12/07/2013 22:00 GMT+7

Trộm kiểng lộng hành

                 DÃ QUỲ
                 DÃ QUỲ

TTC - Chơi cây kiểng là thú chơi tao nhã của người xưa lẫn người nay. Theo nhiều người thì chơi cây kiểng giúp họ có cảm giác gần gũi thiên nhiên và dĩ nhiên đó là thú chơi tốn kém cả thời gian lẫn tiền bạc, bởi có cây kiểng trị giá tiền tỉ chứ không ít. Thường thì cái gì có giá trị vật chất cao cũng trở thành tâm điểm của bọn đạo chích.

xoMficA3.jpgPhóng to

Chạy trời không khỏi mất

Xe máy, tiền, vàng người ta để trong nhà, bỏ trong két sắt hoặc gởi ngân hàng, chứ cây kiểng thì chỉ để được trước sân, ngoài vườn... do đó, sau một đêm ngủ dậy việc chỉ nhìn thấy cái dấu lằn còn lại của chậu kiểng quí in trên nền đất là điều dễ xảy ra. Nhà nào dư dả, muốn bảo toàn và phát triển cây kiểng của mình thì giao khoán cho các nhà vườn nhận chăm sóc cây cảnh. Mà nhà vườn thì họ chỉ hơn nhà mình ở chỗ có đất rộng, có người chuyên cắt tỉa cành, bắt sâu, bón phân và tưới cây chứ làm gì có két sắt để bỏ cây vào nên cũng bị mất như thường.

Ông Tám - một chủ vườn cây cảnh than: “Hầu như năm nào tôi cũng bị trộm vào chôm ít nhất là chục cây. Có năm cao điểm chúng chôm gần 30 cây. Mà cây nào cũng có giá trên chục triệu của người ta gởi mình chăm sóc!”. Đưa mắt nhìn về dãy hàng rào mới xây ông tiếp: “Mấy năm trước tui rào bằng lưới B40, bị mất khá nhiều nên đầu tư tiền xây hàng rào bằng xi măng cho chắc, vậy mà mất vẫn cứ mất. Kiểu này chắc bỏ nghề cho rồi, chứ làm mà thu nhập không đủ tiền đền cho người ta thì làm làm gì cho mệt!”. Được biết, các loại cây kiểng mà bọn trộm kiểng thường nhắm vào là những cây thuộc loại cổ thụ, có dáng thế đẹp như: đa, đề, sanh, si và mai.

Ông Hoàn - một tín đồ của thú chơi cây kiểng cho biết, trong vòng hai tháng nhà ông bị trộm viếng chôm cây cảnh đến 7 lần. Lần nào chúng cũng chôm toàn cây có giá trị. Có cây ông mới đi mua ở vựa kiểng hơn chục triệu về hôm trước, hôm sau đã bị mất dù ông đã xích, khóa cẩn thận. “Bị mất cây kiểng đã tức, lại tức thêm vì chúng còn lấy luôn cả dây xích, ổ khóa của tui như một sự khiêu khích. Tính đến thời điểm này tui bị mất hơn chục bộ dây xích, ổ khóa, đúng là mất cả chì lẫn chài!”. Ông than thở giọng bực tức.

Đối với người chơi cây cảnh, họ rất quí cây cảnh, hết lòng chăm sóc tinh tế “nâng như trứng hứng như hoa” nên việc phải mua dây xích, ổ khóa về để khóa chậu và cây cảnh là việc thô tháo, chẳng đặng đừng. Hình ảnh một chậu cảnh đẹp trưng trước nhà nhưng bị xích vào hàng rào như đang bị cầm tù thật là khó chịu, thế nhưng chịu khó thế mà vẫn mất mới thật là... uất!

Còn chuyện bị trộm “viếng”, rinh hết vườn kiểng như của ông P. đúng là “đau như hoạn”! Chuyện là vầy: Mê cây kiểng nên ông thường hay đi lùng nơi các nhà vườn ở Thủ Đức, Gò Vấp, theo kiểu “kiến tha lâu đầy tổ”. Sau thời gian miệt mài đi lùng mua, đến lúc nhìn lại thấy từ trong nhà ra đến ngoài sân chỗ nào cũng có kiểng, ông hài lòng quyết định “dừng bước giang hồ”. Thế mà sau một đêm thức dậy, ông tá hỏa khi thấy vườn kiểng bị trộm dọn sạch chỉ chừa lại vài cây ốm yếu không có giá trị.

Đường đi của kiểng trộm

Đối với người có niềm đam mê chơi cây cảnh thì gặp một cây có thế đẹp họ sẵn sàng bỏ ra vài triệu hay vài chục triệu để mua. Còn với bọn trộm, thì chúng chỉ bán đổ bán tháo giá bèo lại cho các nhà vườn. Thậm chí có một số tên trộm còn đi ăn trộm theo “đơn đặt hàng” của một số người thích chơi cây đẹp giá rẻ.

Trong vai người đi lùng mua cây kiểng giá rẻ, chúng tôi được ông T. người chuyên “đặt hàng” bọn trộm kiểng khoe: “Anh cần cây gì, dáng thế ra sao, chỉ cần đặt hàng khoảng một tuần là có”. Theo tìm hiểu của chúng tôi vài năm trước ông làm nghề quay chậu (đúc chậu). Từ đây ông có dịp tiếp xúc với người đi mua chậu về trồng kiểng và dân trộm kiểng. Rồi thấy nghề buôn cây kiểng, nhất là kiểng ăn trộm mà mua đi bán lại thì đúng là “một vốn mười lời” khỏe hơn cái nghề quay chậu suốt ngày trộn xi, sàng cát mà lời chẳng bao nhiêu. Và để “hợp thức hóa” nguồn hàng kiểng trộm, ông mở một cửa hàng chuyên bán hoa kiểng nhỏ.

Thường, các cửa hàng hoa kiểng nhỏ chỉ chuyên bán những loại cây kiểng trị giá vài chục ngàn, còn ở cửa hàng của ông toàn cây có dáng, thế “độc”, trị giá cao.

Và tại đây, chúng tôi bắt gặp cảnh hai thanh niên trong dáng dân nghiện chở đến một cây Tùng có thế rất đẹp, nếu bình thường, cây Tùng này có giá trên 5 triệu đồng. Nhưng vì đây là hàng ăn trộm nên ông chỉ mua chưa tới 300 nghìn. Thấy chúng tôi thắc mắc về nguồn gốc của cây Tùng thì ông giở bài ngữa bảo: “Hàng này bọn nó đi “lượm được”, nếu anh thích thì đưa 4 triệu tôi để lại cho, coi như sang tay kiếm ít tiền cà phê cà pháo”.

Rời cửa hàng ông T. chúng tôi đến vườn kiểng ông L. trên đường quốc lộ 13. Cũng như ông T., ông L cũng kinh doanh cây kiểng của dân trộm cắp. Nhưng vì vườn của ông qui mô hơn, nên ông mua cả những cây thuộc loại đại thụ từ Bình Phước, Đắc Nông, Đồng Nai đưa về để bán cho các đại gia hay phục vụ nhu cầu làm đẹp ngoại cảnh cho các nhà hàng, quán cà phê sân vườn hoặc vận chuyển ra phía Bắc. Còn những cây nhỏ thì chăm sóc tại vườn chờ dịp cuối năm mới bán.

Theo lời một người chuyên bán kiểng dạo (chở cây kiểng trên xe máy, xe đạp) cho biết thì trong số những người bán kiểng dạo, cũng có không ít người kiêm luôn nghề trộm kiểng hoặc lấy chính nguồn kiểng trộm để chở đi bán dạo vì ham giá rẻ, lãi nhiều. Và để phòng chống nạn trộm kiểng, người chơi cây kiểng chỉ còn cách tự mua dây xích, ổ khóa về xích lại hoặc nuôi chó để giữ kiểng. Nhưng kiểng vẫn mất theo đường kiểng, chó mất theo đường chó.

xWcXJNRP.jpgPhóng to

Tuổi Trẻ Cười số 479 ra ngày 01/07/2013 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

                 DÃ QUỲ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên