Trần Đắc Minh Trung (trái) chụp hình lưu niệm cùng người thân tại lễ tốt nghiệp hệ cao học ĐH Harvard vào năm 2014 - Ảnh: T.T. |
Nhưng Trần Đắc Minh Trung đã có cuộc “lột xác” vượt qua thử thách, trở thành sinh viên của ngôi trường ĐH danh giá Harvard (Hoa Kỳ)
Suốt thời cấp I và cấp II Trung đều nằm trong top học sinh giỏi nhất trường. Chỉ đến năm cấp III, những biến đổi tâm lý tuổi dậy thì khiến Trung rơi vào cảm giác chán ngán việc trở thành “con ngoan, trò giỏi” và chỉ muốn nổi loạn. Trung dành thời gian chơi nhiều hơn học, bắt đầu học đòi những thói quen của đám bạn xấu và dần rời xa vòng tay gia đình, thầy cô...
Hai câu nói khó quên
Đến một ngày, Trung được một người thầy kêu lại và nói thẳng: “Em chắc không còn khả năng học lên nữa đâu, sau này chỉ nên đi học nghề”.
“Câu nói trên ngắn gọn nhưng khiến tôi suy sụp suốt khoảng thời gian dài, có những ngày tôi rong ruổi trên xe máy đi lòng vòng không đích đến, có lúc chạy đến tận Vũng Tàu. Tôi thấy trống rỗng và mất niềm tin vào nhiều thứ. Sức học của tôi tuột dốc không phanh, tôi thậm chí chỉ đủ điểm đậu kỳ thi tốt nghiệp” - Trung nói.
Sau khi tốt nghiệp cấp III, gia đình lo cho Trung một suất du học hệ dự bị ĐH tại Hà Lan. Kéo vali lên đường nhưng trong thâm tâm Trung tin rằng việc học rồi cũng sẽ chẳng tới đâu.
Sống xa gia đình, Trung tiếp tục “vung tiền” để ra oai với đám bạn mới. Khi tiền hết mà gia đình không còn khả năng chu cấp thêm, từ một “tiểu công tử”, Trung đành cắn răng đi làm nhân viên rửa chén tại một nhà hàng.
“Thời điểm đó gia đình tôi gần như phá sản, tôi tiêu sạch tiền, người yêu chia tay, đi làm thì bị chủ đuổi vì làm không được việc, đến trường thì câu nói của người thầy năm xưa vẫn đeo đẳng trong tâm trí. Có lần tôi ngồi vắt vẻo trên một cây cầu lạnh lẽo ở thành phố Amsterdam và nghĩ rằng khi gieo mình xuống dòng nước bên dưới, mọi nỗi đau, bế tắc sẽ kết thúc” - Trung nhớ lại.
May mắn thay, một người bạn đã điện thoại cho Trung và những chia sẻ từ người bạn đó đã kịp thời cắt ngang dòng suy nghĩ tiêu cực. Nửa năm sau, Trung một lần nữa nghĩ đến việc... nhảy lầu để thoát khỏi những muộn phiền, giằng xé bên trong. Một người bạn cùng phòng đã kịp thời ngăn chặn điều này. Nhưng Trung vẫn sống vật vờ.
Giữa năm 2007, khi tham gia phỏng vấn tuyển sinh vào một ĐH tại Hà Lan, Trung có dịp trò chuyện cùng vị giáo sư phỏng vấn là cựu sinh viên ĐH Harvard. May mắn không mỉm cười nhưng Trung nhớ mãi câu nói của vị giáo sư: “Đừng ngừng hi vọng và nỗ lực, tôi nhìn thấy ở em tố chất Harvard”.
Con đường Trung đi đang mờ mịt bỗng lóe sáng...
Câu chuyện những chiếc giày
Khu vực làm việc của Trung tại nhà hàng năm nào ở Hà Lan là một căn bếp nhỏ, tối tăm và nằm dưới tầng hầm có ô cửa sổ nhỏ thông ngang mặt đường. Mỗi lần rửa chén, Trung thường có thói quen nhìn những đôi giày ngược xuôi qua lại. Không thể nhìn thấy gương mặt chủ nhân những đôi giày sành điệu nhưng Trung thường tặc lưỡi: người ta giỏi thì người ta mang giày xịn và được đi trên đường. Còn mình học kém thì chôn mình ở đây và rửa chén là hợp lý.
“Cũng vài lần ông chủ tiệm và các đồng nghiệp khuyên tôi chú tâm học hành nhưng tôi phớt lờ cả. Tôi tin mình không có khả năng” - Trung nói.
Chỉ từ khi nghe câu nói của vị giáo sư trên, hình ảnh những đôi giày xưa quay lại trong tâm trí Trung nhưng với một luồng suy nghĩ khác: “Tôi sẽ thành công như họ, hoặc thậm chí hơn”.
Gác lại mọi thứ, Trung khăn gói về nước và đầu quân vào một công ty bất động sản. Sau hai năm làm việc cật lực, Trung để dành được một khoản tiền đủ để đăng ký vào Trường cao đẳng Cộng đồng Tarrant County College (bang Texas, Hoa Kỳ) vào tháng 2-2010.
“Ngày tôi qua Mỹ, người thân ai nấy đều phản đối vì tôi đang có công việc tốt, thu nhập ổn dù học hành trước đó dang dở. Mọi người sợ tôi lại “ngựa quen đường cũ”. Nhưng tôi muốn chứng minh điều ngược lại” - Trung giải thích về quyết định năm nào.
Dồn sức học ngày đêm, Trung sau đó nhận được học bổng khi chuyển tiếp qua năm 3 tại ĐH Pennsylvania. Tốt nghiệp hệ ĐH ngành khoa học chính trị - quan hệ quốc tế tại đây, Trung nộp hồ sơ vào hệ cao học giáo dục tại ĐH Harvard. Vượt qua hàng nghìn hồ sơ từ khắp thế giới, Trung đã trúng tuyển và tốt nghiệp vào năm 2014 trong ánh mắt ngỡ ngàng của nhiều bạn bè cũ.
Nhìn lại những sóng gió đã qua, Trung cho biết bản thân hàm ơn tất cả. “Nếu không có chuỗi thất bại, cay đắng trên, tôi khó lòng nỗ lực tối đa để biết giới hạn của bản thân và hiểu được giá trị của thành quả đạt được. Tôi cảm thấy may mắn vì những thăng trầm trong cuộc đời đã giúp tôi có trải nghiệm sống đa dạng” - Trung nói.
Giải thích về lý do chọn theo học hệ thạc sĩ giáo dục tại ĐH Harvard, Trung cho biết: “Từ câu chuyện cá nhân, tôi thấy giáo dục VN chưa biết tạo động lực và chưa thể khai phá hết khả năng của người học. Tôi mong muốn góp phần thay đổi điều này”.
Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng Trong quan hệ thầy trò, yếu tố giao tiếp càng trở nên được chú trọng hơn vì nó nằm trong chuẩn mực đạo đức truyền thống, được coi là từ “người lớn” (hay “người đi trước”) đến “người đi sau” vốn ít trải nghiệm sống, ít kiến thức hơn. Có lẽ vì vậy mà William A. Ward (tác giả cuốn Suối nguồn niềm tin) có một câu nói rất hay và nổi tiếng: “Người thầy trung bình chỉ biết nói, người thầy giỏi biết giải thích, người thầy xuất chúng biết minh họa, người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng”. Sẽ có những câu nói có sức mạnh nâng giá trị, hun đúc niềm tin ở người tiếp nhận và ngược lại cũng có những câu nói (do vô tình hoặc cố ý) có thể tạo cho người tiếp nhận một bức tường rào của cảm giác tự ti, mặc cảm khiến họ bị đánh lừa trong ảo giác, đồng nhất và tự mặc định mình với những câu nói không hay đó. Điều này làm ngăn cản hành trình khám phá bản thân để phát triển và hoàn thiện con người nói chung, đặc biệt là những bạn trẻ còn non vốn sống, đang trong quá trình hoàn thiện nhân cách như trường hợp của bạn Trần Đắc Minh Trung lúc trẻ. Vì vậy sự cẩn trọng trong từng câu nói với người trẻ trong những thời khắc “nhạy cảm” là cần thiết. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận