01/10/2016 10:07 GMT+7

​Trùm mật thám Pháp ra tòa vì động đến nhà báo

NGUYỄN QUÂN
NGUYỄN QUÂN

TTO - Cựu lãnh đạo cơ quan an ninh nội địa Pháp, ông trùm mật thám Bernard Squarcini đã bị truy tố với 7 tội danh trong đó có tội lợi dụng quan hệ để trục lợi và tội biển thủ công quĩ.

Ông Bernard Squarcini trong lần ra tòa ở Paris ngày 18-2-2014 - Ảnh: AFP

Ông Bernard Squarcini hiện là lãnh đạo một công ty tư vấn về an ninh. Ông bị cho là đã nhiều lần sử dụng các mối quan hệ bạn bè cũ để thu thập thông tin và bán thông tin trong đó có những thông tin nhạy cảm.

Hôm 29-9 vừa qua, ông Bernard Squarcini, 60 tuổi, biệt danh “Cá Mập”, đã bị cáo buộc 7 tội danh trong đó có tội trục lợi từ khai thác quan hệ có ảnh hưởng, vi phạm bí mật điều tra, xâm phạm bí mật thư tín...

Bernard Squarcini có thâm niên lâu đời trong ban lãnh đạo ngành cảnh sát Pháp nên cấp dưới của ông đến giờ vẫn gọi thân mật ông là “Sếp”. Ông từng là nhân vật số hai của Tổng cục tình báo (RG), là giám đốc của Nha An ninh Quốc gia (DST).

Bị phạt tiền vì động đến nhà báo điều tra

Việc cựu trùm mật vụ của Pháp đối mặt những tội danh nghiêm trọng đang là vấn đề lưu tâm của truyền thông Pháp hiện nay bởi nhiều mối quan hệ chằng chịt của ông trong chính trường cùng nhiều phi vụ mờ ám mà giờ đây báo chí lần lượt phanh phui.

Vụ việc minh chứng cho kiểu lợi dụng chức vụ để trục lợi tài chính hoặc mục tiêu chính trị của ông trùm rõ nhất là vụ xâm phạm quyền tác nghiệp báo chí được pháp luật bảo vệ.

Đó là vụ được truyền thông Pháp đặt cho cái tên là vụ bê bối Woerth-Bettencourt.

Vụ việc bắt đầu vào ngày 18-7-2010. Hôm đó nhật báo Le Monde uy tín của Pháp đăng tải bài báo nói đến biên bản thẩm vấn ông Patrice de Maistre, người quản lý tài sản của nữ tỉ phú Pháp Liliane Bettencourt.

Trong biên bản, ông Patrice de Maistre có nêu các mối quan hệ của mình với ông Eric Woerth, khi đó là bộ trưởng Lao động của Pháp.

Ông Bernard Squarcini - khi đó là giám đốc của Tổng nha An ninh nội địa (DCRI), tức trùm mật vụ - đã yêu cầu cấp dưới lấy cho được bản lịch sử các cuộc gọi điện thoại của nhà báo Gérard Davet, tác giả bài báo trên Le Monde, để tìm xem ai là nguồn cung cấp "biên bản thẩm vấn" cho Davet.

Mối nghi ngờ lúc đó cho rằng "nguồn tin" chính là ông David Sénat, cố vấn của Bộ trưởng Tư pháp đương thời, bà Michèle Alliot-Marie.

Ngày 13-9-2010, báo Le Monde khởi kiện chống chính quyền vì "vi phạm nguyên tắc bảo vệ nguồn tin của nhà báo". Tờ báo cho rằng chính quyền của Tổng thống Nicolas Sarkozy đã sử dụng cơ quan DCRI truy tìm nguồn tin của nhà báo của mình. Khi đó Điện Élysée nhanh chóng phủ nhận việc đã ra lệnh cho tiến hành vụ này.

Mãi đến năm 2014, sau thời gian dài tranh đấu pháp lý, báo Le Monde mới đưa được Bernard Squarcini ra tòa khi ông đã mất chức trùm an ninh nội địa.

Ngày 18-2-2014, Bernard Squarcini, lúc này đã ra mở công ty tư nhân chuyên về tư vấn an ninh, phải ra tòa trả lời trước cáo buộc "thu thập thông tin vì mục đích cá nhân theo cách bất hợp pháp". Nếu bị buộc tội, cựu trùm an ninh phải ngồi tù đến 5 năm và nộp phạt đến 300.000 euro.

Ông Squarcini thừa nhận mình có chỉ đạo thu thập bản lịch sử điện thoại và tin nhắn của nhà báo Gérard Davet nhưng vì mục đích "bảo vệ lợi ích quốc gia".

Cuối cùng ngày 8-4-2014, tòa án ở Paris tuyên phạt ông trùm an ninh một thời mức tiền 8.000 euro đền bồi cho nhà báo Gérard Davet và 7.000 euro đền bồi thiệt hại cho báo Le Monde và Liên đoàn nhà báo Pháp.

Phất lên nhờ chống lưng 

Giờ đây khi ông trùm an ninh Squarcini một lần nữa đối mặt với vành móng ngựa, dù chưa bị bắt, báo chí có dịp tìm lại lý do vì sao ông ta lại có thể thao túng ngành cảnh sát Pháp đến như thế. Tất cả là nhờ có "chống lưng".

Hồi năm 2007, ông trùm "Cá Mập" được Tổng thống Nicolas Sarkozy bổ nhiệm làm lãnh đạo Tổng nha An ninh nội địa (DCRI) nhằm tạo ra cơ quan an ninh FBI kiểu Pháp.

Mối quan hệ của hai người được cho là đã hình thành từ năm năm trước đó trong vụ bắt giữ tên Yvan Colonna, kẻ ám sát tỉnh trưởng Claude Erignac.

Ông Nicolas Sarkozy lúc đó là Bộ trưởng Nội vụ, còn ông Bernard Squarcini là chỉ huy sở mật vụ tại đảo Corse.

"Ông Nicolas Sarkozy đã chống lưng, giúp cho Squarcini thăng tiến rất nhanh trong ngành cảnh sát. Vì thế Bernard Squarcini khi được thăng chức đã huy động phần lớn bộ máy mật vụ phục vụ cho Nicolas Sarkozy", bà Olivia Recasens, đồng tác giả cuốn sách “Điệp viên của Tổng thống”, mô tả về mối quan hệ giữa hai nhân vật.

Ông Bernard Squarcini (phải) và ông Nicolas Sarkozy (giữa) hồi năm 2004 ở Marseille. Hai người được cho là có mối quan hệ thân thiết nhiều năm liền - Ảnh: AFP

Năm 2012, khi ông François Hollande lên làm Tổng thống, Bernard Squarcini đã bị cách chức. Ông trùm mật vụ bỏ ra làm tư nhân và lập ra công ty tư vấn về an ninh Kyrnos.

Nhưng mối quan hệ của ông với cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy vẫn tiếp tục, Bernard Squarcini bị đặt nghe lén.

Vào tháng 4 vừa qua, trong khuôn khổ cuộc điều tra về nguồn tài chính ủng hộ ông Nicolas Sarkozy đến từ Libya thời năm 2007, cơ quan chức năng tiến hành lục soát văn phòng của Squarcini.

Cơ quan chức năng đã rất bất ngờ khi phát hiện các tài liệu đóng dấu mật quốc phòng.

Nhà báo Sarah-Lou Cohen, trưởng ban thông tin cảnh sát tư pháp của đài BFMTV, cho biết: “Các điều tra viên đã thu được các tài liệu được đóng dấu mật về quốc phòng, các hồ sơ cá nhân của những nhân vật chính trị”.

Từ nguồn chứng cứ này, cuộc điều tra được tiếp tục và cơ quan chức năng lần ra việc ông Squarcini đã sử dụng các mối quan hệ cũ trong ngành cảnh sát để thu thập các tài liệu nhạy cảm.

Không chỉ sử dụng các thông tin thu thập bất hợp pháp để giúp đỡ các chiến hữu chính trị, ông Squarcini còn bị cho là đã sử dụng các tài liệu nhạy cảm để trục lợi với khách hàng của mình.

Chẳng hạn với nhà sản xuất thuốc lá Philip Morris của Mỹ - một khách hàng của công ty tư vấn Kyrnos, ông Bernard Squarcini đã lợi dụng các mối quan hệ cũ với cảnh sát ở Marseille để thúc đẩy chuyện tấn công vào nạn buôn thuốc lá lậu để làm lợi cho khách hàng của mình.

Tương tự là với tập đoàn thời trang LVMH (Louis Vuitton Moët Hennessy) một khách hàng lớn của Kyrnos, ông Squarcini bị cáo buộc đã dùng quan hệ cũ để moi thông tin về cuộc điều tra liên quan đơn kiện của hãng Hermès với khách hàng của mình.

Hermès khởi kiện LVMH cách đây hai năm. Trong quá trình điều tra của cơ quan chức năng liên quan đơn kiện này, ông Squarcini từng bị tạm giữ hai ngày do dính líu vào vụ việc.

Từ vụ thẩm vấn Squarcini trong thời điểm đó, cơ quan chức năng quyết định đẩy vụ việc đi xa hơn. Sau quá trình lục soát, họ đã tìm thấy tài liệu liên quan Hermès tại nhà của ông Squarcini.

Ông  Patrick Maisonneuve, luật sư của ông Squarcini, cho rằng việc thân chủ mình có nhiều mối quan hệ và tận dung các mối quan hệ đó “là chuyện ai cũng biết và hiện cũng vẫn đang phổ biến”.

NGUYỄN QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên