24/09/2021 09:17 GMT+7

Trường cao đẳng trong 'cơn lốc' điểm chuẩn

TRỌNG NHÂN
TRỌNG NHÂN

TTO - Đang có xu hướng các bạn ở những tỉnh lân cận nếu muốn học CĐ sẽ chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngay tại địa phương.

Trường cao đẳng trong cơn lốc điểm chuẩn - Ảnh 1.

Một tiết dạy trực tuyến trong studio của Trường CĐ Nghề du lịch Sài Gòn - Ảnh: TRỌNG NHÂN

Trong mùa xét tuyển năm nay, nhiều trường đại học (ĐH) ghi nhận mức điểm chuẩn tăng chóng mặt khiến không ít thí sinh trượt hoặc chỉ trúng tuyển ở những nguyện vọng dự phòng. Với các trường cao đẳng (CĐ), thông tin này chưa hẳn là một liều "doping" giúp tăng mạnh số lượng tuyển sinh.

ThS Trần Công Nam, phó hiệu trưởng Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn, cho biết vẫn khó để các trường nghề mời gọi học sinh. Nguyên do là vì các trường ĐH hiện có rất nhiều cách thức xét tuyển như xét học bạ, xét điểm đánh giá năng lực, tổ chức các kỳ thi riêng...

Xét học bạ, "vét" thí sinh

Không ít thí sinh vì muốn an toàn nên trước đó đã chọn xét tuyển bằng các hình thức khác. Vì vậy dù có trượt một số nguyện vọng ưng ý, nhiều em vẫn có thể trúng tuyển ĐH. Dễ dàng nhất là bằng cách xét học bạ. Ở một số trường ĐH tốp dưới, học bạ chỉ cần các môn trong tổ hợp xét tuyển từ 5 điểm trở lên là đã trúng tuyển.

ThS Nguyễn Khánh Cường, hiệu trưởng Trường CĐ Lilama 2 (Đồng Nai), cho hay không ít trường ĐH trong vùng đã tăng đáng kể chỉ tiêu cho phương thức xét học bạ. Do lo ngại dịch COVID-19 có thể khiến địa phương không tổ chức thi tốt nghiệp, nhiều trường ĐH đã đẩy mạnh việc xét học bạ để lấy sớm càng nhiều thí sinh càng tốt.

Trong khi đó, TS Bùi Văn Hưng, phó hiệu trưởng Trường CĐ Kỹ nghệ II, chia sẻ những năm gần đây thí sinh khi làm hồ sơ đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT và xét tuyển ĐH thường đặt rất nhiều nguyện vọng. Nhiều em còn đặt từ 10 - 20 nguyện vọng, thậm chí đến vài chục. Đồng nghĩa nếu điểm chuẩn tăng vọt khiến các em rớt nguyện vọng 1, 2, 3 thì vẫn có thể trúng vào các nguyện vọng 4, 5, 6 trong hàng loạt lựa chọn sẵn có của mình.

TS Hưng cho rằng vấn đề nằm ở tâm lý của nhiều thí sinh và phụ huynh vẫn thích học ĐH. Nếu trúng tuyển được nguyện vọng nào dù không phải là những lựa chọn hàng đầu, các em vẫn sẽ đăng ký nhập học thay vì rẽ sang hướng CĐ. "Trái lại, phần lớn thí sinh muốn vào các trường thuộc khối GDNN đều xác định sẽ đi con đường này ngay từ trước khi thi tốt nghiệp" - ông Hưng nói.

Khó hoàn thành 100% chỉ tiêu?

ThS Trần Công Nam chia sẻ hiện Trường CĐ Bách khoa Sài Gòn chỉ mới tuyển được khoảng 40% chỉ tiêu của năm nay. Nguyên nhân là vì dịch COVID-19 làm ảnh hưởng đến kế hoạch các trường phổ thông tư vấn tuyển sinh, vốn là một kênh hữu hiệu hàng đầu để thu hút người học. Kèm theo là tâm lý ngại đến TP.HCM trong mùa dịch để học CĐ của các sinh viên ngoại tỉnh. 

Thay vào đó, hiện đang có xu hướng các bạn ở những tỉnh lân cận nếu muốn học CĐ sẽ chọn học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngay tại địa phương. "Dự kiến đến hết đợt cao điểm tuyển sinh, chúng tôi có thể đạt được khoảng 75% chỉ tiêu nhưng hoàn thành 100% chỉ tiêu là rất khó" - ông Nam nói.

ThS Nguyễn Khánh Cường thông tin năm nay trường đặt chỉ tiêu là 1.800 sinh viên hệ chính quy, đến nay số lượng đăng ký đã đạt khoảng 1.400. Dù vậy, con số nhập học thật vẫn còn phải chờ trong thời gian tới. Để tạo thêm sức hút, trường đã mở thêm nhiều ngành nghề theo xu hướng công nghiệp như kỹ thuật robot, tự động hóa, logistics hay bảo trì hàng không...

Không nên theo ĐH nếu trái sở thích, sở trường

TS Trần Thanh Hải, hiệu trưởng Trường CĐ Viễn Đông, đặt vấn đề thay vì bằng mọi giá để vào ĐH mà không thực sự thích thú hay cảm thấy mình phù hợp, các bạn trẻ có thể cân nhắc học CĐ. Ông cho rằng những nguyện vọng ĐH được xếp dưới thường là những lựa chọn thí sinh thêm vào cho an toàn chứ không hẳn là ngành các bạn thực sự đam mê hay có thế mạnh.

Dù vậy, không ít trường hợp vì cố theo những nguyện vọng này, chỉ một thời gian ngắn sau khi vào ĐH, tân sinh viên đã cảm thấy không ổn, muốn thi lại và bỏ mất một năm học. Có một số bạn đến khi ra trường mới nhận thấy mình không phù hợp với con đường đã chọn và buộc lòng phải chọn cách làm trái nghề.

Ông Trần Anh Tuấn - chuyên gia dự báo nguồn nhân lực, phó chủ tịch Hội GDNN TP.HCM - chia sẻ ngày nay hầu hết các ngành nghề đều có nhiều hơn một bậc học, từ ĐH, CĐ đến cả trung cấp. Chẳng hạn các ngành điện, điện tử, cơ khí đều có ở ĐH và CĐ với kiến thức nền tảng gần như giống nhau. Điểm khác biệt nằm ở một số nội dung bổ sung cũng như việc học ĐH có thiên hướng nghiên cứu trong khi CĐ lại nghiêng về rèn luyện tay nghề.

5 nhóm ngành CĐ cần người nhiều nhất

Chuyên gia Trần Anh Tuấn cho biết trong giai đoạn 2021 - 2025 và đến năm 2035, nhu cầu nhân lực qua đào tạo ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam và TP.HCM cần qua đào tạo chiếm bình quân trên 90%. Trong đó, nhu cầu nhân lực qua đào tạo GDNN chiếm tỉ trọng bình quân trên 75%, bao gồm CĐ 20%, trung cấp 30% và sơ cấp 25%.

Ông Tuấn cho biết thêm theo dự báo 5 nhóm ngành nghề bậc CĐ cần nhiều nhu cầu nhân lực 2021 - 2030 mà các thí sinh có thể tham khảo bao gồm: 1.Các ngành công nghệ thông tin; 2.Các ngành cơ khí - điện - điện tử - điện lạnh - ôtô - hàn; 3.Các ngành thiết kế đồ họa - thiết kế thời trang - may thời trang; 4.Các ngành xây dựng - vật liệu - môi trường; 5.Các ngành công nghệ thực phẩm - công nghệ sinh học - hóa - bảo vệ thực vật - thú y.

Trường trung cấp, cao đẳng có thể cho thi tốt nghiệp kiểu trực tuyến Trường trung cấp, cao đẳng có thể cho thi tốt nghiệp kiểu trực tuyến

TTO - Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - thương binh và xã hội) đề nghị các trường trung cấp, cao đẳng tổ chức thi tốt nghiệp trực tuyến cho học sinh, sinh viên để đảm bảo kế hoạch năm học.

TRỌNG NHÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên