15/07/2010 11:26 GMT+7

Thành công thuộc về sự sống

LÊ HỮU MINH TUẤN (ĐH Sư phạm Đà Nẵng)
LÊ HỮU MINH TUẤN (ĐH Sư phạm Đà Nẵng)

TTO - “Ba mẹ ơi!. Cho con xin lỗi… Con thật bất hiếu vì đã không làm được những gì mà ba mẹ kỳ vọng…”. Những cái chết trẻ được bắt đầu bằng những ý nghĩ, những dòng chữ còn xanh màu mực tuổi học như vậy… Những cái chết trẻ sau mùa thi.

Cầm lá thư của người con trai trên tay, cô X ngất đi, tỉnh dậy, giọng cô run bần bật, nước mắt sa xuống làm nhòa dòng chữ học trò.

Mùa thi = mùa chia ly?

Bi kịch đã từng đến với gia đình cô X, khi cậu con trai duy nhất của cô tên L. (học sinh một trường THPT ở Quảng Nam) tự kết thúc đời mình bằng một chai thuốc trừ sâu. Người ta đã tìm thấy cậu trong tình trạng nảy người, sùi bọt mép, mắt trợn ngược trên giường. Dù đã được người thân nhanh chóng đưa đi cấp cứu nhưng đã quá muộn.

Thuốc và phút dại khờ của tuổi trẻ đã đưa người con trai đó bước ra khỏi trần thế. Để lại sau lưng tiếng vật vã của người mẹ và cái nhìn thất thần của người cha.

Chú M. - cha X. - giọng run run pha hờn tủi: “Nó là thằng con trai duy nhất trong gia đình. Cả nhà làm nông nên ai cũng chăm lo chút gì hay chút đó cho nó. Đặng mong đời con sẽ đỡ hơn đời cha".

Khẽ lạc giọng, chú M. kể tiếp: “Trong đợt thi tốt nghiệp phổ thông, không hiểu sao ngày thi đầu thấy nó hơi buồn, rồi ngày thi tiếp theo nó như người mất hồn. Gia đình chú thấy vậy, nói mẹ nó hỏi thử chuyện gì. Nó trả lời qua loa, hình như thi không được tốt lắm. Nó sợ…”.

Ông vừa nói vừa nhìn về phía bàn thờ, nơi di ảnh người con trai còn đang mặc áo trắng được lập một năm về trước phảng phất khói hương nghi ngút.

Cái chết trong giây phút không làm chủ được mình đã lấy đi ở L. cả một quãng đường dài phía trước. Đã giết chết đi hậu vận của những bậc sinh thành mình.

Những cái chết thương tâm như Sỹ, như L....để lại cho đời cả tiếng thương, tiếng giận. Còn nhớ, cũng trong sau kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2008, khi kết quả được ban bố trên các mặt báo thì cũng là lúc hình ảnh treo cổ của một cậu học sinh cũng ở Quảng Ngãi được thông tin.

Cái chết đã khiến cho cả dư luận giật mình, chẳng những giúp xã hội nhìn lại những áp lực mà tuổi học trò ngày nay phải chịu mà gia đình cũng nhận ra những điều đau xót, những sự bất cẩn kéo dài mà đáng ra không được có.

Gia đình và áp lực thi cử

Các thế hệ sĩ tử luôn phải gánh trên mình gánh nặng của sự kỳ vọng từ người lớn. Nhưng có lẽ chưa bao giờ, áp lực đó lại đè nặng lên trên sĩ tử như ngày hôm nay.

tn7sQgx4.jpgPhóng to
Ngay khi tốt nghiệp THPT, tuổi học trò đối diện kỳ thi đại học - cao đẳng hết sức căng thẳng (ảnh chỉ mang tính minh họa) - Ảnh: M.C

Thế hệ 8x và hiện nay là 9x - thế hệ chịu trên mình gánh nặng bằng cấp của xã hội, của sự kỳ vọng quá lớn.

P.T (lớp 11 trường THPT N.D.H., Điện Bàn, Quảng Nam) thổ lộ: “Ba má mình là giáo viên nên mình phải luôn nỗ lực. Chỉ nghĩ đến một bài thi không tốt, cuối năm không đạt danh hiệu học sinh giỏi... là mình run bắn lên rồi".

Tâm lý hoang mang, dao động... khiến sĩ tử ngày nay phải gồng mình để phấn đấu hết sức.

Trong khi đó, nhìn vào D., một cô gái 9X xì tin, năng động, luôn lạc quan yêu đời và đang đứng trên giảng đường đại học bây giờ, không ai nghĩ rằng cách đấy hai năm, D. từng nuôi trong mình ý nghĩ quyên sinh tại một dòng sông chảy xiết.

Nhớ lại vào thời điểm đó, D. không khỏi rùng mình: “Lúc đó, đầu óc mình mông lung. Cái ý nghĩ về ánh mắt lạnh lẽo của cha mẹ khiến mình chỉ nghĩ đến cái chết như là một sự giải thoát”.

Điều gì khiến cho D có ý nghĩ đó?. D cho biết: “Trong lần thi tuyển sinh ĐH, nghĩ là đảm bảo sẽ đậu nhưng không ngờ thi tài học phận. Số điểm thấp không đủ vô trường K.T. Đà Nẵng nên mình…”.

D. buột miệng: “Giả sử như lúc đó, nếu không có người bạn thân bên cạnh, hết lời khuyên nhủ lúc đó, thì chắc bây giờ mình đã không được như thế này”.

Và D. đã may mắn đã gượng dậy từ đôi tay nâng đỡ của những người bạn thân, dũng cảm đi tiếp trên đôi chân của chính mình từ trong sự lạnh nhạt của gia đình. D. đã chứng minh cho cả gia đình thấy, thất bại chưa phải là sự chấm hết. Và D. đã tự quyết đi trên con đường riêng của mình, thoát khỏi áp lực mà gia đình chèn vào mình suốt thời học trò.

Thành công không dành cho ai đã… chết

Những cái chết sau mỗi kỳ thi như hồi chuông báo động gióng vào xã hội, nhiều người lắc đầu cảm thương, nhiều người giận cho cái “tính khí còn bồng bột”. Nhiều người lớn trong cuộc sống trong chuỗi ngày dài hối tiếc. “Giá như lúc đó không bắt ép con quá thì giờ đây"

Báo chí lại vất vả vào cuộc buộc nhà chức trách giáo dục đưa ra những hành động cụ thể nhằm tạo ra những sợi dây liên kết tinh thần giữa “gia đình - nhà trường - xã hội” nhằm làm giảm đi những cái chết thương tâm sau mùa thi…

Nhưng nếu được nói điều gì đó với các bạn thí sinh vừa qua một kỳ thi và cả những học trò đang học phổ thông: "Chúng ta quyết định tương lai của chúng ta. Thành công không dành cho ai đã… chết!”.

LÊ HỮU MINH TUẤN (ĐH Sư phạm Đà Nẵng)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên