Sinh viên Trung Quốc đang học tại một đại học ở thủ đô Bắc Kinh - Ảnh: AFP |
Theo Tân hoa xã ngày 29-1, Bộ trưởng Yuan Guiren khẳng định, các giảng đường đại học sẽ không có chỗ cho “những bình luận nhằm bôi bác sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc”, hoặc “chỉ trích chủ nghĩa xã hội”. Đảng Cộng sản Trung Quốc định nghĩa khái niệm “những giá trị phương Tây” với các nội hàm như cổ vũ bầu cử đa đảng, ủng hộ các lực lượng ly khai…
Quan điểm của Bộ trưởng Yuan đưa ra ngay sau khi Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi giới lãnh đạo tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng cộng sản trong các trường đại học, nhằm “củng cố và nâng cao công tác tư tưởng”.
Theo đó, ông Yuan nhấn mạnh, các giáo viên phải “giữ vững lập trường và đường lối căn bản về chính trị, pháp luật và đạo đức”.
Hiện tại các đại học tại Trung Quốc, mọi cuộc thảo luận về lịch sử hay những chủ đề khác nếu tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng tới uy tín và vị thế của Đảng đều được kiểm soát gắt gao.
Theo AFP, việc siết chặt giám sát trong học thuật được đẩy mạnh từ năm 2012 khi ông Tập Cận Bình lên làm Chủ tịch nước. Đã có nhiều giáo sư mất việc hoặc bị bỏ tù vì liên quan tới những vi phạm này.
Giáo sư kinh tế học Xia Yeliang, cựu giảng viên đại học Bắc Kinh, từng bị đuổi việc năm 2013 sau 13 năm thâm niên công tác vì tội danh liên tục kêu gọi việc thay đổi thể chế chính trị tại Trung Quốc. Tuy nhiên Đại học Bắc Kinh lấy lý do ông giảng dạy kém để sa thải. Năm ngoái ông Xia Yeliang đã di cư sang Mỹ.
Tháng trước, một tỉnh ở Trung Quốc cho biết đã lên kế hoạch lắp đặt các camera tại các giảng đường đại học. Thông báo này dấy lên dư luận phản đối trong giới luật sư. Họ cho rằng, làm như vậy sẽ hạn chế quyền tự do học thuật.
Trước đó giới cầm quyền từng lắp thiết bị camera theo dõi trong các lớp học của những học giả nổi tiếng hay phát ngôn “có vấn đề”. Vụ gần đây nhất là việc giáo sư kinh tế học Ilham Tohti bị bắt giam vì ủng hộ phong trào ly khai hồi tháng 9 năm ngoái.
Chứng cứ thu thập được từ các camera là bằng chứng buộc tội học giả của nhà cầm quyền Trung Quốc trong trường hợp phải đối phó với sự phản đối của các tổ chức bảo vệ nhân quyền.
Cùng với sự phát triển kinh tế, thời gian qua, Trung Quốc đã khuếch trương rất mạnh hệ thống giáo dục đại học. Trong khoảng 1 thập kỷ qua, số trường đại học, cao đẳng của nước này đã tăng gấp đôi.
Tuy nhiên con em của các quan chức chính trị cũng như doanh nhân giàu có của Trung Quốc đều thích theo học tại các trường đại học và học viện lớn ở Mỹ và châu Âu. Trong số đó, theo AFP, con gái của chủ tịch Tập Cận Bình cũng đã theo học Đại học Harvard từ năm 2010.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận