01/05/2011 04:17 GMT+7

Truyện ngắn 1.200: Mười năm

Truyện 1.142 chữ của NGUYỄN THỊ TUYẾT DÂN
Truyện 1.142 chữ của NGUYỄN THỊ TUYẾT DÂN

TT - Năm tôi còn nhỏ, chỉ nhớ được chị là người rất hiền. Chị in dấu trong tôi vì ít nói, gương mặt hay nở một nụ cười hiền hậu. Tóc chị dài mượt đổ xuống tận thắt lưng. Dáng chị gầy. Nhà chị xa nhà tôi bằng nửa giờ đi xe đạp, anh tôi chắc như thế trong những lần cọc cạch đạp chiếc xe sang chơi nhà chị. Nếu chẳng phải vì vài chuyện trớ trêu thì chị hẳn là chị dâu của tôi lâu rồi.

KTRnDbbW.jpgPhóng to
Minh họa: Ttrần Ngọc Sinh

Nhà tôi nghèo. Một mình mạ không kham nổi bảy cái tàu há mồm đang tuổi ăn tuổi lớn, kể từ ba tôi mất. Nợ nần cứ thế chồng chất theo cơn gục xuống của người đàn ông trụ cột. Đám cưới của anh chị vì thế lần lữa hoãn. Nhưng mối tình ấy đẹp. Đẹp và yên ả như một bức tranh quê, chỉ có nắng và gió trên cánh đồng vàng ươm mùa lúa chín. Cũng từ ba tôi mất, mạ tôi phận dâu mỏng nên chịu nhiều thiệt thòi, chúng tôi lớn lên không được nhiều tình thương của nội.

Ngày thằng Dũng, con chú út tôi, thông báo sắp cưới vợ, cả làng như tá hỏa bởi người ấy không ai khác hơn ngoài em gái của chị. Họ truyền nhau câu: “Làng xóm hết đàn ông, hết con gái hay sao mà hai anh em nhà này thương hai chị em nhà khác”. Chuyện tình cắc cớ như vậy tính ra thì có hề gì, dù hiếm gặp nhưng không phải là không thể không đến được cùng nhau.

Vậy mà sau đám cưới của Dũng - người được nội thương nhất trong đám cháu, nội cấm tiệt chuyện tình cảm của anh tôi. Nội nói như là lệnh, là... bắt đền nếu chuyện của anh tôi còn tiếp diễn: “Vậy là không được, đời nào tao chịu. Trừ khi tụi bây không coi tao ra gì, không phải con cháu tao làm gì thì làm, tao kệ!”.

Anh tôi khóc, cả nhà tôi khóc. Mạ tôi thương con, nước mắt ngắn dài lén kêu chị đến, dặn: “Thôi thì sao cũng là con cháu trong nhà, phải nghe người lớn nghe con!”. Chị lặng lẽ gật đầu, đôi mắt xanh mọng nước. Đợi đến lúc chị ra về, anh trai tôi ngồi hai tay ôm mặt. Rồi như một cơn gió, anh ào đến góc bếp cầm lấy chai thuốc cỏ bỏ chạy ra ngoài đồng. Mạ tôi đuổi theo. Mãi sau mới đưa được anh về.

Thời gian trôi, mọi chuyện chưa phôi phai thì chị bỏ đi lấy chồng, anh tôi cũng tạo dựng cho mình một mái ấm. Hai cái đám cưới vội vàng chẳng biết để làm chi. Ngặt nỗi chị không hạnh phúc với nửa kia của mình. Người ấy ở làng trên. Chị về nhà chồng, xa thêm anh tôi chừng một giờ xe đạp. Nghe đâu người ấy của chị tính tình nóng. Thích uống rượu mà rượu vô thì chửi vợ, chửi vu vơ.

Nghe nói chị khổ còn vì tính anh “đo lọ mắm, đếm củ dưa hành” nữa. Ai biết được người ấy ít thương vợ đi vì biết chị còn nhốt anh tôi trong góc tối nào của trái tim cạn kiệt. Tôi nhớ rõ hồi đó anh tôi mê thơ, thường huyễn hoặc hóa chị trong câu Chồng tôi vẫn biết tôi thương nhớ/Người ấy cho nên vẫn hững hờ (*) nên cứ buồn, tự trách mình rồi thấy thương cho chị.

Cũng thêm một chuyện cắc cớ. Đám ruộng của mạ chị nằm ngay sát nhà tôi. Mỗi năm hai vụ mùa, biết chị về giúp mạ gặt lúa, anh tôi cứ lóng ngóng trong nhà, thỉnh thoảng đứng ngó ra, người thẫn thờ như hồn lạc đi nơi đâu mất. Chị ở đó, quảy gánh lúa cũng bước vội vàng, chiếc nón che kín mặt. Chồng chị cũng ơ hờ dõi theo.

Được ba mùa lúa như vậy thì chị theo chồng vào miền Nam lập nghiệp. Chồng chị thôi phận nông dân, theo trai làng đi phụ hồ, đi khuân vác nơi xứ người xa lạ. Giờ tôi còn giữ lá thư của chị đêm trước ngày chị đi, nhờ chuyển cho anh tôi. Lúc đưa thư, chị rớm nước mắt, nói không trọn một câu: “Chưa biết ngày nào về, chồng bạt đâu thì tôi theo đó, thuyền theo lái, gái...”, rồi khóc.

Anh tôi mở thư xem, vẻn vẹn một dòng: “Biệt ly. Nay không còn biết ai đang đâu, ra sao, làm gì!”. Anh bỏ đi uống rượu. Tôi sợ chị dâu hờn, cất lá thư như gói giùm kỷ niệm.

Mười năm rồi. Tôi xa quê đi học. Chọn ở lại Sài Gòn bươn chải kiếm cái ăn. Chuyện của anh chị không nhắc chắc cũng quên. Tôi quên. Mọi người quên. Hẳn anh chị cũng đã không còn nhớ. Quên dày lên, quên dài theo hai mươi mùa gặt lúa.

Rồi tôi gặp chị giữa Sài Gòn thênh thang. Lần ấy tôi chuyển trọ, muốn tìm một chốn bình an hơn trong con hẻm vắng người. Ngỡ ngàng khi thấy chị đầy tròn. Gương mặt nhìn bớt hiền bởi đôi chân mày phun xăm một màu đậm. Da chị trắng, tóc cũng khác xưa theo. Tôi mường tượng chị giờ ngồi trên chiếc xe đạp năm cũ của anh tôi chắc không còn là hình ảnh đẹp, chẳng còn gì lãng mạn. Nhìn tóc chị vàng xoăn bây giờ, tôi hùi hụi nhớ thương một mái tóc dài mượt thả bay trong gió. Chị nay là chủ một nhà trọ trong con hẻm sâu yên bình này.

Gặp tôi, chị hồ hởi kể: “Anh xã thương chị lắm, không cho chị đi làm gì đâu! Từ ngày ảnh lên thợ chính, rồi đứng ra nhận thầu xây dựng, tụi chị như phất lên”.

Nỗi vui mừng gặp lại một người quen, chị mở lòng sẻ chia những thành đạt của vợ chồng mình nơi đất khách. Đi từ bước khổ khó đi lên. Tôi để ý thấy mắt chị long lanh niềm tự hào, long lanh hạnh phúc khi nhắc về “anh xã”. Biết anh tôi vẫn nghèo. Vẫn mỗi năm quẩn quanh với hai mùa gặt lúa. Chị cười cười: “Ở quê thì khó, phải đi mới đổi đời được em ơi!”. Chị không nhắc đến chuyện cũ người xưa. Mười năm rồi còn gì.

Mười năm. Nên mới đây tôi điện về, vu vơ hỏi anh có thấy nhớ tình đầu? Anh ồ một tiếng. Mười năm, nhớ gì nổi em!

Chỉ có tôi, chẳng phải chuyện mình nên nhắc lại vẫn không quên, không nhớ. Mà lòng hoang hoác một xúc cảm. Không biết buồn, vui?

__________

(*) Câu thơ trong bài Hai sắc hoa tigôn của T.T.Kh.

Truyện 1.142 chữ của NGUYỄN THỊ TUYẾT DÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên