Trương Anh Ngọc: Nỗi sợ chết thật ra rất giá trị - Ảnh 1.

Trương Anh Ngọc từng ngồi nhậu đến 24h đêm; có một niềm thích thú riêng và dốc toàn bộ tinh lực vào nó; có một công việc và thành công nhất định.

Ở tuổi 30, anh ta là một người nổi tiếng, trong tư cách một BLV bóng đá. Nhưng ở tuổi 40, Ngọc bắt đầu nói về cái chết. Trong suốt sự nghiệp của mình, nhân vật này được biết đến trong tư cách một "đại sứ văn hóa" của Ý, tụng ca những điều lãng mạn. 

Trên Internet, rất khó tìm thấy một cái ảnh Trương Anh Ngọc không cười. Nhưng bên trong, ở vào giai đoạn mà nhiều người bắt đầu nghĩ đến sự "an hưởng", Ngọc lại suy niệm về cái chết, về quỹ thời gian còn lại, và nỗi sợ bị lãng quên.

Trương Anh Ngọc: Nỗi sợ chết thật ra rất giá trị - Ảnh 2.

- Khó tìm nổi một cái ảnh nghiêm nghị nào trên mạng của Trương Anh Ngọc, tất cả đều là đang cười?

Đúng là tôi lúc nào cũng lạc quan. Nhưng không phải lúc nào cuộc đời cũng suôn sẻ để mà cười. Ví dụ như, thời kỳ bắt đầu rời khỏi cabin bình luận, quãng đầu những năm 2000 là một quãng thời gian khó khăn. 

Lúc đó ai cũng biết ông Trương Anh Ngọc là "bình luận viên bóng đá Ý". Trong khi tôi nghĩ rằng cuộc đời mình không thể cứ ở mãi trong cái cabin 10 mét vuông được. 

Tôi không có ý coi thường nghề bình luận, nhưng trong tôi luôn có cảm giác rằng mình còn năng lực khác, mình còn làm được nhiều việc khác, làm báo về những chủ đề phong phú khác ngoài cuộc sống.

Nhưng có làm gì, thì ra đường, người ta vẫn chỉ nhớ mình là ông Ngọc bình luận bóng đá Ý thôi. Làm gì cũng không được thừa nhận. Người hâm mộ thậm chí còn tha thiết đề nghị hỗ trợ tôi quay lại làm BLV, mà không biết rằng như thế là phủ nhận những nỗ lực của mình. Lúc ấy không cười được, mà chỉ cảm thấy bực bội.

- Nỗi sợ không được thừa nhận này dường như rất khó giải quyết ở đàn ông?

Khi mang cảm giác ấy thì chỉ có thể biến áp lực thành động lực. Năm 2007 sang Ý, nói thật là tôi vẫn ấp ủ mong muốn viết một cuốn sách về bóng đá. Nó là tình yêu. Nhưng sau khi sống ở Ý, đi hết các sân vận động ở Serie A, tôi nhận ra rằng mình phải thay đổi. 

Cuốn sách của tôi sẽ là về văn hóa, về cuộc sống, một cuốn sách hoàn toàn khác. Và tôi viết "Nước Ý câu chuyện tình của tôi". Đó là bước ngoặt, khiến cho người ta nhìn nhận ông Trương Anh Ngọc trong tư cách một "tác giả", một "nhà báo" chứ không phải là ông "bình luận viên bóng đá Ý" nữa.

Bây giờ mọi người mời tôi lên sóng trong những cuộc trao đổi về giáo dục, về lối sống và văn hóa. Tôi tin đấy là sự thừa nhận. 

Nhưng thực sự thì để đến được đó, là một quãng 5-6 năm ròng làm đủ thứ mà không ai ghi nhận. Có lúc thấy đời trầm quá, đã phải quay lại cabin bình luận tìm chút không khí. Cũng may mà mình vẫn quyết tâm, để đi tiếp chứ không thỏa hiệp.

Trương Anh Ngọc: Nỗi sợ chết thật ra rất giá trị - Ảnh 3.

- Bây giờ có sự thừa nhận rồi, nỗi sợ trong sự nghiệp của anh là gì?

Nỗi sợ bây giờ là sợ không còn hấp dẫn. Không phải sự hấp dẫn vẻ ngoài thông thường, mà sợ mình sẽ trở nên nhàm chán trong tư duy. Có lúc trong một cái show về giáo dục, mình lại nói lại một câu mình đã nói trước đó trong một show thể thao. Chuyện này xảy ra rồi.

Trong xã hội Việt Nam, đàn ông đến một độ tuổi nhất định là đề cao sự "an hưởng", khi không còn phải lo về cơm áo, con cái cũng lớn rồi, thì cứ khề khà sống bằng lợi tức quá khứ, danh tiếng quá khứ thôi. 

Bản thân tôi cũng sợ rằng mình sẽ mất lửa. Một tuần trôi qua không thấy cuộc điện thoại công việc nào, là lại nghĩ: hay là người ta quên mình rồi; hay là mình đã trở nên nhàm chán. Và đấy là lúc lại phải lao vào đọc, vào học, vào việc tự làm mới mình.

- Nếu nỗi sợ chỉ là như thế, thì có vẻ như đàn ông ở tuổi nào cũng phải trải qua và sẽ không bao giờ dừng lại được?

Trương Anh Ngọc: Nỗi sợ chết thật ra rất giá trị - Ảnh 4.

Khi còn trẻ, người ta sợ rằng mình không thể làm được những điều mình muốn. Tuổi trẻ tôi hoang phí sức lực khủng khiếp. Làm việc bất kể giờ giấc, ăn uống bất kỳ cái gì mình thích. Thời gian đáng lẽ để nghỉ ngơi thì nhậu ròng rã, chơi games ngày đêm. 

Cho đến tận năm 2006, thì lời cảnh báo đến: sau 32 đêm thức liên tục để làm World Cup năm ấy, tôi vỡ động mạch mũi, mất máu. Đến lúc ấy, mới nhận ra rằng mình không thể tiếp tục sống như thế này được nữa.

Đến tuổi ngoài 40 như tôi bây giờ, khi nhận ra rằng điều mình muốn làm là gì, thì nỗi sợ chủ yếu là không còn thời gian. Sợ già và sợ chết. 

Bây giờ tôi đã tìm được một lối sống cân bằng hơn, ăn uống lành mạnh hơn, dành thời gian chăm sóc bản thân tốt hơn, và biết tập trung cho những điều mình đang làm. Nhưng giờ thì lại mang nỗi sợ của sườn dốc bên kia.

- Ngoài 40 mà đã bắt đầu nói đến nỗi sợ chết có phải là sớm không?

Tôi nhìn ra bạn bè xung quanh và bắt đầu thấy những người bỏ mình đi, như Trần Lập. Bệnh tật bắt đầu réo tên những người ở thế hệ tôi rồi. Bản thân tôi cũng đã trải qua một cú sốc về thể chất. 

Đi ra nước ngoài, tôi nhận ra rằng xã hội chúng ta còn nhiều người dễ dãi trong lối sống. Chúng ta chưa biết cách sống chậm lại, chưa biết cách sống hòa hợp với thiên nhiên, thậm chí chưa biết cách ăn uống cho lành mạnh.

Ngày xưa những món yêu thích nhất của tôi là đồ ngọt và thịt mỡ. Tôi ăn được nửa cân chocolate một ngày, và có thể nhậu từ 11h sáng đến nửa đêm liên tục. Trên mâm cơm, tôi thậm chí chỉ ăn thịt mỡ chứ không ăn thịt nạc.

Nỗi sợ chết thật ra rất có giá trị. Nó làm cho mình học cách cân bằng, và tối ưu cuộc sống của mình. Con cái thật ra cũng lớn rồi, gánh nặng tài chính cho việc học hành của nó chỉ là một phần. Nhưng cái mình sợ nhất, là ngày mai có chuyện gì xảy ra, mình còn bao nhiêu việc chưa làm được.

Trương Anh Ngọc: Nỗi sợ chết thật ra rất giá trị - Ảnh 5.

- Anh vừa nói người ta sống chậm lại?

Ở tuổi này, vừa muốn ngấu nghiến cuộc sống khi quỹ thời gian còn lại có hạn, lại vừa muốn sống chậm lại. Nhưng đó là lúc mà anh phải tìm ra những điểm cân bằng. Chính mâu thuẫn đó khiến anh phải xem xét lối sống của mình nhiều hơn.

Tôi không thoát được nỗi sợ cái chết. Nó vẫn dai dẳng ở đấy: tuổi tác thì vẫn tăng lên từng ngày, bất chấp sức khỏe và lối sống cải thiện thế nào. Nhưng suy niệm về cái chết chính là thứ giúp mình liên tục cải thiện chất lượng sống, liên tục tăng hiệu quả công việc.

Tôi không đặt ra những tham vọng điên rồ kiểu tuổi trẻ nữa. Mơ ước thì vẫn còn, ai cũng có. Nhưng tôi chỉ dám đặt ra mục tiêu trong quãng thời gian còn lại, mình thực hiện được một phần mười những ước mơ là tốt lắm rồi.

Trương Anh Ngọc: Nỗi sợ chết thật ra rất giá trị - Ảnh 6.

Người đàn ông trong xã hội hiện đại có nỗi sợ nào? Họ có chịu các định kiến về giới, có mang những áp lực đặc thù của xã hội Á Đông? Họ có sẵn sàng chia sẻ hay sợ bị phán xét? 

Chiến dịch xã hội #toisogi do Bảo hiểm nhân thọ MB Ageas Life tổ chức hướng tới khuyến khích người đàn ông nói ra những điều họ lo sợ. Bạn có thể chia sẻ về bản thân hay về những người đàn ông trong đời mình ngay dưới bài viết này hoặc tại website www.toisogi.com

Những chia sẻ của bạn sẽ tạo cảm hứng cho nhiều người, để cùng đi qua, để đồng lòng, trên hết là để cải thiện chất lượng sống của tất cả chúng ta.

Bài: THU HIỀN - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH - Thiết kế: CHARLIE TRẦN

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên