Phóng to |
"Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước" - Ảnh tư liệu. |
Trong lịch sử dân tộc, cũng có thời kỳ chia rẽ nội bộ như “Thập nhị sứ quân”, Trịnh – Nguyễn phân tranh, “Nam Kỳ quốc” v.v… nhưng quy luật chung của sự phát triển vẫn là sự đồng tâm nhất trí, sự quy tụ lực lượng với hình tượng “bó đũa”, “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao”. Nguyên lý đó dựa trên thực tế xã hội Việt Nam: sự phân hóa và đấu tranh giai cấp trong nội bộ xã hội bị chi phối và phụ thuộc vào mâu thuẫn lớn hơn: giữa dân tộc Việt Nam và giai cấp thống trị ngoại bang – mâu thuẫn đối kháng cao nhất.
Vốn mang truyền thống đại đoàn kết dân tộc, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành trên lộ trình tìm đường cứu nước, nắm được học thuyết Mác–Lênin, phân tích rõ thực trạng xã hội Việt Nam, giải quyết chính xác mối quan hệ giữa giai cấp và dân tộc trong cách mạng Việt Nam.
Nếu trước kia Mác cho rằng giai cấp vô sản trước hết phải trở thành dân tộc, rằng đấu tranh để giải phóng nhân loại là tiền đề để giải phóng giai cấp vô sản thì Bác Hồ coi giải phóng dân tộc là tiền đề để giải phóng giai cấp bị áp bức bóc lột trong xã hội Việt Nam. Nếu dân tộc không được giải phóng khỏi ách áp bức bóc lột của giai cấp tư bản đế quốc thì muôn đời cũng không giải phóng được nhân dân lao động.
Sự sáng tạo của tư tưởng Hồ Chí Minh được thể hiện trên hai mặt. Một mặt phải tìm mọi khả năng quy tụ nhân dân thuộc mọi tầng lớp xã hội có lòng yêu nước thương nòi vào một mặt trận rộng lớn, chống quan điểm biệt phái, quan điểm giai cấp cực đoan có hại cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Mặt khác, phải từng bước giải quyết mâu thuẫn giai cấp trong nội bộ xã hội Việt Nam, chủ yếu là giữa nông dân với địa chủ, bằng những biện pháp thích hợp (hiến điền, giảm tô, tức, tạm cấp ruộng đất v.v…) để tăng cường sức dân nhưng không phá vỡ mặt trận đoàn kết dân tộc. Sự quy tụ lực lượng rộng rãi đó đã tạo nên sức mạnh quyết định thắng lợi của sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và cũng nhờ đó làm thất bại chính sách chia để trị của kẻ thù trong bất cứ giai đoạn nào.
Sau khi giành được độc lập, thống nhất Tổ quốc chuyển sang xây dựng xã hội mới, phải chăng chúng ta đã coi nhẹ sự quy tụ lực lượng toàn dân tộc theo mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh” và quá lo sợ, đề cao việc xóa bỏ ngay mâu thuẫn giai cấp trái quy luật lịch sử – tự nhiên, đốt cháy những giai đoạn quá độ cần thiết và lâu dài. Bị ám ảnh bởi những mô hình cải tạo xã hội chủ nghĩa, công nghiệp hóa và quản lý kinh tế, quản lý xã hội của Liên Xô, chúng ta đã bỏ mất thời cơ lớn để tập hợp lực lượng, phát triển mạnh sản xuất và nâng cao đời sống nhân dân, dẫn đến khủng hoảng kinh tế – xã hội.
Từ khi tiến hành đổi mới, chuyển sang kinh tế thị trường với sự phát triển của nhiều thành phần kinh tế, quan trọng nhất là sự giải phóng lực lượng sản xuất trong nông nghiệp quan hệ đến hàng chục triệu lao động cùng với sự khai thác khả năng tiềm tàng của các tầng lớp xã hội khác, bộ mặt kinh tế – xã hội của đất nước đã có nhiều thay đổi lớn.
Tuy nhiên, cũng phải từng bước giải quyết những mâu thuẫn giai cấp, đảm bảo lợi ích của nhân dân lao động nhưng không làm tổn hại đến sự quy tụ lực lượng rộng rãi. Chính sách của Đảng và luật pháp của Nhà nước phải đồng thời giải quyết tốt nhất cả hai mặt đó. Vừa qua, về mặt kinh tế, chúng ta chậm ban bố các luật đầu tư trong nước, luật chống độc quyền, luật lao động v.v… có liên quan đến việc quy tụ lực lượng và giải quyết mâu thuẫn giai cấp.
Tư tưởng Hồ Chí Minh cũng đã chỉ rõ nguyên lý phải biết kết hợp chặt chẽ sự quy tụ lực lượng trong nước với lực lượng tiến bộ trên thế giới để đấu tranh và xây dựng Tổ quốc. Ngay từ buổi ban đầu cách mạng cho đến lúc hoàn thành giải phóng dân tộc, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn nhất quán đề cao ngọn cờ chính nghĩa của dân tộc Việt Nam để tranh thủ rộng rãi sự đồng tình và giúp đỡ của cả nhân loại tiến bộ. Không chỉ riêng các nước xã hội chủ nghĩa mà cả các nước dân tộc chủ nghĩa, các chính phủ tiến bộ, các tầng lớp xã hội, nhân sĩ, một số nhân vật trong giới cầm quyền không tán thành chiến tranh xâm lược v.v… đã đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ nhân dân Việt Nam.
Bước vào thời kỳ xây dựng đất nước, chúng ta đã đánh mất một phần sự ủng hộ quốc tế đó, mà đáng ra phải được tăng cường hơn trước. Cũng giống như tình trạng quy tụ lực lượng trong nước, chúng ta đã muốn làm trong sạch ngay các quan hệ kinh tế đối ngoại, quá lo sợ về sự xâm nhập của chủ nghĩa thực dân mới trong khi đã nắm vững chính quyền cả nước.
Từ một nước chậm phát triển, chúng ta bị cô lập với thế giới tư bản đang nắm khoa học kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhất cùng với vốn đầu tư và thị trường rộng lớn. Điều kiện quốc tế của sự phát triển đất nước bị hạn hẹp và chịu chung số phận khủng hoảng cùng với các nước xã hội chủ nghĩa trước những cú sốc của thế giới và nội địa.
Chuyển sang thời kỳ đổi mới, nhất là từ sau khi Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu tan rã, chúng ta đã điều chỉnh lại quan hệ đối ngoại, “làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”, nhất là các nước trong khu vực.
Muốn quy tụ lực lượng trong điều kiện quốc tế ngày nay, phải tìm được những mục tiêu chung với các đối tác, tạm gác những nét khác biệt, thậm chí cần phải bắt tay với những kẻ thù cũ đã biết tôn trọng lợi ích đôi bên. Cửa phải mở rộng nhưng phải thường xuyên quét sạch rác rưởi, vi trùng, đảm bảo môi trường trong sạch. Yếu tố quyết định thắng lợi của sự quy tụ lực lượng trên thế giới vẫn là sự lớn mạnh, trưởng thành của bản thân nhân dân ta.
Những thành tựu đạt được trong mấy năm qua là kết quả tổng hợp của sự quy tụ lực lượng trong nước và trên thế giới. Tư tưởng Hồ Chí Minh sẽ tiếp tục soi sáng cho chúng ta trong một thời kỳ phát triển mới: công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo lời dặn của Bác:
Dân ta nên nhớ chữ đồngĐồng tình, đồng sức, đồng lòng, đồng minh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận