14/11/2017 14:43 GMT+7

Tự do của công dân và sự trôi chảy quản lý nhà nước bằng hộ khẩu

GS.TS NGUYỄN VÂN NAM
GS.TS NGUYỄN VÂN NAM

TTO - Điều 13 Tuyên bố chung về các quyền con người của Liên Hiệp Quốc nêu rõ: mỗi người đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong phạm vi nhà nước (của mình).

Tự do của công dân và sự trôi chảy quản lý nhà nước bằng hộ khẩu - Ảnh 1.

Quản lý di dân bằng hộ khẩu không ngăn cản được dòng người di cư vừa làm cho cuộc sống của họ khó khăn hơn. Trong ảnh: Những lao động nhập cư sống ở khu vực quận 2, TP.HCM - chụp tháng 10-2017 - Ảnh: VIỆT THANH

Cần minh định rõ một điều rằng, chủ trương "bỏ sổ hộ khẩu" của Chính phủ, theo mục tiêu và trong ý nghĩa của nghị quyết 112/NQ-CP, trước mắt chỉ là bãi bỏ "hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân. 

Nghĩa là chỉ thay đổi hình thức, chứ không thay đổi bản chất quản lý dân cư qua việc đăng ký thường trú. Ông Tô Lâm, bộ trưởng Bộ Công an, mới đây cũng khẳng định lại sẽ vẫn giữ quản lý, chỉ là đơn giản hóa thủ tục.

Quản lý bằng hộ khẩu của VN là tiếp thu cách quản lý theo hộ khẩu của Trung Quốc và bắt đầu bằng thông tư 495-TTg vào năm 1957.

Tự do của công dân và sự trôi chảy quản lý nhà nước bằng hộ khẩu - Ảnh 2.

Nhằm đảm bảo an ninh trật tự xã hội, quản lý xã hội, quản lý di dân, hệ thống đăng ký hộ khẩu gồm 3 đặc trưng. Hiện nay, chỉ có Trung Quốc và VN thực hiện hệ thống quản lý dân cư bằng hộ khẩu như vậy

    Cấm sử dụng hộ khẩu để hạn chế quyền công dân

    Mặc dù nghị định 31/2014/ND-CP năm 2014 của Chính phủ nghiêm cấm sử dụng hộ khẩu để hạn chế quyền công dân, nhưng thực tế để được đăng ký, bên cạnh các điều kiện khác tùy chính quyền địa phương quy định, một người phải có thời gian tạm trú ít nhất một năm mới được đăng ký thường trú tại các huyện, và phải hai năm mới được đăng ký thường trú tại quận nội thành.

    Luật cư trú 2013 còn cho phép các thành phố trực thuộc trung ương được ban hành các quy định riêng về điều kiện để được đăng ký hộ khẩu (chẳng hạn diện tích tối thiểu của nhà đang thuê).

    Do sổ hộ khẩu là điều kiện để được hưởng phúc lợi xã hội, dịch vụ xã hội, nên nó vừa là nguyên nhân gây ra hàng loạt bất công, bất bình đẳng về cơ hội và bức xúc trong xã hội; đồng thời gây ra phí tổn xã hội, tổn thất lớn về kinh tế; vừa tạo cơ hội, điều kiện cho tham nhũng, hối lộ...

    Mặc dù phải trả giá đắt như vậy, hệ thống hộ khẩu cũng không thể đạt được mục tiêu mà các cơ quan chức năng kỳ vọng.

    Trong thực tế, công nghệ thông tin, số hóa, mạng hóa như hiện nay đã xóa bỏ gần như hoàn toàn ranh giới địa lý trong lãnh thổ quốc gia, khiến việc quản lý nơi cư trú của một cá nhân theo cách từ thế kỷ trước đã hoàn toàn vô nghĩa trong việc ngăn ngừa tội phạm.

    Việc quản lý di dân bằng hộ khẩu vừa không ngăn cản, điều phối được dòng người từ nông thôn đổ vào thành thị, vừa góp phần làm cho đời sống của họ ngày càng khó khăn hơn, khiến sự bất bình đẳng xã hội ngày một lớn hơn. 

    Bản thân Trung Quốc từ năm 2006 đến nay cũng đã phải liên tục cải cách hệ thống hộ khẩu (hukou) của mình.

    Quyền tự do cơ bản của con người

    Điều 13 của Tuyên bố chung về các quyền con người của Liên Hiệp Quốc nêu rõ: Mỗi người đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú của mình trong phạm vi nhà nước (của mình).

    Các nhà nước thành viên Liên Hiệp Quốc không được phép hạn chế quyền tự do cư trú, tự do đi lại - một trong những quyền tự do cơ bản của con người - qua việc quản lý hành chính các quyền đó nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội của nhà nước.

    Hạn chế quyền tự do cơ bản của con người phải là những ngoại lệ cần thiết và chỉ được áp dụng cho những trường hợp được luật pháp xác định rõ ràng.

    Về cơ bản, ngoại lệ cho phép hạn chế quyền tự do cư trú, tự do đi lại là vào: a) Những nơi không đủ điều kiện tối thiểu đảm bảo cho một cuộc sống bình thường và có thể gây ra gánh nặng cho xã hội; b) Những nơi mà sự hạn chế đi lại, cư trú là cần thiết để ngăn ngừa, khắc phục thảm họa, thiên tai, dịch bệnh, để ngăn ngừa một hành động phạm tội, hoặc ngăn chặn các hành động gây nguy hiểm cho xã hội.

    Là thành viên tích cực của Liên Hiệp Quốc, VN có nghĩa vụ tôn trọng và thực hiện các quyền này. 

    Nhưng cách quản lý dân cư bằng hộ khẩu như hiện nay chính là quản lý quyền tự do cư trú, tự do đi lại, chứ không phải là quản lý để bảo đảm quyền đó được thực thi có hiệu quả nhất, sao cho khi mỗi cá nhân thực hiện quyền tự do cư trú, đi lại, không gây ra những hậu quả tiêu cực đến quyền lợi chung của toàn xã hội.

    Nhưng tất nhiên, một hệ thống đăng ký nơi cư trú (không phân biệt thường trú hay tạm trú) cũng là cần thiết cho một số hoạt động quản lý hành chính của Nhà nước, đặc biệt là cho hoạt động trôi chảy của hệ thống pháp luật, tòa án và xác định thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức có nhiệm vụ cung cấp dịch vụ, phúc lợi xã hội (chứ không phải là điều kiện để được hưởng chúng).

    Tự do của công dân và sự trôi chảy quản lý nhà nước bằng hộ khẩu - Ảnh 4.

    Người dân làm thủ tục tách hộ khẩu tại Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: HỮU KHOA

    Địa chỉ đăng ký cư trú: giá trị pháp lý của cá nhân

    Ở các nước phát triển, như Đức chẳng hạn, địa chỉ đăng ký cư trú là địa chỉ chính thức có giá trị pháp lý của một cá nhân. 

    Nghĩa là các văn bản của tòa án, cơ quan công quyền chỉ cần gửi đến địa chỉ này thì coi như đã được gửi đến tận tay cá nhân ấy và người này phải chịu toàn bộ hậu quả pháp lý nếu không trả lời các văn bản đó.

    Bằng cách này, rất nhiều vụ tranh chấp nhỏ hoặc đương sự không muốn ra tòa đã được lọc bỏ ngay từ đầu và giúp hệ thống tòa án tránh được sự quá tải một cách không cần thiết.

    Địa chỉ đăng ký cư trú cũng là một cơ sở để cơ quan công quyền xác định thẩm quyền của mình trong việc cung cấp và bảo đảm một số dịch vụ công, bảo đảm thực hiện các quyền công dân.

    Chẳng hạn, đăng ký kết hôn, khai sinh, khai tử, thực hiện quyền bầu cử. Nhưng nó không phải là điều kiện để được hưởng các dịch vụ đó. 

    Trong trường hợp cơ quan chức năng thấy mình không có thẩm quyền, họ vẫn phải thực hiện dịch vụ công mà công dân yêu cầu, sau đó thông báo với cơ quan có thẩm quyền nơi đăng ký cư trú.

    Trong bất cứ trường hợp nào, đăng ký cư trú cũng không được phép trở thành một điều kiện để được hưởng sự chăm sóc y tế, giáo dục đào tạo.

    Nhà nước có nghĩa vụ xây dựng một hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe, hệ thống giáo dục đào tạo sao cho chúng có khả năng đáp ứng tốt nhất nhu cầu của công dân mà không phụ thuộc vào việc đăng ký cư trú. 

    Chứ không phải hạn chế quyền tự do cư trú, tự do đi lại để phù hợp với khả năng đáp ứng yếu kém của hệ thống y tế, giáo dục.

    Để có được một hệ thống đăng ký nơi cư trú vừa bảo đảm quyền tự do cư trú, tự do đi lại, vừa giúp Nhà nước quản lý tốt xã hội như thế, trước hết việc đăng ký nơi cư trú phải là vô điều kiện.

    Chỉ cần người công dân có nơi chỗ ở, hoặc đó là nhà của mình, hoặc đó là nơi ở thuê được chủ nhà xác nhận, thì được đăng ký là nơi cư trú của mình. 

    Sau nữa, việc đăng ký này không thể trở thành điều kiện để có việc làm, để hưởng chăm sóc y tế và giáo dục, hoặc tạo lập sở hữu tư nhân. Và cuối cùng, việc thay đổi nơi cư trú phải là tự do, vô điều kiện.

    Không nên thay hộ khẩu "cứng" bằng hộ khẩu "ảo"

    Không thể xây dựng được một hệ thống quản lý như thế, nếu không dũng cảm thay đổi một cách căn bản nhận thức về nghĩa vụ, trách nhiệm của Nhà nước trong việc tôn trọng và bảo vệ các quyền tự do cơ bản của con người.

    Điều này phải được thể hiện cụ thể trong nguyên tắc quản lý hành chính là: không được quản lý các quyền tự do cơ bản nhằm phục vụ nhu cầu quản lý của Nhà nước, mà phải quản lý sao cho mỗi cá nhân đều có điều kiện tốt nhất để thực hiện các quyền đó trong sự hài hòa với quyền lợi chung của xã hội.

    Nếu không làm được như vậy, nếu không cương quyết từ bỏ mục đích sử dụng việc đăng ký nơi cư trú để quản lý quyền tự do cư trú, đi lại, để bảo vệ trật tự an ninh xã hội và đáp ứng nhu cầu quản lý xã hội của Nhà nước; thì việc bỏ sổ hộ khẩu, chuyển sang số định danh cá nhân với các thông tin được số hóa về nơi cư trú của công dân vẫn sẽ chỉ là thay sổ hộ khẩu "cứng" bằng một sổ hộ khẩu "ảo", từ đó góp phần phát sinh các hậu quả tiêu cực mà ai ai cũng biết.

    Hộ khẩu: Nhìn lại một chương bất bình đẳng Hộ khẩu: Nhìn lại một chương bất bình đẳng Chuyển "hộ khẩu điện tử" dân có phải chứng minh chỗ ở hợp pháp? Chuyển 'hộ khẩu điện tử' dân có phải chứng minh chỗ ở hợp pháp? Bỏ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng công nghệ: Cần hơn 3.000 tỉ Bỏ hộ khẩu, quản lý dân cư bằng công nghệ: Cần hơn 3.000 tỉ
    GS.TS NGUYỄN VÂN NAM
    Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
    Bình luận (0)
    thông tin tài khoản
    Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên