Bìa hai cuốn sách của TS Giáp Văn Dương
Hơn cả những kiến thức khoa học về các vấn đề vật lý, hóa học phức tạp được giảng giải rất dễ hiểu cho những đứa trẻ, hai cuốn sách ấy khiến các bậc cha mẹ suy nghĩ về những cuộc trò chuyện đầm ấm nhưng đầy kích thích trí tuệ giữa cha mẹ với con cái.
Đó là hai cuốn sách khoa học của TS Giáp Văn Dương có tên Gọi tên hạt của Chúa - Nobel Vật lý 2013 và Con mèo của Schrodinger và quả táo của Newton - Nobel Hóa học 2013 vừa được NXB Nhi Đồng phát hành và tái bản ngay sau đó.
Đây là hai cuốn sách đầu tiên trong bộ hơn 100 cuốn sách "Trò chuyện khoa học 4.0" của TS Giáp Văn Dương nhằm "mang" các giải Nobel tới độc giả từ 9-16 tuổi.
Không như sách khoa học thường thấy, tác giả chọn cách đặc biệt để truyền tải các tri thức rất "nặng" - các công trình nghiên cứu được giải Nobel - đến các em học sinh thông qua các cuộc trò chuyện giữa cha và con gái.
Những cuộc đối thoại này được đưa đẩy trong nhịp đời sống sinh hoạt gia đình đầm ấm ở một ngôi nhà trong mơ với phòng thí nghiệm bí mật, khu vườn trồng hoa, sân cỏ, hồ sen, công viên gần cạnh và cả một khu rừng nhỏ.
Ở đó, lời giảng giải của người cha thông thái về các vấn đề khoa học "rắc rối" như hạt cơ bản, hạt của Chúa, những công thức hóa học, hạt, sóng... và cả lịch sử của những phát minh nhân loại nữa được đặt trong phòng thí nghiệm, bữa trà chiều, và cuộc trò chuyện sau bữa cơm tối quây quần của cả gia đình.
Bài học giữa cha (Dr. Giáp) và con (chị Kú) được mềm mại đặt trong sinh hoạt gia đình, với các thành viên dễ thương: mẹ Mumi, hai em Daisy, David và robot Kà Tưng, siêu máy tính Kà Tẻng, Ti vi BT (Ti vi Biết tuốt).
Khi đưa các nhân vật là đại diện của trí tuệ nhân tạo vào đời sống, tác giả cũng luôn "cảnh giác" người đọc về những điều chưa nhân văn, những giới hạn của trí tuệ nhân tạo.
Siêu máy tính Kà Tẻng được ông giới thiệu là: "tuy tính toán rất giỏi nhưng không biết tính để làm gì. Kà Tẻng biết mọi thứ trên đời nhưng lại không hiểu rõ bản thân mình...".
Thỉnh thoảng, trong cuốn sách của mình, tác giả lại "cài cắm" những cảnh báo với ai đó đang quá hân hoan về trí tuệ nhân tạo: "Điều làm cho Kà Tưng phiền muộn nhất là tuy có mọi cảm xúc, lại được trang bị siêu trí tuệ nhân tạo, nhưng Kà Tưng vẫn chưa trả lời được câu hỏi "Ta là ai?", "Tình yêu và hạnh phúc là gì?", nên nhiều lúc Kà Tưng tỏ ra mệt mỏi và chán đời?".
Những cảnh báo này hoàn toàn hữu ích cho một thế hệ của thời đại 4.0 hôm nay, rằng họ đừng quên những giá trị không thể thay thế của con người và không để cuộc đời mình thành "mụ mị" và "nô lệ" công nghệ.
Ngoài kiến thức uyên bác được trình bày dễ hiểu cho thiếu nhi, tác giả còn mang đến cho các bậc phụ huynh một bài học sâu sắc: Giáo dục là quá trình mà được bắt đầu bởi sự quan tâm và tình yêu trong gia đình, và đối thoại giữa cha mẹ với con cái là việc quan trọng nhất giúp con trưởng thành.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận