Đập Cảnh Hồng (ảnh) chỉ là một trong số ít nhất 11 đập thủy điện Trung Quốc xây dựng trên khu vực thượng nguồn sông Mekong - Ảnh: JAPAN TIMES
Trước đó, ngày 7-1, báo Tuổi Trẻ có bài phản ánh "Trung Quốc giảm xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng khi hạ du đang mùa khô". Với lý do bảo dưỡng đường dây truyền tải điện, Bắc Kinh thông báo giảm xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng trên sông Lan Thương - Mekong xuống hạ du còn 1.000m3/s trong thời gian từ ngày 5 đến 24-1.
Theo số liệu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, lưu lượng xả trung bình nhiều năm từ đập Cảnh Hồng trong thời gian này khoảng 1.650m3/s.
Với phản ánh trên, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN&PTNT và Bộ Tài nguyên - môi trường theo dõi chặt chẽ, dự báo kịp thời diễn biến dòng chảy sông Mekong và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long, chủ động chỉ đạo, điều hành sản xuất phù hợp, hạn chế thiệt hại.
Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-1, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết sau khi đập Cảnh Hồng (Trung Quốc) giảm xả nước, bộ đã nghiên cứu và có cảnh báo xâm nhập mặn ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long từ ngày 25-1 đến 16-2.
"Thời gian ảnh hưởng nặng nhất từ ngày 8 đến 16-2 do nguồn nước trên sông Mekong về ít, kết hợp với triều cường lên, khu vực miền Tây sẽ bị ảnh hưởng xâm nhập mặn nặng nhất" - ông Hiệp cảnh báo.
Theo ông Hiệp, dự báo hạn mặn năm 2021 không căng thẳng như năm 2019-2020 nhưng ở thời những điểm mặn cao điểm như từ ngày 8 đến 16-2, xâm nhập mặn có thể tương đương năm 2015-2016.
“Do đó, từ nay đến 25-1, bộ đề nghị các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, người dân tập trung tích trữ nước ngọt và có các giải pháp để chống xâm nhập mặn” - ông Hiệp nói
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận