30/04/2006 14:40 GMT+7

Trồng san hô dưới biển

Theo Khoa học và phát triển
Theo Khoa học và phát triển

Sau khi các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện đề tài nghiên cứu phục hồi rạn san hô dưới biển, độ phủ của san hô đã tăng từ 10% lên 89%, với mức tăng trưởng 5-6 cm/năm.

NcoAkNew.jpgPhóng to
Trồng san hô dưới biển
Sau khi các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang thực hiện đề tài nghiên cứu phục hồi rạn san hô dưới biển, độ phủ của san hô đã tăng từ 10% lên 89%, với mức tăng trưởng 5-6 cm/năm.

Vùng Hòn Ngang ở vịnh Quy Nhơn, Bình Định trước đây có hệ sinh thái san hô phát triển rất tốt, có các nguồn lợi và đa dạng sinh học như tôm hùm, ốc đụn, bào ngư, trai tai tượng... phong phú. Tuy nhiên do khai thác quá mức nên toàn hệ bị suy thoái, bị phá hủy theo tốc độ "người ăn, núi lở".

Trước khi phục hồi, độ phủ của san hô chỉ còn tối đa là 10-15%. Sau 12 tháng phục hồi, có đến 89% san hô sống và phát triển, tăng trưởng khoảng 5-6 cm/năm. Thành công này thuộc về các nhà khoa học thuộc Viện Hải dương học Nha Trang với đề tài Nghiên cứu giải pháp bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển và khắc phục ô nhiễm môi trường biển tự sinh, thuộc đề tài nghiên cứu khoa học công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước KC 09.07.

Nhà khoa học lặn xuống biển trồng... san hô

"Cứ sáng sớm, khoảng 6 giờ là chúng tôi lại ra biển. Chúng tôi đi trên một chiếc ghe máy nhỏ, khoảng 10 mã lực. Ra đến nơi thì làm việc liên tục đến tối mịt (khoảng 19 giờ) mới quay vào đất liền. Hòn Ngang cách biển 1.500km, nhiều lúc phải làm mười ngày liền ở biển, mang theo lương thực để nấu tại thuyền. Cả nhà khoa học cùng với các ngư dân lặn lội suốt ngày", PGS. TSKH. Nguyễn Tác An, Chủ nhiệm đề tài tâm sự.

Không chỉ có thế, họ còn gặp vô vàn khó khăn trong việc thực hiện đề tài như thiếu chuyên gia giỏi và các phương tiện để triển khai, thí nghiệm những ý tưởng khoa học, công nghệ. Thiết bị, hóa chất, công xưởng... phục vụ nghiên cứu còn quá khiêm tốn. Tuy nhiên "khó chúng tôi vẫn làm".

Với thời gian triển khai trong 36 tháng, cùng sự kết hợp của 12 cơ quan nghiên cứu, trường đại học và các địa phương trong nước, có hai viện khoa học của Liên bang Nga tham gia với hơn 100 chuyên gia, cán bộ nghiên cứu, giảng dạy... mục tiêu đặt ra đã được giải quyết. Đề tài đã đề xuất được bảy ứng dụng, giải quyết các vấn đề thực tiễn về bảo vệ môi trường, tài nguyên biển Việt Nam.

Kết quả đã không phụ lòng các nhà khoa học. Kết quả thử nghiệm phục hồi sáu loài san hô, ba loài cỏ biển, có tỷ lệ sống đạt hơn 70%. Đặc biệt là sau 12 tháng thử nghiệm phục hồi, các đặc trưng của hệ sinh thái như đa dạng sinh học, các chức năng hệ cũng được cải thiện rõ rệt.

Bên cạnh đó, các nhà khoa học còn kết hợp các cộng tác viên của đề tài ở bộ môn Hóa phân tích, khoa Hóa Đại học Khoa học Tự nhiên TP.HCM thiết kế chế tạo máy quang phổ hấp thu phân tử PN01, phiên bản 01, để phân tích hàm lượng các muối dinh dưỡng trong nước biển ven bờ, đã cho kết quả khá tốt. Đặc biệt là thiết bị đơn giản, dễ sử dụng và giá thành rẻ, phù hợp những người dân nuôi hải sản ven biển.

Ngoài ra, kết quả xây dựng mô hình nuôi tôm hùm sinh thái kết hợp với vẹm xanh ở Xuân Tự, Khánh Hòa đã làm phục hồi hệ sinh thái thảm cỏ biển ở đầm Thủy Triều, Khánh Hòa, phục hồi hệ sinh thái rạn san hô ở khu bảo tồn Hòn Mun, Khánh Hòa, ở vùng du lịch Hòn Ngang, Bình Định...

Nhen nhóm ý thức bảo vệ môi trường từ người dân

Điều mà ông An tâm đắc và cho là thành công nhất là sự hưởng ứng, tham gia triển khai nồng nhiệt của cộng đồng khi tiếp thu các kết quả nghiên cứu để đưa vào thực tế sản xuất và đời sống. Đây chính là "mảnh đất màu mỡ" cho mọi ý tưởng khoa học, công nghệ nảy mầm và phát triển".

NOKSyBlq.jpgPhóng to
Ông An cho biết, nếu không có người dân ven biển cùng tham gia, giải quyết các nhiệm vụ thực nghiệm tại hiện trường... thì các kết quả của KC09.07 không thể đánh giá được một cách trọn vẹn, các vấn đề lý luận không thể tìm ra cơ sở để lý giải, để hoàn thiện.

Kết quả khảo sát tại một số vùng biển Việt Nam và vùng Hòn Ngang cho thấy độc tố đều có giá trị lớn hơn 0,4-0,50, chứng tỏ đã chớm ô nhiễm. Có một số vùng, có hơn 20% số mẫu kiểm tra, có chỉ số độc tố vượt quá 0,8 - 0,9, chứng tỏ môi trường đã bị ô nhiễm. Hiện có đến 60% số rạn san hô trên toàn cầu (Đông-Nam Á có 80%) đang bị đe dọa nghiêm trọng. Thực tế có 10% rạn san hô đã bị hủy hoại và suy thoái.

Ngoài ra, các thảm cỏ biển, rừng ngập mặn là lá phổi, vành đai che chắn bảo vệ vùng ven bờ trước các tai biến thiên nhiên như bão tố, sóng thần, xói lở bồi tụ, là nơi cư trú và nuôi dưỡng thủy sinh, là "bẫy" xử lý ô nhiễm... cũng đang bị suy thoái đến 30-95% tổng diện tích.

Thế nhưng, giờ đây tại Hòn Ngang mầm sống đã nảy nở và lớn lên từng ngày. Đặc biệt là ý thức quản lý môi trường tự nhiên của cộng đồng ở phường Gành Ráng, thôn Bãi Xép chung quanh Hòn Ngang đã được nhen nhóm và phát triển. Đây mới chính là thành công căn bản của đề tài trong định hướng cộng đồng tham gia phát triển và bảo vệ tài nguyên môi trường biển, phục hồi các hệ sinh thái quan trọng.

Theo Khoa học và phát triển
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên