06/08/2013 07:09 GMT+7

Trung Quốc chỉ còn 4 thành phố sạch

ĐÔNG PHƯƠNG
ĐÔNG PHƯƠNG

TT - Sau những năm tháng phát triển nóng, giờ đây Trung Quốc bắt đầu thừa nhận phải trả giá cho sự ô nhiễm mất kiểm soát.

4o4UaRGd.jpgPhóng to
Một em bé được chữa bệnh đường hô hấp tại Bệnh viện Nhi Bắc Kinh - Ảnh: TTXVN/Xinhua

Đầu tháng 8, chính quyền Bắc Kinh buộc phải công bố một thực tế đáng buồn: số du khách đến thủ đô Bắc Kinh lần đầu tiên sau năm năm giảm 14,3% trong sáu tháng đầu năm nay. Nhật báo China Daily cho biết đây là một đòn đau vì từ đầu năm, chính quyền đã thực hiện chính sách miễn visa trong ba ngày với hi vọng thu hút du khách.

Một mặt cho rằng kinh tế thế giới suy giảm khiến du khách giảm, nhưng chính quyền Bắc Kinh cũng phải thừa nhận thực tế: ô nhiễm không khí quá nặng khiến du khách không thèm ghé thăm. Giải pháp trước mắt được dự kiến là sẽ giảm vé máy bay đến Bắc Kinh để lôi kéo thêm những người thích giảm giá.

Nhưng chính những người sống lâu năm tại Bắc Kinh cũng đang tìm cách rời nơi này. Ông Ethan Perk, một thương gia Mỹ gắn bó với Bắc Kinh hơn 13 năm qua, mới đây đã quyết định bỏ nơi này để dời cơ ngơi về bang Florida (Mỹ). Lý do ông đưa ra hết sức đơn giản: không khí ô nhiễm đã ảnh hưởng nghiêm trọng sức khỏe của toàn bộ gia đình ông.

Cá dưới sông cũng dị dạng

"Nếu cứ tốc độ như thế này, chúng ta còn phải chờ đến vài trăm năm sau mới khắc phục hoàn toàn những thiệt hại đã gây ra! Những người bị hại tại các làng ung thư dần bỏ mạng. Không ít người đã tán gia bại sản để khám chữa bệnh... Họ có đợi nổi không?"

Tân Hoa xã

Không có điều kiện như ông Perk, nhiều người dân Trung Quốc đang phải cắn răng chịu đựng sự ô nhiễm không những từ không khí mà còn từ đất và nguồn nước sinh hoạt hằng ngày. Theo Nhật Báo Thanh Niên số ra đầu tháng 8, kết quả xét nghiệm đất tại các khu vực gần các khu công nghiệp ở thôn Song Kiều, tỉnh Hồ Nam cho thấy lượng chất cadmium chứa trong đất đã vượt 300 lần tiêu chuẩn cho phép. Hơn 500 trong số 3.000 dân làng tại đây nhiễm cadmium. Trong bốn năm qua, chất độc có thể gây ung thư này đã khiến 26 người thiệt mạng và hàng trăm người ngã bệnh.

Trong khi đó, Tân Hoa xã ngày 24-7 cho biết tình trạng cá chết hàng loạt diễn ra liên tiếp tại sông Hoài (con sông chảy qua năm tỉnh Hà Nam, An Huy, Giang Tô, Sơn Đông và Hồ Bắc) đã khiến người dân vô cùng bất bình.

Đáng ngại hơn trong thời gian qua, người dân tại các thôn ven sông liên tiếp nhiễm các chứng bệnh kỳ lạ. Ông Đỗ Vệ Minh, bí thư chi bộ thôn Đỗ Doanh, huyện Thẩm Khâu, tỉnh Hà Nam, xác nhận: “Bắt đầu từ những năm đầu 1990, người trong thôn liên tiếp mắc phải bệnh lạ. Các bệnh viện nhỏ bó tay. Lên bệnh viện tỉnh thì họ nói là bệnh ung thư”. Không khí chết chóc bao trùm 2.000 cư dân trong thôn. Từ năm 2003-2010, mỗi năm có mười mấy người trong thôn qua đời vì bệnh ung thư. Năm 2006, chỉ tính riêng một con hẻm trong thôn cũng có đến tám hộ gia đình mắc bệnh.

Các nhà máy xả chất thải độc hại xuống sông Hoài còn làm thay đổi hình dạng nhiều loại cá. Bể chứa tại văn phòng của nhà nghiên cứu môi trường Hoắc Đại San - mà giới truyền thông Trung Quốc mệnh danh là “dũng sĩ sông Hoài” vì những công trình của ông - có đến mười mấy loại cá bị dị dạng. Tất cả các loại cá ấy đều được vớt lên từ sông Hoài.

Sau nhiều năm truyền thông không ngừng đưa tin về tình trạng ô nhiễm nặng nề của hơn 100 vùng nông thôn Trung Quốc, tháng 3-2013, Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc lần đầu tiên thừa nhận sự tồn tại của “thôn ung thư”. Theo các chuyên gia môi trường, chính quyền không thể tiếp tục né tránh vấn đề này.

Mất tiền tỉ chữa chạy

Tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng đang buộc chính quyền Bắc Kinh phải sửa chữa sai lầm. Đợt ô nhiễm không khí trầm trọng tại thủ đô Bắc Kinh hồi tháng 1 năm nay đã buộc chính phủ phải đưa ra các biện pháp cụ thể nhằm trấn an người dân. Mới đây, Trung Quốc đang lên kế hoạch chi 1.700 tỉ nhân dân tệ (277 tỉ USD) để giảm 25% lượng khói bụi ô nhiễm trong không khí từ năm 2012-2017.

Bộ Môi trường Trung Quốc hôm 31-7 cũng đã ban hành “giải pháp tự kiểm tra và công khai thông tin đối với các xí nghiệp giám sát trọng điểm”. Bắt đầu từ năm 2014, ngoài việc chịu sự giám sát của các cơ quan chức năng, các nhà máy nằm trong danh sách giám sát trọng điểm (có chất thải ô nhiễm cao) sẽ phải tự kiểm tra sự ô nhiễm và công khai kết quả. Nếu không đảm bảo kiểm tra môi trường thường xuyên, báo khống hoặc giả mạo số liệu giám sát, các cơ quan chức năng sẽ không thông qua việc giám định môi trường - một trong những yếu tố quan trọng để doanh nghiệp phát hành cổ phiếu.

“Dũng sĩ sông Hoài” Hoắc Đại San dẫn kết quả nghiên cứu của Trung tâm Phòng chống dịch bệnh Trung Quốc chứng minh ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân trực triếp dẫn đến các chứng bệnh ung thư tại những ngôi làng sống ở lưu vực sông Hoài. Theo ông Hoắc, hủy hoại môi trường thì dễ, còn khắc phục hậu quả do môi trường bị hủy hoại chẳng hề giản đơn.

Ông Hoắc cho biết đây là cái giá rất đắt mà Trung Quốc phải trả cho việc phát triển các ngành công nghiệp gây ô nhiễm cao. Việc giải quyết vấn đề đòi hỏi một quá trình lâu dài. Theo ông Hoắc, Trung Quốc đã phạm phải một sai lầm lớn và đây là lúc trả giá!

Chỉ còn 4 thành phố đạt chuẩn không khí

Nếu muốn hít thở không khí trong lành tại Trung Quốc, chỉ có thể đến Lhasa (Tây Tạng), Hải Khẩu (tỉnh Hải Nam), Chu Giang (tỉnh Chiết Giang) và thành phố Huệ Châu (tỉnh Quảng Đông)! Đó là kết luận mới công bố của Bộ Môi trường Trung Quốc. Theo đó, chỉ có bốn thành phố kể trên trong số 74 thành phố được kiểm tra có không khí đạt tiêu chuẩn.

Trong khi đó, việc kinh doanh kho ứng dụng thông báo về tình hình chất lượng không khí trên điện thoại thông minh đang là dịch vụ ăn nên làm ra tại Trung Quốc. Nhu cầu tải kho ứng dụng này tăng với tốc độ nhanh chóng, đạt hàng chục ngàn lượt mỗi ngày. Có công ty như Longcat Labs khẳng định doanh số của mình tăng gấp ba lần nhờ nhu cầu tải tăng nhanh.

ĐÔNG PHƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên