừa (bằng Flixotide chằng hạn), bạn cần kiên trì cho cháu dùng trong 1 thời gian dài theo đúng hướng dẫn của bác sĩ và không nên tự ý ngưng thuốc dù trẻ có vẽ đã tốt hơn.

Bạn cần lưu ý rằng: việc tự ý ngưng đột ngột thuốc phòng ngừa đôi khi có thể là yếu tố nguy cơ khiến bệnh nhi lên cơn nặng, thậm chí nguy kịch nữa.

Ngay trong trường hợp tốt nhất, liều điều trị ban đầu thông thường sẽ được duy trì trong vài tháng (1,3 hay 6 tháng tùy trường hợp). Sau đó sẽ giảm liều (chuyển sang dùng 1 lần / ngày chẳng hạn) tiếp trong vài tháng (thường ít nhất 3-6 tháng).

Chỉ có thể ngưng thuốc nếu đã kiểm soát được hen ít nhất 1 năm và đang ở liều điều trị thấp nhất ít nhất 1 năm.

Chính vì thế mọi việc giảm liều, ngưng thuốc không đơn giản chút nào phải không bạn và cần được thực hiện cẩn thận với sự chỉ định và theo dõi đúng mức của bác sĩ.

19. Về những loại thuốc phòng ngừa?

* Con trai tôi được 28 tháng tuổi, BS địa phương chẩn đoán cháu bị suyễn. Xin BS cho hỏi có thuốc dự phòng (ngừa cơn hen) cho trẻ ở độ tuổi này không? Mua ở đâu và cách sử dụng như thế nào? ( Nguyễn Tiến Điền)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Bạn quan tâm đến việc dùng thuốc phòng ngừa cho cháu là rất đúng mức. Hiện thời có rất nhiều loại thuốc phòng ngừa hen dùng cho trẻ em như con của anh mà hàng đầu là các loại corticoid hít (chẳng hạn: Flixotide, Pulmicort). Hiện nay, còn có thuốc dùng dạng uống như là 1 điều trị thay thế: Montelukast (như Singulair, Montiget chẳng hạn)

Tuy nhiên, việc chọn lựa thuốc, xác định liều lượng, cách dùng thuốc cũng như cách theo dõi trong quá trình điều trị thì không hề đơn giản. Nhất thiết phải có ý kiến của bác sĩ trong việc phòng ngừa bằng thuốc này.

Bên cạnh đó bạn đừng quên luôn luôn phải áp dụng các biện pháp “phòng ngừa không bằng thuốc” nghĩa là phải giúp trẻ tránh xa những yếu tố bất lợi từ môi trường có thể làm cháu khởi phát cơn hen.

20. Tự chẩn đoán?

* Con tôi là nữ, 10 tháng tuổi, từ lúc sinh ra đến nay khi thở nghe khò khè, đặt tay lên lưng có nghe rõ luồng thở. Tuy nhiên cháu lại không có biểu hiện khó thở, ăn uống bình thường và rất khỏe mạnh, hiếu động. Cháu cũng thường bị sổ mũi, lúc 1 tháng bị ho. Hiện nay tình trạng khò khè vẫn còn. Chúng tôi lo quá, xin bác sỹ tư vấn giúp. (Trọng Phúc)

- Th.s, BS TRẦN ANH TUẤN: Khò khè chính là biểu hiện thường gặp nhất của hen suyễn. Tuy nhiên, đôi khi “khò khè” lại là một triệu chứng không hề dễ dàng xác định chính xác nếu không thăm khám cẩn thận. Thật vậy, người ta đã từng ghi nhận trên 50% trường hợp các bậc cha mẹ có thể nhận định sai dấu hiệu hày. Chẳng hạn: trẻ nhỏ bị nghẹt mũi cũng thường thở “khụt khịt” (chứ không phải “khò khè”).

Trong trường hợp này, chị có thể dùng nước muối sinh lý nhỏ mũi cho bé, sau đó làm sạch mũi cho bé nhiều lần. Nếu do nghẹt mũi trẻ sẽ bớt ngay sau khi làm sạch mũi. Đây là tình huống chúng tôi rất thường gặp trên thực tế mà cũng có khả năng không nhỏ là con bạn ở trong trường hợp này.

Bên cạnh đó, nếu thật sự có “khò khè” kéo dài ở trẻ nhỏ như con chị thì ta cũng nên loại trừ các bệnh lý khác trước khi nghĩ đến hen suyễn.

*Bạn đọc còn những thắc mắc chưa được giải đáp qua nội dung tư vấn trên đây, xin gửi câu hỏi về phòng mạch online.

TTO thực hiện

BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên