17/11/2016 10:58 GMT+7

Trung đoàn tên lửa mang tên Quang Trung từng bắn rơi B-52

MY LĂNG
MY LĂNG

TTO - Đây là một trong những đơn vị tham gia trận đánh Điện Biên Phủ trên không 12 ngày đêm năm 1972, rồi nhiều trận đánh thắng không quân địch, nhất là các trận bắn rơi máy bay B-52.

Kíp chiến đấu dây chuyền lắp ráp đạn đang thực hành lắp ráp đạn - Ảnh: VĂN ĐỨC

263 - trung đoàn tên lửa phòng không bảo vệ vùng trời phía Nam còn có tên gọi khác, tên một vị vua lừng lẫy trong lịch sử: Đoàn tên lửa Quang Trung.

“Pháo đài bay” B-52 đầu tiên bị tên lửa bắn rơi tại chỗ được lập nên bởi chiến công của những trắc thủ trung đoàn này. Và cũng chính trung đoàn là đơn vị bắn rơi 2 chiếc B-52 cuối cùng (ngày 14-1-1973).

Kiêu hùng “Đoàn tên lửa Quang Trung”

Khái niệm “sẵn sàng chiến đấu” trong thời bình của lính tên lửa phòng không chính là hoàn thành tốt nhiệm vụ quản lý vùng trời, phải thu được các tín hiệu rađa, nắm được các mục tiêu trên không mà rađa phát ra.

Một ngày 24 tiếng đồng hồ, trên vùng fir quản lý vùng trời phía Nam có hơn 500 chuyến bay, đều được nối mạng với các hệ thống phòng không quốc gia. Cả trung đoàn trực quản lý bầu trời 24/24 giờ.

Mỗi sĩ quan trực 8 tiếng (trong đó có 4 tiếng ban đêm) với hơn 500 chuyến bay cất hạ cánh, quá cảnh trong một ngày.

“Điều chúng tôi rất tự hào là công tác bảo dưỡng vũ khí khí tài của đơn vị rất tốt. Khí tài có độ ổn định cao dù đã cũ. Đội ngũ cán bộ kỹ thuật là những kỹ sư dày dạn kinh nghiệm, nhiều người học ở nước ngoài về

Thượng tá Vũ Đức Diện (trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 263)

Trong phiên trực của mình, sĩ quan phải nắm vững, nắm chắc, quan sát màn hình và quản lý tất cả phương tiện, thiết bị bay trên không để nhận biết địch - ta, mục tiêu lạ (bất thường). Đôi mắt dường như không lúc nào ngưng nghỉ.

Điều này vừa đòi hỏi trình độ, kiến thức, sức khỏe tốt vừa có tinh thần trách nhiệm cao. Tất cả thể hiện trên 2 mạng tiêu đồ: tiêu đồ tình báo và tiêu đồ quốc gia.

Chính ủy trung đoàn, trung tá Trần Nam Trung giải thích thêm: “Chỉ riêng máy bay dân sự cũng có nhiều kiểu dáng, với tính năng, trần bay, vận tốc bay khác nhau. Máy bay quân sự cũng vậy. Sĩ quan trực phải nắm được kiểu loại, tính năng, vận tốc, thời gian bay của tất cả để xử lý tình huống.

Những gì không được báo trước mà xuất hiện thì là mục tiêu địch, phải xử lý trong từng giây từng phút rồi báo cáo lên sở chỉ huy”.

Tên lửa Volga C-75: vũ khí chủ lực

Trải qua 50 năm sử dụng nhưng đến nay, tổ hợp tên lửa này vẫn có thể tác chiến tốt trong chiến tranh hiện đại. Volga C-75 là một trong những vũ khí quan trọng trong tác chiến trên không của Quân chủng phòng không không quân Việt Nam.

Thượng tá Vũ Đức Diện (trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa 263) cho biết: “Trong chống Mỹ, lực lượng phòng không Việt Nam đã sử dụng tên lửa này lập rất nhiều chiến công”.

Tên lửa Volga C-75 có tầm với xa nhất, chỉ thua mỗi hệ thống tên lửa phòng không S-300 hiện đại nhất mà quân đội Việt Nam mới sở hữu. Trong thời bình, tên lửa Volga C-75 đảm bảo tốt nhiệm vụ bảo vệ các mục tiêu kinh tế, chính trị, quân sự phía Nam của Tổ quốc.

Khi xảy ra tác chiến trên biển, cùng với không quân, tên lửa Volga C-75 có khả năng che đầu cho lực lượng tàu hải quân ven bờ và bảo vệ các tàu hải quân tác chiến trên biển.

Để tổ hợp tên lửa Volga C-75 có hệ số kỹ thuật tốt, hoạt động đồng bộ, chính xác thì ngoài khả năng tác chiến, các trắc thủ tên lửa phải giỏi cả về bảo dưỡng khí tài.

Với những người lính, được giao quản lý, sử dụng huấn luyện sẵn sàng chiến đấu một hệ thống tên lửa đã ít nhất 50 năm tuổi thọ là vấn đề không đơn giản. Bởi vũ khí qua nhiều năm sử dụng, những vật tư trang bị thay thế rất quý hiếm nay không có trên thị trường hoặc không sản xuất nữa.

Đơn vị lại đứng trên vùng ven biển, hơi muối theo gió bay vào, góp phần làm khí tài bị ảnh hưởng. Loại tên lửa này sản xuất cho quốc gia ở châu Âu, nơi có không khí khô, ít độ ẩm, trong khi khí hậu Việt Nam nhiệt đới gió mùa, độ ẩm lớn nên việc kéo dài tuổi thọ và bảo quản khí tài không dễ dàng.

Hai năm một lần khi quân chủng tổ chức bắn đạn thật, tên lửa tầm trung, Volga C-75 của Trung đoàn 263 vẫn tự tin tham gia và luôn đạt kết quả tốt nhất.

Trong đợt hội thi cán bộ trung đoàn trưởng, chính ủy trung đoàn giỏi do sư đoàn và quân chủng vừa tổ chức thì cả hai chỉ huy cao nhất của 263 đều đạt điểm giỏi.

“Đơn vị luôn duy trì nghiêm nề nếp chế độ canh trực ở sở chỉ huy các cấp, thực hiện 4 biết trong quản lý vùng trời, quản lý hoạt động bay, tăng cường nắm tình hình địch, tình hình an ninh chính trị địa bàn để ra tin báo cáo chỉ huy kịp thời” - trung tá Trần Nam Trung cho biết.

Sinh sau đẻ muộn, là trung đoàn tên lửa thứ 8 nhưng khi chiến dịch Hồ Chí Minh mở màn, 263 là trung đoàn tên lửa phòng không duy nhất được tham gia đội hình chiến đấu của binh chủng hợp thành cơ động vào miền Nam.

Trong những năm tháng chống Mỹ, trung đoàn chiến đấu trên nhiều chiến trường, hành quân cơ động hàng vạn kilômet trên hầu hết các tỉnh dọc chiều dài đất nước. Trung đoàn chiến đấu 294 trận, bắn rơi 67 máy bay địch (trong đó có 9 máy bay B-52). Được kế thừa chiến thuật cơ động đánh giặc của vua Quang Trung, ngày 11-11-1968, trung đoàn được lệnh cơ động về đánh địch bảo vệ Hà Nội.

Với thành tích đặc biệt trong hành quân “thần tốc”, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, Trung đoàn 263 được đặt tên là “Đoàn Quang Trung”.

Đây cũng là đơn vị nhiều lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cấp trung đoàn, tiểu đoàn và cả cá nhân. Sau ngày đất nước thống nhất, trung đoàn nằm trong đội hình chiến đấu của Sư đoàn 367, làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, quản lý vùng trời, bảo vệ bầu trời phía Nam và một số mục tiêu quan trọng khác.

MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên