20/11/2017 13:43 GMT+7

Trước tòa, chỉ sự thật thôi là chưa đủ!

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Hai nhân vật cũ của Tuổi Trẻ mời tôi đến dự hai phiên tòa mà họ là nguyên đơn. Trong hai phiên tòa đều diễn ra những tranh luận gay gắt về những tờ chứng từ, hóa đơn...

Trước tòa, chỉ sự thật thôi là chưa đủ! - Ảnh 1.

Ông Đinh Công Ninh và hai con trai - Ảnh: NHƯ HÙNG

Cả hai nguyên đơn đều thất bại trước tòa, bởi họ chỉ có lý lẽ đời thường và hoàn toàn thúc thủ trước các yêu cầu phức tạp của những quy định pháp lý mà bản thân họ không thể lường trước.

Lý lẽ của Phụng

Vụ khiếu nại oan sai vì bị thu hồi đất ngoài quy hoạch của Phan Thị Kim Phụng dài 16 năm mới được xin lỗi, bồi thường vốn quá quen thuộc với độc giả Tuổi Trẻ. Phiên tòa dân sự ở TAND cấp cao tại TP.HCM ngày 6-11 lần này rất có khả năng là phiên tòa cuối cùng với cô.

Mảnh ruộng bị thu hồi sai quy hoạch của gia đình đã được đền bù bằng tiền, bằng đất nền. 

Việc Phụng và Loan (chị gái cô) bị truy tố, bị xét xử, bị tuyên án tù cũng được tòa án huyện Tháp Mười (Đồng Tháp) xin lỗi từ tháng 10-2016. 

Thế nhưng vấn đề bồi thường oan sai cho 9 tháng Phụng bị tù giam, Loan bị tù treo qua bao lần thương lượng vẫn không thành. Lại tiếp tục ra tòa, từ sơ thẩm cấp tỉnh rồi nay là phúc thẩm ở tòa cấp cao.

Vẫn những tranh luận cũ: số ngày mất thu nhập xác định như thế nào, chỉ là những ngày bị tạm giam, tạm giữ hay kể cả những năm tháng long đong đi khiếu kiện? 

Khoản thu nhập mỗi ngày là bao nhiêu, tính mức trung bình của lao động phổ thông như tòa hay mức trung bình của những người buôn bán rau trái như Phụng? Khoản bồi thường sức khỏe xét theo hóa đơn hay theo thực tế?...

Phụng trình bày: trước khi sự việc xảy ra, cô và chị gái giúp cha mẹ mang rau trái nhà trồng ra chợ bán. 

Khi đất bị thu hồi trái pháp luật, không những Phụng và Loan bị khởi tố, bắt giam oan mà vườn rẫy cũng mất, thu nhập của cả gia đình không còn. Cô có đi hỏi những người buôn bán rau vườn, tính trung bình 350.000 đồng/ngày để yêu cầu bồi thường.

Nếu sau khi được trả tự do, Phụng quay về với cuộc sống của mình, tìm việc làm thuê làm mướn thì không bao giờ có ngày chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp đứng ra chủ trì cuộc sửa sai, không bao giờ mảnh đất của cha mẹ cô được đền bù, không bao giờ chị em cô được xin lỗi, trả lại danh dự. 

Tính đến ngày UBND tỉnh nhận sai, đưa ra phương án giải quyết đã là 14 năm, đến khi được phiên tòa giải quyết bồi thường oan sai này, Phụng trải qua 17 năm đi gõ tất cả các cửa từ Nam chí Bắc gửi đơn khiếu kiện. 

"Chuỗi ngày long đong ấy của tôi cũng cần phải được bồi thường", một lần nữa, Phụng lại bật khóc trước tòa.

Đó là lý lẽ đời thường của Phụng. Nhưng với tòa án, để xác định việc Phụng hành nghề buôn bán cần phải có giấy phép đăng ký kinh doanh; để xác định thu nhập mỗi ngày phải có cơ quan thẩm quyền xác nhận; để xác định hao tổn sức khỏe phải có giấy nhập viện, ra viện, viện phí, đơn thuốc... Những giấy tờ này Phụng đều không có, hoặc không hợp lệ. 

Suốt bao năm đi kiện, thứ mà cô gìn giữ nhất chỉ là những lá đơn và các phiếu chuyển, phiếu báo.

Đại diện TAND huyện Tháp Mười - phía bị đơn - phân trần: "Chúng tôi biết bồi thường bao nhiêu cũng không bù đắp được những tổn thất của chị Phụng và gia đình, nhưng mọi cái đều có quy định của pháp luật. Chị Phụng nói làm nghề buôn bán, nhưng địa phương xác định đó là lao động phổ thông thì chúng tôi không thể làm khác".

TAND tối cao bác hầu hết yêu cầu kháng cáo của Phụng và Loan, chuẩn y theo thương lượng của tòa huyện từ cấp sơ thẩm. Phụng nói: "Tôi sẽ tiếp tục đưa đơn lên giám đốc thẩm. Vụ oan sai này cũng từng phải lên đến giám đốc thẩm mới được xem xét đúng hướng". 

Luật sư Nguyễn Văn Kiệm, người bảo vệ quyền lợi cho Phụng, cười buồn: "Giá như chính quyền và tòa án lúc nào cũng cẩn trọng, chi ly như khi xét bồi thường thì đâu có oan sai xảy ra".

Sự thật của thầy Ninh

"Tôi đã thua trong phiên tòa. Toàn bộ yêu cầu khởi kiện của tôi bị bác. Tôi cảm thấy sự thật, công lý bị bẻ cong..." - ông Đinh Công Ninh, thầy giáo dạy nghề tin học, nhân vật trong bài Cha làm phần mềm học chữ tặng con, chua chát nói với chúng tôi.

Từ năm 2009, bắt đầu từ những buổi dạy con trai ghép vần, làm toán, ông Đinh Công Ninh nảy ra ý định quay lại video clip, viết phần mềm từ chuyên môn của mình để đưa lên mạng cho các bạn bè cùng lứa với con cùng học. 

Nghĩ là làm, ông lập website học tập 360do.vn, lần lượt tải lên những phần mềm hướng dẫn các bài học vần, tiếng Việt, toán tiểu học theo chương trình học của chính con mình. 

Suốt tám năm, con trai lớn lên học cấp II lại đến lượt con trai nhỏ, hàng trăm video bài giảng trên 360do.vn và YouTube của "thầy Ninh" luôn đồng hành cùng hàng chục ngàn học sinh, phụ huynh khắp cả nước và cả các em nhỏ người Việt ở nước ngoài.

Đến năm 2015, tình cờ ông Ninh phát hiện các video clip dạy học của mình bị đưa lên trang vietgiaitri.com và có kèm theo những quảng cáo sản phẩm người lớn, game bạo lực. Tất cả có 387 video clip bị sử dụng trái phép. 

Liên lạc với vietgiaitri.com nhưng không được trả lời thỏa đáng, ông Ninh khởi kiện vietgiaitri.com về việc "xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ".

Hơn hai năm, TAND Q.Gò Vấp (TP.HCM) thụ lý rồi lại chuyển lên TAND TP.HCM, tới tháng 9-2017 phiên xử mới diễn ra, cuối tháng 10-2017 tòa mới tuyên án. 

Dù đại diện vietgiaitri.com không đến tòa sau nhiều lần được triệu tập, đồng thời không hề gửi một văn bản, ý kiến nào đến tòa để trả lời những tố cáo của ông Ninh, nhưng những yêu cầu đòi xin lỗi và bồi thường của ông đều bị bác bỏ.

Tòa nhận định: "Ông Ninh chưa đăng ký bảo hộ với bộ sưu tập dữ liệu này và không cung cấp được bản soạn thảo về nội dung chương trình. 

Những tài liệu chứng minh vi phạm của vietgiaitri.com do ông thu thập không tuân thủ đúng quy định là phải do người có chức năng lập, nên chứng cứ không có giá trị pháp lý...".

Ra khỏi tòa, ông Đinh Công Ninh hoàn toàn ngơ ngác. Lập phần mềm dạy học sinh giải các thuật toán, nhưng với bài toán pháp lý này thì ông giải sai. 

Tự tin rằng chương trình là của mình, bản quyền là của mình, được hàng ngàn học sinh, phụ huynh tin tưởng bao năm, ông không ngờ với tòa thì chỉ những bản in có vi bằng, công chứng mới được xem xét. 

Không ngờ các video clip ông thực hiện rất đơn giản trực tiếp trên máy tính lại phải có bản thảo mới được chấp nhận. Không ngờ những chứng minh thiệt hại bị yêu cầu phải nộp hợp đồng, hóa đơn đỏ...

"Tôi đã thua và tôi sẽ tiếp tục" - ông Ninh tuyên bố và nộp đơn kháng cáo, mời luật sư để lập lại hồ sơ đúng theo yêu cầu pháp luật. Phiên tòa phúc thẩm còn ở phía trước, nhưng những nghi ngại thì nằm chật trong lòng người.

Tin vào sự thật

Với những người dân như ông Đinh Công Ninh, như Phan Thị Kim Phụng, sự thật bao giờ cũng giản đơn như mắt thấy tai nghe.

Nhưng trước pháp luật, những điều mắt thấy tai nghe lại còn phải được chứng thực bằng con dấu, hóa đơn. Vì vậy mà con đường đòi lại công bằng vẫn cứ dài, dài đến đâu họ vẫn cứ đi. Họ tin vào sự thật.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên