Minh họa: Trần Ngọc Sinh |
Thế là suốt chiều thứ sáu, Tiến nghĩ về bài văn đầu tiên mà nó sẽ được viết vào tuần sau.
- Ba ơi, làm cách nào để tả cái gì đó? - Tiến hỏi khi ôm lưng ba nó trên xe máy về nhà.
- Trước tiên con phải quan sát cái đó. Phải quan sát kỹ, tìm ra càng nhiều chi tiết càng tốt.
Nhà Tiến có một con vẹt. Con vẹt do anh của Tiến cho ăn và tập nói là chính, chứ trước giờ Tiến cũng không quan tâm tới con vẹt lắm.
Chỉ đôi khi Tiến hay chọc cho con vẹt nói cho vui tai. Nhưng chiều hôm đó, Tiến tỏ ra quan tâm tới con vẹt một cách kỳ lạ. Nó giành với anh hai mang đồ ăn cho con vẹt để có dịp “quan sát cho kỹ.”
Anh hai cũng chẳng phản đối: càng lên lớp, anh càng bận bịu, nên giao cho thằng em làm mấy việc lặt vặt cũng tốt. Con vẹt ăn tạp. Hầu như Tiến đưa gì nó cũng ăn. Có gì đó rất vui khi xem một con vật ăn đồ mà ta đưa cho nó.
Sáng thứ bảy, thấy Tiến cho vẹt ăn và chăm chú nhìn ngắm, ba lại gần hỏi:
- Con quan sát được gì rồi?
- Dạ, con vẹt có lông ba màu - xanh lá, xanh dương, đỏ. Mắt nó màu đen mà có viền trắng. Mỏ nó to, mà cứng lắm; con đưa hột mít thô nó cũng cắn ăn tuốt.
- Ừ hay đấy. Con có sờ con vẹt chưa? Cảm giác như thế nào?
- Dạ con chưa thử.
Nói rồi Tiến mở cổng lồng, thận trọng dụ con vẹt ra nằm gọn trong hai bàn tay.
- Mượt, ấm - Tiến nhận xét - Hình như con thấy tim nó đập nữa, chắc nhanh gấp ba lần tim mình.
- Tốt. Nó kêu như thế nào?
- Anh hai có dạy nó nói “Chào” hoặc “Hi” hoặc “Anh đẹp trai”.
- Nhưng nó kêu như thế nào? Ý ba là nếu anh con không dạy nó nói mấy câu đó thì nó kêu tự nhiên như thế nào?
Thế là từ sáng tới trưa, Tiến ngồi rình coi con vẹt kêu như thế nào. Suốt ba bốn giờ đồng hồ, con vẹt chẳng kêu một tiếng. Khi Tiến định kết luận là vẹt ngoài tự nhiên chẳng kêu hót gì cả, thì con vẹt lại phát ra mấy tiếng.
- Éc éc éc éc - Tiến hồ hởi khoe với ba phát hiện của nó.
- Tốt. Màu sắc, cảm giác, âm thanh. Nhiêu đó đủ để con viết bài văn hay rồi.
***
Sáng thứ hai, Tiến vui vẻ đến lớp với hàng tá ý tưởng về con vẹt trong đầu. Mở đầu giờ học, cô giáo cho lớp chép chính tả một đoạn văn về “con chó nhà em”. “Nhà em có nuôi một chú chó... mắt chú long lanh như hai hòn bi ve”.
- Lớp về học thuộc đoạn văn này. Hai ngày nữa chúng ta viết bài nhé - cô giáo dặn - Cô sẽ xem lớp học hành như thế nào.
Về nhà, Tiến một mặt học thuộc đoạn văn con chó, một mặt suy nghĩ về con vẹt.
Sáng thứ tư, cô bảo cả lớp lấy giấy đôi ra. “Họ tên, lớp. Điểm lời phê. Đề: Tả một con vật nuôi”.
- Để tôi xem lớp học bài như thế nào. Lớp có 30 phút nhé.
Cô giáo vừa dứt lời, bốn chục cái đầu chúi xuống mặt bàn, cặm cụi viết. Tiến cảm thấy khó hiểu. Nó khều bạn cùng bàn hỏi khẽ:
- Ê, mày viết cái gì vậy?
- Mày không thuộc à? “Nhà em có nuôi một con chó”. Chép theo đi.
- Ờ.
Chỉ mười lăm phút, cả lớp đã chép xong bài văn con chó. Nhưng phải tới khi cô giáo báo thu bài, Tiến mới chấm câu kết.
Thứ sáu, giờ ra chơi, cô giữ Tiến ở lại nói chuyện.
- Con có học bài không?
- Dạ có - Tiến ngơ ngác.
- Thế con viết cái gì thế này?
- Dạ con viết tập làm văn.
- Thế bài tôi cho cậu chép, cậu vứt đi đâu rồi?
- Dạ bài đó con thuộc mà - Tiến lí nhí.
- Đọc tôi nghe, tôi khảo bài ngay tại chỗ này!
- Dạ, nhà em có nuôi một con chó... đôi mắt nó long lanh như hai hòn bi ve...
- Tốt. Lần sau kiểm tra tập làm văn, liệu mà chép nguyên bài đó vào nhé. Đặc biệt là bài thi học kỳ đấy.
- Dạ.
***
Họp phụ huynh cuối năm, cô giáo gặp ba Tiến.
- Con anh học rất tốt, chỉ có bài tập làm văn đầu tiên là cháu không làm đúng yêu cầu thôi. Cô giáo đưa cho ba Tiến xem bài tập làm văn Tiến viết.
“Anh tôi nuôi một con vẹt. Lông nó màu xanh lá tươi rói, xen kẽ vài vệt xanh dương và đỏ. Tôi có cầm nó trên tay mà vuốt ve bộ lông mượt của nó, thấy tim nó đập nhanh gấp ba bốn lần tim người.
Mắt nó tròn, đen và có viền trắng. Mỏ nó cứng, đưa hột mít thô nó cũng cắn ăn tuốt. Anh tôi dạy nó nói “Xin chào”, “Hi” với “Anh đẹp trai.” Nhưng tôi phải ngồi rình cả ngày mới biết nó kêu “Éc éc.” Chắc vì vậy mà người ta còn gọi nó là con két.
Không biết lúc nó nói mấy câu mà anh hai dạy, nó có hiểu gì không, hay nó nhái giọng anh hai để được anh cho ăn. Dù sao thì tiếng kêu của riêng nó đối với tôi rất hay, rất độc đáo. Đúng ra anh hai nên cho con vẹt ăn lúc nó kêu “éc éc” thay vì lúc nó nhái anh hai, vì con vẹt hiếm khi kêu tiếng của riêng nó lắm”.
- Bài này hay mà? - ba Tiến hỏi cô giáo.
- Nhưng không đúng bài mà lớp phải thuộc. Lỡ đề thi là tả con chó thì sao?
- Lỡ đề thi là tả cha nó thì sao?
- Anh yên tâm. Dù sao Tiến cũng đạt học sinh giỏi rồi, anh lo gì nữa?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận