![]() |
Nhà văn Trần Thanh Hà |
Để có một cái nhìn công bằng về Phạm Cao Củng (93 tuổi, đang sống tại bang Florida, Mỹ) trong tiến trình văn học sử VN, lần đầu tiên bộ sách Truyện trinh thám đặc sắc- Phạm Cao Củng tập hợp một số sáng tác từ những năm 30-40 thế kỷ trước, do NXB CAND ấn hành, đã ra mắt bạn đọc.
Chúng tôi đã có buổi trao đổi với nhà văn Trần Thanh Hà, người biên tập bộ sách.
* Nói một cách công bằng thì Phạm Cao Củng đứng ở đâu trong lịch sử văn học VN?
- Ở VN, do những hoàn cảnh xã hội đặc thù, sau khi chiến tranh kết thúc năm 1975, tiểu thuyết trinh thám mới có điều kiện nảy nở. Thế nhưng, từ trước năm 1945, dưới ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, ở nước ta đã hình thành dòng văn học trinh thám với các tác gia Phạm Cao Củng, Thế Lữ, Bùi Huy Phồn. Thế Lữ, Bùi Huy Phồn viết không nhiều.
Riêng Phạm Cao Củng, suốt cuộc đời cầm bút, đã viết khoảng 200 cuốn sách, trong đó có gần 30 cuốn sách trinh thám, với hai serie: serie về thám tử Kỳ Phát và serie về Tám Huỳnh Kỳ. Hai serie trinh thám này được viết theo hai phong cách khác nhau.
Loạt truyện về thám tử Kỳ Phát chịu ảnh hưởng nhiều của Conan Doyle, mang nhiều dáng dấp Sherlock Holmes. Còn Tám Huỳnh Kỳ là sự pha trộn của Arsène Lupin (nhân vật của nhà văn Pháp Maurice Leblanc)… Vì vậy, có thể coi Phạm Cao Củng là người mở đường, người cắm cột mốc trên địa hạt tiểu thuyết trinh thám VN.
* Thực ra, tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng cũng là sự bắt chước, mô phỏng phương Tây, nhưng mới chỉ ở mức giản đơn, chưa “cao tay ấn”. Trên thế giới, người ta cũng không (cần) biết đến Phạm Cao Củng. Vậy ta có đề cao quá đáng không?
- Trong bối cảnh văn hoá VN ưa chuộng tư duy cảm tính, thiếu truyền thống tư duy lý tính, thì viết được tiểu thuyết trinh thám như Phạm Cao Củng đã là một thành công. Hơn nữa, cái ưu điểm của ông ấy là dù học hỏi phương Tây, nhưng ông ấy cũng biết “thổi” cho nhân vật một tính cách Việt, tâm hồn Việt, đời sống Việt, và những phẩm chất được ưa chuộng ở phương Đông, như trọng nghĩa khí, tình cảm, đạo đức, coi thường tiền bạc, không hành động vì thù lao. Còn nữa, viết truyện trinh thám trong hoàn cảnh đời sống dân ta khác xa với thế giới phương Tây, mà được đông đảo độc giả bình dân thời kỳ 1930- 1945 đón nhận, cũng là một may mắn hiếm hoi của rất ít nhà vănVN!
Theo tôi, Phạm Cao Củng còn có một điểm đáng chú ý là ông ấy không hề định “lập thân, giương danh” bằng văn chương, mà chỉ coi viết lách là một nghề kiếm sống thuần tuý…
* Đúng vậy, cho đến tận bây giờ, ngay cả khi sang Mỹ, Phạm Cao Củng cũng xác định viết sách để kiếm sống. Chính bản thân ông cũng không nhớ nổi mình đã viết được bao nhiêu cuốn sách. Bởi sách xuất bản xong là ông quên ngay! Thậm chí, ông cũng chẳng buồn lưu giữ bản thảo! Và điều đáng buồn là sau Phạm Cao Củng, dường như chẳng có nhà văn VN nào thành công ở lĩnh vực tiểu thuyết trinh thám, kể cả một số tác giả đã thành danh… Theo chị, vì sao tiểu thuyết trinh thám của ta vẫn ở trình độ thấp?
- Trước hết, phải bắt đầu từ quan niệm. Trong khi ở phương Tây coi viết sách trinh thám là một cách để phục vụ nhu cầu giải trí của giới bình dân. Nhưng viết để phục vụ nhu cầu giải trí không có nghĩa là viết lách dễ dãi, nên dần dần loại sách giải trí này không bị coi là “rẻ tiền” nữa, mà chứa đựng nhiều hàm lượng nghệ thuật và giá trị thông tin, kiến thức về lịch sử văn hoá, tôn giáo, chính trị. Độc giả là những người có trình độ cao cũng hứng thú tìm đọc. Trong khi đó, các nhà văn VN vẫn coi truyện trinh thám là văn học hạng hai. Vì thế, người viết thì không có ý thức viết. Người đọc cũng không coi trọng.
Bên cạnh đó, khác với nhà văn phương Tây, phần lớn người sáng tác ở VN đều không tạo được một tầng lớp fan hâm mộ riêng (tương tự như ca sĩ, diễn viên), mà chỉ coi viết lách là sự… thoả mãn nhu cầu tự thân. Nhưng rốt cuộc thì các nhà văn ta chỉ viết… vu vơ, viết không nhằm vào độc giả. Về lý thuyết thì có vẻ như các nhà văn ở ta viết cho ai đọc cũng được, nhưng trên thực tế thì chẳng ai buồn đọc! Về điểm này thì Phạm Cao Củng thành công. Vì ông ấy xác định là chỉ viết cho độc giả bình dân.
* Nhưng sự thực, để viết một câu chuyện trinh thám cho ra hồn cũng rất khó…
- Vì nó đòi hỏi ở nhà văn tư duy logic, mà đây lại là hạn chế chủ yếu của các nhà văn VN, cộng với trí tưởng tượng nghèo nàn. Đặc trưng của tư duy phương Đông là thiên về cảm tính. Thế nên, đọc truyện trinh thám VN, kết cấu đơn giản, chỉ cần đọc mấy trang là biết ngay thủ phạm. Trong khi, trinh thám phương Tây biết cách “đánh lừa” độc giả đến cùng. Mà muốn “đánh lừa” được độc giả thì phải có tư duy logic. Hơn nữa, xét ở góc độ môi trường thực tế, kỹ thuật điều tra vẫn còn ở trình độ thấp, luật pháp chưa hoàn thiện, nên cũng khó có “đất” cho nhà văn tưởng tượng.
Gần đây, bắt đầu bung ra loạt truyện vụ án. Những tiểu thuyết loại này như Cổ cồn trắng, Hành trình của sói… được xây dựng theo lối nệ thực, ít hư cấu, chủ yếu dựa vào tư liệu có sẵn. Thậm chí ta còn nhầm lẫn giữa fiction và non-fiction, giữa tư liệu và tiểu thuyết. Người viết tư liệu thì cứ tưởng mình đang viết tiểu thuyết…
* Còn chị thì sao? Chị đã từng mon men viết trinh thám và… không thành công, đúng không?
- Tôi đã thử viết và thấy rằng viết truyện trinh thám rất khó và không thể tùy hứng được. Đó thực sự là một thử thách lớn!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận