BHTN góp phần ổn định đời sống và hỗ trợ người lao động được học nghề và tìm việc làm.
Đối tượng của BHTN
Lao động là công dân Việt Nam giao kết hợp đồng lao động (HĐLĐ), hợp đồng làm việc (HĐLV) xác định thời hạn từ đủ 12-36 tháng; HĐLĐ, HĐLV không xác định thời hạn với người sử dụng lao động (kể cả những người được tuyển dụng vào làm việc tại các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước trước ngày nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10-10-2003 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp nhà nước).
Người đang hưởng lương hưu hằng tháng, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng có giao kết HĐLĐ, HĐLV với người sử dụng lao động theo các loại hợp đồng trên không thuộc đối tượng tham gia BHTN.
Người sử dụng lao động tham gia BHTN bao gồm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp trực thuộc, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội khác; doanh nghiệp; hợp tác xã; hộ kinh doanh cá thể, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng và trả công cho người lao động; cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam có sử dụng lao động là người Việt Nam, sử dụng từ 10 lao động trở lên.
3 điều kiện được hưởng BHTN
Người lao động sẽ được hưởng BHTN khi đáp ứng đủ 3 điều kiện sau: đã đóng BHTN đủ 12 tháng trở lên trong vòng 24 tháng trước khi bị mất việc làm hoặc chấm dứt HĐLĐ, HĐLV; đã đăng ký với cơ quan lao động khi bị mất việc làm, chấm dứt HĐLĐ hoặc HĐLV và chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động.
Khi người lao động đáp ứng đủ 3 điều kiện trên thì được hưởng trợ cấp thất nghiệp do tổ chức bảo hiểm xã hội chi trả; được hỗ trợ học nghề; hỗ trợ tìm việc làm và được hưởng chế độ bảo hiểm y tế trong thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Các chế độ BHTN
Mức trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN của 6 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. Thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng phụ thuộc thời gian làm việc có đóng BHTN của người lao động; cụ thể là 3 tháng nếu có từ đủ 12 tháng đến dưới 36 tháng đóng BHTN, 6 tháng nếu có từ đủ 36 tháng đến dưới 72 tháng đóng BHTN, 9 tháng nếu có từ đủ 72 tháng đến dưới 144 tháng đóng BHTN, 12 tháng nếu có từ đủ 144 tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trở lên.
Được hỗ trợ học nghề, hỗ trợ tìm việc làm, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế.
Người lao động được hưởng các chế độ BHTN trên tính từ ngày thứ 16 kể từ ngày đăng ký với cơ quan lao động khi bị thất nghiệp.
Nguồn hình thành quỹ BHTN gồm: người lao động đóng bằng 1% tiền lương, tiền công tháng đóng BHTN; người sử dụng lao động đóng bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN; hằng tháng, Nhà nước hỗ trợ từ ngân sách bằng 1% quỹ tiền lương, tiền công đóng BHTN của những người lao động tham gia BHTN; tiền sinh lời của hoạt động đầu tư quỹ và các nguồn thu hợp pháp khác.
Nghị định cũng quy định rất cụ thể về thời gian đóng BHTN, tạm dừng, chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp, phương thức đóng BHTN, quản lý quỹ BHTN, thủ tục thực hiện BHTN...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận