20/06/2021 06:42 GMT+7

'Tự kiểm' của một nhà báo nhân ngày 21-6: Viết, từ ghế người đọc

LƯU ĐÌNH TRIỀU
LƯU ĐÌNH TRIỀU

TTO - Nhìn ngắm toà nhà 5 tầng - nơi trú ngụ của hàng trăm học viên thời ấy, dù đã bạc phếch màu vôi, lốm đốm vết ố, nứt đang được sửa chữa, nhưng tôi gần như gặp lại… tôi-của-ngày-xưa-cũ.

Tự kiểm của một nhà báo nhân ngày 21-6: Viết, từ ghế người đọc - Ảnh 1.

Nhà báo Lưu Đình Triều trong dịp ra công tác 20 ngày tại Trường Sa

Ngày xưa đó, có một gã trai khăn gói từ Xí nghiệp Sắt tráng men (TP.HCM) ra đây, vào tòa nhà ấy thường trú, tập tành chữ nghĩa báo chí.

Tôi viết những dòng trên, vào tháng 10-2014. Khi cùng những bạn học ở miền Nam trở về thăm trường cũ - trường Tuyên huấn Trung ương (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền)…. Trong lớp đại học báo chí 3, tôi là người đến muộn ở nhiều mặt. Riêng với nghề báo, ngôi trường chính là nơi tôi đặt bước chân đầu tiên.

Đến sau, đến muộn với nghề, nên tôi càng ham sớm có đươc tin, bài để bằng anh bằng chị. Ngoài những lần thực tế, thực tập, có dịp là tôi đi. Đi để viết. Viết để thỏa mãn mong ước của bản thân. Tôi hăng say viết, vì … cái tôi của mình.

Nhớ năm 1980, lần đầu tôi được đi thực tế ở Sơn Đồng - một xã có làng nghề nổi tiếng thuộc huyện Hoài Đức, Hà Nội. Được sống, sinh hoạt cùng bà con của một hợp tác xã, bao điều mới mẻ hiện ra trước mắt tôi.

Về lại trường, chưa kịp viết tin nộp cho khoa, tôi đã làm ... một bài thơ. Sự lãng mạn cùng văn chương trong tôi vẫn quá lớn.

Sau đó, viết một tin dài hơn 200 chữ, nói đủ điều về chuyện sản xuất của hợp tác xã nộp cho khoa. Xong, tôi sao chép lại một bản, rồi đạp xe 7 cây số để ra gửi cho báo Hà Nội Mới.

Bài tập nộp khoa, khi nhận lại, có lời nhận xét: viết phải ngắn gọn, tập trung vào vấn đề. Còn trên báo, tin được xuất hiện trong cột tin vắn, dài hơn 30 chữ. Đó là bài học đầu tiên cho việc viết không nên thả rông câu chữ, theo suy nghĩ từ cái tôi của mình.

Ở trường, tôi may mắn được chung phòng với anh Phạm Văn Nhứt, trưởng nhóm phóng viên Tuổi Trẻ ra học. Nhờ anh giúp, nên có những thông tin, sự kiện gì về hoạt động của thanh niên, của Đoàn, Hội, tôi đều được biết và có thể tham gia.

Tháng 11-1980, tôi theo anh Nhứt đi tác nghiệp bên lề Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ IV. Chuyện khai thác về phong trào "Ba xung kích làm chủ tập thể" với gần 9 triệu đoàn viên, thanh niên tham gia hay phong trào "Hành quân theo bước chân những người anh hùng" thu hút gần 6 triệu đoàn viên, thanh thiếu nhi..., tôi để các anh chị Tuổi Trẻ lo. Còn tôi tìm kiếm, viết cái mà mình ưa thích.

"Dậy đi em con suối ngủ ngày", bài viết nói về một nhóm ca múa trẻ ở Tây Nguyên được gửi về Tòa soạn Tuổi Trẻ. Bài không được đăng, tôi buồn tê tái. May mà sau đó, anh em tòa soạn chuyển bài viết qua báo Tin Sáng. Đấy là bài báo đầu tiên trong nghề của tôi. Dù say men sung sướng, nhưng tôi bắt đầu ngộ ra, khi đi tác nghiệp, viết phải theo chủ đề, yêu cầu của tờ báo chứ không phải theo sở thích của mình.

Trong lớp đại học báo chí, chúng tôi được học kỹ phần lý luận. Nghe thầy giảng về lời dạy của Bác: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?, tôi rất tâm đắc. Nhưng những lần đi thực tế viết bài sau đó, ngẫm lại, tôi chỉ nặng phần lo toan Viết như thế nào? để hấp dẫn bạn đọc.

Đến Sông Đà, ra Côn Đảo, lên biên giới phía Bắc, xuống Đồng bằng miền Tây..., đặt tay cầm bút, tôi viết cùng sự cân nhắc chữ nghĩa câu từ nhiều hơn. Tuy nhiên, tôi ít quan tâm chắt lọc chi tiết gắn với sự kiện, chủ đề.

Viết xong, theo đúng lời dạy khi lên lớp, tôi thường đọc lại bản thảo, không chỉ một lần. Đọc xem tít tựa có truyền cảm, câu chữ có mượt mà không? Vô tình tôi không chú tâm nhiều đến việc nội dung bài viết của mình có đáp ứng được mong muốn của người đọc? Nói theo dân gian bài viết có 'gãi đúng chỗ ngứa' của người đọc không, tôi không cần biết!

May mắn thay, sau này khi chính thức về báo Tuổi Trẻ, tôi được các anh chị đi trước khuyên bảo, kềm cặp, góp ý cụ thể khi viết. Theo thời gian, tôi lại bắt đầu đọc, sửa chữa biên tập bài viết của bạn đọc, cộng tác viên. Nhờ vậy hai yêu cầu Viết cho ai? Viết để làm gi? đã thấm đậm vào chuyện tác nghiệp. Đỉnh điểm của việc nhận thức này, với tôi là chuyến đi ra Trường Sa ngay trong mùa giông bão 1994.

Ngay từ khi đặt chân đến Cam Ranh, chờ theo tàu tiếp tế ra đảo, trong đầu tôi đã trăn trở: cần tập trung viết chuyện gì? Người đọc - chủ yếu là người ở đất liền chắc hẳn rất muốn biết về cuộc sống, sinh hoạt ở quần đảo này. Trong đó nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo của những người lính tiến hành ra sao? Với những câu hỏi dẫn dắt đó, tôi không bỏ qua những chi tiết nhỏ nhặt chứng minh cho sự gian khổ trong nhịp sống Trường Sa mà người ở đất liền cần biết và hẵn là thích đọc.

Như: Đêm mưa co ro đứng gác, nếu có tiếng lạo xạo của vích bò vào đảo cũng phải phát hiện. Nếu không sẽ bị phạt ngay vì vích lọt được thì người cũng có thể lọt… "Nước là máu của Trường Sa xin nhẹ tay nhé"- vì suốt từ tháng 12 đến tháng 6, bình quân mỗi người lính chỉ có từ 8 đến-10 lít nước/ngày và từ 7 đến 10 ngày lính chỉ tắm có một lần….

Hay: Lính đã cố xin bằng được tất cả quần áo của một người phụ nữ tốt bụng từ thành phố ra thăm, rồi chia nhau cất giữ. Họ ấp ủ trong hòm xiểng hay đặt dưới gối để làm gì, nếu không là giữ lấy một mùi hương? Mẹ, vợ, chị, em, người yêu -  tất cả đều mù mịt nơi xa.... Rồi 20 ngày sống trên đảo đã thôi thúc trong tôi ý muốn, những bài viết của mình, ít nhiều phải làm sao cho đảo và bờ bớt cách xa….

Gần đây, tại những lớp tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng báo chí, tôi cũng hay trao đổi với các đồng nghiệp trẻ về lời dạy của Bác: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết như thế nào?.

Đúng là trong xu thế cách mạng công nghiệp 4.0, các sản phẩm báo chí phải thay đổi cả về tiêu chí cũng như sự sáng tạo trong nội dung và hình thức trình bày. Tuy nhiên, theo tôi khi nhà báo cầm bút viết, cái la bàn định hướng trên vẫn còn sức sống, không hề cũ. Điều quan trọng là vận dụng và thể hiện nó sao cho phù hợp ở thời nay.

Trong phần trao đổi, một phóng viên trẻ cho rằng hiện nay, các tờ báo, đặc biệt là báo điện tử rất chú ý đến những xu hướng được độc giả ưa thích và tập trung nhiều vào các lĩnh vực được công chúng quan tâm. Đó cũng là thể hiện Viết cho ai?, Viết để làm gì? Ngay cả Viết như thế nào? cũng rất được chú ý thể hiện ngay từ cái tít- phải rất truyền cảm, hấp dẫn, thậm chí sáng tạo để thu hút người đọc …

Một học viên khác thì cho rằng viết theo định hướng la bàn là đúng nhưng tự thân người viết phải biết kềm chế, không thái quá. Hiện trang "giật tít, câu view", hoặc dùng tít giật gân, câu khách rẻ tiền, thâm chí dung tục khá nhiều....

Ở góc độ người-đi-trước, tôi vui vì có người-đi-sau đã sớm nhận ra, suy nghĩ về cách viết. Tôi đã tâm sự về cách viết của tôi thuở mới vào nghề, cùng biến chuyển sau đó. Rồi tôi nhấn nhá thêm một chút là dù thời 3.0 hay 4.0, bài viết vẫn cần tạo được độ rung xã hội, độc giả có phản ứng - ủng hộ hoặc phản đối…. Muốn thế, người viết phải ngồi vào ghế người đọc, để hiểu hơn họ mong đợi gì từ một bài viết và theo đó mà viết.

Nhại lời một bài hát, tôi mong trong số đồng nghiệp trẻ của tôi, không có nhiều trường hợp rơi vào cảnh: Người đọc qua bài tôi, không nhớ gì sao người.

Ba tôi - Thầy tôi Ba tôi - Thầy tôi

TTCT- Ở nơi đặt bước chân đầu tiên vào nghề báo, tôi may mắn được tiếp cận, truyền lửa nghề từ một số nhà báo, nhà nghiên cứu như Hoàng Tùng, Thanh Đạm, Thép Mới, Trần Lâm, Đào Tùng, Hữu Thọ, Phan Quang...

LƯU ĐÌNH TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên