10/06/2018 19:01 GMT+7

Từ chuyện cậu bé Nhật thắng vô địch Olympic người Trung Quốc...

HUY THỌ
HUY THỌ

TTO - Trung Quốc nhận định Mai Văn Hòa là "bức tường đồng" cùng Lê Văn Tiết là người đã khai sinh ra lối chơi bóng bàn đôi công! Bây giờ, bóng bàn Việt Nam có gì? Hãy nhìn cách người Nhật thách thức bóng bàn Trung Quốc hiện đại.

Từ chuyện cậu bé Nhật thắng vô địch Olympic người Trung Quốc... - Ảnh 1.

Harimoto mừng chiến thắng trước Zang ở trận chung kết chiều 10-6 - Ảnh: ITTF

Cả một thời gian dài gần đây, cứ loay hoay quanh bản truyền hình World Cup, rồi hàng loạt scandal liên quan đến đại hội VFF riết cũng phát ngán. Tình cờ chiều nay 10-6 mở K+ PC xem được trực tiếp trận chung kết đơn nam giải bóng bàn Nhật Bản mở rộng 2018 thật mãn nhãn.

Giải bóng bàn Nhật Bản mở rộng năm nay đã lao xao nhiều ngày gần đây rồi, nhưng nó chỉ ở trên các trang cá nhân của những người cực kỳ yêu bóng bàn ở Việt Nam, chứ báo chí thì lặng như tờ. Dân bóng bàn lao xao là bởi, tay vợt chủ nhà thiếu 17 ngày nữa tròn 15 tuổi là Harimoto Tomokazu quá tuyệt vời.

Trận đấu tranh ngôi vô địch giải Nhật mở rộng diễn ra thật kịch tính giữa Zhang Jike của Trung Quốc với Harimoto. 

Zhang năm nay 30 tuổi, tuy đã xuống phong độ, nhưng quá khứ của anh thì quá lẫy lừng khi từng xếp số 1 thế giới vào năm 2012, HCV Olympic 2012… Tuổi của Zhang gấp đôi Harimoto, và đây thật sự là cuộc đối đầu giữa kinh nghiệm và sức trẻ. 

Zhang dẫn 2-0, và Harimoto gỡ hòa 2-2. Zhang vượt lên dẫn 3-2, rồi cũng bị cậu thiếu niên Nhật gỡ hòa 3-3. Bước vào ván thứ bảy quyết định, tưởng rằng chức vô địch đã đi khỏi tầm tay Harimoto khi bị dẫn 7-9, và khi ấy Zhang cầm giao bóng. Vậy mà Harimoto gỡ hòa 9-9. 

Quả giao bóng thứ nhất của Harimoto không giúp được cậu dẫn điểm. Quả giao bóng thứ hai, chắc chắn áp lực đè nặng lên tay vợt mặt còn măng tơ. Chỉ run tay một chút thôi, chỉ lo lắng một chút thôi là trận đấu kết thúc. Vậy mà, cậu thực hiện một quả bạt đầy uy lực và gỡ hòa 10-10. Cuối cùng, Harimoto đã thắng 13-11. Cậu thiếu niên hét lên như ngây dại, nằm dài ra sàn đấu. 

Những người Nhật có mặt trên khán đài đồng loạt đứng dậy hò reo, hạnh phúc.

Giải Nhật mở rộng không phải là giải tay mơ, khi có tay vợt đang xếp hạng hai thế giới là Ma Long (Trung Quốc) và Boll Tomo (Đức) hạng tư thế giới. Ở vòng tứ kết, Ma Long thúc thủ trước Harimoto với tỷ số 2-4!

Thật ra, Harimoto không phải là Thánh Gióng, ăn mấy nồi cơm rồi đùng một cái lớn như thổi! Cậu thiếu niên này mấy năm nay đã được làng bóng bàn thế giới gọi là "thần đồng", là hiện tượng của thế kỷ 21. Hiện tại, Harimoto đang xếp hạng 10 thế giới!

Bóng bàn Nhật Bản đang có những bước tiến thần kỳ trong mấy năm gần đây, mà trở thành một thế lực uy hiếp Trung Quốc trong vai trò độc tôn làng bóng nhựa.

Nên nhớ, bóng bàn Nhật đã có một thời làm mưa làm gió trong thập niên 1950. Những ai theo dõi bóng bàn hẳn còn nhớ sự kiện Asiad 1958, khi đội Nhật vào chung kết với tuyển miền Nam Việt Nam, Trong đội hình của Nhật có tay vợt Tanaka là số một thế giới. 

Vì vậy, người Nhật tự tin đến độ không thèm chuẩn bị quốc kỳ, quốc ca của đội khách cho lễ trao giải. Nhưng kết quả họ đã thất bại, mà hồi ấy hai tay vợt Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết đã gây chấn động thế giới.

Ngồi xem Harimoto mà tôi không khỏi nhớ đến những câu chuyện ngày xưa, như Mai Văn Hòa, Lê Văn Tiết từng được hãng Butterfly sản xuất ra những giòng vợt hai ông quen xài, và khắc tên hai hảo thủ Việt Nam trên cán vợt. 

Ông Mai Duy Diễn - Phó chủ tịch Liên đoàn bóng bàn VN từng kể rằng, mình đã nổi cả gai ốc khi dự Asiad 1990 tại Bắc Kinh, đã nghe đài tiếng nói nhân dân Trung Hoa điểm lại lịch sử bóng bàn thế giới và nhắc Mai Văn Hòa là "bức tường đồng" cùng Lê Văn Tiết là người đã khai sinh ra lối chơi đôi công!

Ngày xưa là thế đó. Còn bây giờ?

Người Việt chúng ta rất khéo léo, Nhưng chúng ta rất dở trong chuyện tìm tòi, nghiên cứu khoa học để phát triển, thay đổi. Nói cách khác, chúng ta dễ thỏa mãn, và tự mãn. 

Tôi có vài người bạn Nhật cũng mê bóng bàn, và họ kể, sau khi thất bại trước Mai Văn Hòa, người Nhật đã nghiên cứu từng bước chân di chuyển của ông để khắc chế lối chơi phòng ngự chắc như bức tường đồng! 

Tương tự, họ không thủ phận chịu thua Trung Quốc, âm thầm nghiên cứu bao nhiêu năm trời, âm thầm đào tạo một cách kiên trì để bây giờ ngoài Harimoto còn có không ít tay vợt nam, nữ tài năng khác đang xếp hạng cao của thế giới.

Nhìn người ta mà thương người hâm mộ thể thao xứ mình. Dù dân Việt rất mê thể thao, nhưng thử hỏi có cái gì để chúng ta tự hào? Bóng đá ư? Chỉ giỏi đấu đá nhau ở thượng tầng! Bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, quần vợt…? Cứ thấy mấy môn này ngày càng vắng bóng trên mặt báo thì biết nó đang như thế nào.

Thế là người Việt mê thể thao chả còn gì để giải trì, ngoài chuyện chú mục vào Premier League, vào World Cup, và Grand Slam quần vợt…

Một núi tiền từ Cung Lê và Flores, nếu... Một núi tiền từ Cung Lê và Flores, nếu...

TTO - Bàn luận xung quanh cuộc thách đấu giữa Cung Lê với Flores, nhiều người bảo: Sẽ không bao giờ có trận đấu giữa hai nhân vật này trên đất nước Việt Nam vì các lý do A…B…C; X…Y…Z.

HUY THỌ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên