16/12/2008 07:28 GMT+7

Trường CĐ, ĐH "mọc như nấm sau mưa" - Bài 1: Đua nhau mở trường

HÙNG THUẬT - THANH HÀ
HÙNG THUẬT - THANH HÀ

TT - Chưa bao giờ các trường đại học, cao đẳng lại nở rộ như “nấm mọc sau mưa” như hai năm gần đây. Nơi nào cũng thấy trường đại học, tỉnh nào cũng có trường đại học! Thế nhưng trong số những trường mới thành lập, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên… của không ít trường còn thiếu thốn và sơ sài đến mức đáng lo ngại.

DNgdD0EZ.jpgPhóng to

Hiện cả nước có trên 360 trường ĐH, CĐ. Chỉ riêng trong 10 năm 1998-2008, số trường được thành lập mới đã bằng 50 năm trước đó. Chưa bao giờ trường ĐH, CĐ lại được mở ồ ạt như thời gian qua, hầu như tỉnh thành nào cũng có. Đỉnh điểm của quá trình “bùng nổ” về số lượng trường ĐH, CĐ rơi vào hai năm 2006, 2007. Trong hai năm này, số lượng trường ĐH được thành lập mới và nâng cấp lên gần 40 trường.

Chỉ tính trường ĐH thành lập mới, có đến 16 địa phương có trường mới trong khi trường ĐH được nâng cấp xuất hiện ở 27 địa phương. Số lượng trường CĐ gần gấp đôi với 70 trường (được thành lập mới và nâng cấp).

Ồ ạt ra đời

Mạng lưới trường ĐH, CĐ mới được thành lập hoặc nâng cấp chủ yếu tập trung vào một số khu vực. Riêng TP.HCM trong năm 2006 có ít nhất ba cơ sở giáo dục ĐH mới là Trường ĐH Công nghệ thông tin (ĐHQG TP.HCM), Học viện Hàng không, Trường ĐH Hoa Sen. Sang năm 2007, TP.HCM tiếp tục có thêm các trường ĐH Sài Gòn, ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, ĐH Quốc tế Sài Gòn, ĐH Kinh tế tài chính.

Số lượng trường CĐ thì “dập dìu”. Năm 2006, TP.HCM có hàng loạt trường như: CĐ Bách Việt, CĐ Văn hóa nghệ thuật Sài Gòn, CĐ Phát thanh truyền hình II, CĐ Dệt may thời trang, CĐ Tài nguyên và môi trường... Sang năm 2007, TP lại đón nhận tiếp các trường: CĐ Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, CĐ Viễn Đông…

Ở phía Bắc, Hà Nội dẫn đầu về tốc độ phát triển số lượng trường ĐH với 15 trường mới trong mười năm. Có thể kể ra những cái tên mới toanh như ĐH Đại Nam, ĐH FPT, ĐH Nguyễn Trãi, ĐH quốc tế Bắc Hà... Một vài trường trong số đó mới đến nỗi khi xuất hiện trong cuốn Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2008 chỉ có mỗi cái tên và địa chỉ, chưa có thông tin tuyển sinh vì chưa có quyết định mở ngành. Bên cạnh đó, Hà Tây (cũ) cũng là điểm nóng về tăng số lượng trường ĐH, CĐ.

s0ZszPZ9.jpgPhóng to
Hàng trăm sinh viên Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn phải học trong sảnh đãi tiệc cưới của một nhà hàng (ảnh chụp lúc 9g30 ngày 23-10-2008) -Ảnh: N.H.

Thậm chí hai trường ĐH Nguyễn Trãi và Đại Nam tuy xin thành lập ở Hà Tây (cũ) nhưng lại đóng đô ngay tại… nội thành Hà Nội. Tương tự, một số trường ĐH, CĐ ngoài công lập cũng xin đăng ký thành lập ở tỉnh nhưng thực chất lại tổ chức hoạt động đào tạo, tuyển sinh chủ yếu tại Hà Nội và TP.HCM.

Thư viện... 7 đầu sách

Ra đời ào ạt khi chưa đủ điều kiện nên nhiều trường đã hoạt động hết sức vất vả, tạm bợ.

Theo ghi nhận của chúng tôi, chỉ tính riêng trên địa bàn TP.HCM, hàng loạt trường ĐH, CĐ đang trong tình trạng chắp vá về cơ sở vật chất. Điển hình như Trường ĐHDL Hồng Bàng đã thành lập được hơn mười năm nhưng đến nay vẫn thuê mướn địa điểm nhiều nơi để tổ chức giảng dạy, các cơ sở này rải rác khắp các quận. Riêng sinh viên khoa du lịch đang học tại cơ sở ở đường Điện Biên Phủ (Q.Bình Thạnh) từ tháng 10-2008 phải chuyển đến cơ sở khác ở đường Thành Thái (Q.10). Đó là chưa kể một số cơ sở xập xệ đến thảm hại, nằm lẩn khuất bên trong dãy quán xá sầm uất.

Bên cạnh đó, một số trường đến nay vẫn chưa có lấy một phòng học nào của riêng mình, toàn bộ cơ sở đào tạo đều phải thuê mướn như ĐH Đại Nam (Hà Nội), CĐ Viễn Đông, CĐ kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân (TP.HCM). Thậm chí ĐH Công nghệ thông tin Gia Định, cơ sở 285/291 Cách Mạng Tháng Tám, Q.10, TP.HCM phải tổ chức giảng dạy trong một ngôi nhà dựng tạm trên… sân cầu lông.

Phòng học đã thiếu thì khó nói đến chuyện phòng thí nghiệm, phòng thực hành, thư viện đạt tiêu chuẩn. Đáng kinh ngạc là CĐ Viễn Đông chỉ có… bảy đầu sách trong thư viện (!)

Giảng viên: có 1, khai 20!

Đội ngũ giảng viên - bộ phận được coi là linh hồn của các trường ĐH, CĐ - cũng không được đầu tư đúng mức.

Để lách quy định của Bộ GD-ĐT, nhiều trường kê khống số lượng giảng viên của trường lên đến hàng chục lần. Điển hình như CĐ Kỹ thuật công nghệ Vạn Xuân (TP.HCM) trong tờ trình ngày 26-2-2008 báo cáo số lượng giảng viên cơ hữu tại trường gồm 20 tiến sĩ, 105 thạc sĩ, 63 cử nhân. Nhưng căn cứ trên thực tế bảng lương, trường này chỉ có 18 giảng viên. Trong đó chỉ có... duy nhất một tiến sĩ, sáu thạc sĩ và 11 cử nhân. ĐH Trà Vinh báo cáo có sáu tiến sĩ, 93 thạc sĩ trong đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường. Đến khi kiểm tra, số tiến sĩ thực tế chỉ duy nhất một người và thạc sĩ cũng chỉ còn 53 người. Tương tự là các trường CĐ Kinh tế kỹ thuật Bình Dương, ĐHDL Phú Xuân (Thừa Thiên - Huế), ĐH Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi), CĐ Đông Du...

Tại Trường ĐH Nguyễn Trãi, hoàn toàn trái ngược với danh sách “hoành tráng” mà ông chủ trường đệ trình lên Bộ GD-ĐT để xin thành lập và xin mở ngành, đến thời điểm này Trường ĐH Nguyễn Trãi không có khoa, không có giảng viên mà chỉ có vài phòng chức năng. Ông trưởng phòng đào tạo kiêm giảng viên đảm nhận môn tin học, bà trưởng phòng quan hệ quốc tế kiêm giảng viên tiếng Anh…

Quá nhiều yếu kém lồ lộ, các trường có thể che giấu ngày một ngày hai nhưng không thể tránh khỏi quy luật của yêu cầu phát triển.

Không đủ điều kiện vẫn… ra đời (!)

Theo các quy định hiện hành, một trường mới được thành lập phải có đủ các tiêu chí giảng viên dạy các ngành đào tạo dự kiến; tỉ lệ sinh viên/giảng viên được quy định tối thiểu 5-10 sinh viên/giảng viên đối với ngành đào tạo năng khiếu, chuyên ngữ; 10-15 sinh viên/giảng viên đối với các ngành khoa học tự nhiên, kỹ thuật, công nghệ và 20-30 sinh viên/giảng viên đối với các ngành khoa học xã hội và nhân văn. Đội ngũ giảng viên cơ hữu phải đảm bảo thực hiện không dưới 30% khối lượng giảng dạy.

Các trưởng khoa phải là giảng viên cơ hữu. Hiệu trưởng, hiệu phó phụ trách đào tạo, nghiên cứu khoa học và trưởng khoa phải có học vị tiến sĩ. Về điều kiện cơ sở vật chất, diện tích dành cho khu học tập, thí nghiệm là 6m2/sinh viên, khu ký túc xá 3m2/sinh viên. Đối với trường ĐH tư thục, diện tích đất tối thiểu phải đạt 10m2/sinh viên, trong đó tối thiểu là 4m2 dành cho học tập, thí nghiệm...

Nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn đó, các trường không thể được thành lập. Tuy nhiên, rất nhiều trường không đáp ứng được các điều kiện này vẫn được thành lập ào ào!

---------------------------------------

Kỳ sau: Hậu quả nhãn tiền

HÙNG THUẬT - THANH HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên