Phóng to |
TS Quách Thu Nguyệt |
* Là người làm công tác nghiên cứu khoa học (ngành sử học) lâu năm, nay lại làm quản lý trong một lĩnh vực cạnh tranh rất khốc liệt, liệu có “lấn cấn” gì không, thưa bà?
- Tôi lại thấy thuận lợi nhiều là đằng khác. Đầu tiên là cả hai lĩnh vực và cương vị, với tôi đều là lao động chất xám cả, điều này đặc biệt hiệu quả khi thẩm định bản thảo, đề tài. Chưa kể, nhiều năm làm công tác Đoàn đã cho tôi khả năng luôn đề ra ý tưởng mới và luôn năng động. Tôi thường nói với anh em trong NXB, trong lĩnh vực làm sách, ý tưởng và tốc độ là hai yếu tố rất quan trọng để tồn tại và phát triển.
Lớp cán bộ Đoàn như chúng tôi, sau này nhiều người thành công trong lĩnh vực kinh doanh, chính là nhờ môi trường hoạt động buộc mọi người phải suy nghĩ, phải động não để tìm ra cái mới, mô hình mới. Nó đã trở thành một phản xạ, một sự thúc ép và thách thức thường xuyên trong mỗi người.
* Theo bà, Luật Xuất bản mới (rất thông thoáng) khi đi vào hiện thực thì nên mừng hay lo? - Lo. Trước đây cấp giấy phép khó khăn, duyệt đề tài từng chút mà vẫn xảy ra in lậu, “luộc” sách nhau tràn lan, bây giờ “mở cửa” như vậy, công tác hậu kiểm sẽ ra sao? Luật mới chỉ có thể hiện thực đúng với tinh thần của nó nếu cấp quản lý vĩ mô có đủ tầm và quyết tâm thực hiện với tinh thần trách nhiệm cao nhất. Rồi trách nhiệm của từng giám đốc các NXB nữa. Nói thật, khi các NXB “bán” giấy phép của mình cho tư nhân, rất nhiều nơi không xem xét nội dung mà mình cho phép, thậm chí có khi không nhớ là mình đã “bán”. Đó là lý do các cơ quan quản lý nhà nước phải rà soát lại năng lực của từng NXB trước khi triển khai luật mới này, nếu không sẽ xảy ra tình trạng một đầu sách có khi cả chục NXB cùng cho ra mắt một lượt, chỉ cần thay đổi tựa hoặc “xào” lại nội dung cho khác một chút. Về mặt tích cực, luật mới là chất men khơi nguồn cho các thành phần xã hội tham gia thị trường xuất bản, đồng thời tôn vinh và khẳng định vai trò của tư nhân trong xuất bản, làm cho họ tự tin hơn. Đây cũng là điều khiến các NXB và các công ty phát hành sách nhà nước phải coi lại mình, phải thay đổi phương thức quản lý và kinh doanh nếu muốn tồn tại và cạnh tranh được trong một thị trường đầy sôi động. |
- Tôi, hiện nay và trong tương lai, đều mong muốn có một đội ngũ làm sách trẻ và nhiệt huyết với nghề. Tôi thường tâm sự với anh em trong NXB, làm sách là đang sống trên đống vàng tri thức, ít ai có duyên gặp được nên phải tận dụng tối đa cơ hội như vậy.
Tôi đặc biệt quý những ai yêu, mê đắm với sách nên ai vào NXB Trẻ mà không mê sách, yêu nghề thì xin mời ra. Là người làm sách, tôi có tham vọng muốn xây dựng kiến thức nền cho mọi lứa tuổi, trong mọi lĩnh vực, nhất là với giới trẻ hiện nay.
Đây cũng là một định hướng lớn của NXB Trẻ trong tương lai. Thông qua sách, giới trẻ biết định hướng lối sống và hướng nghiệp cho mình, từ đó sẽ tự tạo một phong cách, một con đường đi riêng.
* Làm sách trong một môi trường phức tạp và rộng mở như vậy, bà có ngại cạnh tranh không?
- Thật ra, thị trường sách ở VN còn rất rộng với nhiều sân chơi như bán sách qua mạng, giao sách tận nhà…, đối tượng đọc của từng NXB cũng tương đối rõ nên tôi không sợ cạnh tranh. Bản chất cạnh tranh là một sự thách thức thú vị, thúc đẩy mỗi người phải tự hoàn thiện và làm mới mình nhưng cạnh tranh với sách lậu, sách “luộc” một cách không sòng phẳng khiến mình rất mất sức, nhiều khi đâm ra chán nản.
Những năm qua, NXB Trẻ là đơn vị bị “luộc” sách nhiều nhất. Cứ cuốn sách nào NXB Trẻ tâm huyết, dồn sức thực hiện cho hay, cho đẹp, hợp với xu hướng thời đại, với người đọc là bị in lậu ngay. Thấy đứa con tinh thần của mình bị đánh cắp một cách trắng trợn thì buồn và giận vô cùng nhưng cũng đành bó tay. Chờ cho cơ quan chức năng can thiệp thì nhiều khi “được vạ thì má đã sưng”.
* Làm kinh doanh, vậy bà có còn dành thời gian cho nghiên cứu chuyên môn?
- Thú thật, vài năm trở lại đây công việc quản lý kinh doanh đã hút hết tâm lực của tôi, chẳng còn chút thời gian nào để nghiên cứu chuyên môn, có chăng chỉ giảng dạy ở các trường ĐH. Nhưng tôi cũng đã trù liệu công việc của mình rồi. Trước khi về hưu, tôi sẽ rút lui về “tuyến sau”, chỉ làm tham mưu, tư vấn để anh em trẻ phát huy khả năng.
Lúc đó, tôi sẽ có thời gian để làm những bộ sách, triển khai những ý tưởng, đề tài, chương trình nghiên cứu của mình. Đây mới chính là thế mạnh của tôi.
- Xin cám ơn bà
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận