26/03/2017 14:30 GMT+7

Truyện 1.200 chữ: Cô gái cắt đứt dây đàn của tôi

HUỲNH TRỌNG KHANG
HUỲNH TRỌNG KHANG

TTO - Nếu bạn muốn tìm một chốn không có đêm giữa Sài Gòn hoa lệ này, hãy thử đôi lần đến đường Bùi Viện. Tạo hóa trớ trêu. À không phải. Ngành giao thông vận tải trớ trêu, đã xô đẩy tôi trở thành cư dân của con đường này.

Minh họa: Đặng Hồng Quân
Minh họa: Đặng Hồng Quân

Chuyện là tôi đã thuê một ngôi nhà với giá gần như cho ở ngoại ô để theo đuổi nghiệp nhạc sĩ. Tôi đã đóng cọc cả năm vậy mà ở chừng ba tháng thì nơi ấy bắt đầu làm đường.

Khói bụi và tiếng ồn đẩy cái chốn thiên thai trở thành địa ngục, tôi đâm ra bực bội và cáu gắt không thể làm việc được nữa.

Tôi đem nỗi ưu tư của mình đến bar Bùi Viện giãi bày cùng thằng bạn, thế là nó đón tôi về ở cùng nơi căn gác ngay trên quán bar. Nó chỉ ngủ vào ban ngày, còn tôi chỉ ngủ về đêm nên cũng ít khi nào gặp nhau.

Tôi bắt đầu ăn mày tình thương của các cư dân Bùi Viện từ đó.

Buổi sáng, tôi phụ dọn dẹp quán để trừ vào tiền thuê nhà, dạy kèm cho con của các chủ quán, và cả xem bói cho các nàng phục vụ bàn, các nàng thi thoảng cũng ghé ngang căn gác chật chội của tôi, trong đó có một em không chỉ dừng lại ở việc ngó quanh để xác thực sự nghèo túng của những kẻ theo đường bút mực mà còn bước vào đời tôi và đã ra đi mãi mãi.

Một ngày nọ, như bão tố, em đạp cửa xông thẳng vào phòng tôi.

“Anh biết thằng này là thằng nào không?”, em tức giận giơ cao chiếc di động.

Dĩ nhiên tôi chẳng biết “thằng” ấy là thằng nào, vì em cứ huơ huơ như thế sao tôi nhận ra được, đã vậy chính khuôn mặt em tôi cũng không nhớ nổi, tôi biết tôi từng gặp em, nhưng thật khó lòng gắn một cái tên vào khuôn mặt ấy.

Khuôn mặt dù đã cố làm già đi nhưng không che được nét trẻ con, khi giận, đôi môi bặm lại trông càng trẻ con hơn.

Thấy vẻ mặt ngớ ngẩn của tôi em càng đổ quạu, chửi té tát: “Không chừng là anh viết, anh viết phải không?”.

Tôi đón lấy chiếc điện thoại, hóa ra em giận vì bài báo đề cập đến những cô gái làm phục vụ quán bar ở Bùi Viện, bài báo chẳng có gì đặc biệt trừ cái giọng dè bỉu và khinh bỉ lộ rõ.

“Tôi không viết nó”.

Mặt em ngơ ra một chút. Nhìn tôi hối lỗi, sực nhớ ra điều gì liền ngồi xuống giường cạnh tôi. Lúc đó tôi chỉ mặc quần tà lỏn, chiếc váy của em còn ngắn hơn nữa, thế là hai cặp đùi non trẻ cạ sát vào nhau khiến tim tôi lạc đi hai nhịp.

“Hãy viết gì đó đi anh, viết để người ta không nhìn chúng em là con điếm mà là con người”.

Cô khẩn khoản nhìn tôi. Một bài báo? Nhưng nơi nào sẽ in nó cho tôi đây. Con người được định hình từ những định kiến, gái điếm thì không được phép lương thiện cũng như thầy giáo không được phép xăm mình.

Ai sẽ tin tôi, nếu tôi viết rằng hôm qua tôi vừa nói chuyện về Heidegger với một cô gái điếm thông thạo năm ngoại ngữ.

Một trải nghiệm tuyệt vời, bạn thử tưởng tượng xem, thay vì một ông giáo già đầu hói ru ngủ với chất giọng đều đều như quạt máy lại là cô gái ăn mặc quyến rũ, nói về bản thể luận bằng đôi môi mọng chín của nàng, để rồi bạn phải giật mình tự hỏi mỗi khi thấy nàng khoác tay một người ngoại quốc vào khách sạn, liệu đó có phải là cô gái cùng mình nói về Heidegger?

Hay chuyện những cô điếm nhỏ gom góp tiền để một cô bé bỏ nghề trước đêm cô đi khách lần đầu. Bạn có tin được không, đến tôi còn không thể tin được, vậy thì làm sao tôi có thể thuyết phục mọi người tin mình đây chứ.

Nhưng em ơi, sao anh có thể từ chối đôi mắt non trong của em. Em nhìn đi, ngây thơ và ngơ ngác như thể đang lạc lối và bảo anh chỉ cho em một con đường, nhưng mà có đường nào để đi đây. Anh đành hẹn lần hẹn lữa, anh đành lảng tránh bằng cách chĩa mọi câu hỏi về em, mà câu trả lời từ em mỗi lần mỗi khác.

Em bảo em tên Lan, mồ côi cha, bị dượng hiếp, ở quê người ta khinh không ai lấy đành bỏ lên Sài Gòn. Nhiều khi em là Hồng, sinh viên nghèo phải nuôi cha bạo bịnh. Lúc uống cạn hai chai bia em là Ngọc, mơ làm diễn viên được lấy chồng đại gia.

Và khi không còn mảnh vải nào trên người em là Mén, gặp gã sở khanh nên phải ráng đi làm nuôi con. Trước lúc ngủ say, em bảo em là Hường, con em gọi em là chị, tối em còn phải đi làm nên muốn ngủ một chút.

Tôi để cho em ngủ trên giường, còn tôi nằm dưới sàn tiếp tục nốc bia rồi thiếp đi không hay. Khi tỉnh dậy em đã đi mất rồi.

Ngày hôm sau, rồi nhiều ngày hôm sau nữa, em lại đến tìm tôi, dọn dẹp phòng, sắp xếp lại bản thảo, thỉnh thoảng còn giúp tôi đánh máy bài tập. Em không nói gì về bài báo, nhưng trong mắt có gì đó chờ đợi, đặc biệt là cái nhìn của em mỗi khi nằm cạnh tôi.

Một buổi chiều khi tôi tỉnh dậy, em đã đi mất rồi, tôi phát hiện ra cây đàn của tôi đã bị cắt hết dây. Có lẽ đó là cách em thông báo tôi đừng ca nữa vì giọng tôi quá dở, cũng có lẽ em bảo tôi đừng viết nữa nếu chỉ ca ngợi tình yêu phù phiếm thay vì hát lên trên thân phận đau khổ của em.

Tôi bỏ đi ngay trong đêm đó. Nhiều năm nay tôi chưa gặp lại em. Tôi không biết tên em, tuổi tác, hay quê quán. Tôi chỉ nhớ đôi mắt đầy thương tổn của em.

Nếu bạn đi trên đường Bùi Viện và gặp cô gái có đôi mắt như thế, hãy đưa cho em đọc truyện ngắn này, hãy báo là tôi vẫn khỏe, rằng chẳng ai tin chúng ta đâu, người ta chỉ tin vào những định kiến và trật tự, người ta vẫn giết nhau hằng ngày nhân danh sự thật trong khi chẳng có sự thật nào.

Thay vì viết cho em một bài báo, tôi tặng em truyện ngắn này, bởi vì chỉ trong văn chương, người ta mới chấp nhận một cô gái điếm lương thiện.

HUỲNH TRỌNG KHANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên