13/05/2006 07:01 GMT+7

Trường của con nhà giàu?

KIM LIÊN
KIM LIÊN

TT - Tại hội nghị chuyên đề về giáo dục do Hội đồng nhân dân TP.HCM tổ chức sáng 12-5, các đại biểu đã dành khá nhiều thời gian để bàn về đề án thí điểm Trường THPT Lê Quí Đôn theo mô hình gọi là "trường chất lượng cao".

C7C79aj5.jpgPhóng to

Dãy phòng học mới xây dựng tại Trường THPT Lê Quí Đôn để phục vụ mô hình "chất lượng cao". Ảnh: Như Hùng

Học phí: gần 900.000 đồng/ tháng

Theo đề án của Sở GD-ĐT TP.HCM, đây sẽ là mô hình cung cấp dịch vụ chất lượng giáo dục cao. Giải thích cho khái niệm chất lượng cao, ông Huỳnh Công Minh - giám đốc Sở GD-ĐT - giới thiệu: “Cơ sở vật chất trường lớp đủ để tổ chức cho HS học hai buổi /ngày với sĩ số lớp học tối đa 30 HS/lớp. Mỗi HS có đủ dụng cụ để trực tiếp thực hành, học tập, nghiên cứu.

Về giáo viên (GV), ngoài việc đủ số lượng cho tất cả các môn, kể cả năng khiếu, ngoại khóa... GV còn có chuyên môn vững, có khả năng hệ thống kiến thức và định hướng học tập cho HS, nghiệp vụ tốt, nắm vững tâm lý HS... GV được đảm bảo các điều kiện làm việc về văn phòng, máy móc, sách vở, cuộc sống và tu nghiệp...

Ngoài số tiết qui định, trường còn tăng cường số tiết dạy các môn cơ bản, học tăng cường tiếng Anh, chương trình tiếng Anh Cambridge, Toefl, Ielts, tiếng Anh qua các môn khoa học tự nhiên 3-4 tiết/tuần, được thực hành với GV nước ngoài hai tiết/tuần. Ngoài ra, HS còn được học tăng cường tin học, học tự chọn các môn năng khiếu thể dục thể thao, nghệ thuật...”.

Cũng theo định hướng này, ngoài cơ sở vật chất có sẵn, năm học 2006-2007 trường còn trang bị thêm 15 phòng học, trong đó mỗi phòng đều có máy lạnh, bàn ghế loại một chỗ ngồi, một đèn chiếu và màn hình 300 inch, một máy vi tính, cassette, tủ đựng dụng cụ HS...

Ngoài ra còn có ba phòng học tiếng Anh chuyên dụng, thiết bị cho thư viện điện tử và phòng Internet nối mạng. Đặc biệt, trường sẽ trang bị hai xe dành cho GV và HS đi giao lưu học tập và sinh hoạt ngoài giờ...

Tất nhiên để mô hình này vận hành, ngoài nguồn tài chính do ngân sách nhà nước cấp, trường thực hiện mức thu trọn gói đối với lớp 10 là 890.000 đồng/tháng, những năm sau đó, lớp 11 sẽ thu 850.000 đồng/tháng, lớp 12 900.000 đồng/tháng.

Tuy nhiên với tất cả những sự đầu tư kể trên, mục tiêu của trường này lại hết sức mơ hồ: “Đậu tốt nghiệp THPT và phấn đấu đậu vào các trường đại học trong và ngoài nước...”.

Chuẩn nào đánh giá chất lượng cao?

Đề án này vừa được nêu ra thì ngay lập tức đã có nhiều ý kiến không đồng tình. TS Nguyễn An Bình (chủ tịch hội đồng quản trị Tổng công ty Địa ốc Sài Gòn) cho rằng: “Cách làm này không giải quyết được vấn đề gì mà gây bức xúc cho dân và không sòng phẳng. 900.000 đồng/tháng với người dân quận 8 của tôi là quá cao, nhưng với những người có khả năng du học thì thấp mà lại không biết chất lượng thế nào.

Tôi không thấy có gì thay đổi về chất lượng giáo dục qua đề án này. Tôi đề nghị nên nghiên cứu kỹ, mổ xẻ thẳng thắn, cần có chương trình cụ thể cao thấp thế nào, ngang bằng ai (nước nào - PV). Nếu cần lấy Trường Lê Quí Đôn làm "chất lượng cao" thì cứ cổ phần hóa đi. Hoặc lập trường mới hẳn mà không cần nói chất lượng cao hay thấp, cứ để HS học rồi biết, hữu xạ tự nhiên hương mà".

Trong khi đó, bác sĩ Nguyễn Thế Dũng, giám đốc Sở Y tế TP.HCM, đặt câu hỏi: “Nếu nói Trường Lê Quí Đôn là "chất lượng cao" thì trường nào chất lượng thấp? Có thể tổ chức trường thu học phí cao do ai đó bỏ vốn làm. Còn trường nhà nước là phải có trách nhiệm tuyển chọn nhân tài, năng khiếu...". Đồng tình với bác sĩ Dũng, một đại biểu quận 4 thẳng thắn nhận định: “Thực chất đây chỉ là mô hình dịch vụ chất lượng cao và chỉ đáp ứng một nhóm dân cư con nhà giàu. Như vậy tại sao không cổ phần hóa để trở thành một dạng trường quốc tế?”.

Đại biểu Nguyễn Đức Nghĩa (phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM) chỉ ra thực tế: “Tôi thấy sở vẫn còn loay hoay chưa biết phải làm thế nào. Sở muốn nó là trường áp dụng phương pháp mới nhưng mục tiêu cuối cùng là học trò tiếp thu chương trình giảng dạy của VN, HS đậu tốt nghiệp THPT và phấn đấu vào đại học cũng như các trường bình thường khác.

Sau ba năm, một HS được tuyển vào bình thường như các trường khác có thể giỏi lên không? Theo thống kê của chúng tôi, đầu vào lớp 10 thế nào thì trúng tuyển vào đại học thế đó. Tác động của nhà trường suốt ba năm không thay đổi được năng lực HS. Em nào giỏi vẫn giỏi, em nào dở vẫn dở”.

Ông Trần Thành Long, chủ tịch Mặt trận Tổ quốc TP, cũng băn khoăn với giải pháp đầu tư cơ sở vật chất cho trường này: "Giả sử xã hội biết trường thu như vậy để mua hai xe hơi cho GV đi trao đổi nghiệp vụ, họ chịu không? Tôi thấy đề án này mới vẽ ra mô hình chứ chưa ra dự án, tính lâu dài chưa có. Muốn trường nâng chất lượng lên cần phải có lộ trình. Trong đề án tôi thấy phòng học nào cũng có đèn chiếu, cần không? Tôi không đồng ý tiền nhiều là chất lượng cao, có khi tiền ít mà chất lượng hơn".

Trước những ý kiến nghi ngại của nhiều đại biểu, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Tài cũng đồng ý phải xem xét lại một số vấn đề. Tuy nhiên, ông đề nghị HĐND chấp nhận cho thí điểm đề án này như một sự thể hiện mới.

KIM LIÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên