Giáo viên Lý Chánh Trung đang hướng dẫn sinh viên lớp CĐ nghề cắt gọt kim loại 14B, Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng thực hành vận hành máy tiện CNC. Từ năm học 2016-2017, các lớp thực hành của trường này sẽ học theo ba ca - Ảnh: HÀ BÌNH |
“Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất thường làm việc theo ba ca, mỗi ca 8 tiếng. Thế thì nhà trường phải đảm bảo giờ thực hành cho sinh viên như ở doanh nghiệp là tốt nhất |
Ông Lê Xuân Lâm (phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng) |
Giờ học thực hành của sinh viên các khoa, bộ môn sẽ chia làm ba ca, gồm: ca 1 từ 6g30-11g, ca 2 từ 11g-15g30 và ca 3 từ 15g30-20g.
Trước sự thay đổi này, sinh viên, giáo viên đều than việc học thực hành theo ca 2, ca 3 với thời gian như trên gây nhiều khó khăn cho đi lại, sinh hoạt của họ.
Xin về sớm cho kịp xe buýt
N.T. hiện là sinh viên năm 2 khoa cơ khí Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng. Năm nay trường mới thông báo học thực hành ba ca, nhưng trước đó T. và các bạn cùng lớp đã học thực hành ca 2, ca 3 theo lịch của khoa sắp xếp.
Cứ mỗi đợt thực tập một tháng, lớp T. được khoa xếp hai tuần học ca 2 và hai tuần học ca 3. Học ca 2 lúc 11g, T. có mặt ở trường lúc 10g45 và thực hành xuyên trưa cho đến 15g30. “Có những hôm trời nắng, buổi trưa trong xưởng thực hành rất nóng” - T. kể.
Còn việc ăn uống, T. cho biết có hôm bạn ăn trước khi vào ca, có hôm khoảng 12g thầy cho chia hai nhóm, nhóm đi ăn và nhóm ở lại trực. Nhưng cũng có hôm T. bảo “đứng máy không đi ăn được, đành phải đợi hết giờ ăn luôn”.
Những hôm học ca 3, kết thúc lúc 20g, có khi T. phải lội bộ 45 phút từ trường (ở đường Huỳnh Thúc Kháng, Q.1) về phòng trọ ở Q.5, do hết xe buýt.
“Nhưng cũng có hôm tôi và các bạn xin thầy cho ra sớm 15 phút để kịp xe buýt đi về. Thường thì học thực hành, 15 phút cuối để dọn thiết bị, nên thầy cũng đồng ý cho về sớm. Nói chung học ca 2, ca 3 trái giờ, ăn uống đi lại khó khăn hơn nhưng cũng phải cố gắng” - T. nói.
Đi học bằng xe máy, không phụ thuộc vào xe buýt như nhiều bạn trong lớp, nhưng việc học ca 3 lại gây một khó khăn khác cho sinh viên H.Đ.: “Tôi dự định học thêm tiếng Anh ở trung tâm của trường vào buổi tối. Nhưng giờ học ca 3 trùng thời gian học thêm của tôi nên đành phải dời lại. Với lại, học ca 3 khó tiếp thu hơn. Rồi với những bạn đi làm thêm, cũng phải chuyển từ đêm sang ngày. Nhiều bạn cả một ngày đi làm thêm, tối vào lớp rất mệt mỏi, uể oải...”.
Còn một giáo viên Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng khi nhận thông báo học thực hành theo ba ca đã gửi bức xúc đến Tuổi Trẻ: “Giờ ăn của giáo viên và sinh viên bị thay đổi lớn. Lịch sinh hoạt của gia đình tôi cũng bị thay đổi. Tối 20g mới ra, những giáo viên có con đi học sao đón con được? Còn sinh viên 20g học ra, hết xe buýt về rồi. Mà sinh viên ở nông thôn lên TP.HCM học, những năm đầu phải đi bằng xe buýt vì chưa có xe máy...”.
Để đảm bảo giờ thực tập cho sinh viên
Trao đổi với Tuổi Trẻ sáng 29-8, ông Lê Xuân Lâm - phó hiệu trưởng nhà trường - nói: “Hiện nay, doanh nghiệp sản xuất thường làm việc theo ba ca, mỗi ca 8 tiếng. Thế thì nhà trường phải đảm bảo giờ thực hành cho sinh viên như ở doanh nghiệp là tốt nhất. Tuy nhiên do thiết bị, nhà xưởng không đủ nên trường rút ngắn thời gian thực tập lại, chứ không được 8 tiếng/ca như ở doanh nghiệp”.
Cũng theo ông Lâm, trước đây Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng áp dụng sinh viên thực tập 8 tiếng/ca (từ 6g-14g và từ 14g-22g) nhưng sau đó điều chỉnh lại.
“Gần đây, chúng tôi thấy thời gian cho sinh viên thực hành quá ít, không đủ nên tăng lên ba ca. Chúng tôi biết sinh viên vướng chuyện xe buýt nên cố gắng kết thúc lúc 20g để các em có thể đi xe buýt về được. Và giáo viên dạy ca 3 thì cũng đến 20g là về. Việc này chúng tôi đã triển khai cho giáo viên, cán bộ công nhân viên trước hè rồi” - ông Lâm nói thêm.
Theo ông Lâm, để nâng cao chất lượng đào tạo, buộc trường phải tăng ba ca thực hành cho sinh viên.
“Chúng tôi khẳng định việc tăng ca giúp cho người học có thời gian học thêm, có thời gian thực tập nhiều hơn, giúp người học có tay nghề tốt hơn. Thực hành giống như doanh nghiệp bên ngoài theo ba ca để đảm bảo sản xuất. Phải gắn với doanh nghiệp, nếu không sinh viên ra trường sẽ ngỡ ngàng. Đó là chưa kể nếu sinh viên tay nghề yếu phải bố trí thứ bảy, chủ nhật cho thực tập thêm” - ông Lâm nói.
Ngoài ra, ông Lâm cũng cho biết khoa cơ khí của trường đã chủ động chia ba ca cho sinh viên học thực hành từ nhiều năm. “Vừa rồi chúng tôi tổ chức cho các khoa, bộ môn bố trí ca thực tập cho sinh viên. Có đơn vị bố trí hai ca, nhưng cũng có đơn vị bố trí ba ca.
Chúng tôi thấy việc sắp xếp như thế không ổn và phải có quy định để theo khung của trường. Để đảm bảo giờ học cho sinh viên, chúng tôi thống nhất trên toàn trường về thời gian thực tập ba ca theo thông báo” - ông Lâm giải thích.
Còn về khó khăn của giáo viên khi dạy ca 2, ca 3, ông Lâm cho hay: “Chúng tôi biết nhiều giáo viên có con nhỏ, việc ca kíp như thế sẽ đưa đón khó. Nhưng chúng tôi đã sinh hoạt trong toàn trường và tôi là người phổ biến cho giáo viên. Giáo viên nào ở xa, có con nhỏ bị ảnh hưởng ca kíp thì phản ảnh với khoa để nội bộ sắp xếp...”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận