04/05/2020 10:58 GMT+7

Tư nhân tham gia truyền tải điện, xóa bỏ độc quyền nhà nước?

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Bộ Công thương kiến nghị sớm ban hành Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải thay vì ra Nghị quyết giải thích Luật điện lực về độc quyền nhà nước với truyền tải.

Tư nhân tham gia truyền tải điện, xóa bỏ độc quyền nhà nước? - Ảnh 1.

Bộ Công thương kiến nghị việc xã hội hóa lưới truyền tải điện cần đưa vào Luật PPP - Ảnh: PĐT

Bộ Công thương vừa có văn bản gửi Thủ tướng về nhiệm vụ xây dựng tờ trình Chính phủ, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích Luật điện lực nội dung nhà nước độc quyền trong hoạt động truyền tải trên cơ sở lấy ý kiến của các bộ ngành liên quan.

Theo đó, Thủ tướng giao Bộ Công thương về việc xây dựng tờ trình Chính phủ, dự thảo Nghị quyết của Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Luật điện lực nội dung quy định Nhà nước độc quyền trong lĩnh vực truyền tải để mở rộng đầu tư theo phương thức xã hội hóa trong điều kiện Luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) chưa được ban hành.

Tuy nhiên, Bộ Công thương cho rằng việc xây dựng, ban hành Nghị quyết phải thực hiện theo trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật., nhưng nhiệm vụ này lại chưa được xem xét trong Chương trình xây dựng văn bản của Chính phủ.

Vì vậy, để thực hiện các thủ tục xây dựng, trình ban hành nghị quyết theo quy định cần mất nhiều thời gian, trong khi dự kiến Luật PPP trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5 hoặc tháng 6-2020).

Bộ Công thương cho rằng hiện nay Luật điện lực đã có văn bản hướng dẫn về phạm vi đầu tư, thỏa thuận đấu nối giữa các bên mua, bán, sử dụng điện. 

Theo đó, các đơn vị phát điện, phân phối, khách hàng sử dụng điện có thể thỏa thuận về phạm vi đầu tư (trạm biến áp, đường dây) để đấu nối nhà máy điện với hệ thống điện, hoặc để sử dụng hệ thống điện từ hệ thống.

Do đó, các trường hợp đầu tư công trình lưới truyền tải nhằm phục vụ đấu nối nhà máy điện, cụm nhà máy điện của một chủ đầu tư, hoặc nhiều chủ đầu tư, có thể áp dụng quy định về thỏa thuận đấu nối để xác định phạm vi, thỏa thuận đầu tư giữa các bên liên quan. 

Việc xác định hiệu quả đầu tư của dự án điện được đánh giá tổng thể cả về phương án đầu tư lưới điện đấu nối.

Đối với phạm vi đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải khác, Bộ Công thương cho rằng chưa có quy định tại các quy định pháp luật về điện lực hiện hành. 

Đặc biệt với hệ thống truyền tải điện có tính chất xương sống, huyết mạch nên cần cân nhắc kỹ việc có cho phép đầu tư tư nhân hay không, đảm bảo an ninh năng lượng, an ninh quốc gia.

Bộ này cũng cho rằng hiện nay nếu chỉ ban hành nghị quyết về giải thích độc quyền nhà nước trong truyền tải tại Luật điện lực thì cũng chưa giải quyết tổng thể các vấn đề cần nghiên cứu toàn diện để sửa đổi Luật điện lực cho phù hợp.

Do đó, Bộ Công thương kiến nghị Thủ tướng xem xét, trình Quốc hội ban hành Luật đầu tư theo phương thức PPP, trong đó cho phép áp dụng các quy định về xã hội hóa đối với lưới điện truyền tải. 

Khi đó, việc đề xuất đầu tư tư nhân lưới điện truyền tải sẽ được áp dụng theo quy định của luật này.

Đối với trường hợp đầu tư lưới điện truyền tải phục vụ đấu nối nhà máy điện/cụm nhà máy điện lên hệ thống điện quốc gia, cần thực hiện trên cơ sở thỏa thuận đấu nối theo quy định pháp luật hiện hành.

Bộ Công thương cũng kiến nghị giao cho bộ này thực hiện rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật điện lực theo tinh thần Nghị quyết 55 mà không thực hiện việc xây dựng nghị quyết giải thích Luật điện lực về độc quyền nhà nước trong hoạt động truyền tải.

Tư nhân có thể đầu tư dịch vụ truyền tải điện Tư nhân có thể đầu tư dịch vụ truyền tải điện

TTO - Sẽ tiến tới tách bạch chi phí của bộ phận đi đo đếm công tơ, thu tiền điện tại các công ty điện lực. Sẽ giảm thời gian mất điện. Người dân toàn quốc có thể tra cứu sản lượng tiêu thụ điện trên mạng...

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên