Drone ngày nay có các ứng dụng hết sức đa dạng - Ảnh: Nati onal Geographic
Chỉ một chữ "s" sang "d", nhưng là cả chiều dài phát triển từ thời chưa có cái gọi là khoa học kỹ thuật cho đến hiện thực bấm nút từ xa, phá tan một đất nước ngày nay.
Năm 2010, Cục Hàng không Liên bang Hoa Kỳ (FAA) dự báo đến năm 2020, toàn nước Mỹ sẽ có 15.000 drone thương mại (sở hữu cá nhân và dùng cho các mục đích phi quân sự). Tuy nhiên, đến tháng 9-2015, chỉ riêng số drone bán ra mỗi tháng đã đạt mức này, theo bài viết "Chào mừng đến với Drone Age" trên The Economist.
Từng ước đoán sai sự bùng nổ của drone thương mại, FAA tiếp tục bị hớ khi đánh giá quá thấp sức phát triển của lĩnh vực này. Trong một báo cáo hồi tháng 5-2019, FAA cho biết trong năm 2018 đã có hơn 170.000 drone được đăng ký sử dụng qua cơ quan này. Cộng với số drone cấp phép trước đó, tổng số thiết bị có đăng ký ở Mỹ trong năm ngoái vào khoảng 277.000, tăng 170% so với năm 2017.
FAA thừa nhận trước đó họ chỉ dự báo mức tăng khoảng 44%, không ngờ con số thực lại gấp gần bốn lần. "Lĩnh vực drone thương mại lớn hơn so với những gì chúng tôi nắm bắt được mới hồi năm ngoái" - FAA thừa nhận trong một báo cáo.
Cần lưu ý con số này chỉ là các thiết bị có đăng ký xin giấy phép hoạt động theo quy định. Theo trang NewsLedge, số lượng drone do cá nhân sở hữu ở Mỹ theo ước tính của FAA vào khoảng 1,5 triệu chiếc, dự kiến tăng hơn gấp ba lần lên 3,55 triệu vào năm 2021 với tốc độ tăng trưởng trung bình 26,4%/năm.
Ứng dụng ngày càng nhiều
Theo The Economist, các chuyên gia cho rằng những gì diễn ra với drone khi đó cũng giống như với máy tính cá nhân hồi thập niên 1980, khi Apple ra mắt máy Macintosh và IBM giới thiệu PS/2: Những cỗ máy ban đầu tưởng chỉ là đồ chơi cho người tiêu dùng bình thường cuối cùng sẽ phát triển, trở thành phần quan trọng của nhiều ngành nghề khác nhau.
Nhận xét này từng bị cho là phóng đại. Máy tính hữu ích cho rất nhiều ngành nghề thì đã rõ, nhưng đâu phải lĩnh vực nào cũng cần drone mới giải quyết được công việc tốt hơn? Thế nhưng nhìn vào danh sách các lĩnh vực có thể dùng drone ngày một dài hơn mới thấy nhận định như vậy cũng không có gì quá đáng.
Số liệu từ các nhà đầu tư mạo hiểm cũng là một câu trả lời cho thấy drone đang là lĩnh vực đầy tiềm năng. Forbes dẫn số liệu tổng hợp của Teal Group cho biết tỉ lệ góp vốn cho các dự án drone của các quỹ đầu tư mạo hiểm trong nửa đầu năm 2019 đã đạt mức cao kỷ lục 350 triệu USD. Để so sánh, mức đầu tư vào lĩnh vực này cả năm 2015 là 450 triệu USD và 2018 là 550 triệu USD.
Teal Group dự báo thị trường drone thương mại sẽ tăng gấp ba lần trong 10 năm tới, với doanh số drone toàn cầu mỗi năm đạt khoảng 9,5 tỉ USD. "Các lĩnh vực dự kiến sẽ tăng sử dụng drone bao gồm: nông nghiệp, xây dựng, bảo hiểm, năng lượng, truyền thông và giao nhận" - báo cáo của Teal Group viết.
Startup liên quan đến drone nhận được đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm nhiều nhất là Zipline, công ty có trụ sở ở California chuyên dùng drone để chuyển máu, văcxin và các loại thuốc men khác trong trường hợp khẩn cấp.
Zipline hiện đã gọi vốn được tổng cộng 229 triệu USD nhờ mô hình ứng dụng drone vào lĩnh vực y tế ở Rwanda và Ghana: trong vòng 30 phút kể từ khi nhận được yêu cầu hỗ trợ, các drone của Zipline sẽ bay ngay đến địa điểm cần được tiếp tế thuốc men. Drone giúp việc vận chuyển nhanh chóng tại các khu vực có hạ tầng giao thông đường bộ kém.
Ngày 24-9, DJI, nhà sản xuất drone dân dụng hàng đầu thế giới, nhân hội nghị AirWorks đã giới thiệu một loạt các công nghệ và công cụ giúp từ nông dân đến các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ ứng dụng drone vào hoạt động mỗi ngày.
Mario Rebello - phó chủ tịch DJI - cho biết thiết bị và công nghệ của hãng trong nhiều năm qua đã giúp các doanh nghiệp và cơ quan chính phủ có hoạt động phức tạp nhất ở Mỹ ứng dụng drone một cách an toàn và an ninh vào hoạt động hằng ngày.
"Năm nay chúng tôi hướng đến việc trao các drone dễ sử dụng của mình cho nông dân để họ có thể quản lý đất đai hiệu quả và thân thiện với môi trường hơn, cũng như giúp các lực lượng cứu hộ có được công cụ hỗ trợ tốt nhất để ứng phó và cứu người trong thiên tai" - Rebello nói.
Drone quân sự: chuyện bình thường
Song song với drone thương mại với các ứng dụng hữu ích, có một cuộc chạy đua khác nhằm phát triển drone cho mục đích quân sự.
Ngày 25-9, The Washington Post cho biết gần 100 quốc gia trên thế giới hiện đã có lực lượng thiết bị bay không người lái cho quân sự và tác chiến bằng phương tiện này ngày càng được các lực lượng vũ trang toàn cầu ứng dụng nhiều hơn, gây ra các mối đe dọa mới.
The Washington Post dẫn báo cáo The Drone Databook công bố cùng ngày của Trung tâm nghiên cứu drone (Đại học Bard, New York) cho biết có ít nhất 21.000 và có thể là trên 30.000 drone đang phục vụ cho các quân đội trên toàn thế giới, trong đó Trung Quốc là nhà xuất khẩu drone hàng đầu, theo sau là Israel và Mỹ.
Báo cáo phân loại được 171 loại drone được dùng cho mục đích quân sự, 268 đơn vị tác chiến sử dụng drone được thành lập ở 58 quốc gia. Ngoài gia tăng số lượng, báo cáo cũng cho biết quân đội các nước còn tăng cường đầu tư căn cứ quân sự, sân bãi thử nghiệm và huấn luyện phi công để sử dụng drone.
"Rất nhiều quốc gia, không chỉ những nước có khoa học công nghệ tiên tiến, đã bắt đầu phát triển các chương trình drone quân sự - Dan Gettinger, tác giả báo cáo, nhận định - Thiết bị bay không người lái ngày càng liên quan nhiều hơn đến các sự kiện thời sự quốc tế, gần nhất là vụ tấn công bằng drone ở Saudi Arabia".
Trường hợp Gettinger nhắc đến là vụ hai cơ sở dầu của Saudi Arabia bị tấn công bởi drone và tên lửa, làm giá dầu thô tăng và gia tăng căng thẳng ở Trung Đông hồi giữa tháng 9. Washington và nhiều cường quốc châu Âu cho rằng Iran đứng sau vụ tấn công này (xem bài sau).
Sự phát triển và phổ biến của drone trong lĩnh vực quân sự dẫn đến một chuyển biến đáng chú ý: các cuộc tấn công quy mô lớn, từ khoảng cách xa bằng drone có vũ trang không còn là độc quyền của Mỹ.
Trước đây, chỉ có CIA và Lầu Năm Góc dùng drone có vũ trang như Predator và Reaper để tiêu diệt nghi phạm khủng bố ở Yemen, Somalia và khu vực Nam Á. Còn giờ đây, phiến quân Houthi tại Yemen cũng dùng drone để tổ chức tấn công, và vùng trời ở Syria và Iraq từng là "mặt trận" của thiết bị bay không người lái do 8 quốc gia khác nhau phái đến.
Theo báo cáo nói trên, có ít nhất 10 quốc gia, gồm cả Azerbaijan và Nigeria, đã thực hiện tấn công bằng drone và nhiều nước khác đang phát triển các chương trình drone bậc cao. "Các quốc gia đang xây dựng cơ sở hạ tầng bên trong quân đội của nước họ và điều này sẽ sinh ra một thế hệ drone mới với mục đích chuyên dụng (tức quân sự)" - Gettinger nhận định.
Song song với việc drone ngày càng hiện đại hơn, rẻ hơn, dễ mua và vận hành hơn là mối lo ngày càng tăng về các vấn đề liên quan - an toàn, an ninh, bảo mật cá nhân. Bầu trời đầy các thiết bị bay lượn dẫn đến nguy cơ va chạm, và điều này đặc biệt nguy hiểm nếu drone va phải máy bay thương mại. Drone còn là phương tiện do thám tuyệt vời, và ai cũng có thể bị ghi hình từ trên cao mà không biết.
Trong khi FAA là cơ quan quản lý drone ở Mỹ thì EASA, cơ quan quản lý an toàn hàng không của Liên minh châu Âu (EU), hồi tháng 6 đã ra quy định về việc sử dụng drone, áp dụng cho toàn khối. Drone sẽ được phân thành ba nhóm hoạt động, mỗi nhóm có các quy định quản lý riêng. Các nhóm bao gồm: các thiết bị nặng không quá 25kg và ít có nguy cơ gây mất an toàn; nhóm cần phải được cấp phép; và cuối cùng là nhóm có nguy cơ cao nhất, bao gồm dùng drone để vận chuyển hàng hóa hay hoạt động "trên đầu" đám đông.
Theo đó, người sở hữu drone cần phải đăng ký với cơ quan quản lý ở quốc gia họ sống hoặc kinh doanh trước khi đưa thiết bị vào sử dụng. Việc có một bộ quy định chung cho toàn khối đồng nghĩa drone, sau khi được cấp phép ở một quốc gia EU bất kỳ, có thể hoạt động xuyên biên giới ở châu Âu mà không phải ngại thủ tục, luật lệ mỗi nước mỗi khác. Bộ quy định này chính thức được áp dụng vào tháng 6-2020, để các bên liên quan có một năm chuẩn bị.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận