19/06/2019 16:19 GMT+7

Tư Chung của 'Biệt động Sài Gòn' đã qua đời

NGỌC DIỆP
NGỌC DIỆP

TTO - 'Tôi rất mê Quang Thái trên sân khấu kịch, nên đã chọn Quang Thái vào vai Tư Chung trong Biệt động Sài Gòn', đạo diễn Long Vân cho biết.

Tư Chung của Biệt động Sài Gòn đã qua đời - Ảnh 1.

NSƯT Quang Thái, người được công chúng biết đến với vai Tư Chung trong "Biệt động Sài Gòn", còn là một diễn viên nổi bật của sân khấu kịch - Ảnh tư liệu

Đạo diễn Long Vân đã rất bàng hoàng khi hay tin "Tư Chung" của Biệt động Sài Gòn qua đời. Ông liên tục nói: "Thái là một con người rất tình cảm, sống đàng hoàng".

Thời đạo diễn Long Vân mới về Xưởng phim truyện (sau này là Hãng phim truyện Việt Nam), ông đã ấn tượng với diễn viên Quang Thái, một người rất cao lớn, đẹp trai, hấp dẫn. Nhưng vì Quang Thái sở hữu vẻ đẹp lai, nên trong khu vực điện ảnh ông chỉ được giao đóng vai người nước ngoài và có rất ít cơ hội.

Sau đó ông đã tham gia một khóa đào tạo diễn viên kịch và chính thức chuyển sang sân khấu. Khi làm Biệt động Sài Gòn, đạo diễn Long Vân đã nghĩ đến Chánh Tín, một người có ngoại hình rất hợp với vai nhà tư sản Tư Chung.

Lúc đó Chánh Tín đã quá nổi tiếng với Ván bài lật ngửa, nên đạo diễn Long Vân muốn chọn một gương mặt khác, và ông đã chọn Quang Thái. "Cậu ấy đã hoàn thành xuất sắc vai diễn của mình trong bốn tập Biệt động Sài Gòn", đạo diễn Long Vân nói.

NSƯT Thanh Loan, người đóng ni cô Huyền Trang trong Biệt động Sài Gòn, cho biết lần cuối cùng bà gặp Quang Thái cách đây năm năm, lúc đó ông đã bị tai biến, và không còn đi tập ở hồ Ngọc Khánh nữa.

"Quang Thái lận đận tình duyên lắm, người vợ cả và người vợ thứ hai của ông đều qua đời. Rất may cuối đời, ông gặp được một người phụ nữ Hà Nội rất đôn hậu, yêu thương, chia sẻ cuộc sống với ông. Quang Thái là người rất tử tế".

Tư Chung của Biệt động Sài Gòn đã qua đời - Ảnh 2.

NSƯT Quang Thái (giữa) trong poster "Biệt động Sài Gòn"

Sự ra đi của NSƯT Quang Thái khiến người bạn nghề rất thấu hiểu ông trên sân khấu là NSND Doãn Châu rơi lệ. Ông Doãn Châu đã không kìm được nước mắt khi nhớ tới những ngày khó khăn nhất của bạn mình, ở thời kỳ đất nước khó khăn, những nghệ sĩ đêm là vua chúa trên sân khấu, ngày ra đường mưu sinh.

"Tôi vẫn nhớ hình ảnh Thái ban đêm lừng lững trên sân khấu, ban ngày đi hàn đồ nhựa ở Hàng Đào. Bạn tôi đã vượt qua những ngày tháng khó khăn đó với tinh thần lạc quan, không bao giờ kêu ca", NSND Doãn Châu nghẹn ngào.

Có một thời Quang Thái là một diễn viên lừng lẫy trên sân khấu kịch nói. Sau vai Séc-Gây trong vở kịch Câu chuyện Iec-scut, vai Ranf (Hòn đảo thần vệ nữ), vai nguyên soái (Vụ án người đốt đền) Quang Thái bắt đầu nổi tiếng. Ông còn tham gia các vở kịch Việt Nam: vai bác sĩ trong Đôi mắt, vai cha sứ trong Bão biển, ông già trong Tay súng dân quân

"Thái đóng vai Séc-Gây hay lắm. Thời đó được đi xem kịch phải xếp hàng từ hai giờ sáng. Người ta xếp hàng từ chỗ kem Tràng Tiền đến Nhà hát Kịch Việt Nam (phía sau Nhà hát Lớn Hà Nội bây giờ). Chính Quang Thái cũng phải đi từ hai giờ sáng xếp hàng lấy vé cho gia đình.

Khi Quang Thái 64 tuổi, tôi mời ông ấy vào dự án Giấc mộng đêm hè do đạo diễn Mỹ dàn dựng. Vai diễn Bottom của Quang Thái được vị đạo diễn này khen là 'vai Bottom hay nhất tôi từng xem'", NSND Doãn Châu kể.

Là người có hình thể đẹp, gương mặt rất sáng, nhưng lại là vẻ đẹp lai nên Quang Thái thường xuyên được mời tham gia các vở kịch nước ngoài. Mà các vở kịch nước ngoài thời đó không được tham gia hội diễn nên dù có những đóng góp rất xuất sắc, nhưng Quang Thái không đủ tiêu chuẩn huy chương để được làm hồ sơ danh hiệu NSND.

NSND Doãn Châu cho biết: "Đến bây giờ những người làm nghề chúng tôi vẫn cảm thấy tiếc vì cách phong tặng danh hiệu của chúng ta quá cứng nhắc. Quang Thái rất xứng đáng với danh hiệu NSND. Tôi vẫn hi vọng một ngày nào đó Thái được truy tặng danh hiệu NSND".

NSƯT Quang Thái sinh năm 1937, đã qua đời vào lúc 21h30 ngày 17-6, hưởng thọ 83 tuổi. Lễ tang sẽ được tổ chức vào ngày 21-6 tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội).

Ông chủ cà phê biệt động Sài Gòn: Không muốn lịch sử bị lãng quên! Ông chủ cà phê biệt động Sài Gòn: Không muốn lịch sử bị lãng quên!

TTO - Một người đàn ông 20 năm đi tìm và chuộc lại một số căn nhà biệt động thành từng ở, sưu tầm kỷ vật của lực lượng đặc biệt này, mở những quán cà phê - di tích để đưa lịch sử đến với nhiều người...

NGỌC DIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên