06/12/2009 06:28 GMT+7

Tự tiến cử

CÔNG NHẬT
CÔNG NHẬT

TT - Trần Tuấn Tài lập một trang web cá nhân đủ sức gây ấn tượng cho hầu hết các nhà tuyển dụng, những ai đam mê lĩnh vực tài chính, công nghệ thông tin. Trang web được viết toàn bằng tiếng Anh của một người trẻ Việt.

gV7XJcRy.jpgPhóng to

Tuấn Tài ở Trường đại học NSW tại Úc - Ảnh do nhân vật cung cấp

Nhờ trang web này, rất nhiều trường học trên thế giới muốn cấp học bổng cho Tài. Và Đại học New South Wales (Úc), nơi Tài đang theo học, là một trong số đó.

Không phải chơi nổi

Từ thư viện Trường đại học New South Wales, Tài mở đầu bằng câu chuyện “hồi xưa”. Hồi đó, ngay từ lúc còn ngồi trên ghế trường cấp III, Tài đã có sở thích viết nhật ký cá nhân trên mạng (blog) bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Dẫu bận học đến mấy, mỗi ngày Tài đều dành vài giờ để viết và dịch trên trang blog của mình. “Muốn học tốt ngoại ngữ thì cách tốt nhất là tận dụng mọi cơ hội sử dụng nó” - Tài nói. Nhưng ngoại ngữ với Tài không chỉ để học, để biết nói mà là để mở ra những chân trời mới.

Rồi cái cách viết trên mạng nửa nạc nửa mỡ đó bị công kích quá, Tài cũng... lung lay. Sau mấy hôm suy nghĩ, Tài quyết tâm chỉ giữ lại phần tiếng Anh, bỏ phần tiếng Việt. Càng bị công kích dữ.

“Tôi viết blog bằng tiếng Anh là có lý do của mình, vì tôi đang học, đang tìm kiếm cái riêng cho mình. Nhưng nếu ai quan tâm, tìm hiểu những điều tôi viết thì tôi sẽ tranh luận bằng tiếng Việt”. Tài cho biết thêm: những trang web của Tài chính là một công cụ hữu hiệu để bạn “tấn công” các nhà tuyển dụng cũng như hội đồng xét duyệt học bổng ở các trường trên thế giới.

Và thật thế, qua trang web Tài đã tự tiến cử mình và tìm thấy phần học bổng mà mình cần có. “Phải tự tiến cử, không đợi người khác phát hiện mình” - Tài nói.

Phải có chính kiến, đừng ngả nghiêng

Có nhiều học bổng

Trần Tuấn Tài là một 8X “đời giữa”, có học bổng toàn phần và tốt nghiệp loại ưu ĐH RMIT Việt Nam. Tài từng làm ở vị trí chuyên viên phân tích kinh doanh và kỹ thuật tại một số công ty nước ngoài, trước khi qua Úc học cao học ngành quản lý quỹ tại Đại học New South Wales cũng với học bổng toàn phần. Tài còn được một số trường khác trên thế giới đồng loạt cấp học bổng 100%.

* Dẫu Tài có giải thích nhiều về việc không viết tiếng Việt, nhưng lý do chưa thuyết phục lắm...

- Trước đây Tài viết tiếng Anh cho trang web http://www.taitran.com/blog/ để mỗi khi đi xin việc, xin học bổng thì có cái “tiếp thị” với người ta. Đây cũng là một xu hướng mới rất hiệu quả mà bạn trẻ nhiều nơi trên thế giới đang áp dụng.

Sau đó khi đã chinh phục thành công thì Tài lại quá bận với việc học và làm thêm, nên đành tiếp tục “thất hẹn” với phần dịch tiếng Việt. Chưa kể có khá nhiều thuật ngữ chuyên môn rất khó diễn giải bằng tiếng Việt.Nhưng thú thật: mình còn làm thế để... bõ ghét!

* Bõ ghét?

- Mình từng bị chỉ trích là sính ngoại. Nhưng mình không sợ. Nếu một người trẻ làm gì đó mà ai góp ý gì sửa nấy thì đó là kiểu “đẽo cày giữa đường”. Cần phải có chính kiến cho việc mình làm. Cứ mải chạy theo nhận xét của mọi người thì đâu còn giá trị cái tôi của mình. Mình làm để chứng minh rằng mình đúng!

* Nhưng họ chỉ muốn nhắc nhở Tài có vẻ bị “Tây hóa”?

- Không nên nhận xét người nào sử dụng tiếng Anh quá nhiều thì người đó là sính ngoại. Nếu họ dùng tiếng Anh liến thoắng vì tính chất công việc nhưng lại rất Việt trong những mối quan hệ thường ngày thì điều đó là dấu hiệu tích cực.

* Bạn có thể nói thêm lợi ích của việc viết web tiếng Anh?

- Trước tiên nó giúp mình hoàn thiện kỹ năng viết (một kỹ năng rất yếu của nhiều người Việt). Viết nhiều giúp mình nhận ra sai sót trong cả kiến thức lẫn ngữ pháp, điều đó đã giúp mình đạt điểm gần như tuyệt đối trong các bài thi tiếng Anh sau này ở trường.

Kế tiếp, mình thấy các nhà tuyển dụng, cấp học bổng hiện nay thường nhìn nhận ở ứng viên các mặt sau đây:

- Bạn giỏi chuyên môn như thế nào?

- Bạn đem lại giá trị cho cộng đồng ra sao?

- Bạn say mê ngành đang theo đuổi?

- Kế hoạch cho sự nghiệp?

Và mình nghĩ với trang web của mình, bất kỳ ai cũng dễ dàng nhận thấy tất cả yếu tố đó. Đây cũng chính là điều mà hội đồng tuyển sinh của Đại học New South Wales đã thừa nhận và khuyến khích mình nên tiếp tục theo đuổi.

* Cảm ơn Tài, và nhớ là giỏi tiếng Tây nhưng phải rất Việt nhé!

CÔNG NHẬT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên