18/02/2013 19:36 GMT+7

Trung Quốc quản lý cảng của Pakistan

TRẦN PHƯƠNG
TRẦN PHƯƠNG

TTO - Ngày 18-2, Trung Quốc ký thỏa thuận tiếp nhận cảng Gwadar của Pakistan và bác bỏ khả năng sử dụng cảng cho mục đích quân sự.

FQNVFpZR.jpgPhóng to
Một góc cảng Gwadar của Pakistan - Ảnh: AFP

Đại sứ Trung Quốc tại Pakistan Lưu Kiện khẳng định việc ký kết mới này "không có gì đáng lo ngại". Tuy nhiên giới phân tích nhận định đây là một bước đi nhiều chiến lược của Bắc Kinh chứ không chỉ vì lợi ích kinh tế.

Đại sứ Lưu Kiện cho biết thỏa thuận về cảng Gwadar là hợp tác tự nguyện giữa Trung Quốc và Pakistan vì lợi ích kinh tế cả hai nước và bác bỏ khả năng Bắc Kinh sử dụng cảng cho mục đích quân sự. Theo thỏa thuận ký ngày 18-2, Chính phủ Pakistan chuyển cảng này từ tay của Công ty Singapore PSA International cho Công ty cảng biển nhà nước Trung Quốc. Truyền thông Pakistan cho biết việc chuyển giao diễn ra trong vòng một tuần kể từ khi ký thỏa thuận với các điều khoản khoản hợp đồng không thay đổi.

Trước đó, AFP cho biết việc tiếp nhận cảng Gwadar là bước tiến chiến lược của Trung Quốc trong việc đảm bảo chính sách năng lượng, vận tải hàng hải và thành lập một căn cứ hải quân trên biển Ả Rập. Trong đó, khả năng Trung Quốc biến Gwadar thành một trong “chuỗi ngọc” cảng quân sự dọc Ấn Độ Dương khiến Ấn Độ phản ứng mạnh mẽ

Trước đó, Bắc Kinh cũng tung ra hàng loạt sự giúp đỡ từ kinh tế đến chính trị đối với Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh… để đổi lấy sự hiện diện tại các cảng biển của những nước này. Một số chuyên gia Pakistan lo ngại thỏa thuận Gwadar là bước đệm để chính quyền Islamabad có thể cho Bắc Kinh sử dụng những căn cứ hải quân khác sẵn có như Karachi hay Qasim.

Cựu tư lệnh lực lượng hải quân phía Đông Ấn Độ Arun Kumar Singh cho biết Trung Quốc sẽ cần 20 năm để biến Gwadar thành một căn cứ hải quân toàn diện, bao gồm việc sửa chữa tàu chiến, tàu ngầm, thiết lập khoảng không để giám sát hàng hải, đánh chặn bằng máy bay không người lái và chiến đấu cơ.

Tuy nhiên ông Singh khẳng định nếu xảy ra chiến sự, cảng Gwadar có thể bị hải quân và không quân Ấn Độ phá hủy dễ dàng bằng tên lửa hành trình và máy bay chiến đấu. Ông kêu gọi New Delhi thành lập lực lượng hải quân gồm 200 tàu, gồm 12 tàu ngầm hạt nhân, 500 máy bay chiến đấu để nâng cao khả năng phòng thủ, bên cạnh việc tăng cường đồng minh và kinh tế quốc gia.

Đối trọng với chính sách xoay trục châu Á

Các chuyên gia nhận định chính sách “tây tiến” của Bắc Kinh là một chiến lược mới nhằm đáp trả chính sách tái cân bằng của Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương. Theo World Politics Review, việc Bắc Kinh tìm cách lấp những khoảng trống do Mỹ để lại tại Trung Đông nhằm tăng ảnh hưởng đến các khu vực vừa thoát khỏi một trật tự an ninh do Mỹ thống trị.

Ngoài ra, chiến lược tây tiến sẽ giúp Bắc Kinh tránh được đối đầu quân sự với Mỹ tại Đông Á trong bối cảnh quan hệ hai nước ngày càng trở nên căng thẳng. Bên cạnh Pakistan, Trung Quốc cũng đang tìm kiếm một vai trò tích cực hơn trong tái thiết Afghanistan. Hội nghị ba bên giữa Trung Quốc, Afghanistan và Pakistan cuối năm ngoái cho thấy Trung Quốc thật sự đang trên con đường tiến sâu vào Nam Á.

Ngày 18-2, Trung Quốc cho biết sẽ gửi một đội tàu hải quân đến vịnh Aden để phối hợp với Pakistan diễn tập chống cướp biển dự kiến bắt đầu từ 4-3. Đội tàu Trung Quốc bao gồm một tàu khu trục tên lửa, một tàu chiến, hai trực thăng và 730 quân. Nhiều ý kiến cho rằng đây là một bằng chứng về sự tăng cường hiện diện hải quân của Trung Quốc tại khu vực, điều tất yếu sẽ dẫn đến nhu cầu của Bắc Kinh đối với các cảng quân sự.

Nhưng việc phát triển bến cảng Gwadar, dù không thiết lập căn cứ hải quân thường trực tại đây, cũng sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho Bắc Kinh tăng cường sức mạnh ở Nam và Trung Á. Quản lý cảng Gwadar sẽ giúp Trung Quốc khắc phục những điểm yếu chiến lược từ việc Bắc Kinh đang lệ thuộc eo biển Malacca chật hẹp và đông đúc nhập khẩu năng lượng.

Bên cạnh đó, nó còn giải quyết những yếu điểm tương tự ở eo biển Hormuz cách Gwadar không xa, nơi 60% dầu nhập khẩu của Trung Quốc đi qua nhưng lại có sự hiện diện hùng hậu của hải quân Mỹ.

TRẦN PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên