08/03/2020 22:05 GMT+7

Truyện ngắn: Chị Hoài

ĐỖ DUY
ĐỖ DUY

TTO - Chị lên Sài Gòn tuần rồi. Ngồi nghe gió rít qua cửa kính, "trời ơi!" và miệng thì cười tủm tỉm suốt. Từ khi tôi bấm thang máy, mở cửa nhà, khi chị bước ra bancông, nhìn thành phố này từ trên cao...

Truyện ngắn: Chị Hoài - Ảnh 1.

Tranh minh họa

Rồi trong cả ngày chủ nhật đi lòng vòng Sài Gòn, chưa bao giờ tôi thấy chị ngưng cười tủm tỉm, ăn gì cũng thấy ngon, gặp gì cũng "chụp hình để cho anh Hưng coi...".

Hai chị em lang thang đến tối, ngồi nghỉ ở một quán cà phê nhìn ra sông.

- Sao chị quyết định đi Sài Gòn lần này? - tôi khui lại câu hỏi, dù sáng nay chị đã nói kiểu đùa là "đi chơi".

- Cuối cùng cũng phải đi chứ. Không lẽ cả đời không biết chỗ mà ai cũng biết rồi.

- Chỉ có đi chơi?

- Thì có một chuyện khác... Em có rành những chỗ làm ngực ở Sài Gòn không? Chuyện chính có vẻ đã được khơi.

- Em chỉ biết là nhiều lắm.

- Nhiều vậy chắc có chỗ rẻ tiền?

- Chắc vậy. Chị hỏi cho ai?

- Cho chị - chị gật đầu. Ừ! Cho chị. Bằng tiền chị để dành cả chục năm nay...

Không bất ngờ, nhưng có gì đó khiến tôi vẫn xót. Tôi không biết phải nói sao. Trước mặt tôi là một chị Hoài khác.

Chị Hoài của ngày hôm qua thế nào? Tôi nhớ, có lần ở quê, hai chị em cũng đi uống nước với nhau thế này. Chị đột nhiên nhìn trời đất: Biết chừng nào chị mới có dịp lên Sài Gòn chơi với em vài ngày. Chị làm như Sài Gòn xa xôi lắm vậy, tôi cười. Giọng chị có vẻ nghiêm túc: Không xa, nhưng chị làm bữa nào đủ ăn bữa đó. Nghỉ một bữa là chết đói...

Hoàn cảnh là vậy nhưng chị từ chối mọi sự giúp đỡ, dù chỉ là số tiền để mua vài bộ quần áo mới ngày tết. Quà mà chị Hoài không từ chối từ tôi là những bộ quần áo cũ của chị em trong cơ quan bỏ ra trong mớ quần áo làm từ thiện, tôi nhặt lại mang về cho chị mặc tết. Đối với chị như vậy là đủ ổ.

Đủ, cũng như cái cách chị nhìn mọi người xung quanh: "Thôi kệ họ em, họ gọi mình là gì cũng được - anh, cậu gì đó cũng được, gọi là thằng cũng được, miễn họ mua vé số giúp mình sống qua ngày".

Chị Hoài đi bán từ nhỏ. Chị thương tôi nhất xóm, tôi không có tiền mua vé số nhưng vẫn ngoan ngoãn gọi chị là chị. Tôi không nhớ mình có tin chị là con gái hay không, chỉ gọi như một thói quen, và hình như tôi cũng chưa bao giờ thắc mắc gì. Khi tôi đã lớn, chị bỏ nhà đi theo đoàn lô tô rồi quay trở về, tiếp tục bán vé số trong chợ, nhưng với tóc dài chấm lưng, mặc đồ bộ hoa ra đường. Tôi, dĩ nhiên, không thay đổi xưng hô. 

Người trong xóm hay trong chợ từ từ rồi cũng gọi "con Hoài" thay cho những từ khác mà họ đã gọi và thấy chán chê việc chọc ghẹo của mình. Có lẽ họ dần quen, như cách dần quen với việc anh Hưng, một người đàn ông làm nghề khuân vác, bỗng một ngày về sống chung nhà với chị. Những bình luận ban đầu kiểu "con Hoài ngu, nuôi trai", hay thắc mắc "cha nội Hưng này giới tính kiểu gì? Thích đàn ông hay phụ nữ?" rồi cũng ngừng.

Với tôi, có hay không những người hàng xóm, hay cả anh Hưng, thì chị Hoài vẫn vậy. Chị mặc đồ bộ đi chợ, bán vé số, chỉ cần đủ ăn, không mong gì hơn trong suốt 10 năm qua...

Có lẽ hiểu những gì tôi đang nghĩ, giọng chị chậm rãi: "Chị năm nay hơn 50 rồi. Có lẽ vài năm nữa là không còn cơ hội...".

Tôi im lặng.

Giọng chị nhỏ hơn, nhưng vẫn rõ ràng: "Hơn nữa, chị muốn làm gì đó cho anh Hưng".

- Anh Hưng yêu cầu chị?

- Không. Tự chị nghĩ làm vậy ảnh sẽ vui. Chị muốn thấy mình một lần có ích với ảnh.

- Bao nhiêu năm qua chị không có ích khi cho ảnh một chỗ ngủ? Cơm nước ngày ba bữa? Thậm chí là gia đình?

- Gia đình gì với một thằng đàn ông em. Ảnh ngán mà không dám nói, thi thoảng lại phải lén lút kiếm mấy con nhỏ đứng đường.

- Chị nghĩ mình thay đổi thì ảnh sẽ không đi kiếm mấy con nhỏ đó nữa?

Chị nghĩ một lúc, mới nói tiếp: "Chị không biết, nhưng chị muốn làm gì đó cho ảnh. Một người đàn ông kiên nhẫn sống chung với người như chị từng đó năm đủ để mình phải ơn họ".

Chị Hoài nhìn tôi như xin tôi hiểu cho chị, dù việc tôi hiểu hay không chẳng thể ảnh hưởng gì đến quyết định lần này. Tôi nói gì đây? Trở thành con gái là ước mơ cả đời của chị từ nhỏ. Năm 30 tuổi, trong đoàn lô tô có phong trào chị em tự tiêm silicon vào ngực cho nhau, chị thèm thuồng, nhưng nhát, sợ hậu quả. Đến khi chị ở tuổi 40, còn là hình hài đàn ông, chị vẫn có anh Hưng. Và từ đó không thấy muốn gì thêm nữa.

Nhưng hôm nay, trước mắt

tôi là một người ngoài 50 lại đang muốn là đàn bà một lần, dù chỉ là một nửa. Ước mơ không mơ hồ như chuyện "đi Sài Gòn" ngày nào, mà được

nói ra một cách rõ ràng, rành mạch từng từ một, "vì người mà chị thương".

Tôi không biết mười năm qua, số tiền mà chị để dành có phải cho mục đích này hay chỉ là một quyết định vào một lúc khi nhìn lại tuổi tác, cơ thể mình? Tôi cũng định khuyên chị dùng số tiền đó để dành khi về già, không xa - chỉ vài năm nữa thôi, lỡ khi bệnh tật... như cách của những người nghèo vẫn khuyên nhau. Nhưng không hiểu sao tôi thấy những điều đó vào lúc này không quan trọng nữa...

Tôi nắm lấy bàn tay của chị Hoài, bàn tay thô ráp nhưng nhỏ bé, ướt đẫm mồ hôi. Chúng tôi cầm, rồi siết chặt tay nhau, cùng nhìn ra hướng sông phía sau những làn xe nghẹt thở. Nước mênh mang chảy đi đâu chẳng biết, còn bờ bên kia, Thủ Thiêm lấp ló những tòa nhà mới... Không biết chị Hoài nghĩ gì, còn tôi không nói, hay nói đúng hơn là không thể nói rõ ràng một điều gì. Tôi vẫn muốn giữ bàn tay ấy thật lâu trong tay mình, những mong là chị hiểu được điều này: tôi luôn mong chị hạnh phúc, cho dù bằng cách khó khăn ra sao, và hạnh phúc đó có mong manh như thế nào đi chăng nữa.

Người chị hàng xóm Người chị hàng xóm

AT - Ngày ấy, cái ngày mà sau những đắn đo, do dự rồi cuối cùng em cũng đi đến quyết định ra Huế ôn luyện thi đại học. Quả là một quyết định táo bạo và không dễ dàng với em tí nào!

ĐỖ DUY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên