18/06/2012 02:02 GMT+7

Trò chơi kéo mo cau

NGỌC BÍCH (BCK33 ĐH KH Huế)
NGỌC BÍCH (BCK33 ĐH KH Huế)

AT - Trò chơi thuở bé, anh ưa kéo mo cau chở em quanh ngõ vườn. Cô bé mỹ miều cười run run bờ vai, tay ôm chắc vành mo. Chiếc tàu mo nhỏ bé, anh giả người phu xe hỏi đi đâu bé à…? Giọng ca ngọt ngào của Dương Ngọc Thái như chở tôi về với tuổi thơ - một trời hoa mộng…

3La0hddR.jpgPhóng to
Ảnh: Flickr

Thuở ấy, lũ con nít trong xóm nhiều lắm. Mà kể cũng lạ, đứa nào đứa nấy đầu trần chân đất, nghèo khổ mà thảy đều vạm vỡ, khỏe mạnh, chẳng bao giờ thấy ốm đau gì. Mỗi ngày trôi qua là chúng tôi lại có một sự lựa chọn với vô số trò chơi. Nào đánh khăng, trốn tìm, chơi ô ăn quan, dung dăng dung dẻ, nào câu cá, bịt mắt bắt dê… và nhất là trò kéo mo cau. Không biết vì lý do gì mà lũ chúng tôi ai cũng mê mẩn với tàu mo cau đơn sơ đến vậy. Có lẽ vì ngay từ nhỏ, chúng tôi đều được tắm gội trong những lời ca dao phảng phất hương trầu cau của các mẹ, các bà…

oOo

- Anh kéo em đi. Mo cau em mới xin được của nhà ông Hưng đấy!

- Anh kéo rồi có được gì không?

Bao giờ anh cũng cười tít mắt vì câu hỏi đã rõ câu trả lời.

- Anh kéo lượt đi, em kéo lượt về là hòa!

Trong ánh nắng chan hòa của buổi sáng miền Trung, trán anh lấm tấm mồ hôi mà hai tay vẫn không rời mo cau để mong… tới lượt hay nhận lấy những lời cổ vũ, khen ngợi của em, em cũng không biết nữa. Con đường đá sỏi lởm chởm trong làng đã nhiều lần làm em chảy máu hoặc xây xước tay chân do nắm mo cau không vững. Rồi nước mắt em cũng xuôi dần theo những lối mòn anh phát hiện ra, theo những lời an ủi trẻ con “nín đi rồi anh cõng về nhà” của anh và theo chân anh đi biệt xứ…

Em còn nhớ hơn một lần em bị mẹ đánh đòn vì mãi không chừa cái tội đi kéo mo cau, kéo mòn mo cau và mòn cả quần, bắt mẹ phải khâu đi khâu lại mấy lớp vải chần lên làm hai cái “đèn pin” ở mông. Ấy vậy mà đến chiều tối, em lại kè anh đi kéo mo cau cho bằng được. Lũ bạn thấy vậy chọc quê em. Em sửng cồ lên chửi. Còn anh, thấy thế lại còn gọi em là “bé đèn pin” làm em giận, nghỉ chơi với anh một tháng, héo úa cả mấy cái mo cau bên hè.

- Hôm nay ta đi chơi kéo mo cau nhé? - Anh có mấy cái “xịn” cất ở nhà chờ bé rủ đi chơi nè! Anh mở lời khi thấy em xoắn xuýt hết nhảy dây lại qua hát đồng dao với lũ con gái.

Em cong cớn:

- Em không thèm chơi với anh nữa. Thà chơi “thả đỉa ba ba” còn hơn.

Anh lủi thủi đi về, bỏ lại sau lưng một khoảng trời xôn xao “Thả đỉa ba ba - chớ bắt đàn bà - tha tội đàn ông - cơm trắng như bông - gạo hồng như nếp…”.

Và em đã bỏ rơi anh, bỏ rơi nụ cười nơi những vành mo cau dai dẳng theo chiều dọc tuổi thơ của mình. Ngày anh về thăm quê, gặp em, anh ngỡ ngàng vì nét duyên thầm của người thiếu nữ trong cô bé con ngày nào. Cười cười anh nịnh:

- “Bé đèn pin” của anh dạo này xinh quá, làm anh nhận không ra…

Em thẹn thùng không biết trả lời, chỉ thấy trống vắng một góc tuổi thơ…

oOo

Bây giờ, khi đã là sinh viên sống xa nhà, mỗi dịp về quê nhìn những mo cau dày cộm, cứng cáp rớt xuống bên hè nhà bác Hưng không có ai tới xin, lòng tôi lại xuyến xao thèm được một lần nữa kéo mo cau khắp làng như hồi bé, được ai đó gọi thân thương “bé đèn pin” - tiếng gọi mà ngày nào mình đã dại dột dỗi hờn, nay nghe thật xa xôi…

160ASJFx.jpgPhóng toÁo Trắngsố 11 ra ngày 15/06/2012hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

NGỌC BÍCH (BCK33 ĐH KH Huế)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên