Đầu tiên, mọi người bày tỏ cảm xúc đầy thất vọng về thể thao TP.HCM. Trong lúc cả nước đang hào hứng xoay quanh một mùa giải V-League có tín hiệu khởi sắc, đặc biệt nhờ lứa cầu thủ trẻ của Hoàng Anh Gia Lai, thì bóng đá TP lặng như tờ!
Và khi thể thao TP ồn ào thì lại là chuyện tiêu cực. Đúng vậy, hỏi những người còn quan tâm đến thể thao TP.HCM rằng trong vài tháng gần đây có sự kiện nào gây xôn xao dư luận thì đó chỉ là hai chuyện buồn: 1- Vụ đội tuyển bi sắt - môn mà TP không có đối thủ, đã thất bại thảm hại tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014. Nguyên nhân là các VĐV với người phụ trách bộ môn, một nhân vật từng bị phản ứng nặng nề ở cầu lông sau đó điều chuyển qua bi sắt! 2- Vụ taekwondo không đạt chỉ tiêu huy chương tại Đại hội TDTT toàn quốc, nhưng lại cho Cà Mau, Bình Phước, Quân Đội mượn VĐV. Và một số VĐV cho mượn đã ghi công cho đơn vị mà họ khoác áo đánh thuê!
Tuy nhiên, như “tái ông mất ngựa”, trong nỗi buồn người ta lại tìm thấy chuyện vui! Vui cái gì? Nhiều người bảo họ vui vì thấy giám đốc Sở VH-TT Phan Nguyễn Như Khuê đã phản ứng hết sức quyết liệt về chuyện này. Bản thân tôi cũng thấy vậy, khi hơn 20 năm theo dõi thể thao, lần đầu tiên được thấy một vị giám đốc chấp nhận công khai đến mức mời cả báo chí vào dự cuộc họp liên quan đến vụ việc. Và cũng lần đầu tiên nghe được một vị giám đốc phụ trách thể thao thẳng thắn chỉ ra cấp phó của mình báo cáo chung chung, các giải trình quanh co; yêu cầu thanh tra vào cuộc kiểm tra mọi giấy tờ liên quan đến tiền bạc ở đội tuyển taekwondo, và cả chuyện đề nghị Ban nội chính Thành ủy vào cuộc.Nhiều người bảo nhờ ông Khuê thời trai trẻ là một VĐV điền kinh nên hiểu và cảm nhận được sự tai hại của các trò tiêu cực trong thể thao như xin - cho, mua - bán huy chương, ăn chặn tiền của VĐV, xà xẻo ngân sách... Giờ đây, ai cũng mong ông Khuê làm tới nơi tới chốn, rõ trắng đen câu chuyện ở đội taekwondo nhằm khởi đầu cho một công cuộc chấn chỉnh lại thể thao của trung tâm một thời vang bóng.
Cũng nhờ sự công khai của ông Khuê, mọi người giờ đây mới biết ngân sách của TP chi cho thể thao khá đậm, đến 400 tỉ đồng/năm. Nếu năm năm trước thể thao TP báo động với nạn chảy máu tài năng, thì vài năm gần đây diễn biến bắt đầu ngược lại. Chúng ta có thể thấy rõ qua câu chuyện tay vợt nữ Đài Trang ở môn quần vợt đã quay trở về TP sau khi rời Đà Nẵng, góp phần giúp môn này thành công rực rỡ tại Đại hội TDTT khi lấy sạch 7 HCV.
Nhưng thói đời nghèo thì khổ theo nghèo, và giàu lên cũng khổ theo giàu. Có tiền, người ta bắt đầu mở rộng cái gọi là liên kết với các địa phương để tạo nguồn nhân lực cho thể thao đỉnh cao. Và đó chính là lý do mà nhiều người đang dùng để biện minh cho chuyện ở tuyển taekwondo. Nhiều người bảo với tôi rằng lý do cho hàng loạt VĐV về thi đấu giúp một số nơi vô vụ lợi nhằm thực hiện chương trình liên kết là chuyện chỉ thuyết phục được những ai chẳng biết gì về thể thao. Thể thao TP bây giờ nhiều tiền, và đã giàu thì VĐV ùn ùn xin về chứ việc gì phải đi liên kết? Đài Trang đấy, cô và mẹ của mình phải năn nỉ mới được về TP.HCM đấy thôi. Và đã liên kết thì phải có lợi cho TP chứ sao lại nhận phần thiệt: mình có 1 HCV, còn đối tác thì nhiều hơn?
Nhiều người nhắc với tôi cái câu được xài nhiều trong thể thao: chẳng ai cho không ai cái gì!
Cuối cùng, tôi xin kể một câu chuyện vui: nhiều người kể tôi nghe chuyện ở một số bộ môn vượt chỉ tiêu HCV tại Đại hội TDTT toàn quốc 2014 đã nhận được những lời đề nghị “buông” ở chung kết, đổi lại sẽ nhận 300-400 triệu đồng một HCV. Tôi đã tìm gặp một số người trong cuộc để xác tín thông tin này và tất cả đều bảo đúng như vậy. Tuy nhiên, họ không chịu xuất hiện vì “những người đề nghị mua HCV tuy ở các địa phương khác nhưng cũng là anh em trong nghề cả thôi. Mình nói ra chắc chắn thành chuyện lớn, chưa kể người ta cũng chỉ mới đề nghị thôi mà”. Trả lời câu hỏi vì sao từ chối thì ai cũng bảo: Đó là danh dự, là trách nhiệm của một công dân TP. Nhận vài trăm triệu tuy là lớn đấy, nhưng suốt đời không dám ngẩng đầu nhìn mọi người!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận