​Trường thất hứa, trò ra đi

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TT - Hàng chục học viên Trường trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa phân hiệu tại Ðắk Lắk (đóng ở Trường ÐH Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột, Ðắk Lắk) đang gấp rút làm thủ tục chuyển trường. Lý do học viên ra đi là do bị trường “đem con bỏ chợ”.

Thông tin tuyển sinh của Trường trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa đặt tại Trường ĐH Tây nguyên - Ảnh: TR.TÂN

Trong đơn gửi Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ÐT), 45 học viên ngành y sĩ Trường trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa trần tình rằng học ngành y nhưng thời gian thực hành, thực tập quá ít, sơ sài. Học viên đi thực tập xong chẳng biết gì nhưng vẫn được giáo viên hướng dẫn đánh giá “đạt yêu cầu”.

“Chỉ đứng nhìn cho có”

Ngoài học phí 4,5 triệu đồng/kỳ, trường còn buộc học sinh nộp nhiều khoản chi phí khác.

Trong đó trường buộc mỗi học viên đóng 704.000-880.000 đồng/kỳ thực tập lâm sàng (mỗi khóa đi thực tập bốn lần). Dù đóng tiền đi thực tập nhưng học viên không biết lịch trình, địa điểm đi thực tập sớm để sắp xếp.

“Khi thực tập chúng tôi không được giáo viên đến hướng dẫn hoặc giải quyết các việc phát sinh tại bệnh viện, tất cả phải tự bơi. Ðáng buồn hơn, việc thực hành, thực tập tại bệnh viện đều không có bác sĩ, điều dưỡng hướng dẫn. Chúng tôi chỉ đứng nhìn cho có chứ không hề được thực tập” - học viên Nguyễn Thị Hường, lớp Y3GT, bức xúc.

TS NGUYỄN TẤN VUI (hiệu trưởng Trường ĐH Tây Nguyên):

Cho thuê cơ sở vật chất

Trường ĐH Tây Nguyên chỉ giữ lại 20% tổng số học phí/năm là tiền cho thuê cơ sở vật chất.

Các khoản thu khác Trường Bách nghệ Thanh Hóa tự thu, tự chịu trách nhiệm.

Tuy nhiên, trên tinh thần liên kết (theo quyết định của UBND tỉnh Đắk Lắk), Trường ĐH Tây Nguyên còn hỗ trợ công tác coi thi, thanh tra thi, lên lịch sắp xếp phòng học hợp lý để tạo điều kiện cho học sinh Trường trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa học tập.

Bùi Văn Nam (cùng lớp với Hường) cũng cho biết thêm phần lớn học viên đi thực tập “cưỡi ngựa xem hoa” chứ không được thực hành thực tế.

Bản thân Nam, sau một tháng đi thực tập học phần điều dưỡng cơ bản và kỹ thuật điều dưỡng (32 mục yêu cầu) cũng chỉ may mắn hai lần nhìn các y tá đặt ống thông dạ dày, hút dịch dạ dày, tá tràng và rửa dạ dày.

“Nhà trường nói đã liên hệ với bệnh viện nhưng khi nghe tin học viên của trường xuống thực tập các y, bác sĩ không muốn tiếp xúc, hướng dẫn khiến chúng tôi rất mặc cảm. Học ngành y liên quan đến sức khỏe con người mà được học lý thuyết, thực hành như vậy tôi rất lo lắng” - Nam ngậm ngùi.

Nhiều học viên khác tại trường này cũng tỏ ra chán chường nhưng “đã đâm lao phải theo lao”.

“Thời khóa biểu học thay đổi hằng tuần vì phụ thuộc lịch học, giảng dạy của ÐH Tây Nguyên. Ngoài ra, mới đây nhóm chúng em được giới thiệu lên Bệnh viện Ða khoa TP Buôn Ma Thuột kiến tập nhưng chẳng học được gì” - một học sinh học ngành y sĩ chia sẻ.

Đã hứa nhiều lần

Ông Lê Bá Khanh - phó hiệu trưởng Trường trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa, phó phân hiệu tại Ðắk Lắk - cho biết nhà trường cũng đã nhận được phản ảnh của học viên và đang trong quá trình giải quyết.

Theo ông Khanh, hiện trường đang xét hồ sơ cho các em đủ điều kiện chuyển trường theo quy định. Số liệu của trường cho thấy ngoài 501 học sinh đã tốt nghiệp, hiện phân hiệu của trường đang đào tạo 1.130 học sinh của sáu ngành. Trong đó, khóa 2014-2016 trường tuyển được 603 chỉ tiêu cho ba ngành sư phạm mầm non, y sĩ, dược sĩ.

Về vấn đề học viên nộp tiền đi thực tập, ông Khanh nói nhà trường thu như vậy là còn thấp hơn nhiều trường trung cấp khác.

“Chúng tôi phân ra tiền học phí và tiền đi thực tập là để cho học sinh đỡ “sốc” khi nộp tiền một lần. Tiền học viên đóng để đi thực tập cũng là chi phí học tập cả. Trường chúng tôi là trường tư thục, tự cân đối thu chi nên việc thu dựa trên thỏa thuận của nhà trường và học sinh” - ông Khanh lý giải.

Về việc tại sao học sinh đã phải đóng tiền để đi thực tập nhưng chỉ đứng nhìn, có bệnh viện khi nghe tin học sinh trường đến thực tập còn không nhận... ông Khanh cho rằng do quá trình phối hợp giữa trường và bệnh viện chưa nhịp nhàng.

“Tới đây, nhà trường sẽ làm việc lại với các bệnh viện đưa học sinh đi thực tập để các em được thực hành nhiều hơn” - ông Khanh hứa. Trao đổi lại những vấn đề nhà trường đã hứa, nhiều học sinh cho biết trường đã hứa nhiều lần, nhiều việc nhưng không giải quyết. “Khi học sinh kiến nghị nhà trường đều hứa sẽ giải quyết nhưng cuối cùng mọi việc đều không thay đổi, vì vậy mà chúng em quyết định ra đi” - một học sinh nói.

Phải giải quyết kiến nghị của học viên

Trong buổi làm việc với Trường trung cấp Bách nghệ Thanh Hóa về những kiến nghị của học viên, bà Lê Thị Kim Oanh - trưởng phòng giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD-ĐT Đắk Lắk - yêu cầu nhà trường phải giải quyết những kiến nghị đúng của học viên.

“Đối với việc thực tập lâm sàng, nhà trường phải liên hệ cụ thể với cơ sở y tế trước khi đưa học sinh đến, tránh những sự cố đã xảy ra. Đồng thời trường cũng cần cử cán bộ đến nơi thực tập của học sinh để kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh” - bà Oanh kết luận.

 

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên