16/07/2010 14:18 GMT+7

"Trường chuyên lớp chọn" chưa mang lại hiệu quả xã hội

 KS NGUYỄN VĂN THƯỚC
 KS NGUYỄN VĂN THƯỚC

TTO - Nhân đọc bài “Áp lực trường chuyên” (TT 16-7) tôi rất tán đồng với những nhận xét của các tác giả: học sinh các trường chuyên chịu áp lực tâm lý rất nặng từ nhiều phía, trong đó quan trọng nhất là ngay chính bản thân và gia đình các em.

Đắng lòng mùa thiMột thí sinh dự thi đại học tự tửThành công thuộc về sự sống

NxZelYXd.jpgPhóng to
Thí sinh căng thẳng trước giờ thi đại học đợt 2 kỳ thi tuyển sinh 2010 ở TP.HCM - Ảnh: MINH ĐỨC

Tôi nghĩ đây là hệ quả của chủ nghĩa thành tích nhưng không chỉ do riêng ngành giáo dục “vun đắp” mà còn xuất phát từ phía gia đình lẫn tác động thu hút nhân tài qua bằng cấp ngoài xã hội. Tuy vậy vẫn còn một khía cạnh khác rất cần đề cập là trường chuyên không tạo được đội ngũ nhân lực “vừa hồng vừa chuyên” đông đủ như nhu cầu xã hội đang cần.

Do mỗi tỉnh chỉ có 1-2 trường chuyên và chỉ tập trung chăm bồi một số quá ít học sinh so với tổng số, nhưng lại có lợi thế là chỉ toàn các em “gạo cội” được tuyển chọn từ các trường. Những em này, theo tôi, nếu không học ở đây vẫn dễ dàng vượt qua tốt nghiệp và đậu đại học.

Trong khi những trường còn lại học sinh thuộc đa thành phần, đủ trình độ, nhiều hoàn cảnh cá biệt và đầy rẫy những cá tính “không giống ai”, đôi khi còn có cả những thành phần “cận bất trị”; mỗi lớp là một tập hợp hoàn toàn không thuần nhất trên tất cả các mặt. Giờ lên lớp chuyên môn giáo viên phải suy nghĩ nhiều thứ khác có liên quan đến việc tiếp thu bài của học sinh. Khổ tâm nhất là phải cân nhắc lời giảng sao cho vừa nhiều trình độ trong một lúc, được lưu giữ lại trong đầu các em và chuyển hóa thành kiến thức riêng nhưng lại chung nhất.

Do toàn học sinh khá giỏi nên giáo viên trường chuyên khi đứng lớp sẽ không phải chịu cảnh học sinh: đứa gật đầu, đứa đảo mắt tròn xoe hay há hốc mồm vì không hiểu… như thầy cô trường phổ thông bình thường.

Thương sao các em yếu kém ở trường bình thường không còn bạn giỏi bên cạnh để hỏi bài như ông bà ta thường bảo: "Gần đèn thì sáng". Và cũng thương các em trường chuyên đang chịu nhiều áp lực, kiến thức có chuyên sâu nhưng không tránh khỏi bị lệch lạc.

Ngành giáo dục cần phải xem lại có nên duy trì “trường chuyên lớp chọn” hay không? Bởi ở đó thường tập trung phương tiện, dụng cụ tốt và những thầy cô giỏi, nhưng số lượng học sinh học chẳng là bao so với tổng số. Năng lực truyền đạt kiến thức của thầy cô rất tốt nhưng không được dạy cho thật nhiều học sinh là sự lãng phí đáng tiếc. Mặt khác, những học sinh giỏi ở đó chỉ học cho riêng bản thân, không có điều kiện giúp đỡ, chia sẻ kiến thức cho nhiều bạn yếu hơn tại các trường, lâu dần tôi nghĩ cũng bị ức chế tính sáng tạo.

Chính “trường chuyên lớp chọn” đã tạo ra khoảng cách chất lượng trong giáo dục thời gian qua. Người giỏi càng giỏi hơn nhưng khó toàn diện, còn người kém không còn điều kiện vươn lên chỉ vì không còn bạn giỏi bên cạnh để hỏi bài. Mặt khác,“trường chuyên lớp chọn” cũng hạn chế sự phát triển trí tuệ cộng đồng, kéo dãn xa thêm khoảng cách dân trí vùng miền và kiến thức học sinh giữa các trường cũng là nguyên nhân quan trọng dẫn đến tình trạng chạy trường chạy lớp hiện nay.

Với lượng học sinh cả nước hàng chục triệu mà “trường chuyên lớp chọn” chỉ “luyện gà” được có vài ngàn học sinh/năm nhưng với suất đầu tư nhân tài, vật lực không hề nhỏ thì thật lãng phí.

Vì thế ngành giáo dục cần sớm mạnh dạn chuyển đổi loại trường này trở về dạng bình thường để vừa chăm bồi và phát triển nhân tài một cách đại chúng, vừa hạn chế được tư tưởng tự tôn cục bộ cho học sinh, hay thành tích ảo cho thầy cô giáo và gia đình các em.

Đưa các em hòa nhập trong mái trường thân thiện chung chính là rèn luyện tinh thần tập thể, bản lĩnh cá nhân, tính kiên trì nhẫn nại và cả những kỹ năng giao tiếp, kỹ năng sống và góp phần giáo dục học sinh “vừa hồng vừa chuyên” một cách toàn diện hơn.

Không thể phủ nhận trường chuyên lớp chọn thời gian qua đã bồi dưỡng, đào tạo khá nhiều nhân tài, góp phần không nhỏ cho sự nghiệp giáo dục nước nhà trong việc đào tạo nguồn nhân lực và mang về cho các địa phương, cho đất nước những thành tích rất đáng trân trọng. Tuy nhiên, việc đầu tư quá chênh lệch, cách tổ chức trường lớp lại biệt lập, việc sàng lọc, tuyển chọn cùng các chế độ đặc cách cho học sinh hiện hữu có những hạn chế nhất định về nhiều mặt, càng góp phần thúc đẩy tình trạng “chạy trường, chạy lớp” ngày thêm phức tạp.

Vì thế đã đến lúc ngành giáo dục nên xem lại hiệu quả xã hội của mô hình trường chuyên để góp phần đào tạo nguồn nhân lực lớn hơn cho đất nước.

 KS NGUYỄN VĂN THƯỚC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên